Ngô Nhân Dụng
Trong bài nói chuyện với sinh viên Đại học Rangoon tại thủ đô nước Miến Điện (Myanmar), Tổng thống Barack Obama nói: “Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương và chúng tôi quan niệm tương lai nước mình gắn bó với các quốc gia và dân tộc ở phía Tây đại dương này. Và khi kinh tế nước chúng tôi hồi phục, đây là nơi chúng tôi sẽ tìm được triển vọng phát triển lớn lao. Trong lúc đang chấm dứt những cuộc chiến tranh đè nặng trên chính sách ngoại giao của nước tôi trong hàng chục năm, vùng đất này sẽ là trung tâm điểm cho những nỗ lực của chúng tôi để xây dựng một nền hòa bình phồn thịnh.”
Chuyến công du đầu tiên của ông Obama sau khi tái đắc cử cho thấy mối quan tâm của ông đối với khu vực Á Đông. Ông cũng nhấn mạnh đến vùng Đông Nam Á, với “triển vọng hòa hợp giữa các quốc gia và các dân tộc.” Ông nói, “trong khối ASEAN chúng ta thấy hình ảnh các quốc gia đang phát triển, những chế độ dân chủ đang thành hình …” Ông nói: “Ở đây, thành phố Rangoon, tôi muốn gửi một thông điệp cho toàn thể Á châu: Chúng ta không nên bị tù hãm trong quá khứ. Chúng ta phải hướng về tương lai.”
Đối với người dân Miến Điện, tương lai đã được hai người vạch ra: Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ đối lập, bà Aung San Suu Kyi. Khi nhắc tới các chế độ dân chủ đang đứng lên, ông Obama đã làm cho các thính giả người Miến hãnh diện. Họ đã mở đầu cuộc hòa giải giữa chính quyền quân phiệt và những người tranh đấu cho tự do dân chủ và bắt đầu các thay đổi định chế để xây dựng một nước Miến Điện mới. Ông Obama khuyên: “Cuộc cải tổ từ trên xuống cần phải đáp ứng với những khát vọng của người công dân từ nền tảng đưa lên.”
Obama nhắc đến cố tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt, người đã kêu gọi thế giới phải bảo đảm bốn quyền tự do căn bản: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do không bị thiếu thốn, và tự do không sợ hãi. “Bốn quyền tự do đó hỗ trợ lẫn nhau, người ta không thể thực hiện một điều mà bỏ qua các điều khác.” Và để bảo đảm cuộc sống tự do dân chủ, “một quốc gia phải có bản hiến pháp bảo đảm rằng chỉ những người do dân chúng bầu lên mới được cai trị dân.” Ông mô tả Dân Chủ giống như một giấc mơ chung của tất cả mọi người: “Chúng ta đều mong ước: được lựa chọn lấy những người lãnh đạo; được hưởng một nền giáo dục và sống sung túc hơn; được thương yêu gia đình và cộng đồng quanh mình. Vì vậy tự do không phải là một khái niệm trừu tượng; tự do là điều chính yếu giúp cho loài người có thể tiến bộ - tự do không phải chỉ trong việc bỏ phiếu bầu, mà trong cuộc sống hàng ngày của mình.”
Với cách nói giản dị và cụ thể, ông tổng thống Mỹ đã khéo léo trình bầy cho các sinh viên Đại học Rangoon hiểu thế nào là lối sống tự do dân chủ. “Trước hết, chúng tôi tin tưởng vào quyền tự do phát biểu để nghe được tiếng nói của người dân bình thường, và chính quyền phản ảnh khát vọng của dân. Thay vì bị đàn áp, từ nay quyền tự do hội họp của người dân phải được tôn trọng. Ngầm nhắc lại quá khứ độc tài quân phiệt cai trị nước Miến Điện trong nửa thế kỷ qua, ông Obama nêu lên mô hình dân chủ: “Hoa Kỳ là nước quân đội mạnh nhất thế giới, nhưng quân đội phải đặt dưới quyền chỉ huy của chính quyền dân sự. Tôi, là tổng thống, ra lệnh cho quân đội. Tôi gánh trách nhiệm đó vì tôi chịu trách nhiệm với dân chúng.”
tôi không thể buộc quốc hội phải theo ý mình – mặc dù có lúc tôi cũng muốn lắm. Ngành lập pháp có những quyền lực riêng của họ, nhờ thế họ kiểm soát quyền lực của tôi và tạo cân bằng với quyền lực của tôi. Tôi bổ nhiệm các vị thẩm phán, nhưng tôi không thể nào bảo họ phải phán quyết ra sao, bởi vì tất cả mọi người dân nước Mỹ - từ một trẻ em nghèo cho đến tôi, một người làm tổng thống – đều bình đẳng trước luật pháp. Một vị thẩm phán có thể phán xét chính tôi có theo luật hay là phạm luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Ông Obama trình bầy viễn tượng kinh tế sẽ phát triển sau khi nước Miến Điện dân chủ hóa, nhưng ông cũng cảnh báo các mối rủi ro. Nhắc tới quyết định của chính quyền Mỹ ngưng cấm vận và chính quyền Miến Điện bắt đầu mở cửa, ông nói: “Khi các bạn được tự do sử dụng tài năng của mình, cơ hội sẽ tới cho tất cả mọi người. Và bây giờ, khi nhiều tiền bạc đổ vào trong nước các bạn, chúng tôi hy vọng và chúng tôi muốn thấy tất cả mọi người Miến Điện được hưởng. Không thể để cho một thiểu số ở trên cùng được hưởng. Phát triển kinh tế chỉ đạt được nếu loại trừ được tham nhũng. Để cho các món tiền đầu tư tạo cơ hội cho tất cả mọi người, cuộc cải tổ phải đưa tới những quyết định ngân sách công khai và giới kinh doanh tư được hoạt động.”
Ông Obama có nhắc tới vụ một công ty Trung Quốc xây đập Myitsone bị đình chỉ sau khi dân biểu tình phản đối, và ca ngợi các tài nguyên phong phú của Miến Điện: “Xứ sở của các bạn đã nổi tiếng về những tài nguyên, nhưng các tài nguyên này phải được bảo vệ chống việc khai thác bóc lột.” Từ đó, ông chuyển sang tầm quan trọng của giáo dục: “Nhưng chúng ta không được quên điều là khi kinh tế toàn cầu hóa thì tài nguyên quan trọng nhất của một quốc gia là người dân nước đó. Ở nước Mỹ chúng tôi, giáo dục là chìa khóa cho tương lai, tôi thấy đó cũng là chìa khóa mở cửa tương lai quốc gia các bạn.
Ông Obama đã khai triển về các quyền tự do căn bản như Tổng thống Roosevelt nhắc đến. Khi bàn về quyền tự do không sợ hãi, ông đã dẫn lại một bài bà Aung San Suu Kyi viết trong lúc còn bị tù. Bà Suu Kyi viết rằng sợ hãi hủy hoại cả hai bên: Những người sợ mất quyền hành bị nỗi sợ làm hư hỏng, những người bị đè nén cũng bị nỗi sợ làm đồi trụy.” Aung San Suu Kyi cũng viết: “Sợ hãi không phải là tính tự nhiên của con người văn minh.” Ông Obama nói với các sinh viên: “Hôm nay tôi đứng đây, chính các bạn chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng sự sợ hãi không phải là bản chất cách sống tự nhiên của xứ sở này.” Ông ca ngợi “cuộc hành trình” dân chủ hóa của dân tộc Miến Điện có triển vọng sẽ “gây hứng khởi cho nhiều dân tộc khác.” “Tôi tin tưởng rằng nhiều điều đang diễn ra ở đất nước này sẽ không thể nào đảo ngược lại được; và ý chí của dân tộc Miến Điện sẽ nâng cao cả quốc gia lên để làm gương cho cả thế giới thấy.”
Tấm gương của dân tộc Miến Điện đang được mọi người Việt Nam nhìn với lòng ngưỡng mộ. Số phận hai dân tộc trước đây giống nhau: cùng sống dưới các chế độ độc tài khiến cho kinh tế tiến chậm nhất trong vùng Á Đông. Nhưng dân Miến Điện đang nhìn thấy có tương lai, còn dân Việt Nam chưa biết ngày nào mới thoát. Ông Obama đã tới thăm Miến Điện mặc dù họ mới chỉ bắt đầu tiến trình dân chủ hóa chưa được hai năm. Điều đó chứng tỏ ông tin tưởng ở dân tộc Miến Điện, mà ông ghi nhận: “Hai nước chúng ta đều xuất phát từ trong Đế quốc Anh; và Mỹ nằm trong số các quốc gia đầu tiên công nhận nước Miến Điện độc lập.” Cuộc viếng thăm của ông cũng là để giữ một lời hứa: Trong bài diễn văn nhậm chức năm 2009, ông Obama nhắc lại ông đã “gửi một thông điệp cho những chính quyền cai trị dân bằng sự sợ hãi: “Tôi nói chúng tôi sẽ đưa bàn tay ra bắt nếu các ông chịu nới lỏng nắm đấm của các ông,” để giải thích tại sao ông đến nước Miến Điện để đưa bàn tay ra bắt tay.
Bản thông điệp tại Đại học Rangoon là thông điệp về tự do dân chủ. Ông Obama không trực tiếp nói với chính quyền các nước khác, nhưng ý kiến rất rõ ràng: Nếu các chính phủ độc tài chịu nới lỏng ách đè nén trên người dân thì nước Mỹ sẽ kết thân với tất cả các quốc gia tự do dân chủ. Ông còn nhắn nhủ cả chính quyền Trung Quốc: “Tôi hoan nghênh sự trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc cũng như Ấn Độ. Hoa Kỳ sẽ cộng tác với bất cứ quốc gia nào, nhỏ hay lớn, nếu các quốc gia đó đóng góp vào một thế giới hòa bình hơn và thịnh vượng hơn, công bình hơn và tự do hơn. Hoa Kỳ sẽ là bạn của tất cả các quốc gia tôn trọng nhân quyền của các công dân nước họ và tôn trọng luật pháp quốc tế.”
Ai cũng biết rằng cuộc cải tổ chính trị ở Miến Điện đã phát khởi từ mối lo ngại của người dân nước này trước sự bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Chính những người cai trị cũng nhìn thấy các hiểm họa trong việc di dân Trung Hoa, việc khai thác tài nguyên rừng, mỏ. Chính quyền Bắc Kinh cũng tìm cách mua chuộc các người lãnh đạo làm ung thối cả hệ thống cai trị, đặc biệt là trong những tỉnh vùng biên giới hai nước. Đảng Cộng sản Việt Nam phải rút lấy một bài học từ Miến Điện. Phải trả lại các quyền sống dân chủ tự do cho 90 triệu người dân để kinh tế có cơ hội phát triển. Như ông Obama nhấn mạnh tại Rangoon: Chế độ Dân chủ là một điều kiện cần để kinh tế phát triển.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/11/ngo-nhan-dung-thong-iep-cua-tu-do-va.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn
vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001