Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Qua một vài phát biểu thấy rõ thêm bản chất của chế độ và con người của chế độ 


Dân Làm Báo - Đầu tháng, Quốc hội cùng nhau họp bàn công tác phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng. Tội phạm và tham nhũng được gom thành một. Chí ít, những ông bà đảng viên được đảng cử dân phải bầu này cũng sáng suốt được một điều: Tội phạm và tham nhũng là một theo đúng phương trình toán học thời kỳ quá độ: Tội phạm + Tham nhũng = Quan chức đảng.

Xin được trích lại 1 số phát biểu của các ĐBQH được thông tin trên báo lề đảng: 

Đại biểu Võ Thị Dung (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban MTTQVN Tp. HCM, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật, Cao cấp Lý luận chính trị): “Một lần nữa, tự đáy lòng mình tôi tha thiết mong muốn trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ có những thông điệp lạc quan về quyết tâm chính trị và hành động tích cực để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cũng như phòng, chống tội phạm, đem lại sự an dân.” 

Chỉ dựa vào câu nói này, vài người đọc có thể xúc động về sự tha thiết của bà đại biểu quốc hội, là người không những chỉ đại diện cho cử tri của Tp. HCM mà còn "là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước." (theo điều 97 Hiến pháp). 

Tuy nhiên, bà đại biểu Võ Thị Dung đã muốn "Quốc hội sẽ có những thông điệp lạc quan về quyết tâm chính trị và hành động tích cực để phòng, chống tham nhũng" như thế nào? 

Thông điệp mà bà đề nghị là: 

- Quốc hội và Chính phủ cùng hứa trước quốc dân đồng bào sẽ không bao giờ tham nhũng... 

- 498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”. 

- Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được. 

- Hỗ trợ cho bà Dung, đại biểu Đỗ Văn Đương (Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tiến sĩ Luật, Cao cấp Lý luận chính trị) đã đề nghị năm 2013 và các năm tiếp theo mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công chức tiết chế lòng tham

- Và tóm lại bằng câu phát ngôn ấn tượng cũ mèm của ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phía chính phủ: "Không thể một sớm, một chiều giải quyết được ngay tình trạng tham nhũng... không thể nói ngay sau kỳ họp này tham nhũng giảm hẳn đi ngay lập tức." 

*

Điều 84 Hiến Pháp quy định nhiệm vụ của Quốc hội: 

1- Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; 

2- Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;... 

Đối chiếu chức năng, trách nhiệm của Quốc hội và những phát biểu của các ông bà ĐBQH chúng ta rút ra một số điều như sau: 

1. Tư duy làm việc của các ông bà đảng viên Quốc hội này không dựa vào luật mà dựa vào lời hứa. Đứng trước mọi vi phạm về những luật mà do chính Quốc hội lập ra (theo Điều 84 khoảng 1 HP) các ông bà này cho rằng chỉ cần cùng "hứa" trước quốc dân đồng bào sẽ không bao giờ vi phạm. Các ông bà đã quăng mớ luật của các ông bà vào thùng rác và leo lên nắp thùng, đứng tha thiết xin hứa rằng... Phương châm sống, chiến đấu, học tập... của các ông bà đảng viên đội nón quốc hội này không phải là "sống và làm việc theo pháp luật" mà là những lời hứa hẹn đồng điệu múa với bước đi "không dẹp được tham nhũng tôi sẽ từ chức" của ông đảng viên đồng chí X đứng đầu chính phủ.

2. Các ông bà họp bàn công tác phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng nhưng các ông bà không thể đưa ra một đạo luật, biện pháp gì để từ đó - chưa nói đến thành công - ngược lại, chỉ có thể gửi một "thông điệp lạc quan về quyết tâm chính trị và hành động tích cực để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả". Vì sao? vì làm sao, trên đời này tìm đâu ra những tên ăn cướp có thể làm luật chống ăn cướp thành công!?. Làm sao những tên giết người có thể giám sát tốt việc tuân theo luật (do những tên giết người làm ra) được áp dụng với những kẻ sát nhân như thế nào!? Và cụ thể trong phạm vi chống tham nhũng, làm sao những tên ăn cắp, tham ô, tham nhũng có thể giám sát, giải quyết tội phạm ăn cắp, tham ô, tham nhũng? Điều này, không phải do ai khác dựng lên và bỏ vào mồm các ông bà này mà do chính các ông bà thú nhận: 

"498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả VÀ bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”

Đại biểu quốc hội họp bàn công tác phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng nhưng nhìn qua nhìn lại đều thấy những khuôn mặt tham nhũng đang ngó nhau. Bởi vì nhìn mặt nhau đã thấy 2 chữ tham nhũng in trên trán, cho nên các ông bà KHÔNG THỂ NÀO KHÁC HƠN là phải tiếp tục vất bỏ luật pháp vào thùng rác, mọi sự nghiêm trị công minh bằng pháp luật không thể áp dụng cho các ông bà: 

"Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được." Pháp trị đối với các ông bà là đồ bỏ. Thay vào đó, các ông bà lấy mỡ bôi trơn mồm, đem cái Đức trị toát mùi đạo đức giả ra xài: 

"Mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công chức tiết chế lòng tham"

Nội câu này không cũng lại toát ra nhiều chất thải: 

a. Các ông bà thêm một lần nữa chính thức công nhận những phần tử trong cái gọi là đảng quang vinh của các ông bà là những kẻ tham lam vô độ. 

b. Những kẻ vô độ đó tham lam đến mức phải có một kế hoạch cao điểm để dạy cho chúng (trong đó có các ông bà) tiết chế lòng tham. 

c. Các ông bà chỉ dành toà án và những cánh cửa nhà tù cho những người dân phạm luật còn đối với các ông bà chỉ cần hứa và tự tuyên truyền giáo dục cho nhau. Là đủ.

Điều trên lại được thể hiện rõ ràng qua câu nói: 

"Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được." 

Chỉ có một câu 45 từ nhưng lại có quá nhiều điều để nói với các ông bà: 

Thứ nhất: các ông bà không cần phải xin nhân dân. Hơn 80 triệu nhân dân đang bị các ông bà cai trị, "chúng" chẳng có quyền hạn gì để các ông bà xin-cho? đứa nào mở miệng ra phê bình thẳng thắn, không đồng ý, phản đối các ông bà là bị công an lá chắn chế độ của các ông bà đập ngay vào đầu cái còng 88. Chúng cũng chẳng có thể bắt chước các ông bà tha thiết kiểu "đã lỡ phạm tội xin các ông bà tha thứ". 

Thứ Hai: các ông bà xem chuyện tham nhũng của các ông bà là "lỡ". "Lỡ" như đi chợ thấy ai không để ý bỏ túi một trái cam. "Lỡ" như đi ngoài đường lượm một cái ví của ai làm rớt. "Lỡ" như một lần, chỉ một lần rồi thôi, không tiết chế lòng tham nhận đại 1 phong bì. Và vì các ông bà xem đó là "lỡ" nên các ông bà tự cho là mình không vi phạm luật, không cần phải bị xét xử như hơn 80 triệu dân đen mà các ông bà vừa cai trị vừa đại diện cho chúng. Vì "lỡ" theo tư duy đó của các ông bà nên chỉ cần xin tha thứ. Không, thưa các ông bà. Nó không là "lỡ". Các ông bà đã mua quan bán chức, lợi dụng quyền hạn cá nhân và quyền sinh sát cả một dân tộc của đảng các ông bà để mà tham nhũng có kế hoạch ngắn hạn, có kế sách lâu dài. Nó không là "lỡ" vì chính ông bà thú nhận cái "lỡ" của các ông bà đã làm nên cả một "tài sản bất minh". Nó không là "lỡ" mà là "lở".

Thứ Ba: khởi đi từ cái tuy duy "lỡ" đó các ông bà kêu gọi những tên ăn cắp - cũng là các ông, các bà - xử sự sao cho có đạo lý với những đồ ăn cắp bất minh. Các ông bà đang nói chuyện với trẻ con lên năm hay chính các ông bà đang mang tư duy và trí tuệ của đứa bé 5 tuổi. Chắc hẳn là không vì bà đại biểu Võ Thị Dung đang cất trong túi 3 mảnh bằng Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật, Cao cấp Lý luận chính trị. Bà Dung không cần học thêm cũng đủ tư cách để có thêm một tấm bằng Cao cấp Lý luận đạo đức giả. 

Thứ Tư: Tự giác, tự xử? Một lần nữa, tư duy đứng ngoài, đứng trên luật pháp, quăng luật pháp vào thùng rác lại được thể hiện từ các ông bà đang chiếm những cái ghế làm luật và giám sát việc thi hành luật của quốc gia. 

Kết luận: Tự ông đảng viên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cho bài viết này và cho các ông bà: "Không thể một sớm, một chiều giải quyết được ngay tình trạng tham nhũng... không thể nói ngay sau kỳ họp này tham nhũng giảm hẳn đi ngay lập tức." 

Làm sao có thể giải quyết tham nhũng bởi một tập đoàn tham nhũng thượng thặng!? Kết quả của mấy chục năm cai trị, hàng trăm nghị quyết, hàng ngàn bài diễn từ, hàng vạn bài viết, và hàng tỉ đôla "lỡ" nằm trong túi các đảng viên đại diện cho giai cấp vô sản tự nó là câu trả lời.


_________________________________________

Bài đã đăng: 

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/qua-mot-vai-phat-bieu-thay-ro-them-ban.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001