Nhiều xe công thường xuyên vào quán nhậu, phải chăng xe công đang bị lãng phí đơn, lãng phí kép. Ảnh: Xuân Hồng. |
TP - Trong bối cảnh
kinh tế khó khăn, Chính phủ thắt chặt chi tiêu công nhưng ở tỉnh nghèo Quảng
Bình lại “vung tay” với những khoản chi công mà theo dư luận đánh giá là: không
đúng thời điểm, kém hiệu quả...
Mua xe công hàng loạt
Khoảng một tháng nay,
trang quảng cáo của báo Quảng Bình số nào cũng tràn ngập nội dung mời chào hàng
cạnh tranh mua ô tô công của các cơ quan ban ngành, huyện, thành phố. Loại xe
được mời chào hàng cạnh tranh đều có giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Theo thống kê của Văn
phòng UBND tỉnh Quảng Bình: Có 26 cơ quan, đơn vị, địa phương được UBND tỉnh
cấp ngân sách mua xe trong đợt này.
Theo đó, 17 cơ quan hành
chính cấp tỉnh được cấp ngân sách 100% kinh phí, 3 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh
được hỗ trợ mỗi đơn vị 500 triệu đồng, 6 huyện được hỗ trợ 400 triệu đồng,
riêng thành phố Đồng Hới là 500 triệu đồng.
Tổng vốn đầu tư mua xe
là 17 tỷ đồng từ nguồn cấp bù ngân sách bị “hụt” cho Quảng Bình của ngân sách
Trung ương.
Điều đáng nói là ngân
sách của Quảng Bình bỏ ra để mua xe đợt này không chỉ dừng lại ở con số 17 tỷ
mà lớn hơn nhiều.
Trên thực tế, hầu hết
các đơn vị được hỗ trợ tiền mua xe đều phải “bù thêm tiền” để được sử dụng
những xế hộp sang.
Theo giới kinh doanh ô
tô, để mua được một chiếc Toyota Fortuner như nội dung mời chào hàng cạnh tranh
của các đơn vị ở Quảng Bình vừa qua, ít nhất mỗi chiếc cũng phải trên 1 tỷ
đồng.
Như vậy, thêm một lần
nữa, hầu bao ngân sách vốn rất hạn hẹp của các đơn vị này có nguy cơ bị “gặm
nhấm” vì những chiếc xe công.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính
Quảng Bình, lí do tỉnh cấp ngân sách mua xe lần này là trên cơ sở thông báo số
374-TB/TU, ngày 12-9-2012 của Thường trực Tỉnh ủy về việc cho phép các đơn vị
mua xe.
Nguyên nhân, năm 2011,
thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Quảng Bình hạn chế mua xe công, nên sang
năm nay phải mua hàng loạt.
Vị lãnh đạo này cho biết
thêm, đã 3 năm nay Quảng Bình luôn hụt cân đối từ nguồn thu mỗi năm trên dưới
80 tỷ đồng.
Về nguyên tắc, việc hụt
cân đối này thì không có nguồn nào để bù mà phải tìm cách giảm bớt chi tiêu.
Tuy nhiên, năm 2011, Quảng Bình “may mắn” được Chính phủ cấp thêm để bù vào
phần hụt cân đối được 80 tỷ đồng nên dành một phần để mua xe công.
Dự kiến năm nay còn khó
khăn hơn, Quảng Bình sẽ hụt cân đối khoảng 90 tỷ đồng, và vị lãnh đạo này tiên
lượng là không có chuyện “may mắn” như năm 2011.
Hơn 1 tháng nay, báo Quảng Bình thường đăng tràn trang quảng cáo mua xe công cho các ngành, địa phương trong tỉnh. |
Thi nhau đi nước ngoài
Với lí do tham quan học
tập kinh nghiệm, đào tạo, tham dự hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp
vụ, khảo sát tình hình, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư,... lãnh đạo, cán
bộ ở Quảng Bình thi nhau đi nước ngoài.
Tính đến hết tháng
10-2012, Quảng Bình có 98 đoàn lãnh đạo, cán bộ ra nước ngoài với những lí do
nói trên, trong đó 59 đoàn nằm trong chương trình hoạt động đối ngoại của tỉnh,
số còn lại là đi theo các chương trình của Trung ương, hoặc qua thư mời của các
dự án với 782 lượt người xuất cảnh, ngân sách bỏ ra gần 10 tỷ đồng.
Điều khiến dư luận bức
xúc, là số tiền ngân sách bỏ ra để đi nước ngoài của lãnh đạo, cán bộ là rất
nhiều so với tỉnh nghèo Quảng Bình nhưng hiệu quả mang lại thì không thấy. Thậm
chí, có trường hợp vị lãnh đạo mang theo cả vợ con.
Một doanh nghiệp thường
xuyên đi nước ngoài với các đoàn lãnh đạo cấp cao của Quảng Bình dưới danh
nghĩa xúc tiến thương mại, đầu tư tiết lộ: Nói là đoàn cấp cao của tỉnh đi công
vụ nhưng có lần ra nước ngoài chả thấy đối tác nào đón tiếp, không hơn kém khách
du lịch bình thường.
Khi
bài viết này lên khuôn thì hiện ở Tỉnh ủy Quảng Bình đang có hai đoàn đi nước
ngoài. Một đoàn đi Nhật Bản, một đoàn đi Singapore mặc cho cách đây gần một
tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các bộ ngành, địa phương hạn chế đi
nước ngoài để ở nhà chỉ đạo giải quyết những công việc tồn đọng.
|
Cũng theo lời
chủ doanh nghiệp này, mới đây nhất là đoàn của lãnh đạo UBND tỉnh sang Đức để
xúc tiến đầu tư 1 tuần.
Thành phần đoàn kèm theo
là những doanh nghiệp “không tên tuổi”, thậm chí có một chủ cây xăng bán lẻ
cũng mang danh “đi xúc tiến đầu tư”.
Tại buổi “xúc tiến đầu
tư” có 4 doanh nghiệp của Đức, số còn lại là Việt kiều làm ăn ở Đức. Suốt cả
buổi, 4 đại diện của doanh nghiệp Đức không phát biểu câu nào, chỉ có một Việt
kiều xin mảnh đất gần biển để xây nhà nghỉ.
Điều lạ là, nhiều đoàn
cấp cao của Quảng Bình mang danh đi công vụ nhưng lại thông qua một công ty tư
nhân kinh doanh du lịch, và việc ra nước ngoài của các đoàn này là theo dạng
tour du lịch.
Chính vì thế có lần visa
trưởng đoàn cấp cao của tỉnh bị dán lộn ảnh với người khác, buộc ông này phải ở
lại làm visa còn đoàn vẫn bay theo kế hoạch.
Làm ăn là vậy nhưng công
ty này thường được làm tour cho các đoàn cấp cao của tỉnh và giá thường cao hơn
mức bình thường đến vài chục triệu đồng mỗi chuyến đi.
Đơn cử, trong chuyến đi
xúc tiến đầu tư 1 tuần ở Đức vừa rồi, Cty TNHH Du lịch Phú Gia (Quảng Bình)
nhận 115 triệu đồng để làm tour cho mỗi người, trong lúc đó các tour du lịch
dạng này ở Hà Nội chỉ từ 80 đến 90 triệu đồng.
Việc đi nước ngoài tràn
lan, không chỉ dư luận nhân dân phản ứng mà ngay cán bộ của Sở Tài chính là nơi
cấp tiền cũng đã không ít lần phát biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh giảm đi nước
ngoài vì không hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp trong
nước vào “đầu tư hụt” hoặc đang đầu tư ở Quảng Bình thì cho rằng: Đi xúc tiến
thương mại, đầu tư ở nước ngoài đâu cho xa, hãy làm tốt môi trường đầu tư để
thu hút các doanh nghiệp trong nước là đủ cho Quảng Bình sung túc.
Chủ
tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã có lần thốt lên với phóng viên Tiền
Phong rằng: Ông bù đầu vì phải gánh phần việc cho cả 3 phó chủ tịch
cùng lúc đi nước ngoài.
Hoàng Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001