Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

TÂM THỨC THỜ ĐỘNG PHẬT VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VIỆT NAM
Trang Thanh Hiền
1-Hiện tượng thờ động Phật và động Mẫu trong đền chùa Việt
Trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc Việt Nam, hình thức thờ động Phật là một trong những hình thức khá phổ biến. Các động Phật được đắp thờ chủ yếu nhất là động Quan Âm. Một số chùa thờ động tiêu biểu có thể kể ra là chùa Mía, chùa Thổ Hà, chùa Kiến Sơ, chùa Huyền Kỳ, chùa Láng… Ở các ngôi chùa này động Phật thường được gắn liền với kiến trúc chùa, chiếm vị trí trong cùng, thuộc hai bên thượng điện, hoặc trung tâm của hậu điện. Về cách thức xây dựng các động Phật này mang những nét tương đồng rất lớn với hình thức thờ Mẫu tại các đền phủ hoặc đa số các chùa ở miền Bắc. Các động thờ thường được đắp dạng giả sơn và hầu như không có khuôn thước chung. Tuy nhiên các loại động này cũng có thể chia làm hai dạng chính. Một dạng đắp tạo hình vòm hang, tượng thờ được bày trong động; một dạng đáp dạng núi đặc, tượng được bày thoải theo thế núi. Loại thứ nhất thường chiếm cả không gian gian thờ; loại thứ hai có thể có mô hình nhỏ hơn, nhưng các trang trí xung quanh kiểu thức động đó cũng được làm rất cầu kỳ.

So sánh hình thức giữa các động thờ Phật của các chùa kể trên với cách thức bài trí động thờ Mẫu có rất nhiều điểm gần gũi. Trung tâm động Phật thường là tượng Quan Âm, trên Quan Âm là Adiđà (động Phật chùa Mía) hoặc chỉ có Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Chuẩn Đề dòng nhiều tay như chùa Mía, chùa Thổ Hà, chùa Huyền Kỳ… Trên các vách đá giả sơn, nếu ở các động Mẫu là các tượng thị nữ, thị giả thì trong các động Phật là tượng Bồ Tát, La Hán, Kim Cương, Hộ Pháp. Việc bài trí các tượng nhỏ này thường nhằm kể ra câu chuyện về Phật giáo.
Thoạt đầu có thể xem đây là sự tương đồng trong hình thức thờ tự, hoặc là sự vay mượn kiểu cách để đặt tượng thờ, tạo không gian thờ. Tuy nhiên, nếu khảo cứu sâu hơn vào các hình thức thờ tự khác, ta lại thấy rằng đây hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Đối với các chùa không có các động Phật hoành tráng với những lối bài trí trên, người ta bắt gặp một hình thức thờ tự khác mà có thể xem là lối thức thu nhỏ của một động Phật. Đó là tượng Quan Âm thường được dân gian nói chung gọi là tượng Tọa Sơn và Thị Kính. Hai loại hình tượng này cũng là những thể loại điêu khắc Phật giáo khá tự do. Các bà được mô tả là những nhân vật được ngồi trên mỏm núi. Tượng Thị Kính chỉ khác tượng Tọa Sơn là có thêm đứa trẻ và con vẹt. Ngoài các nhân vật chính, các tượng phụ ở các tượng này cũng là các thị nữ, thi giả, hoặc tượng Tiên Đồng, Ngọc Nữ cầm tráp hoặc chắp tay đứng hai bên. 
Tượng Kim Cương ngoài cửa động Phật ở Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, HN
Nghiên cứu các tượng thờ thể loại này từ truyền thuyết đến hình thức tạo hình, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều những điểm khác biệt. Trước tiên là tượng Thị Kính và truyền thuyết về Quan Âm Thị Kính. Xét về các truyền thuyết được lưu truyền phổ biến trong dân gian hiện nay về nàng Kính Tâm thì thấy rằng, đây là một câu chuyện gắn liền với bối cảnh làng quê Việt thế kỷ XVII, XVIII, không nhắc đến việc đi tu ở hang cùng, núi thẳm. Tuy nhiên điều thú vị là tất cả các tượng Thị Kính khi được tạo hình thì đều được tạc là một nhân vật ngồi trên mỏm núi. Trong khi đó các truyền thuyết về Quan Âm Tọa Sơn lại không rõ ràng. Câu chuyện về Quan Âm Diệu Thiện thường được dân gian xem là ứng với hình tượng Quan Âm Nam Hải. Tiêu đề của truyền thuyết này được lưu truyền trong các thư tịch thường là “Quan Âm Nam Hải Phật Sự Tích Ca”. Do đó chữ “Nam Hải” này được hiểu là vị Quan Âm của nước Nam và cũng hàm nghĩa Quan Âm biển Nam, mặc dầu các chi tiết trong chuyện không đề cập đến yếu tố biển. Tuy nhiên nhân vật chính của câu chuyện là công chúa Diệu Thiện (công chúa Ba) lại được dân gian gắn cho với hình tượng của Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn cho dù tượng này còn thuộc vào khá nhiều các bộ phái trong Phật giáo[1]. Sở dĩ như vậy do xuất phát từ chi tiết trong truyền thuyết khi vua và hoàng hậu đến tạ ơn cứu mạng Diệu Thiện hiển linh ra 1000 tay/mắt ở động Hương Tích. Các tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn ở Việt Nam còn được dân gian gọi với cái tên gần gũi là Phật Bà Ngàn Mắt Ngàn Tay hoặc Nghìn Mắt Nghìn Tay. Một chi tiết khác của truyền thuyết là con hổ cõng Diệu Thiện về núi Hương Tích, cũng được dân gian cho nguồn gốc của tượng Quan Âm Tọa Sơn trong các chùa, nhưng thực chất chi tiết này không phải chi tiết trọng yếu. Bên cạnh việc qui chiếu các hình thức tượng Quan Âm vào các truyền thuyết kể trên, có một truyền thuyết khác cũng được xem là gốc của hình tượng này là Quan Âm ở Phổ Đà Sơn. Truyền thuyết này kể về vị Quan Âm ở núi Phổ Đà sau này được Phật giáo Trung Quốc phát triển lên thành chuyện về Tứ Đại Bồ Tát (Đại Phật Lạc Sơn) trong đó Quan Âm ở Núi Phổ Đà, Phổ Hiền ở Núi Nga Mi, Văn Thù ở Núi Ngũ Đài, Địa Tạng ở Núi Cửu Hoa. Ở Việt Nam Phổ Đà Sơn cũng ứng với năm ngọn núi trong dãy núi kéo dài từ Miếu Môn đến Hương Sơn[2] và một ngôi chùa Cao thôn Vĩnh An, được dựng từ thời Lê Sơ. Chúng tôi chưa đến, khảo sát được ở chùa này nên ở đây chỉ nêu ra theo tài liệu. Tuy nhiên câu chuyện về Quan Âm ở núi Phổ Đà không phổ biến trong dân gian bằng hai truyền thuyết về Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải (Diệu Thiện) được cho là ứng với các loại hình tượng Quan Âm khác nhau trong các ngôi chùa Việt. Một số học giả cho rằng truyền thuyết này được du nhập và Việt hóa khoảng thế kỷ XV từ truyền thuyết đời Nguyên TK XIII ở Trung Quốc[3].
Gần đây, khi khảo cứu các bản thần phả, ngọc phả Bách Việt, chủ yếu là các bản Cổ Lôi Ngọc Phả ở từ đường họ Nguyễn Hà Tây, chúng tôi nhận  thấy rằng có một số thần tích, thần phả, truyền thuyết liên quan đến các hình tượng này. Bên cạnh việc xem xét lại các thần tích đó, chúng tôi còn thực hiện ghi chép phỏng vấn điền dã về các quan niệm dân gian trên các hình thức tượng. Các kết quả này đã góp phần giải thích hiện tượng thờ động Phật ở trong các chùa, cũng như giúp lý giải về sự tương đồng giữa lối thờ động Phật và động Mẫu. Đồng thời, trên cơ sở các dữ liệu thông tin mới này, chúng tôi đặt ra những giả thuyết về hiện tượng tạo hình Quan Âm Thị Kính và tâm thức thờ động núi kể trên.
2. Các ghi chép trong thần phả, ngọc phả Bách Việt về Bồ Tát Hương Vân Cái Bồ Tát và các mối quan hệ giữa đạo Phật và đạo Mẫu
Để khảo cứu các bộ thần phả, ngọc phả, ở đây chúng tôi dựa trên các bản của Vũ Tuấn Doanh[4] và một số bản được Viện Nghiên cứu Hán Nôm biên dịch[5] để tóm lược một số nét chính về các dữ liệu lịch sử và Phật giáo được đưa ra. Các thần phả thần tích này chép như sau:
- Khoảng 7000 năm tCN: Phục Hy – Đế Thiên là con của Đế Hòa, cũng có tài liệu cho rằng hai nhân vật này là một. Đế Hòa từ vùng Tây Bắc (của Bách Việt) đến sinh tụ tại miền đất trải dài từ Ba Vì đến Thạch Thất, Quốc Oai, lấy đồi núi Tây Phương, Cực Lạc làm kinh đô, lấy Phật hiệu là Di Đà và mở mang đạo Phật.
- Từ Phục Hy – Địa Mẫu sinh Đế Viêm gọi là vua Cả, sinh ra Đế Khôi dạy dân trồng dâu nuôi tằm, làm ra nông cụ, dùng thuốc chữa bệnh được gọi là Thần Nông. Thần Nông có truyền thừa (con/cháu) là Đế Tiết và Đế Thừa. Dân ngày nay gọi hai ông là Đức thánh Cả và Đức Thánh Hai.
- Đế Thừa sinh được 3 người con trai, gồm Nguyễn Minh Khiết (Đế Minh) và Nguyễn Nghi Nhân (Đế Nghi) là hai anh em sinh đôi và Nguyễn Long Cảnh, tên hiệu là Lý Long Cảnh. Đế Thừa giao nước cho ba con cai quản gọi là nước Xích Quỉ. Xích Quỉ được giải nghĩa là nước xứ nóng có 3 vua. Chữ Quỉ theo triết tự chữ Hán là 3 chữ Vương (     ), chứ không phải là chữ Quỉ (     ) có bộ điền nghĩa là ma quỉ. Đế Minh làm vua nước Xích Quỉ ở trung tâm (tức miền Bắc Việt Nam hiện nay). Đế Nghi làm vua phương Bắc sau này là nước Sở. Nguyễn Long Cảnh cai trị phương Nam tức vùng Chiêm Thành, Chân Lạp. 
Về hình tượng Phật giáo liên quan đến Quan Âm Bồ Tát, các phả này có nhắc đến bà Đỗ Quí Thị, người lấy pháp danh là Hương Vân Cái Bồ Tát. Nhân vật này được những người họ Nguyễn và họ Đỗ ở Hà Tây[6] xem là Quan Thế Âm Bồ Tát đầu tiên của người Việt, đồng thời cũng là Thượng Thiên Thánh Mẫu/Tây Vương Mẫu. Theo sự ghi chép của các phả này, bà Đỗ Quí Thị là con gái của thần Long Đỗ[7]. Bà còn có tên gọi khác là Đỗ Đoan Trang hoặc Ngoan/Nguy[8] là người Ngõ Hồ, vùng Nghi Tàm. Khi chúng tôi khảo về việc thờ thành hoàng ở làng Nghi Tàm thì có thờ Nguyễn Minh Khiết. Theo dân gian cho biết ở đình này cũng thờ Đỗ Quí Thị nhưng là thờ kiếp sau của bà là công chúa Liễu Hạnh. Đỗ Quí Thị lấy Đế Minh, nhưng do Đế Minh và Đế Nghi là hai anh em sinh đôi giống hệt nhau nên đã có sự hiểu lầm dẫn đến mâu thuẫn. Câu chuyện này được tác giả Bùi Văn Nguyên trong cuốn Việt Nam và cội nguồn trăm họ liên tưởng đến câu chuyện Trầu Cau trong văn học dân gian Việt Nam[9]. Do sự mâu thuẫn của mối quan hệ tay ba giữa Đế Minh – Đỗ Quí Thị - Đế Nghi, bà đã lên động Tiên Phi ở Đầm Đa, Hòa Bình tu đem theo con trai là Lộc Tục tức Kinh Dương Vương. Ở đây bà dùng sự dạy dỗ để cảm hóa dân chúng và đắc đạo được dân tôn vinh làm Sa Bà giáo chủ, lấy pháp danh là Hương Vân Cái Bồ Tát. 
Năm 2879, Lộc Tục tức Kinh Dương Vương lên làm vua nước Xích Quỉ thay cho Đế Minh, và cho xây chùa Đại Lôi Âm, Đại Bi Tự ở Ba La (Hà Đông), rước mẹ là Đỗ Quí Thị về hoằng dương đạo pháp. Do đó, dân gọi đạo pháp của bà là Ba La Môn (lấy tên vùng đất để đắt tên giáo pháp)[10]. Đạo Ba La Môn của bà Hương Vân Cái Bồ Tát được dân gian xem là khởi nguồn của đạo Phật và đạo Tiên. Đạo Tiên cũng chính là đạo Mẫu. Trong các phả cũng ghi đạo Tiên tôn bà là Đệ Nhất Thiên Tiên Thánh Mẫu. Bà Đỗ Quí Thị có tám vị anh em trai lần lượt tên là Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỹ, Đỗ Cương, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng. Khi bà tu động Tiên ở Hòa Bình, tám vị này đã cùng lên hỗ trợ bà, sau họ đắc đạo và được các phả ghi ­­­­­là Bát Bộ Kim Cương. Họ có các pháp danh là: Thanh Trừ Tai Kim Cương, Tích Độc Thần Kim Cương, Hoàng Tùy Cầu Kim Cương, Xích Thanh Hòa Kim Cương, Định Trừ Tai Kim Cương, Từ Hiền Thần Kim Cương, Đại Thần Lực Kim Cương. Các pháp danh này theo những người cung cấp thông tin cho chúng tôi chính là tổ nghề rèn đúc kim loại, vũ khí. Bát bộ Kim Cương hiện nay được thờ rất phổ biến trong các chùa Việt.
Kinh Dương Vương theo các phả ghi có tên khác là Nguyễn Quảng. Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình là Nguyễn Đăng Ngàn/Hồng Đăng Ngàn. Bà Đăng Ngàn và Kinh Dương Vương sinh được 5 hoàng tử sau được dân tôn làm Ngũ Vị Tôn Ông. Các ngọc phả, cũng như trong thần tích, văn bia thôn Bình Đà còn cho biết 4 người con của Kinh Dương Vương còn là Tứ Pháp (Phong, Vân, Lôi, Điện). Trong 5 người con này có một người mất sớm, nên sau 4 vị này lấy vợ, sau khi chết 4 bà được tôn xưng là Tứ Vị Chầu Bà. Đạo giáo sau này còn tôn họ làm ngũ vị Thái Thượng Lão Quân, hay Ngũ Phượng Long Thần thổ địa[11].
Trong 5 hoàng tử kể trên, hoàng tử thứ 4 là Nguyễn Khoản, tự là Sùng Lãm hay còn gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân trong chuyến du chơi lên phương Bắc đã gặp bà Âu Cơ và kết duyên. Âu Cơ là con của Đế Lai (Nguyễn Như Lai) cháu của Đế Nghi (Nguyễn Nghi Nhân).
Để tiện theo dõi, chúng tôi xin thống kê các nhân vật ghi trong các phả và vai trò của họ trong các điện thần điện Phật dân gian:
Bảng liệt kê Các vị nhân thần và ngôi vị ở các điện thờ
Tên các nhân vật
Đạo Phật
Đạo Mẫu
Đạo giáo
Tín ngưỡng nông nghiệp
Phục Hy
Adiđà Phật tổ
Đức Vua Cha


Nữ Hoàng Anh
Phật Mẫu
Mẫu địa


Đế Khôi/ Đế Viêm



Thần Nông
Đế Tiết

Đức Thánh Cả


Đế Thừa

Đức Thánh Hai

                   
Nguyễn Minh Khiết
Nguyễn Nghi Nhân
Nguyễn Long Cảnh

Tam phủ công đồng


Đỗ Quí Thị/ Đỗ Đoan Trang
Quan Âm Bồ Tát
Thượng Thiên Thánh Mẫu
Tây Vương Mẫu

Tám anh em trai của Đỗ Quí Thị
Bát Bộ Kim Cương


Tổ nghề rèn đúc (luyện kim)
Kinh Dương Vương / Lộc Tục
Đức Ông
Ngọc Hoàng
Thượng Đế


Hồng Đăng Ngàn
Chân Tĩnh Bồ Tát
Mẫu Thượng Ngàn


5 người con của Kinh Dương Vương

Ngũ Vị Tôn Ông
Ngũ vị Thái Thượng Lão Quân
Pháp Vân
Pháp Vũ
Pháp Lôi
Pháp Điện
Pháp Phong
4 vợ của 4 người con Kinh Dương Vương

Tứ vị chầu bà


Lạc Long Quân




Âu Cơ

Mẫu Thủy Phủ


Nguyễn Như Lai
Phật Tổ Như Lai



18 vua Hùng
Thập Bát La Hán



Từ sự thống kê so sánh trên, ta thấy rằng rất nhiều các vị được ghi chép trong các bản phả vừa đóng vai trò là thần chủ của nhiều điện thờ, cả đạo Phật lẫn đạo Mẫu. Điều này cho thấy việc dân gian đồng nhất hình tượng Quan Âm, Thánh Mẫu vào nhân vật Hương Vân Cái Bồ Tát là sự đồng nhất có hệ  thống. Điều chúng tôi quan tâm ở đây là thần tích về nhân vật này và sự kiện bà lên động Tiên Phi ở Hòa Bình tu hành đắc đạo. Chi tiết này khác hẳn với chi tiết trong truyền thuyết về Quan Âm Diệu Thiện được con hổ cõng về động Hương Tích. Đồng thời ở câu chuyện về bà Hương Vân Cái Bồ Tát còn có thêm nhân vật Lộc Tục (tức Kinh Dương Vương) được bà đem theo lên động. Những chi tiết thần phả, thần tích, truyền thuyết này có thể xem là một mắt xích quan trọng để việc lý giải sự tương đồng về hình thức thờ tự động Phật và động Mẫu: động Quan Âm và động Thánh Mẫu. Thần tích này cho thấy sự hội tụ đầy đủ các chi tiết nếu nhìn vào tạo hình: Quan Âm/ Thánh Mẫu; tọa lạc trên núi/ động; đứa trẻ.
3. Hình tượng Quan Âm trong tạo hình và tâm thức dân gian
Trở lại với hình thức tạo hình và hình thức bài trí trong các động Phật và động Mẫu. Ở đây chúng tôi muốn xét đến trường hợp các động điển hình ở chùa Mía, chùa có hệ thống động và các tượng Tọa Sơn, Thị Kính khá đông gồm: 4 động, 8 pho tượng Quan Âm. Bốn động giả sơn bao gồm: 2 ở thượng điện, 2 ở hậu điện. Ở thượng điện, một động Quan Âm Tọa Sơn được đắp ngay phía trước đăng đối với ban thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Dong/ bà chúa Mía – vợ chúa Trịnh Tráng người hưng công tu sửa ngôi chùa này; một động khác là động Quan Âm Thị Kính đặt ở sâu trong thượng điện. Hai động đặt ở hậu điện chùa này đặc biệt lớn. Động Quan Âm Tọa Sơn được đắp cao lên đến tận nóc ngôi chùa chiếm lĩnh toàn bộ không gian của gian trung tâm hậu điện. Theo dân cho biết, hình thức đắp động núi còn lại đến ngày nay không phải đến thế kỷ XVIII mới bắt đầu được đắp mà do động được đắp bằng đất nên độ bền không cao, khi xuống cấp phải đắp lại. Động này 3 bề có 6 vị Kim Cương đứng xung quanh. Cách đó không xa là Động Quan Âm Thị Kính, cũng có 2 vị Kim Cương đứng hai bên cửa động. Lối bài trí tượng Kim Cương trước cửa động như thế, còn được nhìn thấy ở động thượng điện chùa Huyền Kỳ, Hà Tây cũ. Chùa Huyền Kỳ có hai động được đắp lớn hai bên  thượng điện, một bên là động Quan Âm Thị Kính, một bên là Quan Âm Nam Hải 18 tay.
Động Phật chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Vị thế bài trí tượng trong lòng các động này thường khá đơn giản. Nhân vật trung tâm động chủ yếu là tượng Quan Âm, hoặc tượng Quan Âm và Adiđà tạc kích thước lớn, còn hệ thống tượng Bồ Tát, La Hán nhiều và đa dạng và được tạc kích thước nhỏ. Cũng tương tự như các động Thánh Mẫu, tương Mẫu Thượng Thiên/ Ngàn/ Thoải được tạc lớn, xung quanh là các tượng chầu, thị nữ, cô, cậu, là các tượng chỉ cao chừng 15-20cm.
Động Quan Âm Tọa Sơn hậu điện chùa Mía có tượng Adiđà được đặt ở vị trí cao, sâu nhất trong động, Quan Âm Tọa Sơn ngồi trên mỏm núi chiếm vị trí trung tâm, xung quanh là các tượng Bồ Tát và La Hán được đặt trên các vách. Động Quan Âm Thị Kính cũng tương tự, phía trên có tượng Phật nhập niết bàn, dưới là tượng Quan Âm đang bế đứa trẻ. Ở một số động khác như động chùa Thổ Hà, chùa Kiến Sơ, chùa Huyền Kỳ người ta không chỉ quan tâm đến việc bài trí các nhân vật phụ trong lòng hang động, mà còn sắp đặt tượng ở trên sườn núi ngoài cửa hang.
Động Phật Quan Âm chùa Mía, Sơn Tây, HN
Việc nở rộ các Động Quan Âm trong các ngôi chùa Việt cho thấy một tâm thức dân gian mạnh mẽ đối với hình tượng này. Thậm chí việc chỉ có cặp tượng Adiđà và Quan Âm là hai vị Phật chủ, khác hẳn với tâm thức bài trí ở thượng điện là các vị Phật được rút ra từ kinh Phật phổ thông. Các tượng Kim Cương được tạc như những vị hộ thần xung quanh như tạo ra một mối dây liên kết với các thần tích, ngọc phả kể trên về nhân vật Hương Vân Cái Bồ Tát. Tính chất ẩn dụ dân gian từ các thần phả đến tạo hình còn đậm nét hơn trong tâm thức động/núi ở các tượng Thị Kính. Nếu truyền thuyết Thị Kính chỉ kể về một nhân vật nữ trong bối cảnh làng quê Việt không gắn bó với động/núi tạo nên một độ vênh nhất định giữa truyền thuyết và tạo hình, thì hình tượng Hương Vân Cái Bồ Tát, Lộc Tục Kinh Dương Vương, động Tiên Phi Hòa Bình và các 8 Kim Cương lại dường như chồng khít lên các biểu tượng được thể hiện ra.
Việc bài trí này khiến ta liên tưởng đến hình thức bài trí tượng ở tháp Phật Tích và Sùng Thiện Diên Linh thời Lý. Tượng Adiđà chiếm vị trí trung tâm tháp, các tượng Kim Cương tạc bốn cặp xung quanh. Cách thức này cũng khác xa với hình thức bài trí tượng Kim Cương ở đa số các chùa sau này thường đặt trước bái đường. Do đó lối bài trí như các Động Quan Âm có thể xem là lối bài trí cổ xưa hơn hệ thống tượng phát triển hoàn thiện thể hiện ra trong các ngôi chùa TK XVIII sau này. 
Động Phật chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ
Trở lại với tượng Quan Âm và Động Quan Âm, tính cách nước đôi và ngôn ngữ không lời của nghệ thuật tạo hình khiến người đời có thể có những suy nghĩ khác nhau. Nhưng dường như, nếu nhìn một cách khoáng đạt về hình tượng này thì thấy rằng, nghệ thuật đã tạo ra một mối dây xuyên suốt giữa các truyền thuyết. Từ thần phả về Hương Vân Cái Bồ Tát tu ở động Tiên Phi đến nàng công chúa Ba (Quan Âm Diệu Thiện) đi tu ở động Hương Tích dường như có chung nhân lõi. Hương Vân Cái Bồ Tát và công chúa Ba đều thuộc tầng lớp vua chúa trong xã hội đi tu, phổ độ chúng sinh và gia đình mình bằng tấm lòng Bồ Tát. Nàng Kính Tâm trong chuyện Thị Kính và đứa trẻ con Thị Màu dùng tấm lòng Bồ Tát nuôi con trong điều tiếng, thì bà Hương Vân Cái Bồ Tát cũng bởi điều tiếng giữa hai người chồng là anh em sinh đôi mà mang con đi tu. Như vậy thần tích về bà Hương Vân Cái như thể được mở ra hai cốt chuyện khác cho hai truyền thuyết thuyết phổ thông thế kỷ XVII – XVIII. Giả thuyết này có tính chất thuyết phục hơn là việc các học giả trước đây cho rằng cho rằng các truyền thuyết này được Việt hóa từ truyền thuyết thời Minh ở Trung Quốc. Truyền thuyết về Quan Âm Tống Tử của Trung Quốc có một cốt chuyện hoàn toàn khác. Như vậy, từ các thần tích, truyền thuyết này ta có được hình ảnh:
Thị Kính + đứa trẻ = Hương Vân Cái + Lộc Tục (Kinh Dương Vương)
Quan Âm Diệu Thiện tu ở động Hương Tích = Hương Vân Cái tu ở động Tiên.
Quan Âm Thị Kính tọa trong động/ núi = Quan Âm Tọa Sơn tọa trong động núi
Thượng Thiên Thánh Mẫu = Quan Âm Tọa Sơn
Điều này cho thấy đã có sự chia tách, hợp nhất giữa các truyền thuyết để tạo nên hình tượng mới. Nhưng về mặt tạo hình thì dường như giữa tượng Thị Kính và tượng Tọa Sơn lại không có sự phân biệt thật mạch lạc. Tượng Thị Kính có thêm đứa trẻ, nhưng đôi khi tượng có một con vẹt trắng đậu trên vai cũng là tượng Thị Kính. Chi tiết này cũng lại bắt gặp các thần tích ở các phả. Nếu ở chuyện Thị Kính, vẹt được đồng hóa với hình ảnh của Thiện Sĩ và ít nhiều phê phán hệ tư tưởng Nho giáo hủ bại thế kỷ XVII, thì trong các phả liên quan đến hình tượng Diệu Thiện (nàng công chúa Ba) là bà Bạch Tước con vua Hùng Duệ Vương. Bạch Tước, Ngọc Hoa, Tiên Dung là ba chị em nay đều được thờ ở chùa Hương. Hình tượng con chim sẻ trắng cũng có thể xem như một ẩn dụ của dân gian về tên gọi.
Bên cạnh những so sánh giữa các truyền thuyết về Quan Âm và hình tượng bà Hương Vân Cái Bồ Tát có chung nhân lõi, việc các bản phả đồng nhất hình tượng Hương Vân Cái Bồ Tát và Thượng Thiên Thánh Mẫu còn cho thấy khía cạnh khác của văn hóa dân gian. Chúng ứng với việc thờ Động Quan Âm và Động Thánh Mẫu và cho thấy sự chia tách trong sự thờ tự ở chùa – đền – phủ chỉ là hình thức, mà thực chất là chung một tâm thức. Tâm thức đó là tâm thức Mẫu. Phật Bà/Phật Mẫu, Thánh Mẫu đồng thời cũng là tâm thức thờ tổ tiên dân tộc. Không phải ngẫu nhiên các truyền thuyết thần tích này được ghi chép nói về giai đoạn lịch sử cổ đại trước công nguyên, gắn liền với giai đoạn nước Việt chưa chịu ách đô hộ của nhà Hán. Cũng không phải ngẫu nhiên mà yếu tố Phật giáo được gắn liền với các thần tích. Điều đó thể hiện ra lòng tự cường dân tộc, khi các giai đoạn lịch sử nước Việt sau đó luôn phải đối mặt với một quốc gia hung hiểm ở phía Bắc. Phật giáo cũng có thể xem là hệ tư tưởng có tính chất đối trọng mạnh mẽ với hệ tư tưởng Nho giáo Hán hóa; hệ tư tưởng mà nước Việt sau khi giành lại độc lập tự chủ dưới thời Ngô Đinh, Tiền Lê và thời Lý sau này đã lấy làm quốc giáo.
Tất cả các dữ liệu trên phản ánh tính chất phức tạp của tư duy dân gian với nhiều lớp lang văn hóa chồng xếp lên nhau giữa các hình tượng và truyền thuyết. Sự mã hóa hình ảnh bằng những giải thích đương thời là cách dân gian lưu truyền tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên trong những hình ảnh đó các mối dây liên hệ với một lịch sử cổ đại xa xưa vẫn được duy trì. Thậm chí, không chỉ tạo hình mà chính các bản phả được sao chép, lưu truyền từ đời này sang đời khác dưới ý thức hệ phong kiến cũng tích hợp vào đó các quan niệm thời đại.
Bên cạnh đó một vấn đề khác góp phần tích cực vào việc luận giải các hiện tượng trên là trong truyền thống lịch sử của người Việt các nhân vật lịch sử có công với nước, với dân đều được dân phụng thờ. Đặc biệt đối với các nhân vật nữ như: hoàng hậu Dương Vân Nga thời Đinh – Lê, hoàng hậu Ỷ Lan, thái hậu Linh Nhâm thời Lý, thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản thời Mạc, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc thời Lê Trịnh… đều được dân xem là những Mẫu nghi thiên hạ, là những Bồ Tát Quan Âm.
Trở lại với nhân vật Hương Vân Cái Bồ Tát được cách phả ghi chép ứng với lịch sử Việt Nam thời cổ đại, cho thấy hình tượng này cũng có thể xem như một Mẫu nghi thiên hạ. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, những thảm họa xâm lăng và thảm họa làm sai lạc lịch sử Việt Nam của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, thì việc dân gian biến hóa thần phả, thần tích của bà vào các câu chuyện dân gian như Quan Âm Diệu Thiện (nàng công chúa Ba) hay Quan Âm Thị Kính với ít nhiều màu sắc mới cũng là cách họ lưu giữ lịch sử và phổ quát tín ngưỡng của mình. Tâm thức thờ động Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu, không chỉ là những hình ảnh chung chung về một vị Phật, Mẫu hư cấu, mà còn hòa quyện vào đó hình ảnh của tổ tiên, dân tộc. Điều này là nhân tố cốt lõi để các tín ngưỡng này sống lâu bền gắn bó máu thịt với dân gian./.
(4.2012)           
T.T.H.          

[1] Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn thuộc vào bộ Lục Quan Âm hay Thất Quan Âm xuất hiện trong cả Hiển tông và Mật tông.
[2] http://vi.wikipedia.org/wiki
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb TP HCM
[4]Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” – Vũ Tuấn Doanh biên dịch.
[5] Cổ Lôi Ngọc Phổ chuyện thư Bách Việt Nguyên Trưởng (DV1270- VNCHN)
[6] Những người cung cấp thông tin cho chúng tôi.
[7] Là vị thần được thờ ở đền Bạch Mã hiện nay, người phá trấn yểm của Cao Biền và là người giúp vua Lý xây thành Thăng Long.
[8] Tư liệu nội bộ của họ Nguyễn, Đỗ ở Hà Tây.
[9] Bùi Văn Nguyên (2001), Việt Nam và cội nguồn trăm họ, Nxb. KHXH.
[10] Cách gọi đó là theo sự giải thích của dân gian. Chú ý là tên gọi: Ba La Môn này, khác với đạo Bà La Môn ở Ấn Độ chúng chỉ gần nhau về âm tiết.
[11]Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” – Vũ Tuấn Doanh biên dịch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001