Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Từ Khanh - Mười hai ngày ở Miến Điện (1) 

Bút ký của Từ Khanh

Lời thưa

Burmar hay Myanmar (Miến Điện), Rangoon hay Yangon (Ngưỡng Quang), Irrawaddy hay Ayeyarwaddy (sông Voi), Pin Oo Lwin hay May Myo (Phố Mây), những địa danh cũ và mới của Miến Điện vẫn chưa được thống nhất cả bên trong và bên ngoài đất nước có hàng vạn chùa tháp, trên một trăm sắc dân, và đời sống còn khép kín cả về tâm tư cùng địa lý.
Hình thể Miến Điện như một ngọn lửa có bốn ngọn chiếu ra bốn hướng chính, nhưng cũng giống lưỡi mai xắn đất.
Ngọn lửa dễ thấy, nhưng bên dưới lưỡi mai còn nhiều cất dấu.
Tôi đến Miến Điện vào đầu thu năm 2009, không có tham vọng đào xới những bí ẩn của một đất nước và dân tộc khép kín. Điều đó chỉ có thể thực hiện với thời gian vài mươi năm. Tôi chỉ ở Miến Điện 12 ngày, chỉ để thỏa một ước mơ là đặt chân lên Đồi Mandalay ở miền Thượng Miến Điện, nơi Phật Thích Ca đã một lần dừng chân. Nhưng ý định ban đầu được bội thu vì sự tùy hứng đẩy đưa tôi đi nhiều tỉnh khác, tiếp xúc với những tình cờ nên biết thêm một chút về một nơi, cho đến nay, chưa phải là địa chỉ nghỉ mát nghỉ hè hay nghỉ ngơi của nhiều người.
Tôi viết bút ký này với hy vọng các bạn ‘phượt’, từ mới chỉ những người thích giang hồ vặt, thích đi ngẫu nhiên hay ‘đi bụi’, tìm thấy một vài thông tin bổ ích, trước khi lên đường qua Miến Điện.
Vì vậy tập sách mỏng này ghi chép vài kinh nghiệm nhỏ, có thể nói là những điều khôn vặt, may ra những người sắp phượt biết thêm một ít thông tin.
Ấn tượng đọng lại trong tôi sau khi rời phi trường Yangon trong một sáng mưa bụi, là những điều chưa thấu hết sau nụ cười thầm câm của người Miến Điện.
Từ Khanh

* * *

1. Cố đô Yangon

Chiếc phi cơ của hãng hàng không giá rẻ Air Asia chạm bánh lên phi đạo phi trường quốc tế Yangon (Rangoon) lúc gần tám giờ sáng, ‘nhiệt độ bên ngoài là 32 độ C’. Giờ Miến Điện sau Việt Nam 30 phút. Một phi trường vắng và buồn tênh, nó gợi hình ảnh của phi trường Tân Sơn Nhất hồi đầu thập niên 1990.
Khi cánh cửa phi cơ mở ra và theo chân những người khác, tôi nhìn thấy một bầu trời mây xám. Không gian đứng sẵn, con người chờ sẵn, xe ca dưới sân bay đón sẵn, các nhân viên an ninh và tiếp viên hàng không đứng lặng. Tất cả những sẵn sàng ấy lặng thinh chờ những chuyển động từ một tốc độ xuyên không gian, và ngược thời gian, từ bên ngoài tới.
Mây ở Ngưỡng Quang như mây Sài Gòn, nhưng buồn hơn.
image001_2.jpg
Những chiếc va li sặc sỡ, những áo quần nhiều sắc từ phương xa đến nổi bật trên nền buồn của nơi chốn, nhưng đồng thời làm bầu khí (phi trường) thâm trầm hơn.
Tôi bước lên chiếc xe ca, cửa vẫn mở khi xe lăn bánh, ‘lơ máy bay’ đứng một chân trong một chân ngoài. Dưới bầu trời âm u ẩm ướt giữa mùa mưa, sân phi trường chỉ có chiếc phi cơ vừa hạ cánh và hai chiếc máy bay của hãng hàng không nội địa Air Bagan. Không khí trầm trầm. Khu làm thủ tục nhập cảnh im lìm như tăng thêm bầu khí e dè ở một đất nước chưa hoàn toàn mở cửa. Vài nhân viên an ninh đứng ở trong nhìn ra, khách im lặng bước vào. Dường như nếu không có hai chiếc xe ca chở khách từ ngoài phi đạo vào thì bầu khí ở đây chắc còn lặng lẽ hơn nữa.
Tôi vào làm thủ tục di trú đầu tiên. Có tám cửa nhưng chỉ bốn quầy có nhân viên ngồi, như vậy cũng đủ vì chỉ có một chuyến máy bay quốc tế. Mỗi quầy có hai nhân viên ngồi cùng bên, người trước nhận giấy tờ của khách kiểm tra rồi đưa qua người bên cạnh. Tôi đã xin visa nhập cảnh ở Lãnh Sự Quán Danh Dự Myanmar nằm trên con đường nhỏ Sầm Sơn ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Ở đây họ nhận hộ chiếu và đơn xin nhập cảnh rồi gửi ra Hà Nội, hẹn trong một tuần đến lấy. Giấy tờ đầy đủ, nhưng khi đưa hộ chiếu có đóng dấu visa 28 ngày thì cô nhân viên lắc đầu quầy quậy, nói cái gì đó. Cô lấy một tờ giấy trắng, chỉ vào tờ giấy rồi lật hộ chiếu chỗ có đóng dấu visa của sứ quán quán Myanmar ngoài Hà Nội, rồi lại chỉ tấm hình trên hộ chiếu, nói ‘paper paper’. Thì ra khi xin visa, sứ quán Myanmar vừa đóng dấu visa nhập cảnh lên hộ chiếu, vừa bấm kèm lá đơn của người xin có dán ảnh lên trên. Tôi tưởng có khuôn dấu đóng lên hộ chiếu là đủ rồi nên cất tờ đơn một chỗ khác. Lại lục ba lô một hồi mới tìm ra. Nhân viên di trú thu tờ giấy có tất cả các chi tiết của người xin nhập cảnh. Bây giờ mới hiểu tại sao khi xin chiếu khán phải viết hai tờ đơn, một đơn giữ ở sứ quán, một tờ di trú giữ khi đến. Thủ tục thật phiền phức.
Hành lý không có gì khai trừ mớ áo quần đi bụi, lương khô và các viên vitamine đủ sống trong năm ngày. Tôi đem theo lương khô cho chắc ăn vì trước khi đi đã nghiên cứu kỹ, mấy anh Tây ba lô đi trước khuyên thế, nhất là nếu đi tàu lửa vài chục tiếng thì trên xe lửa không có gì để ăn. Nói chung là lỡ có mệnh hệ nào, chiến tranh chẳng hạn, hay chính quyền quân sự đột ngột cấm nội bất xuất ngoại bất nhập thì mình còn ôm mớ lương khô kiếm đường… vượt biên qua Thái!
Thật ra tôi cẩn thận trên mức bi quan đó thôi, dù không phải không có lý do. Bởi một đất nước trong thời buổi liên thông mà lại bị ‘nghỉ chơi’ thì quả là điều khó hiểu, càng gây cảm tưởng nó là một ngôi làng sống biệt lập và bị cô lập sau lũy tre làng, không biết điều gì đang xảy ra trong ấy, và người ta có cái cảm giác ái ngại cho người ở trong, thậm chí thương hại. Nhưng người ở trong chưa hẵn đã nghĩ như vậy, nhất là với một dân tộc vốn trầm lắng, ít bày tỏ cảm xúc bằng lời nói, ít ra tôi cũng thấy như vậy trong 12 ngày đêm ở Miến Điện.
Bầu khí lặng lẽ nơi khu làm thủ tục nhập cảnh trùm qua cửa hải quan. Một nữ nhân viên ngồi ở Cửa Xanh, khuôn mặt thản nhiên, không vồn vã, không dọa nạt, không soi mói, đôi mắt đen và da mặt ngăm ngăm của cô có một vẻ kín đáo. Liếc ra bên ngoài khu đón khách cũng không có cảnh nhí nhố tưng bừng hay cánh taxi xớn rớn mời mọc. Mọi người đứng yên lặng, chỉ nhìn. Yangon không còn là thủ đô từ năm 2005, nhưng vẫn là thành phố thương mại sầm uất nhất Miền Điện. Vậy mà cảnh phi trường và đón khách bình thản, nhìn phát lo.
Một tuần trước ngày đi tôi đã gửi điện thư đặt phòng ở một nhà khách có tên Ocean Pearl Inn, họ quảng cáo trên mạng sẽ đón khách từ sân bay miễn phí, phòng trọ 10 đô, và quan trọng nhất là ‘điện nước đầy đủ’. Gửi email ba ngày không thấy trả lời, tôi gửi tiếp một email nữa nhắc, sáng ngày đi còn mở thùng thư kiểm tra một lần chót nhưng phía nhà trọ vẫn lặng lẽ. Thôi thì bề nào cũng lặng lẽ tới đây rồi. Ra khỏi cửa hải quan, mừng sao thấy một quầy thông tin (Information) nhỏ bên tay phải. Cô thông tin cười lặng lẽ, cô lấy hai tấm bản đồ du lịch ra tặng. Tôi nhờ cô tìm một nhà trọ rẻ, cô gái gật đầu, lúi húi tìm địa chỉ. Đúng lúc đó một thanh niên tiến lại, anh ta mỉm cười, rồi giơ một tấm bảng lên thì kìa, tên họ tôi viết bằng chữ hoa đàng hoàng. Anh ta mỉm cười ra dấu đi theo ra xe.
Khi lên xe tôi hỏi sao không thấy phía anh trả lời tin đặt phòng, anh nói mới nhận email sáng nay thôi. Tôi đã biết chính quyền kiểm soát thông tin rất chặt, xe cộ cũng cũ kỹ nhất hạng thế giới, nhưng không ngờ khi nghe và thấy Yangon thì mức độ ‘chặt’ và ‘cũ’ còn trên tưởng tượng. Chiếc xe cá mập không biết của hãng nào cũ như không thể rách nát hơn. Các chiếc xe hơi đang chạy trên đường đều xập xệ cà tàng thế cả. Thùng xe tróc sơn lòi cả dấu hàn xì, nệm ghế bờm xờm như bờm ngựa, máy xe khục khịa, cửa kính xe không thể hạ xuống, không có tay quay, và trước mặt bác tài không một cái đồng hồ nào hoạt động kể cả đồng hồ tốc độ. Xe lượn trên con đường xanh lá. Đến một ngã ba trước khi vào đường lớn, thấy một tấm bảng có hàng chữ nỗi màu vàng trên tấm bảng xanh, ghi: Myanmar, The Golden Land.
Một ngày đầu tuần, thành phố đang giờ cao điểm, nói theo thói quen ở những thành phố lớn đông xe vào đầu giờ làm việc. Nhưng suốt nửa giờ xe chạy không thấy kẹt xe dù xe hơi (cũ) nhiều hơn xe gắn máy và xe đạp. Những con đường đi qua xanh lá, nhiều chiếc chạy rung cả thùng xe, cũng qua mặt này nọ nhưng không ồn ào, tất cả các di động trên đường có một vẻ mềm mại, yên tĩnh gần như sự lãnh đạm, các nhà sư chân đất áo nâu sẫm, các xe hàng người ngồi trên mui xe, những cậu bé học trò áo trắng quấn xà rông (longy) xanh lá cây, bầu trời xám, lề đất sũng nước, con người sinh sống đi lại nhưng tất cả bình thản một vẻ buồn. Xe đi qua vài con đường đông đúc người và những tòa nhà bốn tầng cũ kỹ có màu tường xanh hay xám tróc vôi loang lổ, rồi ngừng lại. Nhìn con đường ổ gà ngập nước, nhìn cái nhà khách có cửa kính màu xanh đục nằm trong một dãy chung cư luộm thuộm cũ mèn, nước và đất đọng từng vũng trước nhà trọ, tôi chán nản bước trên những cục gạch vào cái nhà khách tối tăm. Không ngờ cái nhà trọ lại tồi tàn đến khiếp vía như vậy. Lỡ rồi!
Người đàn ông trung niên ốm nhỏ đang ở trần đứng sau quầy thấy tôi vào, lật đật tròng vội cái áo thun ba lỗ nên ấn tượng ở ngay ‘trung tâm thành phố Yangon’ như quảng cáo càng ê chề. Ông ta cười nói ngay:
- Tôi mới trả lời email cho anh sáng nay.
Ông dẫn lên tầng trên, chỉ một loạt phòng trống nói tôi muốn lựa cái
phòng nào cũng được vì không ai ở cả. Nghe càng ghê. Trót trao thân rồi. Đành tự an ủi là phòng mình có cửa mở ra cái lan can nhỏ trông ra con đường dơ bẩn, dù trong phòng choáng một cái cầu thang dẫn lên tầng hai nhưng giường nệm sạch sẽ và nhất là, có vẻ yên tĩnh dù ở ngay chốn chợ búa. Tôi bỏ ba lô dưới chân cầu thang, xuống hỏi đường ra sông Yangon. Lý do tôi chọn cái nhà khách (khá thổ tả) này là vì nó nằm gần sông, đi bộ chỉ mất 10 phút.

Đúng là chỉ 10 phút, nhưng không thấy sông mà chỉ có một bức tường xi măng loang lổ che kín mé sông, những người đàn ông Miến quấn xà rông ở trần nằm ngồi hay ngủ trên lề đường, hoặc tụm năm ngồi ngai trầu tán chuyện, con đường chạy dọc bờ sông lớn và dơ bẩn, xe tải chạy rần rần và lộn xộn, bụi bốc lên dù đường sũng nước. Nhìn tấm bản đồ được phát ở phi trường cứ tưởng con đường ven sông này phải thơ mộng, nhất là có địa chỉ của sứ quán Anh và Úc nữa. Nhưng đi non một cây số vẫn không thấy sông, cảnh không khác mấy khu Khánh Hội bên quận 4 Sài Gòn trước khi được giải tỏa. Tôi rẽ trái vào một bến tàu, hàng quán và xe đạp lôi đậu tràn đường, các bà bán thơm đã lột vỏ bày trên đường nhìn từ xa thấy một đám ruồi đậu kín mít, nhưng khi tới gần không phải ruồi mà ong mật bám kín tất cả các miếng thơm. Tôi vào một quán cốc gần bến phà, nhìn qua bên kia sông, hỏi có cà phê không, anh bán quán gật, một chút sau đem ra một cốc nhỏ không phải cà phê mà là trà sữa, giá 300 kyat (đọc là ‘chát’, 1 đô la Mỹ đổi được 1.000 kyat).
Ly nước đầu tiên của tôi ở Miến Điện. Sau này mới biết nó là nước trà nấu từ nước sông Yangon đục ngầu.
Cho đến gần chiều hôm đó tôi rảo bộ hết các khu gần nơi ở. Không có lề đường nào có thể đi bộ mà không nhìn xuống đất nếu không muốn bị vấp hay sụp lỗ cống. Người Miến Điện ăn trầu nhiều như đàn ông Việt Nam hút thuốc, họ nhổ nước trầu xuống đường xoàn xoạt, những miếng đá không còn nguyên vẹn vừa bám rêu xanh vừa bám đầy màu đỏ nung của nước trầu. Họ nhổ nước trầu bất ngờ như người mình chạy xe máy bỗng nghiêng đầu ‘xoẹt’ một cái, nếu xui xẻo người đi sau rất dễ trúng đạn. Nhà cửa ở những con đường tôi đi qua thường là chung cư, cũ mèm và luộm thuộm (ở Sài Gòn không còn chung cư nào như thế). Lề đường chật càng chật thêm không chỉ vì người mà vì nhiều máy phát điện đủ cỡ để trên lề. Khu chợ Bogyoke Aung San (hay còn gọi là Scott Market) cũng không khá hơn mấy dù là chợ chính của Yangon, hàng hóa ít chủng loại tuy có khá nhiều sạp bán đá quý và vài tiệm vàng nhận đổi đô la. Miến Điện cúp điện triền miên (viết đến đây mới thấy tên nước họ có chữ ‘điện’). Tôi vào một tiệm Internet, chưa kịp ‘log in’ thì nghe ‘xoạch’ một cái: cúp điện. Nhưng chỉ mấy phút sau là có điện, vô Yahoo chờ khoảng nửa giờ thì chỉ thấy hộp thư (inbox) đầy nhưng vào hoài không được. Cô coi tiệm nhảy vô đổi địa chỉ IP gì đó mà tôi đoán là để vượt tường lửa, chờ gần nửa tiếng nữa thì đành bó tay.
Gần chiều, tôi kêu một chiếc taxi nhờ chở đến hồ Inya Lake, nhìn trên bản đồ thấy có vẻ là một địa chỉ đẹp. Trả giá xe bài bản (2.000 kyat, sau này mới biết người địa phương chỉ mất một ngàn). Chiếc taxi, tình trạng giống chiếc cá mập đón ở phi trường, không có đồng hồ nào hoạt động, cửa kính không có, nội thất xe thì khỏi nói, sườn sắt bên trong có cái gì bày ra cái nấy, nhưng anh taxi rất vui tính. Anh đố tôi giá chiếc xe bao nhiêu. Tôi nói không biết nhưng nếu ở nước ngoài phải trả tiền thì mới bỏ nó vào được khu phế thải. Anh ta cười lớn, chỉ một chiếc xe màu đỏ cũ mèm đang chạy phía trước, thùng xe không có nhãn mác và còn dấu hàn đồng chưa phủ sơn, lại đố tôi chiếc đó bao nhiều đô. Tôi vẫn trả lời như cũ. Anh bảo chiếc xe đỏ đó giá ít nhất là 15.000 đô la Mỹ. Anh nhấn mạnh chữ đô la. Ngay ở Việt Nam cũng khó thấy một chiếc xe cũ như thế, còn ở Úc hay Mỹ thì bảo đảm phải trả cho người buôn phế liệu ít nhất 100 đô họ mới tới nhà kéo đi. Anh nói chiếc taxi anh đang lái thuộc loại bèo, chỉ 10.000 đô thôi!
Nhưng đi xa khu vực tôi đi bộ vừa rồi mới thấy Yangon quả không tệ như thế. Càng đi về hướng Bắc (sông Yangon nằm hướng Nam Yangon) thì nhà cửa càng rộng rãi và đường xá sạch sẽ trơn láng hơn. Có thể ví Yangon như một cái túi miệng to đáy nhỏ, đáy là khu ổ chuột, chứa toàn những đồ lỉnh kỉnh nhưng miệng thì mở ra khoáng đạt, mát mẻ và xanh tươi. Nước hồ Inya trong, quán ăn nằm bên hồ không thua gì ở các nước giàu. Đây là cái hồ mà ông John William Yeattaw, người Mỹ, đã bơi qua để vào nhà lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Có thể thấy từng đàn cá con bơi bên dưới, vài cặp tình nhân chàng che dù nàng nũng nịu ngồi tựa đầu lên vai chàng trên ghế đá, những nhóm thanh niên nam nữ ngồi trên bãi cỏ, các ông quấn xà rông sang trọng đang lai rai bia Myanmar nơi các bàn gỗ dưới tàng cây rộng, nhìn khung cảnh yên bình này thật khó biết đây là cái hồ chứng kiến một biến động gây xôn xao dư luận.
Lúc trở về, anh taxi này cũng nói chuyện xe cộ như anh trước. Anh chỉ một chiếc Corona đời 87 đang chạy phía trước, nói chiếc đó giá 20.000 đô. Tôi chụp hình chiếc xe chạy đằng trước xuyên qua kính xe, chụp luôn tấm thẻ lái xe có dán hình của anh ta. Chợt anh ta nói: ‘Đừng đừng, nhớ xóa cái hình mới chụp có tên của tui.’ Anh ta có vẻ ngại ngùng thật sự khi trong máy hình tôi có hình thẻ hành nghề của anh. Và ở các tỉnh khác khi tôi đi qua mấy hôm sau, nhiều người lái taxi, hay ngay cả xe ôm, đều có thái độ e dè tương tự. Họ trầm ngâm khi tôi hỏi tên để giới thiệu lên blog cho những người bạn phượt (du lịch bụi). Họ không trả lời, không phản đối, chỉ tư lự xa xăm.
(còn tiếp)
Tác giả giữ bản quyền © tukhanh.wordpress.com
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 04/11/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121104/tu-khanh-muoi-hai-ngay-o-mien-dien-1
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001