Vương Trí Nhàn
Văn nghệ, Hà Nội, số 35 & 36 (20-8-1988)
Văn nghệ, Hà Nội, số 35 & 36 (20-8-1988)
Nếu có
một thứ “Quả bóng vàng” (Hay là “Cây bút vàng”) dành để tặng cho các cây
bút xuất sắc hàng năm thì trong năm vừa qua – và cả nửa đầu năm nay nữa
– người xứng đáng được giải trong văn xuôi ta, có lẽ là Nguyễn Huy
Thiệp. Nhắc tới anh, người ta nhớ Tướng về hưu, gây xôn xao một dạo, bởi cách viết rạch ròi trần trụi; nhớ Muối của rừng tưởng như không đâu, hóa ra lại đượm nhiều ngụ ý thâm trầm, nhớ Một thoáng Xuân Hương, lịch duyệt mang đậm phong vị kẻ sĩ Bắc Hà; nhớ Con gái thủy thần
lẫn lộn hư thực, và liều lĩnh đến tùy tiện. Với mỗi một truyện ngắn,
Nguyễn Huy Thiệp như đang làm một cuộc phiêu lưu cho ngòi bút mà cũng là
tự phác ra chân dung mình. Cuộc phiêu lưu đó đang tiếp tục nhưng do chỗ
mỗi truyện ngắn đã là một nét vẽ hằn lên rõ ràng, nên người đọc vẫn có
thể vượt qua những khoảng trống để phác ra hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp.
Khi một ngòi bút có được cá tính mạnh mẽ thì sự định hình dẫu có đến sớm
cũng là một điều dễ hiểu.
Sự độc
đáo kỳ lạ là một yêu cầu nhất thiết với văn học, thế nhưng một phong
cách như Nguyễn Huy Thiệp lại hai lần kỳ lạ vì nó mang tới cái chất mà
lâu nay trong văn học Việt Nam hơi thiếu – chất kiêu bạc tàn
nhẫn, cay đắng. Bằng một lối kể trầm trầm của một kẻ vừa trải đời, vừa
chán đời và không còn những hy vọng dễ dãi vào đời trong Tướng về hưu,
tác giả vẽ ra một khung cảnh ở đó, nếp sống thực dụng lan tràn, trở
thành một thói quen; con người lì lợm lâu ngày đến mức mất hết cảm giác
về sự lì lợm của chính mình; cái tốt bé nhỏ như một cái gì trớ trêu rơi
rớt lại không được việc gì; lương tri vẫn còn trong mỗi người nhưng nó
chỉ đủ sức làm cho người ta nghẹn ngào khi phải đối mặt với những cảnh
tha hóa bần cùng. Vả chăng, như là sản phẩm của tất yếu, tất cả giản dị
hồn nhiên, nhiều hành động bột phát lại như đã tính toán sẵn từ trước,
một câu nói buột miệng lại sắc cạnh như một châm ngôn. Con người không
phải muốn làm gì thì làm, và càng giãy giụa, nó càng chứng tỏ mình đã bị
hoàn cảnh khống chế chặt chẽ.
Trong
một nét vẽ thoáng qua, có lần Nguyễn Huy Thiệp tả một nhân vật “mặt nhàu
nát vì đau khổ”. Vẻ nhàu nát ấy phải nói cũng là nét chính trên khuôn
mặt văn học của Nguyễn Huy Thiệp mà ta thấy hiện lên qua các sáng tác –
nhàu nát, tê dại, để rồi trở nên hung hãn, táo tợn. Chỉ người xa lạ với
tác phong của đám học trò nhạy cảm học đòi làm văn mới dám viết – tức là
“chường mặt mình ra” – như vậy, viết bất chấp mọi lề thói trong nghề,
chỉ tuân theo một luật chơi duy nhất là nói những điều đào sâu chôn chặt
trong lòng. Những sinh thể kỳ dị vốn có sức sống lạ lùng, câu chuyện về
Lão Tôn (Tôn Ngộ Không) nứt ra từ đá đã nói rất hay về điều đó. Về phần
mình, mượn cách nói mà chính tác giả đã dùng, văn chương Nguyễn Huy
Thiệp có phần giống “con gái thủy thần”, hoặc một thứ con hoang, kết quả
của những cuộc lang chạ đầy đau khổ. Chỉ có điều là phong cách con
hoang dị dạng đó lại biết nói về những nét đặc trưng của cuộc sống hôm
nay đích đáng mà ta không thể tìm thấy trong bất cứ phong cách nào khác.
Có phải đã đến lúc lối sống, lối nghĩ tự mệnh danh là tinh tế ý nhị, đã
trở thành vô nghĩa; mọi điều phải trái xưa nay lấp lửng phải được nói
toẹt cho rõ ràng; mọi sự ngộ nhận phải được đính chính? Và như vậy thì
lối viết lạnh lùng, suồng sã, không coi cái gì là quan trọng, cái gì
cũng muốn nói tuột ra – lối viết ấy có cái lý của nó.
Trừ một
vài cây bút “chuyên đề”, còn đối với phần lớn các nhà văn ta hiện nay,
thực tại lịch sử thường là một cái gì xa lạ. Con người tác giả, con
người bạn đọc thường lo sống sát với nhu cầu thường ngày. Ai dám tự nhận
biết rõ khuôn mặt lịch sử mà dây vào cho phiền.
Ở chỗ
mọi người ngại ngùng Nguyễn Huy Thiệp lại sẵn sàng “lĩnh đủ”. Sự định
hướng trong cách hiểu đời sống trước mắt mạnh mẽ đến nỗi nó chi phối
luôn cách khai thác lịch sử và khơi mào cho những hư cấu có thể là bịa
đặt mà không dễ gì nghi ngờ. Và thế là trong những thiên truyện Kiếm sắc, Vàng lửa, chất dã sử và chất hiện đại có dịp thâm nhập vào nhau, tạo ra những món ăn lạ miệng cho trí tuệ. Sở dĩ một thiên truyện như Tướng về hưu, như khắc vào đầu óc ta một phần vì ở đó, tác giả biết cách trình bày hiện tại như một cái gì đã thuộc về lịch sử, còn trong Vàng lửa, Kiếm sắc, người
viết lại nhìn lịch sử bằng con mắt ngày hôm nay. Biết nhìn hiện tại như
lịch sử thì có thể tránh được những yêu ghét cá nhân vớ vẩn, những run
rẩy vô lối mà đám nghệ sĩ kiêu căng và yếu lòng thường có. Còn biết nhìn
lịch sử như hiện tại thì tuy có thể mang tiếng suồng sã nhưng sẽ tránh
được những cái chắp tay vái dài trước người xưa và biết sử dụng lịch sử
như một phương tiện để hiểu hiện tại. (Người sành văn học phương Đông có
thể bảo ở chỗ này, Nguyễn Huy Thiệp muốn học theo bút pháp lạnh lùng,
hằn học của nhà viết sử Tư Mã Thiên, nhưng một sự ức đoán như thế lúc
này còn là quá sớm!).
Ở cuối truyện Kiếm sắc,
Nguyễn Huy Thiệp kể Đặng Phú Lân nghe xong giọng hát cô Cầm “thở dài,
trào máu ra từ ngũ khiếu”. Hôm sau Lân bỏ đi, không chào người chủ quán
cũng không hỏi người khách trẻ tuổi với cô Cầm chủ quán. Tại sao? Người
ta đoán rằng sau những im lặng và cái hành động giật cục của nhân vật Võ
Biền là mọi cảm xúc lớn lao không nói lên lời.
Cách bày tỏ tình cảm kiểu này của nhân vật Kiếm sắc
là một gợi ý tốt giúp chúng ta hiểu mạch trữ tình kín đáo nơi văn
Nguyễn Huy Thiệp. Chắc hẳn trên khuôn mặt nhàu nát kia còn những nét trữ
tình ẩn giấu không dễ mấy ai nhận ra. Chẳng thế mà thỉnh thoảng vẫn bắt
gặp những thoáng rưng rưng của tác giả khi nói về những con người yếu
đuối trước trận cuồng phong của lịch sử, hoặc về nỗi cô đơn của người
nghệ sĩ. Trong phạm vi của một cái gì manh nha hé mở, chúng ta cảm thấy
tác giả muốn đưa hình ảnh cô Cầm và Ngô Thị Vinh Hoa ra như là biểu hiện
của cái đẹp và sự yếu đuối, những thứ mãi mãi còn lại trên cõi đời này,
và càng hiếm lại càng quý. Giữa cuộc sống nghiệt ngã phải chăng đây vẫn
là một phần lý do để mỗi chúng ta sống hy vọng vào cuộc sống? Chính
thế! Mà trước hết, sự sáng tạo văn chương phải được hiểu theo nghĩa đó. Khi cái ác được viết ra, tức là có điều kiện để đẩy lùi nó. Mỗi lần nghệ thuật chiến thắng là một lần cái thiện chiến thắng.
Với thói bi phẫn thường trực, ở cuối Kiếm sắc
Nguyễn Huy Thiệp viết rằng công việc viết văn phức tạp, nhọc nhằn, lại
buồn tẻ nữa. Nhưng tôi ngờ có lúc Nguyễn Huy Thiệp sẽ thấy mình nhầm!
Cái việc oan nghiệt ấy cũng rất thú vị, dù chỉ là một thứ thú vị kiểu Xi
– dip. Nếu tác giả không cảm thấy trước, thì làm sao tác phẩm của anh
có được cái hấp dẫn ma quái với bạn đọc như nó đang có?
* Rút từ chuyên đề tư liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới” do 2 nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình sưu tầm, biên soạn. PHÍA TRƯỚC trích lại từ Phê Bình Văn học.
nguồn:http://phiatruoc.info/tuong-tuong-ve-nguyen-huy-thiep/
======================================================================
Chú ý: Nhấn
vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001