HOÀNG THẢO CHI
(Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam)
Nhiều năm học tập, rồi lăn lộn kiếm
sống, trên lãnh thổ liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết cũ, và
liên bang Nga bây giờ, nếu là nhà văn đích thực, tôi dám cược “một ăn
một trăm” là sẽ viết được cuốn tiểu thuyết cực kỳ vĩ đại, đủ sức hủy
diệt bất kì đối thủ nào dám cạnh tranh với tôi giải Nobel danh giá giành
cho văn học.
Nhưng chỉ là kẻ viết lách nghiệp dư,
nên tôi quyết định nhường cơ hội ấy cho các nhà văn lớn. Kẻo mọi người
lại đàm tiếu là: Quạ muốn thành… Công!!! Hoặc cái gì đó tương tự. Mà tôi
thì không thích, những lời lẽ ít tính nhân văn ấy lắm. Nên âm thầm rút
lui, tuyệt nhiên không hé răng nói với bất kỳ ai, về cái ý định tranh
giải Nobel văn học của mình. Tuy thế, tôi vẫn nhớ và muốn viết về nước
Nga đến cồn cào cả lòng dạ. Bởi nước Nga có rất nhiều thứ để nhớ. Mùa
thu vàng chẳng hạn. Ai mà không biết đến kiệt tác “Mùa thu vàng” trứ
danh của danh họa Levintan kia chứ. Nhưng với tư cách là người đã đi qua
rất nhiều mùa thu vàng của nước Nga, tôi xin nói nhỏ với mọi người
rằng: Cụ Levintan mới chỉ mô tả được một cái lá vàng, trong cái biển
vàng chói lòa vời vợi, của mùa thu nước Nga mà thôi. Trời ơi! Mùa thu
vàng nước Nga, làm sao mà ngợi ca bằng màu sắc, âm nhạc, thơ ca…hay bằng
cái dỉ cái di, cái gì đi nữa… thì cũng đành bó tay.com mà thôi!!! (Nói
vậy, chứ tôi cứ phải xin lỗi cụ Levintan, vì tôi vốn không biết chi về
hội họa, mà lại yêu mùa thu nước Nga quá, nên cứ nói đại thế, mong cụ
đại xá cho). Hay như nhà thơ Tố Hữu đã trầm ngâm xác nhận: Đẹp như người con gái nước Nga…
Tôi và tất cả mọi người đã sống, hoặc đã đến nước Nga, dẫu chỉ một lần,
đều một trăm phần trăm đồng ý với nhà thơ về nhận định này. Không biết
các nàng tiên trên thượng giới đẹp thế nào? Nhưng các cô gái Nga tóc
vàng mắt xanh thì đúng là những kiệt tác tuyệt mỹ nhất, mà chỉ có Thượng
đế mới tạo ra được. Nhưng tất cả những thứ đó đều lùi rất xa, mỗi khi
tôi nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào, trong những ngày đầu mới đến
Matxcơva, và một kỉ niệm đặc biệt là được phong hàm “Giáo sư” đến hai
lần trong một ngày…mà lòng tôi dâng đầy thương nhớ!
Thượng tuần tháng 8 năm 1981, tôi có mặt
và trở thành sinh viên tại khoa dự bị tiếng Nga của trường đại học
tổng hợp quốc gia Matxcơva. Một hai tuần đầu, tôi luôn sống trong trạng
thái của một kẻ mộng du, hạnh phúc tràn đầy. Trường đại học tổng hợp
mang tên nhà bác học vĩ đại người Nga – Lomonosov đối với tôi quả là một
thiên đường tri thức thực sự. Tôi chưa được đến các trường đại học danh
tiếng khác trên thế giới như: Harvard, Sorbonne, Oxford…nhưng lúc đó
tôi đã nghĩ: Chỉ là cái đinh rỉ so với MGU( Tên viết tắt của trường tổng
hợp Matxcơva)…thôi. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười vì sự so sánh đó.
Nhưng lúc ấy, nếu là các quý vị, thì các quý vị cũng nghĩ như tôi mà
thôi. Hôm cô giáo phụ trách lớp, dẫn chúng tôi đi thăm trường, đi dưới
sân của tòa giảng đường chính, có ngọn tháp cao đến mấy trăm mét, thỉnh
thoảng tôi cứ cấu vào mũi mình xem mình có đang mơ không???( Bây giờ
trên mũi tôi vẫn còn mâý vết sẹo mờ mờ của những cú cấu ấy!!!). Đêm đầu
tiên nằm ngủ trong căn phòng thơm mùi sơn mới, trên tầng 12 của ký túc
xá sinh viên 16 tầng cao vút.Tôi tuyệt nhiên không buồn ngủ chút nào.
Tôi chỉ quen nằm trên giường vạt tre, hoặc gỗ. Bây giờ nằm trên giường
lò xo, có đệm mút êm, cứ có cảm giác bồng bênh, như đang từ từ lún xuống
sình lầy vậy. Thấy ghê ghê. Trăn trở mãi không ngủ được, tôi quyết định
phải đi tắm một cái. Lại cũng lần đầu tiên nằm trong bồn tắm nước nóng,
với một núi bọt xà phòng vừa thơm, vừa hăng hắc. Tôi miên man nghĩ về
quá khứ. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại “ Bất hiếu “ đến thế không biết?
Bởi những hình ảnh tôi nhớ đến trước tiên, không phải là thày u tôi, mà
lại là con trâu sứt mũi của hợp tác xã, giao cho nhà tôi nuôi. Tôi thấy
mình đang cưỡi nó bơi qua đầm sen cạnh quốc lộ 21, con đường có cả đường
bộ lẫn đường sắt song hành chạy gần sát qua làng tôi. Giữa mùa hạ, xung
quanh hồ, sen đang vào mùa trổ bông, rực rỡ sắc hồng, sắc trắng, ngào
ngạt hương thơm mê mẩn. Đoàn tàu khách bất ngờ chạy qua, u u kéo còi và
xả ra những đám hơi nước rú rít mù mịt, đinh tai nhức óc. Con trâu sứt
hoảng sợ ngụp vội xuống, khiến tôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. (Tôi
sinh ra ở vùng đồng chiêm trũng, biết bơi khi còn trong bụng mẹ, có thể
nằm nổi trên mặt nước bao nhiêu tùy thích. Cái này chính tôi cũng thấy
lạ!!!). Trâu sứt ơi, cái bồn tắm này mày không thể tắm được đâu, tao còn
không thấy hợp nữa là mày! (Tắm ở hồ quê mình, bơi lội tự do vẫn sướng
hơn chứ! Phải không!) Nhưng thông cảm nghe! Nhập gia phải tùy tục mà.
Tôi thấy rõ ràng cái mũi ươn ướt của nó cọ cọ, ngửi ngửi nơi tay tôi
nhồn nhột ra vẻ thông cảm. Nó đã, và sẽ còn mãi mãi, cõng tuổi thơ của
tôi trên lưng. Tôi như ngửi thấy mùi khen khét, mùi của da trâu, mùi của
thuốc súng từ da thịt tôi tỏa ra. Ừ, mùi vị quá khứ của tôi đó, của đất
Việt bao đời đạn bom chiến tranh, lầm than lam lũ của tôi đó. Tôi hít
hà da thịt mình, hít hà mùi vị quê hương mà thương nhớ đến vô cùng. Lan
man về quá khứ một lúc, tôi rời buồng tắm, quay về với tấm đệm bồng
bênh, về với hiện tại của mình. Lúc đó tôi đã vô cùng hài lòng về bản
thân. Tôi đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng là vào đại học, mà lại được
học đại học ở nước ngoài nữa. Chúa ơi! Tôi phục tôi quá đi mất!!! Lúc
ấy đầu tôi bỗng trống không! Tôi đã không thể nào giải thích được điều
đó. Mấy năm sau, một hôm xem truyền hình, về lễ trao giải Oscar của điện
ảnh Mỹ, tôi mới lí giải được hiện tượng ấy: Một diễn viên nữ tuy chỉ
đóng vai phụ trong một bộ phim, nhưng vì diễn xuất cực kỳ hay, cô đã
được trao giải Oscar danh giá cho nữ diễn viên đóng vai phụ xuất sắc
nhất. Khi bước lên sân khấu nhận tượng Oscar, cô òa khóc. Người dẫn
chương trình phỏng vấn: Chị đang nghĩ gì vậy? Chị có thể nói đôi lời
không? Cô ấy giơ tượng Oscar lên cao nói: Đầu tôi đang trống không đây,
nói gì được kia chứ…à…à… mà có. Tôi rất hạnh phúc. Cảm ơn! Cảm ơn!!!
Chắc là tôi cũng đã rơi vào trạng thái ấy, dẫu tôi không được giải
Oscar. Nhưng được trở thành sinh viên của MGU (dẫu chỉ là sinh viên học
tiếng Nga một năm), đối với tôi, một kẻ” chân đất mắt toét” là một điều
không ngờ tới. Đó là một hạnh phúc lớn lao. Tôi biết rằng, có được cái
hạnh phúc ngọt ngào đó, ngoài sự nỗ lực đến kiệt sức của bản thân, còn
vô vàn những điều khác nữa đã nâng cánh cho tôi. Tự thẳm sâu trong trái
tim, tôi đã nói ngàn lần lời cảm ơn vì tất cả. Có lẽ tôi đã thiếp đi
trong lúc nói những lời cảm ơn đó.
Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, mặt trời đã
lên cao, đang chiếu những tia nắng rực rỡ vào phòng tôi qua những ô kính
lớn trên của sổ. Lệch múi giờ, tôi không thể đoán được lúc ấy vào
khoảng mấy giờ sáng. Tôi bước đến bên của sổ, một phần của Matxcơva như
một bức tranh tuyệt đẹp hiện ra phía ngoài kia. Vô số những tòa nhà 15
đến 20 tầng chạy dài tít tắp hai bên những đại lộ thênh thang. Những
dòng xe ô tô nối nhau miên man không dứt. Tôi cố tìm kiếm bóng dáng cái
xe đạp thân thuộc của xứ xở mình, nhưng đành bất lực. Rất nhiều những
công viên cây xanh rải rác đây đó, như những điểm nhấn làm dịu mát không
gian đô thị hiện đại. Những hàng bạch dương rì rào trong gió, đã thấp
thoáng những cánh lá vàng, tín hiệu báo cho đất trời chuẩn bị chuyển
sang mùa thu vàng huyền thoại. Khung cảnh ấy chợt gọi những hình ảnh Hà
Nội về trong tôi. Tôi nhớ đến khu tập thể Giảng Võ với những dãy nhà năm
tầng uy nghi, nơi có căn hộ ba buồng của một vị thứ trưởng, mà tôi chơi
rất thân với cậu con trai của ông ấy. Mỗi lần đến chơi, nó lại luộc mấy
cái xúc xích Nga chiêu đãi tôi. Hắn nói là mới mua ở cửa hàng Vân Hồ
đấy. Tôi hỏi: Cửa hàng Vân Hồ ở đâu? Sao lại mua được xúc xích ở đó? Hắn
nhìn tôi với ánh mắt vô cùng độ lượng, không chấp trách mà rằng: Là nơi
bán hàng thực phẩm chỉ dành cho cán bộ cao cấp…như bố tớ chẳng hạn!!!
Tôi hiểu ngay và buồn rầu nghĩ bụng: Thế kia đấy. Mình làm sao biết được
cái cửa hàng Vân Hồ ấy ở đâu kia chứ!!! Mùi xúc xích luộc thơm nức
trong trí tưởng, làm bụng tôi réo lên ùng ục. Lúc ấy mới biết mình đang
đói. Chiều qua, lúc đi ngang nhà ăn ở tầng một của ký túc xá, tôi thấy
xúc xích đầy trong tủ kính. Tôi khoan khoái nghĩ: Bây giờ không cần vô
cửa hàng Vân Hồ cao cấp cũng mua được xúc xích thoải mái…Nhưng tôi lại
không thèm xúc xích. Tôi muốn được ăn cả một con gà luộc cho đã. Lúc ấy
tôi đã buồn cười về cái thèm khát vụn vặt, trần tục của mình. Chợt nhớ
mấy câu thơ của Chế Lan Viên: Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con… Không
sao, một con gà luộc không đè nát được cuộc đời của mình đâu mà sợ!!!
Tôi an ủi mình như vậy và quyết định rủ thằng Q, bạn tôi ở phòng bên đi
mua gà. Thằng Q dân xứ Nghệ. Chúng tôi đã học cùng nhau một năm ở khoa
lưu học sinh tiếng Nga, tại trường đại học ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội.
Nó đã đi lính, đánh giặc ở chiến trường Quảng Trị. Miền Nam giải phóng
xong mới trở về thi đai học như tôi. Hôm sang Nga, bay được mấy tiếng,
nó lên cơn sốt rét đùng đùng, mấy cô tiếp viên hàng không Nga được một
phen sợ vỡ mật. Nó có nước da tím tái, xám xịt toàn phần. Chúng tôi trêu
nó là: Nước da tươi màu sốt rét. Khi tôi bước vô phòng, thấy Q đang
đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài như bị thôi miên. Chắc nó đang làm thơ!
(Thằng Q làm thơ rất hay, chí ít là với tôi ). Thế nào thi nhân! Đầy thi
hứng phải không? Tôi hỏi nó. Ừ. Tim thì đầy cảm xúc, nhưng bụng thì sôi
ục ục đây. Đói bỏ mẹ. Nó nhăn nhó trả lời. Muốn ăn gì? Tôi dọ hỏi. Nó
mím môi một cái rồi trả lời rất dứt khoát (Chắc nó đã nung nấu về điều
này từ lâu lắm rồi): Gà luộc mày ạ. Phải ăn cả một con mới sướng!!! Giời
đất ơi! Khốn nạn thân nó! Khốn nạn thân tôi thế không biết! Nghèo khổ
giống nhau, nên thèm ăn cũng giống nhau nốt! Trái tim tôi nhói đau,
nhưng miệng lại phì cười vì cái sự trùng hợp ấy. Nó đoán được tôi đang
nghĩ gì nên hỏi: Mày cũng nghĩ vậy à? Tôi gật đầu xác nhận.
Cửa hàng thực phẩm chỉ cách ký túc xá
của chúng tôi vài trăm mét. Thằng Q ủy quyền cho tôi đi mua hai con gà,
để tối nay luộc lên “ăn cả một con mới sướng”. Thằng Q nhắc đi, nhắc lại
với cái giọng đầy khao khát! Cách bài trí trong cửa hàng thực phẩm hoàn
toàn ấn tượng đối với tôi. Những dãy tủ kính có máy lạnh đựng các loại
thịt, xếp hàng thẳng tắp, đèn neon sáng trưng. (Cái này không giống ở Hà
Nội lắm. Hà nội nhà mình thịt cứ bày trên sạp gỗ, tha hồ chọn, thuận
lợi vô cùng. Ruồi nhặng cũng kiếm được chút đỉnh. Tủ lạnh làm chi cho
rách việc). Tôi thầm so sánh rồi đứng xếp hàng sau một phụ nữ. Ở đâu
cũng xếp hàng, nhưng ở đây khác hơn thì phải. Dòng người xếp hàng mua
thực phẩm hầu hết là những người đã có tuổi. Chắc họ đã về hưu cả. Mỗi
người trên tay hoặc một cuốn sách, hoặc một tờ báo chăm chú đọc. Không
ai cầm tem phiếu, và đặc biệt là không thấy một viên gạch, hoặc một cục
đá nào xếp hàng như ở Hà nội. Cái này đúng là thua ta xa! Xứ mình một
cục đá, một viên gạch cũng có thể xếp hàng, và cũng được tôn trọng,
tuyệt nhiên không có chuyện phân biệt đối xử! Dòng suy nghĩ miên man của
tôi bỗng bị chặn đứng bởi câu hỏi:
- Anh bạn trẻ! Có ai đứng sau
cậu không ? Tôi đứng được chứ? Một người đàn ông khoảng 60 tuổi cao to,
gương mặt phúc hậu nhìn tôi với ánh mắt nồng ấm.
- Vâng! Không có ai cả. Xin mời ông! Tôi trả lời.
- Ồ! Cậu nói được tiếng Nga à? Cậu từ đâu đến vậy? Người đàn ông sởi lởi bắt chuyện với tôi.
- Tôi là sinh viên Việt Nam.
- Ôi! Đồng hương của Đặng Thái Sơn. Cậu có biết Đặng Thái Sơn không?
- Anh ấy là sinh viên của nhạc
viện Tchaikovsky, đã đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế về nhạc
Chopin…tôi chỉ biết vậy. Tôi chưa được gặp anh ấy bao giờ.
- Cậu ấy là một tài năng lớn.
Chúng tôi mới chỉ biết người Việt Nam các cậu mặc áo lính, còn người
Việt Nam mặc áo đuôi tôm chơi piano trên sân khấu thế giới, thì đây là
lần đầu. Người Nga chúng tôi cũng thơm lây từ cậu ấy.Thế cậu học trường
nào vậy?
Người đàn ông hỏi và chăm chú đợi câu trả lời của tôi. Một niềm tự
hào ngọt ngào dâng đầy trong tôi. Tôi mới thực sự là kẻ được hưởng lợi
đây! Đặng Thái Sơn thân yêu ơi, cảm ơn cậu nghe!
- Tôi học tại khoa dự bị tiếng Nga trường MGU. Tôi bình thản trả lời.
- MGU? Người đàn ông giật giọng hỏi lại, âm điệu nghe chừng không mấy tin tưởng.
Ông ấy không tin cũng phải. Tôi còn
không tin nữa là.Tôi móc túi lấy thẻ sinh viên MGU đưa cho ông. Ông trân
trân nhìn tấm thẻ, đầu lúc thì lắc lắc, lúc thì gật gật… tôi không hiểu
ông ấy đang nghĩ gì!
- Cậu biết không! Tấm thẻ này
mãi mãi là ước mơ cháy bỏng của tôi, của mọi thế hệ tuổi trẻ nước Nga và
cả liên bang Xô Viết nữa.
Giọng ông chùng xuống, đầy nuối tiếc.
- Cậu tuyệt lắm! Chúc mừng Giáo sư tương lai! Đi theo tôi lên đây.
Người đàn ông bứt mình khỏi những kỉ
niệm xa xưa, ông chúc mừng tôi với một ngữ điệu hồ hới, như cái cách
mừng vui của một người cha với người con vậy. Ông kéo tôi ngược đoàn
người đang xếp hàng, đến tận chỗ cô gái đang bán hàng.
- Bà có thể cho phép vị giáo sư tương lai của Việt Nam này mua trước được không? Ông nói với người phụ nữ đứng đầu hàng.
- Là sinh viên MGU đấy, cậu ấy bây giờ cần rất nhiều thời gian để học.
Ông đưa tấm thẻ sinh viên của tôi cho người phụ nữ xem. Bà đọc xong, quay ra nhìn tôi với con mắt ngợi khen.
- Cậu bé! Giỏi lắm! Khi nào cần
mua gì ở đây, cậu không cần xếp hàng đâu. Hãy đến nói với cô bán hàng…
Cậu là một ngoại lệ. Có phải không Lê na?
Lê na là cô gái bán hàng. Lê na nhìn tôi mỉm cười nói:
- Ồ! Tất nhiên rồi. Nhưng cậu nhất định là phải trở thành giáo sư nghe không!
- Vâng! Nhất định là như vậy. Tôi mỉm cười hứa.
Tôi cảm ơn tất cả mọi người rồi bước ra
khỏi cửa hàng. Tôi thấy Matxcơva đang gần hơn trong tôi, thấy nước Nga
đang cụ thể hơn, nồng ấm hơn trong trái tim mình.
Lúc về tới ký túc xá, đồng hồ trên tường
tiền sảnh chỉ 9 giờ sáng. Tôi nhìn chiếc đồng hồ nhựa trên tay đã chỉ
12 giờ trưa. Đây là giờ Việt Nam của tôi. Một chút luyến tiếc, tôi quyết
định bấm lại đồng hồ theo giờ Matxcơva. Tạm biệt Việt Nam. Bây giờ tôi
phải theo giờ của Matxcơva cái đã! Giao hai con gà cho thằng Q xử lý,
tôi quyết định một mình tới trường để thực hiện một phi vụ bí mật: Đi
tìm kho báu, mà một ông thày trẻ đã du học tại MGU về dạy tiếng Nga cho
chúng tôi ở trường đại học ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội đã tiết lộ. Với
tấm sơ đồ chỉ dẫn sơ sài trong tay, tôi lang thang trong rừng táo bạt
ngàn trên đồi Chim Sẻ thuộc khuôn viên của trường. Sau mấy tiếng đồng hồ
đi miên man theo bản chỉ dẫn, cuối cùng tôi cũng tìm được kho báu của
ông thày tôi để lại. Đó là một thung lũng nhỏ, có những cây táo quả màu
đỏ ngon nhất rừng táo MGU. Gần cuối tháng tám, những cây táo trĩu cành
đã có rất nhiều quả căng mọng. Không cần leo lên cây, tôi tới một cành
sa thấp ngang tầm, vít xuống hái một quả táo màu hổ phách mọng căng thơm
lựng. Không kìm được sự thèm khát, tôi lau vội quả táo vào tay áo mấy
cái lấy lệ, rồi cắn một miếng rõ to. Không biết thuở hồng hoang, ông bà
Ađam và Êva nghe con rắn xúi dại, đã nếm thử trái cấm trong vườn Địa
Đàng ngon đến mức nào? Nhưng chắc chắn không thể ngon hơn trái táo của
tôi lúc đó. Bằng chứng là đến tận bây giờ, sau hơn 30 năm, khi đang viết
những dòng này, tôi vẫn thấy vị táo ngọt lịm,giòn tan nơi đầu lưỡi,
hương của nó tôi vẫn ngửi thấy thơm nức trong cánh mũi, ngất ngây. Đó là
quả táo ngon nhất, mãi mãi đi theo tôi đến tận bây giờ.
Nhìn đồng hồ thấy đã gần 12 giờ, tôi
quyết định vào nhà ăn của trường để ăn trưa. Theo các mũi tên chỉ dẫn,
loanh quanh một hồi tôi cũng tới được nhà ăn. Khi tôi bước vào, nhiều
điều làm tôi bối rối. Một không gian thênh thang, có sức chứa hàng ngàn
sinh viên. Nhà ăn đã đông nghịt người. Có điều là tịnh không nghe thấy
một tiếng nói chuyện, không một tiếng động nào do cái miệng khi ăn phát
ra. Chỉ nghe tiếng thìa nĩa chạm vào đĩa sứ lanh canh. Điều này chúng
tôi đã được dạy rất kỹ, nhưng bây giờ cần phải áp dụng vào thực tế. Tôi
đã quen ăn uống vô tư, nhai nhồm nhoàm, húp soàn soạt, sùm sụp tự do như
không khí!!! Không sao, cứ lấy đồ ăn rồi tính. Tôi tự trấn an mình vậy,
rồi đi đến quầy thức ăn tự chọn. Đứng trong dòng sinh viên xếp hàng,
tôi quan sát cái cách họ lấy thức ăn, cái cách họ trả tiền để đến lần
mình khỏi bỡ ngỡ. Cuối cùng tôi cũng lấy được một đĩa xúp, một đĩa khoai
tây nghiền có hai cái xúc xích chiên vàng thơm nức, một cốc nước táo và
hai lát bánh mỳ đen. Bà thu ngân nói là tôi phải trả 50 xu. Bê khay đồ
ăn ra khỏi quầy, tôi thở phào nhẹ nhõm, biết mình đã qua một đợt sát
hạch nho nhỏ. Tôi đứng ngây người quan sát, tìm một chỗ trống để ngồi.
Mắt tôi lướt qua mấy dãy bàn gần nhất, tất cả đều chật kín. Khi tôi đang
thất vọng miên man, thì mắt tôi bắt gặp một dãy bàn khoảng ba bốn cái
xếp liền nhau, có phủ khăn bàn trắng tinh, kê sát tường, bên những ô của
sổ nhìn ra vườn cây, tuyệt nhiên không một ai ngồi.Tôi rảo bước tới đầu
dãy bàn, đặt khay thức ăn xuống. Thật may quá! Tôi hân hoan nghĩ bụng.
Nhìn hai cái xúc xích chiên vàng nóng hổi thơm lừng, nhớ đến những cái
xúc xích mà thằng bạn ở Giảng Võ vẫn chiêu đãi, tôi chạnh lòng nghĩ:
Không biết xúc xích cao cấp Vân Hồ có thơm như thế này không?
- Chào Giáo sư trẻ! Chúc ngài ngon miệng!
Khi tôi vừa cầm cái nĩa định xiên cái
xúc xích, thì tiếng chào của một phụ nữ ngân lên trước mặt tôi. Trời ơi:
”Trời đánh còn tránh bữa ăn mà”… Sao lại chào hỏi vào lúc này, mà còn
gọi mình là “Giáo sư” nữa kia chứ… Tôi vội đứng lên cùng một chút bực
bội trong lòng.
- Cảm ơn bà. Tôi chỉ là một sinh viên mới.
- Tôi đùa chút thôi. Chỉ có các sinh viên mới như các cậu, mới đến ngồi ở đây!
Người phụ nữ nở một nụ cười thông cảm,
và đi tới cuối dãy bàn nơi có đặt một tấm biển nhỏ hình chữ nhật, mà tôi
đã không để ý tới.
- Đây là bàn dành cho sinh viên mới phải không? Thưa bà?
- Ồ! Không hẳn thế. Cậu đọc được chứ?
Bà giơ tấm biển màu xanh có một hàng chữ
màu trắng: BÀN DÀNH CHO CÁC GIÁO SƯ… cho tôi xem. Đọc xong dòng chữ,
tôi giật nảy mình vì biết mình đã ngồi nhầm chỗ.
- Xin lỗi bà! Lúc nãy tôi đã không để ý…
- Không sao! Năm mới nào cũng có
một vài chuyện như vậy. Một kỉ niệm rất thú vị phải không? Hôm nay cậu
được ngồi đây 20 phút. Còn muốn tự do ngồi ở đây, cậu còn phải mất mươi,
mười lăm năm nữa…Khi cậu đã trở thành một giáo sư. Cậu có biết ai đây
không?
Người phụ nữ chỉ tay lên tường, lúc này
tôi mới nhìn thấy một khung ảnh to lồng ảnh nhà bác học Lomonocov, đang
ngồi bên bàn viết với cây bút lông ngỗng trên tay. Mặt ông ngước lên,
như đang mải miết đuổi theo những ý tưởng đang xuất hiện liên miên trong
đầu.
- Đó là Lomonocov.
- Cậu giỏi lắm. Có thể ngày xưa,
ông ấy đã ngồi trên cái ghế cậu đang ngồi đấy. Thôi chào Giáo sư trẻ
nhé. Hẹn gặp lại cậu. Tôi là Ôlia phụ trách nhà ăn ở đây.
- Cảm ơn bà Ôlia. Hẹn gặp lại.
Bà Ôlia lại mỉm cười với tôi rồi đi
khỏi. Tôi cúi đầu chào bà, mà lòng xáo động bao suy nghĩ. Ngày hôm nay
thật kỳ lạ, tôi đã được “phong Giáo sư” đến hai lần. Tôi lại còn ngồi
nhầm vào cái ghế mà có thể trước đây nhà bác học vĩ đại Lomonocov đã
ngồi (như bà Ôlia đã nói). Tôi ngước nhìn lên ảnh cụ Lomonocov, trong
thoáng chốc tôi như thấy cụ mỉm cười, nháy mắt với tôi. Hình như cụ còn
biết cả chuyện tôi vừa đi ăn trộm táo nữa. Nhưng đôi mắt cụ tràn ngập
yêu thương. Tôi chắp tay trang nghiêm, miệng lầm rầm khấn vái:
- Cháu xin lỗi cụ Lomonocov. Cháu sẽ cố gắng học, để được ngồi ăn dưới ảnh chân dung của cụ.
Huế 18/11/2012
HOÀNG THẢO CHI
HOÀNG THẢO CHI
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2012/11/19/xin-l%E1%BB%97i-c%E1%BB%A5-lomonosov/
======================================================================
Chú ý: Nhấn
vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001