Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

1372. XUNG QUANH KHẢ NĂNG TỔNG BÍ THƯ HỒ CẨM ĐÀO GIỮ LẠI CHỨC CHỦ TỊCH QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG 
Posted by basamnews on 10/11/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 9/11/2012

XUNG QUANH KHẢ NĂNG TỔNG BÍ THƯ HỒ CẨM ĐÀO GIỮ LẠI CHỨC CHỦ TỊCH QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG

TTXVN (Hồng Công 6/11)

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Công) số ra ngày 5/11, Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ cẩm Đào đang khiến đất nước Trung Quốc và phần còn lại của thế giới phải đoán già đoán non xem liệu nhà lãnh đạo này có tìm cách giữ lại chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), tương đương Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Trung Quốc hay không. Điều này đã nêu bật khả năng tiềm ẩn một sự suy yếu nghiêm trọng trong kế hoạch kế nhiệm lãnh đạo của Bắc Kinh.
Vấn đề khi nào Hồ cẩm Đào sẽ trao chức Chủ tịch CMC – cơ quan quyết sách tối cao của các lực lượng vũ trang Trung Quốc – là một trong những yếu tố bất định lớn nhất xung quanh tiến trình chuyển giao quyền lực cho một chính quyền mới ở Trung Quốc hiện nay.
Hồ Cẩm Đào hiện đang đứng đầu Đảng Cộng sản, chính quyền và quân đội Trung Quốc và dự kiến sẽ trao lại cả ba chức vụ này cho Phó Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình, dù thời điểm chuyển giao các chức vụ này không diễn ra cùng lúc. Ông Hồ cẩm Đào sẽ trao lại chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng này, trao lại chức Chủ tịch nước vào tháng 3 sang năm và vẫn chưa có thời gian cụ thể cho việc chuyển giao chức Chủ tịch CMC.
Với việc ban lãnh đạo chính trị mới chỉ còn ít ngày nữa sẽ được công bố chính thức tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, vấn đề tiến trình chuyển giao toàn bộ các chức vụ đầy quyền lực của ông Hồ Cẩm Đào vẫn đang là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm chú ý tại Trung Quốc, một quốc gia sở hữu vòi khí hạt nhân và một quân đội có quân số khoảng 2,3 triệu người như chính họ từng tuyên bố.
Hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã chỉ đảm bảo được một lần chuyển giao quyền lực lãnh đạo không đổ máu trước đó – khi Giang Trạch Dân trao lại quyền lực cho Hồ Cẩm Đào vào đầu năm 2000.
Đến nay, thậm chí cả các nguồn tin và các mối quan hệ gần gũi với ban lãnh đạo và quân đội Trung Quốc cũng vẫn bất đồng ý kiến xung quanh vấn đề Hồ Cẩm Đào có tiếp tục giữ chức Chủ tịch CMC hay không, và nếu có thì là trong bao lâu, mặc dù họ nói rằng các tướng lĩnh cấp cao gần đây đã đề nghị nhà lãnh đạo này lưu nhiệm ít nhất đến đầu năm tới.
Một nguồn tin cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) muốn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lưu nhiệm để đảm bảo tính liên tục trong giai đoạn khó khăn này”. Nguồn tin này yêu cầu giấu tên để tránh những hậu quả từ việc thảo luận các vấn đề nhạy cảm của ban lãnh đạo.
Theo các nguồn tin, giới tướng lĩnh cấp cao PLA đã đưa ra yêu cầu lưu nhiệm đối với ông Hồ Cẩm Đào cách đây vài tháng với hy vọng rằng việc ông Hồ Cẩm Đào tiếp tục lãnh đạo các lực lượng vũ trang sẽ giúp duy trì ảnh hưởng của riêng họ trong một giai đoạn chuyển tiếp đầy phức tạp.
Một nguồn tin cho biết “hiện Hồ Cẩm Đào vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng”.
Hồ Cẩm Đào có 3 lựa chọn trong việc chuyển giao chức Chủ tịch CMC: Thứ nhất là chuyển giao cho Tập Cận Bình trong tháng này cùng với chức Tổng Bí thư; thứ hai là từ bỏ chức Chủ tịch CMC cùng với chức Chủ tịch nước vào đầu năm sau; và cuối cùng là làm theo Giang Trạch Dân, người đã giữ lại chức Chủ tịch CMC thêm 2 năm sau khi từ chức Chủ tịch nước,
Hành động giữ lại chức Chủ tịch CMC của Giang Trạch Dân đã gây nên sự hiềm khích nội bộ vào thời điểm đó, và các chuyên gia Trung Quốc nói rằng viễn cảnh Hồ Cẩm Đào làm điều gì đó tương tự như vậy cũng sẽ tiềm ẩn khả năng làm gia tăng căng thẳng một lần nữa. Các chuyên gia chỉ ra rằng nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình sẽ chấm dứt sự phục vụ dưới quyền Hồ Cẩm Đào trong Quân ủy Trung ương trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ngoài ra, Hồ cẩm Đào sẽ điều hành Quân ủy Trung ương mà không phải là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao ở Trung Quốc.
Trình Lập, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Brookings ở Oasinhtơn (Mỹ), tin rằng Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình sẽ giải quyết được tình thế khó khăn này do họ đã cùng nhau hợp tác chặt chẽ trong 5 năm qua và nền chính trị theo kiểu đồng thuận của Bắc Kinh được thiết kế để tránh những xung đột cá nhân và trò chơi quyền lực gây bất ổn.
Tuy nhiên, chuyên gia Trình Lập cho rằng sự bất định trong khía cạnh này của tiến trình chuyển giao quyền lực đã làm bộc lộ một vấn đề quản lý tiềm ẩn khả năng gây nên sự va chạm, phụ thuộc vào những cá nhân liên quan. Theo ông Trình Lập, “nhiều khả năng đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng”. Chuyên gia này cũng nói thêm rằng Bắc Kinh nên làm cho tiến trình quyết sách của mình trở nên minh bạch hơn, và tạo ra một sự tương phản với các nền dân chủ phương Tây, nơi “chúng ta biết ai là ông chủ và là người đưa ra quyết sách. Giờ đây dĩ nhiên Trung Quốc nên cải thiện cơ chế đưa ra quyết sách, và ít nhất xác định ai sẽ làm điều đó, và ai có quyền cai trị, quyền lực và quyền đưa ra quyết định, nhưng cùng thời điểm đó phải xác định những giới hạn quyền lực”.
Với việc không có mô hình được thiết lập rõ ràng về vấn đề khi nào chuyển giao vai trò Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang ở Trung Quốc, một cuộc tranh luận đã dấy lên trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội nước này về việc Hồ cẩm Đào nên nắm giữ chức Chủ tịch CMC thêm một thời gian vì lợi ích mang tính liên tục hay nên ra đi vì những lợi ích của một cuộc chuyển giao sạch cho nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình.
Đối với bản thân Hồ Cẩm Đào, các nguồn tin nói rằng nhà lãnh đạo này muốn tránh việc lặp lại hành động không được ưa thích của Giang Trạch Dân, nhưng một vấn đề sẽ xuất hiện nếu như Hồ Cẩm Đào từ bỏ chức Chủ tịch CMC cùng thời điểm với việc từ chức Tổng Bí thư. Nhà lãnh đạo này sẽ từ chức Tổng Bí thư tại Đại hội 18, khai mạc vào ngày 8/11.
Vấn đề nảy sinh từ thực tế là về mặt lý thuyết có hai phiên bản Quân ủy Trung ương song song nhau – một do Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn trong tháng này và một phiên bản còn lại do Quốc hội Trung Quốc lựa chọn vào tháng 3 tới. Trên thực tế là sự lựa chọn của Đảng chịu sự giám sát của Quốc hội.
Điều đó có nghĩa là ngay cả trong trường hợp Hồ Cẩm Đào trao lại chức Chủ tịch CMC tại Đại hội 18, về mặt kỹ thuật nhà lãnh đạo này vẫn là người đứng đầu Quân ủy Trung ương trong mắt các đại biểu Quốc hội và chính phủ thêm 4 tháng nữa – và quân đội Trung Quốc sẽ có hai vị Tổng Tư lệnh trong thời gian ngắn: Tập Cận Bình và Hồ cẩm Đào.
Các nguồn tin nói rằng thay vào đó Hồ cẩm Đào có thể lựa chọn việc tiếp tục giữ chức Chủ tịch CMC cho tới tháng 2, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên thường niên vào tháng 3.
Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Trung ương có thể sắp xếp để Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch mới của Quân ủy Trung ương và sau đó Quốc hội sẽ nhanh chóng thông qua quyết định đó.
Một nguồn tin nói rằng nếu trường hợp này xảy ra, di sản của Hồ Cẩm Đào sẽ thể chế hóa nhiệm kỳ nắm quyền bên Đảng và bên Quân ủy Trung ương và làm hài hòa vấn đề này cũng như các tiến trình chuyển giao quyền lực trong tương lai.
Các nguồn tin cho rằng kịch bản này cũng sẽ phù hợp với các ủy viên đương nhiệm của Quân ủy Trung ương, những người (ngoại trừ Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình) hầu hết đều là các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao và sẽ được thay thế tại Đại hội 18.
Với việc Hồ Cẩm Đào tiếp tục giữ chức Chủ tịch CMC – cho dù chỉ thêm 4 tháng – những ủy viên CMC sắp mãn nhiệm này, những người làm việc dưới quyền Hồ cẩm Đào nhiều năm trong CMC, có thể tiếp tục có ảnh hưởng trong quân đội trong một giai đoạn quan trọng mà trong thời gian đó những ưu tiên của chính quyền mới sẽ được xem xét.
Một nguồn tin cho biết: “CMC đương nhiệm sẽ từ chức tại Đại hội 18, nhưng họ (các ủy viên CMC sắp mãn nhiệm) hy vọng vẫn duy trì được ảnh hưởng nếu như Hồ Cẩm Đào còn tại vị”.
Với việc Hồ Cẩm Đào hiện vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, vẫn có khả năng nhà lãnh đạo này có thể quyết định lưu nhiệm thêm vài năm như Giang Trạch Dân đã từng làm.
Tháng 9 vừa qua, cựu Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công Đổng Kiến Hoa đã nói với kênh truyền hình CNN của Mỹ rằng dựa trên thực tế đã có tiền lệ, Hồ Cẩm Đào gần như chắc chắn sẽ lưu nhiệm chức Chủ tịch CMC “thêm một thời gian”. Ông Đổng Kiến Hoa không nêu cụ thể mà chỉ nhấn mạnh rằng mình không có gì phải bí mật về thông tin như vậy.
Hồi tháng 8 vừa qua, 3 nguồn tin có các mối quan hệ với ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nói rằng Hồ cẩm Đào hy vọng rời bỏ cả 3 chức vụ lớn vào đầu năm tới với điều kiện là nhân vật được ông bảo trợ, Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường cũng được đưa lên làm Phó Chủ tịch CMC.
Lập trường của Tập Cận Bình, theo các nguồn tin, là nhà lãnh đạo này chấp nhận để Hồ Cẩm Đào lưu nhiệm – mặc dù giới chuyên gia nói rằng điều này sẽ chỉ kéo dài đến tháng 3 sang năm, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển giao quyền lực chính thức.
Một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng điều này có thể giúp Tập Cận Bình rảnh tay trong một vài tháng then chốt để tập trung định hình chương trình nghị sự chính trị của mình. Chuyên gia phân tích David Zweig thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Họng Công nhận định: “Lợi ích của việc này là nó sẽ cho Tập Cận Bình thêm nhiều thời gian để tập trung vào những sự thay đổi nội bộ. Rõ ràng là Trung Quốc cảm thấy bị áp lực từ bên ngoài. Đó sẽ không phải là một chiến lược tồi. Nhưng nếu tôi là Tập Cận Bình, tôi sẽ không muốn Hồ cẩm Đào ở quanh mình nhiều hơn 1 năm, ông ấy muốn điều hành Trung Quốc”./.
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/11/10/kha-nang-cam-dao-giu-lai-chuc-chu-tich-quan-uy-trung-uong/#more-81053
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001