Thứ ba, ngày 06 tháng mười một năm 2012
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và phó Thủ tướng Lý Khắc Cường
05.11.2012
Đảng Cộng sản TQ sắp họp đại hội lần thứ 18, sẽ khai mạc vào sáng ngày 8-11 tới. Cứ qua 2 đại hội, nghĩa là 10 năm, đảng lại thay một thế hệ lãnh đạo, thay một loạt các nhân vật đứng đầu bộ máy đảng và bộ máy nhà nước.
Dự kiến tại đại hội 18, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào sẽ về nghỉ hưu, ông Tập Cận Bình lên thay làm tổng bí thư đồng thời kiêm chức chủ tịch nước; sau đó Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng về nghỉ, ông Lý Khắc Cường lên thay.
Thường vụ Bộ chính trị từ 9 sẽ giảm xuống là 7 người, gồm có các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và 5 người mới vốn đã là ủy viên bộ chính trị hiện gồm 25 người.
Về đường lối chính sách sẽ có những thay đổi gì đáng kể, đang là vấn đề được bàn luận nhiều trong công luận Trung Quốc và thế giới.
Tháng 10 vừa qua, trên tạp chí Học Tập của đảng CS xuất bản ở Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Đặng Duật Văn viết một bài luận văn, nêu lên “10 vấn đề lớn của đảng CS Trung Quốc”, cũng là 10 vấn nạn đảng đang phải đối mặt giải quyết, trong quá trình hiện đại hóa đất nước còn đang dang dở.
Bài báo chỉ ra những vấn đề lớn đầy thử thách đang tồn tại, giúp bạn đọc hiểu tầm quan trọng cũng như tính phức tạp của các vấn đề quốc kế dân sinh của nước khổng lồ hơn 1,3 tỷ dân, vấn đề gay nhất là hiện vẫn còn đèo bòng học thuyết Mác và chế độ xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế chỉ huy đã không còn động lực nào, như những cục ung bướu chưa dám cắt bỏ.
Xin điểm qua 10 vấn đề lớn đã được bài luận văn bổ ích này nêu lên.
- Cơ cấu kinh tế còn méo mó chưa hài hòa. Các yếu kém nổi lên rõ rệt
là kỹ thuật công nghiệp còn thấp, chưa đạt mức tiền tiến của thế giới,
lại nặng về xuất khẩu, coi nhẹ thị trường tiêu thụ nội địa. Cần chuyển
mạnh sang nền kinh công nghiệp kỹ thuật cao và coi trọng thị trường
trong nước.
- Tầng lớp trung lưu không được phát triển đúng mức, còn bị chèn ép, các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ không những không được khuyến khích, còn bị chèn ép bởi các tập đoàn quốc doanh nên bị phá sản hàng loạt. Nguyên tắc tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng bị vi phạm có hệ thống, do đó nền kinh tế không hài hòa, thiếu cơ sở vững, dân tình không ổn định, kinh doanh không phấn chấn.
- Nông thôn, nông nghiệp, nông dân bị coi nhẹ, khác hẳn các thành phố đô thị, về tất cả các mặt sản xuất, năng xuất, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội.
- Vấn đề dân số, hậu quả của chế độ một con, với số con trai nhiều hơn con gái, sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng đến cân bằng dân số, mức tăng và phẩm chất dân số, lao động, ảnh hưởng đến chính sách xã hội.
- Nền giáo dục, nghiên cứu khoa học vẫn chậm tiến, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu chưa đạt trình độ quốc tế, rất ít sáng chế, phát minh, sáng tạo có tầm cỡ.
- Môi trường bị phá hoại nhanh, rộng, ô nhiễm nguồn nước, không khí lan rộng.
- Năng lượng đang là vấn đề nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài. Khai thác năng lượng mới chỉ đang ở bước sơ khai.
- Đạo đức xã hội suy thoái, ý thức hệ lâm vào khủng hoảng, bế tắc, lòng dân không yên.
- Nền ngoại giao không có tầm nhìn thoáng, rộng, thiếu một nhãn quan chiến lược.
- Vấn đề gốc là cải cách chính trị chập chờn, mơ hồ, không rõ rệt, chế độ dân chủ không đồng bộ, mới thử nghiệm ở cơ sở, dở dang.
Theo tình hình trên đây, có thể thấy ngụ ý của tác giả là chỉ ra một sự lựa chọn dũng cảm về chính trị, cải cách theo hướng thay đổi cả hệ thống, trở về với nhân dân và dân tộc, hòa nhập với thế giới dân chủ, chủ động cùng nhân dân làm một cuộc cách mạng ôn hòa về thể chế. Đó là chìa khóa để giải quyết trôi chảy cả 10 vấn đề lớn trên đây. Một nước Trung Hoa mới với tiềm lực vô biên sẽ xuất hiện, làm chuyển biến sâu rộng thế giới theo hướng hoà bình, dân chủ, hữu nghị và phồn vinh.
Được như vậy sẽ là một tin mừng vô hạn cho nhân dân Việt Nam, một gương sáng, một thôi thúc gắn bó 2 nước láng giềng chung ý thức hệ vì dân, chung chế độ chính trị dân chủ, chung mô hình tự do cho toàn dân, đoạn tuyệt với những gì là trì trệ, thoái hóa và bất công.
Thế nhưng triển vọng trên đây vẫn như còn xa vời, khi đến gần đại hội 18, một nhân vật nổi lên như một ngôi sao sáng trong giới lãnh đạo Trung Quốc là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương, người từng giải quyết cuộc xung đột giữa nông dân và nhóm “quan chức ăn đất” ở Ô Khảm một cách công minh, dân chủ, sẽ không được cử vào thường vụ bộ chính trị như đã dự định từ gần 1 năm nay. Có vẻ như sau các sự kiện bi đát Bạc Hy Lai và Ôn Gia Bảo, làm uy tín của đảng vốn đã thấp lại suy giảm thêm, nhóm lãnh đạo có ý định co cụm lại nhằm chống đỡ dư luận theo xu thế bảo thủ cực đoan, trì hoãn mọi cuộc cải cách lớn như đã hẹn, e sợ rằng sẽ là một cuộc phiêu lưu chính trị nguy hiểm khi lòng dân xáo động.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm lãnh đạo hiện tại, phần lớn đã là nhà “tư bản đỏ”, triệu phú đến tỷ phú đôla, vẫn vụ lợi riêng, kết phe nhóm, đua nhau vơ vét theo “gương” ông Ôn, ông Bạc, trì hoãn mọi bước cải cách. Bị lòng tham vô hạn khống chế, họ liều trơ mặt ra cho nhân dân ta thán, nguyền rủa, khinh thị, gắng gượng tồn tại thêm 5, thêm 10 năm nữa, “sau ta là nạn Hồng thủy cũng được”, như câu châm ngôn phương Tây – "après moi le Déluge", nói về tính vị kỷ cực đoan của những kẻ bám chặt chủ nghĩa cá nhân làm lý tưởng, bất chấp đồng bào và đồng loại.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001