Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

CÁC PHE NHÓM TRONG ĐẢNG CS TRUNG QUỐC ĐANG CHIA CHÁC QUYỀN LỰC

Trọng Thành


Hôm nay 08/11/2012, đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 khai mạc. Về sự kiện chuyển giao quyền lực trong nội bộ thế lực chính trị lãnh đạo nền kinh tế thứ hai thế giới, báo chí Pháp có nhiều bài viết đáng chú ý. Nhật báo Libération có bài « Các phe phái trong đảng Cộng sản Trung Quốc phân chia quyền lực trong đại hội », do đặc phái viên gửi về từ Bắc Kinh.
Libération nhận định, hiện tại trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc có ba thế lực tranh giành ảnh hưởng và phân chia các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Bộ chính trị - cơ quan quyền lực tối cao của đảng này.
Đằng sau vẻ ngoài thống nhất, nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc phân hóa rất sâu sắc. Phần lớn các xung đột đều diễn ra trong hậu trường. Tuy nhiên, đôi khi, có những đụng độ vượt ra ngoài khuôn khổ nội bộ, ví dụ như vụ hạ bệ Bạc Hy Lai – một lãnh đạo đương lên có hy vọng lọt vào nhóm lãnh đạo tối cao.
Kể từ khi lập quốc cho đến năm 2002, mỗi cuộc thay đổi quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc đều đi liền với đấu đá quyết liệt giữa các phe phái. Từ âm mưu đảo chính lật đổ Mao Trạch Đông năm 1971, đến thời kỳ Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền năm 1978, rồi cuộc đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn năm 1989… Libération nhận định, mặc dù xung đột giữa các phe phái trong đảng Cộng sản không còn dữ dội như trước đây, nhưng xung đột này vẫn tiếp tục là một nhân tố cơ bản trong đời sống chính trị Trung Quốc.
Theo Libération, trong đảng Cộng sản Trung Quốc có ba phe nhóm chính : nhóm « Đoàn phái », nhóm Thượng Hải và nhóm Thái tử. « Đoàn phái », một trong hai nhóm chính, bao gồm những lãnh đạo xuất thân từ đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Đây là những người có nguồn gốc xuất thân bình dân, phần lớn được coi là ủng hộ chính sách phát triển kinh tế tại các khu vực nội địa, là những vùng tụt hậu so với khu vực duyên hải. Lãnh đạo hiện nay Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường được coi là thuộc về « Đoàn phái ». Nhóm này ra đời trong những năm 1980 dưới thời Hồ Diệu Bang. Cựu lãnh đạo nổi tiếng vì tư tưởng cải cách này đã lựa chọn các lãnh đạo tương lai trong lực lượng đoàn Thanh niên.
Nhóm chủ chốt thứ hai là nhóm Thượng Hải. Như tên gọi, nhóm được gọi là « tinh hoa » này bao gồm các lãnh đạo xuất thân từ thành phố Thượng Hải, một đầu tầu của nền kinh tế Trung Quốc. Đây là phe nhóm hình thành dưới thời Giang Trạch Dân. Nhóm này ủng hộ chủ trương phát triển khu vực duyên hải, đặc biệt là các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Theo Libération, thể chế quyền lực tại Trung Quốc thường được mô tả như « một đảng, hai phe », hai phe ở đây là nhóm Đoàn phái và nhóm Thượng Hải. Hiện tại nhóm Thượng Hải nắm 5 trên 9 ghế ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị, 4 ghế còn lại do các lãnh đạo Đoàn phái nắm. Theo nhà Trung Quốc học Jean-Luc Domenach, trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, có một quy tắc bất thành văn khiến cho sự cân bằng quyền lực này được bảo tồn.
Việc phân chia quyền lực giữa hai phe không chỉ là chia ghế lãnh đạo, mà còn phân phối các đặc quyền, các nguồn lực tài chính và vật chất khác, từ xe công cho đến biệt thự công…
Ngoài hai phe chủ yếu kể trên, còn có nhóm các thái tử đảng, bao gồm con cháu của các cựu lãnh đạo thời Cách mạng. Tập Cận Bình – lãnh đạo số 1 tương lai - thuộc về nhóm này, Bạc Hy Lai trước khi bị hạ bệ, cũng như hàng trăm nhân vật cao cấp trong bộ máy chính trị thuộc nhóm thái tử đảng. Các nhân vật thuộc nhóm này thường có nhiều tác động đến sự cân bằng quyền lực giữa hai thế lực chủ yếu kể trên. Điều không đáng ngạc nhiên là : Đa số các thái tử đảng « ăn lương » của nhóm Thượng Hải.

Trung Quốc: Ê-kíp lãnh đạo mới sẽ giữ nguyên trạng hay cải cách ?

Cũng về đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, Le Figaro có bài « Trung Quốc thỏa thuận dàn lãnh đạo mới ». Bài viết chỉ ra ba vấn đề chính của đảng Cộng sản Trung Quốc trước ngưỡng cửa chuyển giao quyền lực nội bộ.

Thứ nhất là, vấn đề nhân sự, với câu hỏi Ban thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có 7 hay 9 thành viên ? Việc Bạc Hy Lai – một ứng cử viên tiềm năng - bị phế truất có thể là một yếu tố làm tăng khả năng số lượng 9 thành viên hiện nay sẽ giảm xuống còn 7. Có tin đồn cho rằng, các chức vụ ủy viên thường vụ phụ trách Tuyên huấn và phụ trách An ninh sẽ bị đẩy ra khỏi Ban thường vụ, cơ quan quyền lực tối cao. Bảy thành viên được coi là số ghế dễ tạo được sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái. Nếu điều này được khẳng định, thì có nghĩa là, trong cuộc chuyển tiếp quyền lực hiện nay, sẽ có một sự chuyển đổi lớn so với chủ trương vốn dành cho việc bảo vệ an ninh (chống lại các đe dọa nhằm vào sự độc quyền lãnh đạo của đảng) một vai trò hết sức đặc biệt.
Câu hỏi chủ chốt thứ hai, được Le Figaro nhấn mạnh là, liệu đảng Cộng sản Trung Quốc có đoạn tuyệt với di sản Mao Trạch Đông hay không ? Có nhiều dấu hiệu cho thấy tư tưởng Mao đang bị loại bỏ khỏi hệ thống giáo điều của đảng.
Câu hỏi thứ ba là, ê-kíp lãnh đạo mới sẽ giữ nguyên trạng hay sẽ tiến hành cải cách ? Theo Reuters, hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình đã đề nghị thay đổi cách chỉ định ê-kíp lãnh đạo mới, thông qua một cuộc bỏ phiếu nội bộ ít nhiều được coi là mang tính « dân chủ », với số lượng ứng cử viên nhiều hơn 20% so với số chức vụ cần bầu, thay vì cách bầu cử mang tính hình thức từ trước đến nay, mà thực chất là cấp dưới chấp nhận các đề nghị về nhân sự do cấp trên chỉ định.
Theo Le Figaro, về mặt kinh tế và xã hội, hiện tại trong xã hội Trung Quốc đã có nhiều đồng thuận về việc cần thiết phải có các cải cách, cho dù có các quan niệm khác nhau về nhịp độ và cách thức tiến hành. Các lĩnh vực cải cách chủ yếu là : giảm bớt khu vực kinh tế Nhà nước, vốn được hưởng nhiều ưu đãi ; thay đổi các quy chế đối với các lao động nhập cư và cải cách chế độ thuế, hiện tại đang rất có lợi cho các chính quyền địa phương, vốn từ lâu nay sống nhờ vào việc trưng thu đất đai của người dân. Các cải cách được coi là cần thiết này có nguy cơ bị các « nhóm lợi ích », thâu tóm cả quyền lực chính trị và kinh tế, ách lại hay kìm hãm, như các cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Cũng về Trung Quốc, La Croix có bài « Tham nhũng xói mòn các cơ quan quyền lực tối cao tại Trung Quốc », nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng xếp thứ 75/182 về mức độ tham nhũng, theo điều tra của tổ chức Transparency International.

Trung Quốc : Đảng chống lại Nhà nước pháp quyền

Le Monde có bài đáng chú ý mang tựa đề : « ‘‘Chính pháp ủy’’, hay đảng chống lại giới thẩm phán ». Đây là kỳ thứ ba trong loạt bài sáu kỳ của Le Monde về đời sống chính trị Trung Quốc. Quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc có một trở lực lớn. Trở lực này nằm trong chính bộ máy của đảng Cộng sản Trung Quốc, với sự tồn tại của Ủy ban Chính pháp đầy quyền lực, hay tên đầy đủ là Ủy ban các vấn đề luật pháp và chính trị, thường do một ủy viên thường vụ Bộ chính trị nắm giữ. Theo một giáo sư luật đại học Bắc Kinh, mục tiêu hoạt động của ủy ban này là can thiệp vào đời sống tư pháp, hủy hoại sự độc lập của tư pháp.
Ủy ban chính pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc được lập ra vào năm 1978, vào thời điểm cải cách để xây dựng một hệ thống pháp luật thích ứng. Trong thời gian các cải cách chính trị 1987-1988 ủy ban này bị loại bỏ, nhưng sau đó được lập lại vào năm 1990, sau biến cố Thiên An Môn. Quyền lực của ủy ban này ngày càng được mở rộng. Sau vụ Bạc Hy Lai, nhiều chỉ trích quyết liệt nhắm vào ủy ban, với người đứng đầu là ông Chu Vĩnh Khang.

( RFI )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001