Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Dân chủ hóa Á châu và Việt Nam 


|

Dân chủ hóa Á châu và Việt Nam. Quyền Dân tộc tự quyết cho Việt Nam – An ninh Đông Nam Á
LGTTại Budapest, Thủ đô của xứ Hung-gia-lợi (Hungary, thuộc khối đông Âu cũ), Diễn Đàn cho một nước Tàu Dân chủ và ở Á châu ( FDCA) để kêu gọi sự yểm trợ cho một nền Dân chủ ở Tàu và ở Á châu đã diễn ra từ ngày 7 tới ngày 9 tháng 10 năm 2012. Diễn đàn qui tụ gần 200 người tham dự tới từ những tổ chức tranh đấu chống chế độ độc tài cộng sản tại Trung quốc hiện nay và từ nhiều nước như Mỹ, Canada, Trung quốc, Đài loan, Hồng kông, Âu châu, …Có nhiều nhà báo, nhà văn, từng là nạn nhân của Mao trạch đông trong vụ Cách mạng Văn hóa và vụ Thiên an môn.
Dưới đây là bài phát biểu của ông Nguyễn văn Trần, người Việt Nam duy nhất tham dự. Bài này đươc dịch ra tiếng Tàu phổ biến tại hội trường.
—————————————————–

Dân chủ thật sự phải được định nghĩa trên căn bản phổ quát “của dân do dân và vì dân”. Nói cách khác, Dân chủ là một chế độ pháp trị trong đó người dân có thực quyền kiểm soát Nhà nước theo một định kỳ và định kỳ này phải được tái lập đều đặn. Chế độ cai trị Việt Nam hay Trung quốc ngày nay được nhà cầm quyền ở hai nước này gọi là Dân chủ, đó là thứ Dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực chất là chế độ độc tài đảng trị bởi ở đó người dân hoàn toàn không có quyền tự do chọn lựa người đại diện mình và cũng không có quyền kiểm soát Nhà nước.
Diễn đàn Dân chủ Á châu kỳ thứ 5 khai diển hôm nay tại Thủ đô Budapest là để chúng ta cùng nhau góp tiếng nói và nỗ lực tranh đấu cho một nền Dân chủ tự do cho đât nước của chúng ta để mỗi người dân đều được quyền tự quyết định đời sống của chính mính và vận mệnh đất nước của mình.
Tình hình thuận lợi
Khi Hội nghị Dân chủ hóa Á châu kỳ 5 khai diễn ở Budapest thì tại Strasbourg, Thủ đô Âu châu, đồng thời cũng có một Diễn đàn thế giới về Dân chủ (Le Forum Mondial de la Démocratie) do Hội đồng Âu châu ( Conseil de l’Europe) tổ chức từ ngày 5 tới ngày 11 tháng 10 qui tụ nhiều vị Quốc trưởng, Thủ tướng Chánh phủ, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc, những nhà Nobel Hòa bình, giới chức Đại học, giới nghiên cứu kinh tế-xã hội, Đại diện các Tổ chức Xã hội Dân sự, truyền thông, .. . Đây là Diễn đàn Dân chủ được tổ chức lần đầu tiên ở Âu châu.
Ông Roland Ries, Thị trưởng Thành phố Strasbourg, Đại diện Ban tổ chức cho biết “Chúng tôi có tham vọng lớn là muốn tổ chức một Diễn đàn ở tầm vóc thế giới”. Ông Thobrjorn Jagland, Tổng Thư ký Hội đồng Âu châu, giải thích “Hội nghị sẽ nghiên cứu xem làm thế nào những nền dân chủ có thể đáp ứng những mong đợi của công dân các nước và thích ứng với những giá trị khác biệt và những truyền thống của các nước đó”.
Trước đây, vào hai ngày 25 và 26 tháng 11 năm 2011, tại Tokyo, Thủ đô Nhựt bổn, lần đầu tiên Nhựt đứng ra tổ chức một cuộc Hội thảo về Dân chủ hóa Á châu, theo báo chí, thành công tốt đẹp. Hội nghị thảo luận “Sự bùng nổ cuộc Cách mạng Hoa lài ỏ các nước Á-rặp, Sự trở lại Á châu của Huê kỳ và Sự chuyển biến của chế độ chánh trị Miến điện”. Trước khi đề cập tới ba chủ đề trên, Hội nghị đã trình bày và thảo luận sâu rộng hiện tình xã hội chánh trị và những hiện tượng phản kháng, tranh đấu đòi Dân chủ ở Trung quốc và Việt Nam.
Tiến sĩ Araki, Chủ tịch Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Đại học Takusoku, thay mặt Ban Tổ chức, cho biết mục đích Hội thảo là làm cho chánh giới Nhựt hiểu rõ dân chúng hai nước Trung quốc và Việt Nam đang bị chế độ độc tài cộng sản trù dập, đàn áp vô cùng thô bạo.
Ở vùng Đông Á ngày nay, chỉ còn sót lại Trung quốc, Việt Nam và Bắc hàn cố bám theo chế độ cộng sản độc tài để mưu sinh và tự thỏa mãn tham vọng quyền lực.
Tại Trung quốc và Việt Nam vì chế độ độc tài đảng trị đàn áp thô bạo mọi phê phán, chống đối của dân chúng nên chưa có được phong trào quần chúng tranh đấu dân chủ, mà chỉ có những nhóm dân chúng bất mãn nổi lên chống đối chánh quyền địa phương lạm quyền, cướp đoạt tài sản của họ. Nhìn chung dân chúng không hợp tác với chánh quyền và không còn sợ chánh quyền nên những người phản kháng, chống đối nhà cầm quyền độc tài cộng ngày càng đông đảo sự chống đối trở thành và thường xuyên.
Nhìn lại Á châu
Trong lúc thế giới theo thể chế Dân chủ thì các nưóc còn theo cộng sản độc tài là mối đe dọa lớn nhứt cho hòa bình nhân loại kể từ khi Đức quốc xã sụp đổ. Trung quốc tuyên bố “Hòa bình quật khởi” nhưng trong lúc đó họ lại dùng bạo lực thôn tính và đồng hóa Tây tạng, Mông cổ, Tân cương, ngang ngược lấn chiếm biển đảo của các nước láng giềng ở phía Nam.
Hai học giả người Mỹ, Tiến sĩ Peter Navarro của Đại học California ở Irvine và chuyên gia về Trung quốc Greg Autry, trong quyển sách mới “Chết vì Trung quốc” (Death by Chian) cho rằng những nhà cai trị tàn bạo ở Trung Nam Hải đang đe dọa đời sống bình thường của các nước phát triển, gây nguy hại cho sức khỏe và tánh mạng cho vô số dân chúng trên khắp thế giới, kể cả những người dân hiền lành ở Trung quốc (VOA, 02-06-2011).
Trung quốc có thể trở thành một nước Dân chủ tự do được không?
Trung quốc và cả Việt Nam, vì ảnh hưởng lâu đời Trung quốc và cùng theo cộng sản, cho tới ngày nay vẫn chưa có Dân chủ theo nghĩa văn hóa chánh trị Tây phương. Riêng Việt Nam trước 30/04/1975 có được một chế độ dân chủ tương đối tốt vì còn quá non nước do một lớp trí thức Tây học thực hiện ngay trong chiến tranh.
Trung quốc chưa có Dân chủ do văn hóa trung quốc từ ngàn xưa nặng tinh thần tập trung quyền hành. Ở đất nước, quyền hành tập trung ở nhà vua. Trong gia đình, quyền hành tập trung ở người cha. Được minh quân, nhơn dân an cư lạc nghiệp. Có cha hiền, gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên ở Trung quốc cổ thời không phải không có ý niệm về Dân chủ manh nha: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi” nhưng chỉ ở ý niệm chớ vẫn chưa được khai triển và định chế hóa.
Việt Nam có được một thời gian ngắn có Dân chủ thật sự. Từ sau 30-04-1975, Việt Nam rập khuôn theo Trung quốc nên chỉ là một phiên bản thu nhỏ của Trung quốc mà thôi.
Trong văn hóa truyền thống của hai nước không có từ ngữ “Tự do” theo quan niệm phương Tây. Tới thời cộng sản, dân chúng được đoàn ngũ hóa theo giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa phương dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản nên Tự do càng thêm xa vời.
Tóm lại Trung quốc và Viêt Nam không có Dân chủ và Tự do vì nhà cầm quyền độc tài không tin tưởng ở dân chúng, luôn luôn xem dân chúng là kẻ thù sanh tử. Họ hiểu rõ chế độ của họ không do dân mà có, vì dân mà phục vụ nên họ phải tập trung quyền lực để giữ chế độ bền vững (?) cho họ.
Quyền Dân tộc Tự quyết
Từ sau Đại Hội Nhân quyền thế giới ở Vienne tháng 6/1993, việc tranh đấu cho Dân chủ và nhơn quyền chống lại những chế độ độc tài cộng sản có chìu thuận lợi. Chiến tranh lạnh chấm dứt sau khi Liên-xô và Đông Âu sụp đổ, chánh sách đối ngoại của Huê kỳ nhằm giúp các nước thực hiện dân chủ và phát triển kinh tế thị trường. Một mặt, Huê Kỳ quan tâm làm giảm thiểu các mối hăm dọa do những chế độ độc tài gây ra, mặt khác, yểm trợ giải phóng những nước chưa có dân chủ.
Cũng năm 1993, Hội nghị về Nhân quyền ở Bangkok có Việt Nam tham dự chính thức, đưa ra một bản Tuyên bố trong đó Điểm 12 và 13 ghi rõ “Quyền Tự quyết của mỗi Dân tộc trên thế giới là tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do mưu cầu phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và phủ nhận quyền tự quyết là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Và Điểm 12 và 13 còn nhấn mạnh chi tiết hơn “Thi hành Quyền Tự quyết Dân tộc khi quốc gia bị ngoại bang xâm lấn, cai trị và không được dùng quyền này để phá hoại sự vẹn toàn lãnh thổ, chủ quyến quốc gia và độc lập chánh trị của các nước”.

Hơn nữa, hai Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và vảng hồi hòa bình cho Việt Nam (Genève 54 và Paris 73) có ghi rõ Quyền Dân tộc Tự quyết như một Điều khoản để các bên liên hệ thi hành.
Người Việt Nam ngày nay có nên đòi hỏi Quyền Dân tộc tự quyết phải được thi hành hay không? Phải đòi hỏi mạnh vì từ sau chiến tranh chấm dứt, người Việt Nam chưa hề được quyền hành xử quyền Dân tộc Tự quyết được luật pháp thừa nhận.
Những biến cố Đông Âu nhắc nhở cho chúng ta thấy các dân tộc ở đó đã thực thi Quyền Dân tộc Tự quyết rất ngoạn mục. Họ đứng lên tự chọn lựa cho mình một thể chế chánh trị thích hợp với văn hóa dân tộc để bảo đảm cho mỗi người được tự do trong đời sống tư cũng như trong đời sống công.
Cộng sản đã sụp đổ vì tự thân bất lực vậy mà ngày nay, ở Á châu, vẫn còn Trung quốc và Việt nam kiên định bám theo chủ nghĩa lỗi thời Mác-Lê. Dân chúng, có ai góp ý xây dựng, phê phán đường lối cai trị hay phản đối chế độ tham nhũng làm thiệt hại tài sản đất nước, đẩy đa số dân chúng vào cảnh sống lầm than, mặc dầu hoàn toàn ôn hòa, đều bị chế độ xem là kẻ thù và tìm cách triệt hạ ngay.
Phải chăng chế độ cộng sản quả thật là chế độ phản động hơn hết? Để chấm dứt vỉnh viễn tình trạng này, Việt Nam cũng như Trung quốc phải sớm chuyển biến theo chế độ Dân chủ pháp trị và Liên bang để thống nhứt trong những khác biệt do lịch sử và địa lý tạo nên. Nên nhìn lại quá khứ để từ bỏ bài học mà Trung quốc và Việt Nam chủ trương thống nhứt đất nước bằng máu và nước mắt của dân chúng. Hồ Chí Minh không khác gì Tần Thủy hoàng của Trung quốc “đốt cả dãy Trường sơn để giải phóng và thống nhất Việt Nam”. Nhưng thống nhất cho cộng sản cầm quyền như ngày nay ta thấy chớ không phải thống nhất cho dân tộc Việt Nam thành một nhà trong tình nghĩa đồng bào ruột thịt.
An ninh Đông Nam Á
Hiệp Hội các nước Đông Nam Á – ASEAN – ra đời năm 1967 tại Bangkok cho mục đích kinh tế thương mại giữa các nước Hội viên. Ngày nay, tình hình trong vùng không còn được ổn định như trước nữa. Trung quốc đang tràn xuống lấn chiếm lãnh hải của càc nước Hội viên cho quyền lợi riêng của Trung quốc. Hành động gây hấn này xảy ra, phải hiểu, là do bản chất chế độ độc tài vốn không biết và không cần tuân thủ luật pháp. Vi Chế độ độc tài cộng sản, về bàn chất, là chế độ không có niềm tin và không biết luật pháp. Nó khác với chế độ Quân chủ. Ông vua ngày xưa lãnh mệnh Trời cai trị nhân dân, không dám làm điều sai quấy, làm mất lòng dân vì còn biết sợ Trời đánh.
Các nước Hội viên ASEAN có chung nền văn hóa sông nước vì cùng đắm mình trong vùng biển Nam hải. ASEAN về điểm này không khác gì các nước bên bờ Địa Trung hải ở Âu châu.
Vì khối ASEAN ngày nay trước sự bành trướng xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh tỏ ra không đủ khả năng ngăn chận nên một vài nước đã xé lẻ nhằm thỏa hiệp song phương để được yên, chúng tôi tha thiết đề nghị khối ASEAN hãy trở lại với Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á (OTASE) ký kết ngày 8 tháng 9 năm 1954 tại Manille, Thủ đô Phi-luật-tân, với Đại diện các nước Úc, Tân-tây-lan, Pakistan, Thái-lan, Phi -luật-tân, Anh và Huê kỳ. Ngày nay, các nước Hội viên cũ hãy còn. Với sự trở lại của Huê kỳ ở Đông Nam Á, việc tổ chức lại một OTASE Mới không phải là điều không thực hiện được và cũng không phải là vô bổ. Vì chỉ có một thứ tổ chức như OTASE mới có đủ khả năng và nhiệm vụ can thiệp giải tán những tham vọng bá quyền của Bắc kinh ở địa phương.
OTASE không có lực lượng quân sự thường trực tại chỗ nhưng dựa theo sự can thiệp linh động của các nước Hội viên nhờ ở chương trình tập dượt quân sự chung.
Ngày nay, khi trở lại với OTASE, dĩ nhiên chúng ta chỉ nhằm mục đích tối hậu là bảo vệ an ninh chung cho vùng Đông Nam Á. Hoàn toàn không nhằm gây hấn hay xâm lược một nuớc nào cả.
Trong dự tính đó khi thực hiện được, Trung quốc sẽ yên lòng lo mở mang trao đổi kinh tế, thương mãi với các nước trong vùng để cùng phát triền với nhau, cùng nâng cao đời sống nhân dân các nước.
Chắc chắn Đông Nam Á từ đó sẽ trở thành một vùng to lớn, dân chúng các nước Hội viên đều được an cư lạc nghiệp.
Trân trọng và đa tạ,
© Nguyễn Văn Trần
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/68432
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001