Phạm Trần
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến
pháp của nhà nước Cộng sản Việt Nam đã tạt gáo nước lạnh vào mặt toàn
dân khi quyết định “vẫn thống nhất giữ nguyên điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng.”
Ông Hùng nói: “Đây là những điểm rất mới, được thống nhất rút ra sau
quá trình thảo luận. Thứ tự một số điều khoản khác trong Hiến pháp có
thể thay đổi, riêng vị trí của "điều 4" vẫn phải được giữ nguyên.” (ViệtnamNet, 6/11/2012)
Theo ban soạn thảo thì Điều 4 mới sẽ khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt
Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong
của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi
ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo
chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân,
chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những
quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong
khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Trong khi đó Điều 4 cũ của Hiến pháp 1992 viết: “Đảng cộng sản Việt
Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung
thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân
tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
So sánh 2 Điều thì trong Điều mới, nhóm chữ “đội tiên phong”, nếu được hiểu là “đội quân đi đầu” đã được nhóm soạn thảo cho đảng quyền dẫn dắt không những thành phần “công nhân” mà cả “nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.”
Cũng trong Điều này, tính “tham lam” và “bao biện” của điều 4 cũ được
lập lại cho đảng thêm quyền làm “đại biểu “ của giai cấp công nhân, nhân
dân lao động và của cả dân tộc... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội.”
Đọc đến đây cũng như đã phải đọc nhiều lần bởi người dân qua nhiều thế
hệ sống dưới chế độ được tuyên truyền là “nhà nước pháp quyền”, nhưng
thực tế không được pháp luật bảo vệ, thì ai cũng phải chóng mặt và tự
hỏi: Ai đã phong cho đảng tước hiệu “đội tiên phong” và “lãnh đạo Nhà
nước và xã hội”?
Từ ngày có đảng năm 1930 đến năm 2012 làn 82 năm mà có bao giờ người dân
Việt Nam tự động bỏ phiếu hay được đảng tổ chức hỏi ý kiến cho đảng dẫn
dắt hay lãnh đạo đất nước đâu? Đảng đã tự cho mình các quyền này rồi
cũng tự ra lệnh cho các đảng viên là Đại biểu của Quốc hội do đảng dựng
lên viết vào Hiến pháp vai trò của đảng rồi bắt dân phải chấp nhận thì
có độc tài không?
Như vậy thì có hợp pháp và hợp tình hợp lý không chứ chưa vội nói đến “hợp lòng dân”!
Ngoài ra đảng còn ép dân phải chấp nhận “chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh” của đảng chứ chắc gì dân đã muốn thế?
Chẳng những thế, đảng còn dám viết mà không hỏi ý dân rằng: “Đi lên
chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn
của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế
phát triển của lịch sử.”
Hay: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:
Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm
chủ.... có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp
tác với các nước trên thế giới.....”
(Trích từ: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011))
Toàn là những câu chữ đảng đã “nhét vào mồm dân” như thế thì “nhân dân
làm chủ” ở chỗ nào trong cuộc sống của họ, hay là khi đã quyết “nhà nước
quản lý” thì có quyền “bảo hộ” luôn cả cuộc đời người dân?
AI CHO GIÁM SÁT?
Thế rồi trong Điều 4 của Hiến pháp mới, sau khi đã “tự ý lãnh đạo” đảng
lại đem mình “gắn” vào dân và bảo dân hãy “giám sát tôi đi” thì người
dân nào dám đẩy đảng ra khỏi cửa nhà mình?
Điều này viết rằng: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Nhưng kinh nghiệm lịch sử đã để lại và còn đang diễn ra bằng chứng nhân
dân chẳng có quyền gì với đảng ráo trọi. Nhưng khi đảng không làm được
hay làm hỏng thì cứ việc “nhận lỗi” là huề cả làng, chả ai dám truy kích
“trách nhiệm” với đảng, nếu muốn yên thân!
Các hội đoàn chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo, ngành nghề được gọi
là của nhân dân và do dân thành lập có chân trong Mặt trận Tổ Quốc Việt
Nam (MTTQ), một tổ chức chính trị của đảng, theo luật, có quyền giám sát
đảng, nhà nước và cán bộ, đảng viên nhưng “không có quy chế để giám sát
và có ai cho phép giám sát đâu”!
Nếu có ai muốn biết công tác “giám sát, phản biện” của Mặt trận Tổ Quốc
và của người dân được thi hành đến đâu trong cơ chế Nhà nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam thì cứ đến hỏi hai ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy
viên Bộ Chính trị hai khóa VII và VIII, nguyên Chủ tịch MTTQ hay ông
Huỳnh Đảm, đương kim Chủ tịch MTTQ thì sẽ biết.
Nhưng trong khi chờ đến nhà hai ông này thì mọi người hãy nghe ông
Nguyễn Ngọc Sang, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Thành phố
Cần Thơ nói với Quốc Trung của báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của
MTTQVN.
Ông nói: “Người dân thực hiện quyền giám sát, phản biện chưa hiệu quả
vì chính quyền các cấp, các ngành chưa tạo điều kiện để người dân thực
hiện các quyền này. Đây là thực trạng chung không chỉ ở TP. Cần Thơ mà
cả khu vực ĐBSCL, thậm chí là cả nước.” (Báo Đại Đoàn Kết,7/11/2012)
Tại sao các cấp chính quyền lại không muốn nghe người dân phản biện hay chịu sự giám sát việc làm của mình?
Ông Sang bảo: “Theo tôi trước tiên là vấn đề về nhận thức của phần
lớn người dân chưa hiểu được mình có các quyền, trong đó có quyền giám
sát, kiểm tra, kiến nghị, phản biện. Trong khi đó, chính quyền và cấp ủy
địa phương cũng chưa thực sự quan tâm tới việc tuyên truyền giải thích
cho người dân để họ biết có các quyền này. Bên cạnh đó cũng có một số
người dân biết mình có các quyền này nhưng lại không dám giám sát, không
dám kiến nghị vì sợ va chạm, sợ bị trù dập. Tuy nhiên cũng có người
muốn đóng góp, kiến nghị nhưng không biết kiến nghị ở đâu, có cơ quan
nào giải quyết kiến nghị của mình hay không.”
Cũng nên biết, Luật MTTQVN ngày ngày 12 tháng 6 năm 1999 đã nói rõ: “Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ
sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng,
tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân,
nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên,
góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh
thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.”
Trách nhiệm thì khá nặng nề mà nhiệm vụ cũng không phải nhẹ. Vì vậy Điều 2 của Luật này đã quy định: “Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết
toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân
dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện
đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến
pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân
cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân
dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và
củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi
ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác
giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế
giới.”
Luật đã nói rõ như thế mà tại sao tổ chức chính trị quan trọng này vẫn chưa được phép “giám sát” thì kể cũng lạ.
Hãy nghe ông Sang nói tiếp: “Trong khi đó, hiện nay chưa có cơ chế để
MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội nói chung, nhân dân nói riêng được
thực hiện quyền giám sát, phản biện. Thực tế cho thấy, thời gian qua
MTTQ các cấp thực hiện giám sát phản biện ở một số lĩnh vực nhưng hiệu
quả cũng chưa đạt yêu cầu, cụ thể chỉ giám sát các cơ quan nhà nước, cán
bộ công chức, đại biểu dân cử trong việc thực thi chính sách pháp luật
địa phương; giám sát việc giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống của cán bộ
công chức, đại biểu dân cử... Còn việc giám sát các lĩnh vực nhạy cảm
như quản lý đất đai, quản lý các dự án đầu tư, tài chính... hoặc giám
sát việc kê khai tài sản, nhà đất, thu nhập cá nhân thì vô cùng khó
khăn. Đối với MTTQ còn gặp khó như vậy thì người dân thực hiện quyền
giám sát, phản biện còn khó biết chừng nào...”
MTTQ còn chưa được “giám sát” những chuyện “nhạy cảm” có dính đến tiền
bạc hay “lợi ích nhóm” là những ổ tham nhũng của các quan chức đảng và
nhà nước thì người dân bình thướng sức mấy mà dám “sờ đến lỗ chân lông
của những kẻ có chức, có quyền” nên khi Điều 4 của Hiến pháp mới đặt
Đảng phải “chịu sự giám sát của nhân dân” như tiết lộ của ông Nguyễn
Sinh Hùng, Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp thì không biết ông nói
chơi hay nói thật?
Hy vọng ông không nói chơi như nhiều viên chức khác vì theo báo điện tử VNNET ngày 6/11/2012, Ông còn nói: “Hiến
pháp đã xác định rõ mọi quyền lực đều nằm ở nơi dân. Dân ủy quyền cho
Quốc Hội, dân cũng đặt ra các định chế cho nhà nước nên tất cả đều phải
chịu sự giám sát của dân, kể cả tổ chức đảng và đảng viên.”
Như vậy chẳng lẽ những lời than phiền của các Ông Phạm Thế Duyệt, Huỳnh
Đảm và Nguyễn Ngọc Sang, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ
Thành phố Cần Thơ đều “không đúng”, hay đều “sai sự thật” cả?
Tất nhiên không thể nào bảo những lời ta thán của 3 viên chức có thẩm
quyền của MTTQVN là của “các thế lực thù địch” nhằm xuyên tạc chủ trương
và đường lối đúng đắn của đảng, nhưng thực tế phũ phàng của “màn kịch”
giám sát và vai trò của MTTQVN làm được đến đâu thì đã rõ trắng đen.
Thế mà, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn biện bạch ngây ngô rằng: “Khẳng
định điều 4, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là một nội dung rất quan
trọng. Vì vậy việc sửa đổi phải hướng tới xác định rõ chỉ một Đảng lãnh
đạo nhưng phải đảm bảo được tính dân chủ. Do đó, vai trò của Mặt trận Tổ
quốc, các đoàn thể chính trị trong giám sát cũng được làm rõ hơn.” (VNNET, 6/11/2012)
Rõ hơn ở chỗ nào?
Vấn đề không phải chỉ “rõ” trên giấy mà phải “rõ” trong hành động thì mới có kết quả.
KINH TẾ CHỈ HUY
Ngoài Điều 4 không thay đổi, dự thảo Hiến pháp mới cũng tái xác nhận vai trò “chủ quản” của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Báo chí Việt Nam viết rằng: “Điều 55 Hiến pháp sửa đổi khẳng định nền
kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều
hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh
và hình thức phân phối.
Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình
thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong
những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được
khuyến khích phát triển”.
Quan điểm chống nhau như nước với lửa giữa “kinh tế thị trường” và “định
hướng xã hội chủ nghĩa” đã gây ra tranh cãi trong nhiều năm qua ở Việt
Nam.
Bởi vì ai cũng biết đã làm “kinh tế thị trường” theo Tư bản Chủ nghĩa
thì không thể dựa theo “Xã hội chủ nghĩa” vì xã hội chủ nghĩa, hay xã
hội Cộng sản cũng vậy, không có “kinh tế thị trường”.
Do đó khi nói “kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”
là nói sai, hay cố tình nói chệch đi để bảo vệ cho sự ổ định chính trị
nội bộ, vì nhà nước sợ nếu tuyên bố làm kinh tế theo Tư bản Chủ nghĩa là
tự mình phản bội lại chủ nghĩa Cộng sản, đi ngược lại với “tư tưởng Hồ Chí Minh”!
Nhưng nếu so sánh với Cương lĩnh 1991 đã sửa đổi và bổ sung năm 2011 thì
Điều 25 của Hiến pháp mới chỉ lập lại lập trường đã viết trong Cương
lĩnh sửa đổi năm 2011.
Cương lĩnh viết nguyên văn: “Phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh
tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần
kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng
của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp
tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh
tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước
cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền
kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền
kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát
triển.”
Như vậy, nội dung mấy điểm quan trọng của Hiến pháp mới đã không dám đi ra ngoài Cương lĩnh của đảng!
Theo tin từ Việt Nam, Hiến pháp mới được dự trù đem ra lấy ý kiến dân
trong 3 tháng, kể từ tháng 1/2013 trước khi trao lại cho Quốc hội thảo
luận và biểu quyết vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên cũng có ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội không muốn trao
quyền lấy ý kiến dân cho các Đại biểu Quốc hội, ngược lại nên phổ biến
công khai trên các cơ quan truyền thông và Internet.
Bất biết bằng hình thức nào, nếu tiếp tục duy trì Điều 4 dành quyền lãnh
đạo tuyệt đối cho đảng thì thà đừng sửa còn hơn tiếp tục phí phạm thời
gian và tiền của người dân.
Việc sửa Hiến pháp của Quốc hội giống như một người khi tắm mà chỉ tắm có nửa người thì làm sao sạch được? -/-
11/2012
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/giu-nguyen-ieu-4-sua-hien-phap-lam-gi.html#more
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001