Nguyễn Trang Nhung -
Lịch sử loài người đã trải qua hàng ngàn năm, khi con người sinh ra từ
thuở sơ khai hoang dã, sau nhiều bước chuyển về thể chất lẫn tinh thần,
đã bước dần từ nơi u tối đến ánh sáng văn minh.
Lịch sử loài người đã trải qua hàng ngàn năm, với những cuộc đấu tranh
để sinh tồn, hay những cuộc đấu tranh khởi nguồn từ sự khác biệt về sắc
tộc hay tôn giáo...
Lịch sử loài người cũng đã trải qua hàng ngàn năm, để đúc kết ra được
những chân lý, hay những giá trị phổ quát hiện hữu như những chân giá
trị mà nhờ đó, loài người đã tiến bộ như ngày hôm nay.
Trong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một
trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu
châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp,
Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19.
Phương châm của khai sáng
“Cao trào khai sáng (enlightenment) ở Âu châu tuy đã bắt đầu từ cuối thế
kỷ 17, nhưng phải chừng một thế kỷ sau, khi tác phẩm “Trả lời câu hỏi:
Khai sáng là gì?” (1784) của Immanuel Kant ra đời, danh từ này mới trở
thành một thuật ngữ có chỗ đứng hẳn hoi trong ngôn ngữ triết học và lịch
sử tư tưởng.” (1)
“Khai sáng”, theo định nghĩa của Kant, “là sự thoát ra của con người
khỏi tình trạng chưa trưởng thành (nonage) do chính con người tự gây
nên. Chưa trưởng thành vì không có khả năng sử dụng lý trí của mình mà
không cần đến sự dẫn dắt của kẻ khác. Sự chưa trưởng thành này, nếu
chính nguyên nhân không nằm ở sự thiếu lý trí mà ở sự thiếu quyết định
và thiếu can đảm trong việc tự sử dụng lý tính của chính mình mà không
cần sự dẫn dắt của kẻ khác, thì chính là lỗi do chính mình gây nên. Bởi
vậy, ‘Hãy dám biết và hãy can đảm sử dụng lý trí của chính mình' là
phương châm của khai sáng”. (2)
Tuy đã diễn ra từ cách nay ba thế kỷ, nhưng phong trào khai sáng với
những luận điểm của nó về căn bản vẫn còn giá trị cho đến hiện tại. Và ở
những nơi nào đó trên thế giới, nó “vẫn tiếp tục lan tỏa nhằm đánh đổ
thần quyền và chủ nghĩa phong kiến mông muội”... (3) Ba trong số tám
luận điểm chính của khai sáng là những luận điểm cơ bản, được chân nhận,
mà hầu như không cần phải bàn cãi:
1. “Lý trí chính là khả năng trung tâm của con người, nó không những
giúp cho con người có khả năng suy nghĩ sáng suốt mà còn cả hành động
một cách đúng đắn.”
2. “Niềm tin phải được đón nhận bằng lý trí, không dựa trên quyền uy và chức sắc, tôn giáo, kinh nghiệm hay truyền thống.”
3. “Tất cả mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm, tuyệt đối cá nhân,
hoàn toàn bình đẳng xét về khía cạnh lý lẽ (so với các cá nhân khác hay
nhà nước) và do đó phải được tạo cho sự bình đẳng trước luật pháp và
quyền tự do cá nhân.” (4)
Phong trào khai sáng tại Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia Á Đông có một chính thể dân chủ từ khá sớm so
với các nước Á Đông khác, và mau chóng đạt được sự giàu mạnh, một phần
lớn là nhờ tư tưởng khai sáng có từ thời Minh Trị Duy tân, thời kỳ diễn
ra những biến đổi lớn trong xã hội Nhật Bản, có vai trò như bước ngoặt
cho sự biến chuyển đầy ngoạn mục.
Thời Minh Trị Duy tân bắt đầu từ năm 1868. Trước đó, Nhật Bản vẫn là một
quốc gia phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu. Trong bối cảnh bị dồn
ép phải mở cửa bởi các quốc gia Tây phương, thay vì bế quan tỏa cảng,
Nhật Bản đã chọn con đường cải cách để bắt kịp với các quốc gia tiên
tiến. Điều này đã khiến Nhật Bản tránh được nguy cơ trở thành một nước
thuộc địa như nhiều quốc gia phong kiến khác.
Chính phủ thời Minh Trị Duy tân lúc đó đã đưa ra các khẩu hiệu “Phú quốc
cường binh” “Quyết theo kịp phương Tây”, đã góp phần khiến người Nhật
trở nên tích cực và nhiệt tâm với “văn minh khai hóa”. Và, với cách thức
thâu dụng người tài, chính phủ Minh Trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho
những tinh hoa của đất nước được khai mở những nguồn sáng của văn minh.
Những học giả trong trào khai sáng tại Nhật Bản đã được tạo cơ hội đến
các quốc gia Tây phương để học hỏi các kiến thức về kinh tế, thống kê,
luật pháp, chính trị học, khoa học – kỹ thuật,... để sau đó, Nhật Bản
tiến hành nhiều cuộc cải cách quan trọng trong nhiều lĩnh vực, khiến
nước Nhật mau chóng trở thành một quốc gia hùng mạnh!
Phong trào Duy tân có sự đóng góp lớn của những trí thức trong chính
quyền cũ (chính quyền Tokugawa trước thời Minh Trị) và hội trí thức
Merokusha (Minh lục xã) – một hội trí thức với các tên tuổi lẫy lừng như
Nishimura Shigeki, Nishi Amane, Fuzukawa Yukichi (5), đã góp phần to
lớn vào sự chuyển biến tư tưởng của người dân Nhật Bản trong thời kỳ
khai sáng.
Điểm qua một số thành quả mà Minh lục xã đã gây dựng là hàng loạt các
tác phẩm, các cuốn tự truyện, các bài xã luận về hầu mọi chủ đề như kinh
tế, chính trị, pháp luật, triết học, khoa học, tôn giáo, v.v... cùng
với Minh lục tạp chí được sáng lập bởi Minh lục xã, đã tạo nên sự mới mẻ
và sôi động cho các luận đàn tri thức ở Nhật Bản thời đó.
Các tác phẩm điển hình cần kể đến: như cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa
(6), ngay lần in đầu tiên đã có số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu; tác
phẩm dịch thuật “Bàn về tự do” của John Stuart Mill (7), được xuất bản
lần đầu ở Anh năm 1859, đến năm 1868, đã được dịch ở Nhật Bản với 2
triệu bản phát hành, trong khi dân số Nhật Bản lúc đó khoảng 35 triệu
người. Nhìn vào các con số ấy, có thể thấy tầm ảnh hưởng của các tác
phẩm đó đối với người dân Nhật Bản thật rộng lớn!
Coi trọng vai trò của dịch thuật là một điểm quan trọng của văn minh
khai sáng. Nhiều tác phẩm dịch thuật ra đời lúc đó (“Bàn về tự do” là
một ví dụ kể trên) đã góp phần không nhỏ giúp nâng cao tầm thức của
người Nhật, và có vai trò to lớn trong việc đem lại những thành quả rực
rỡ của Duy tân. Cuộc cách mạng Duy tân, sau chừng 30 năm, đã góp phần
khiến Nhật Bản trỗi dậy ngang hàng với các quốc gia Âu, Mỹ!
Trong số luận điểm của các học giả, có thể thấy nổi bật lên những tư
tưởng tiến bộ của Nishi, khi đề nghị dùng mẫu tự La Tinh để biểu thị
tiếng Nhật, của Tsuda khi chủ trương phải có tự do xuất bản, của
Fukuzawa khi cho rằng chính phủ phải chia sẻ “quốc quyền” với dân chúng,
hay như ý tưởng thành lập “dân tuyển nghị viện”, tức quốc hội ngày nay,
của Itagaki. Nhiều luận điểm khi ấy đã được tranh luận sôi nổi trên
Minh lục tạp chí.
Tuy các thành viên của Minh lục xã có nhiều ý kiến khác nhau về các vấn
đề quan trọng được bàn thảo, song, “chính sự khác biệt cùng những cuộc
thảo luận thẳng thắn trên Minh lục tạp chí đã đóng góp cho nguyên tắc
tương đối trong việc hình thành tính đa dạng của tư duy.” (8) Ví dụ như:
“Cuộc bàn cãi về vai trò của người trí thức đối với chính quyền giữa
Fukuzawa, một học giả ở ngoài chính phủ, và Katô, đại diện cho những trí
thức phục vụ trong chính quyền, đã đưa đến hai trào lưu học thuật ở
nước Nhật cận và hiện đại. Với tư cách là người sáng lập trường Khánh
Ứng Nghĩa thục (Keiô Gijuku), Fukuzawa được xem là người mở đầu cho
truyền thống học thuật và trường ốc độc lập với chính phủ (shigaku,
tư-học), tức private academy. Ngược lại, Katô, sau đó trở thành hiệu
trưởng đầu tiên của trường Đại học Đông kinh (1877), là cha đẻ của
truyền thống học thuật và trường ốc do nhà nước thiết lập và nâng đỡ
(kangaku, quan-học), tức official academy. Những thành quả này có thể
xem là một đóng góp quan trọng của hội Meirokusha, bởi lẽ trước đó vì
không có truyền thống tự do thảo luận nên người ta thường chụp mũ, đơn
giản dán nhãn hiệu tà thuyết (kyotan bôsetsu, hư-đản vọng-thuyết) cho
những ý kiến đối lập.” (9)
Phong trào khai sáng đã để lại những di sản vô giá của những trí tuệ
biết bắt kịp thời đại, để Nhật Bản ngày nay được thừa hưởng và tiếp tục
phát huy tinh thần của những trí tuệ ấy. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu
với những thành trì cũ mòn trong tư duy, nhờ được dẫn dắt bởi những
người mang sứ mạng khai sáng, quốc gia châu Á này đã vươn lên mạnh mẽ để
sánh ngang tầm với các nước Tây phương!
Phong trào khai sáng tại Việt Nam
Ngọn gió khai sáng từ Nhật Bản thổi qua Trung Hoa, khiến cho các nhà
cách mạng tân tiến tại nước này tạo nên một loạt các tác phẩm triết học
trong bộ Tân thư, với những phản ánh về hiện thực đất nước và những
phương án giải quyết các vấn nạn để đưa Trung Hoa đến con đường cải
cách. Tiếp thu tinh thần khai sáng qua các Tân thư cùng các trước tác
của Montesquieu, Rousseau, Voltaire,... Phan Châu Trinh đã nhìn thấy
được những nhược điểm cơ bản về văn hoá xã hội của Việt Nam so với
phương Tây, những lạc hậu và hủ hóa trong bộ máy cầm quyền phong kiến đã
bám rễ từ lâu, là nguyên nhân khiến đất nước phải chịu thân phận thuộc
địa. Nhận thức được điều đó, ông đã có sự chuyển biến về tư tưởng có ý
nghĩa cách mạng trong công cuộc tìm đường cứu nước.
Từ đó, Phan Châu Trinh sáng lập phong trào Duy tân với ba điểm chính:
“khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, trong đó, “dân trí” đóng vai
trò quan trọng như chìa khóa để mở ra một thời đại mới, với những con
người có tri thức mới, để từ đó, đất nước có khả năng giành được độc lập
và trở nên cường thịnh.
“Tri thức mới” trong quan niệm của ông, “đó là hiểu biết về dân quyền
(ngày nay ta gọi là dân chủ), người dân biết rằng mình có quyền, biết rõ
các quyền của mình trong xã hội, trong cuộc sống, trên đất nước, trước
thế giới. Theo cách nói ngày nay, có thể ông cho rằng điều cơ bản để tạo
nên sức mạnh lay trời chuyển đất là dân chủ về thông tin (“dân biết”),
trao thông tin về những quyền của nhân dân cho chính nhân dân.” (10)
“Thậm chí ông còn cho rằng nếu có thoát khỏi tay ngoại bang, giành được
độc lập, mà không có dân quyền, không có dân chủ, dân trí thấp, người
dân không giác ngộ về quyền dân chủ của mình và sử dụng có hiệu quả
quyền đó để làm chủ đất nước, xã hội, thì cũng là vô nghĩa, nhân dân
không thể có hạnh phúc, đất nước không thể phát triển, và như vậy nền
độc lập dân tộc cũng không thể vững chắc” (11)
Trong phong trào Duy tân, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp và Huỳnh
Thúc Kháng đã lập nên một “bộ ba Quảng Nam”, đi đến nhiều miền đất nước,
mở nhiều trường dạy học những tri thức mới. Vào năm 1908, hai năm sau
khi được phát động, phong trào Duy tân đã lan rộng khắp cả nước, tạo nên
sự kiện “Trung Kỳ dân biến”, mà sau đó, tiếc thay, đã bị thực dân Pháp
và tay sai dập tắt.
Phong trào Duy tân, theo nhà văn Nguyên Ngọc “chủ yếu nhằm vào một cuộc
cải cách giáo dục sâu rộng, với tư tưởng cơ bản là thực học, đối với
chúng ta ngày nay dường như bỗng trở nên thời sự một cách lạ thường”
(12). Quả là vậy, khi thành quả của giáo dục hiện tại là thấp so với
những đòi hỏi bức thiết mà thời đại đặt ra, khi hiện tại Việt Nam vẫn
đang lạc hậu hàng thế kỷ so với thế giới!
Việt Nam và một phong trào khai sáng mới?!
Việt Nam đến nay đã trải qua hơn 60 năm sau khi miền Bắc giành được độc
lập, và hơn 30 năm sau khi đất nước thống nhất. Nhưng sau ngần ấy năm,
tại sao Việt Nam vẫn là một nước nghèo và lạc hậu, dân trí vẫn chưa cao,
với khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông? Có quá nhiều lý giải viện
dẫn hoàn cảnh lịch sử hay những tổn hại do chiến tranh, mà nếu cứ chấp
nhận những lý giải ấy một cách hiển nhiên mãi, đó sẽ tiếp tục là trở lực
cho chúng ta hàng nhiều thập kỷ nữa!
Và nếu chấp nhận lý giải ấy cho Việt Nam, hẳn sẽ ngạc nhiên đến mức phải
thán phục về một thần kỳ Nhật Bản! Sau thế chiến II, do bị tàn phá nặng
nề và nền kinh tế bị kiệt quệ, từ một nước giàu có với những thành quả
đạt được sau Duy tân, Nhật Bản rơi vào nhóm các nước đang phát triển.
Tuy vậy, chỉ sau không đầy 30 năm (1945 – 1973), Nhật Bản đã mau chóng
phục hồi, để một lần nữa, vươn lên sánh vai cùng các liệt cường! Qua đó,
hãy tự hỏi, Việt Nam có thể có một thần kỳ hay không?
Nếu như cách đây 100 năm, phong trào Duy tân của Phan Châu Trinh có thể
nhận thức được tầm vóc của “khai dân trí” và đã được triển khai một cách
sâu rộng, thì ngày nay đất nước Việt Nam cần làm thế nào để tạo ra được
một phong trào xứng tầm hoặc cao hơn, để trí tuệ Việt Nam có thể tiến
nhanh, ngang hàng với trí tuệ thời đại, để người Việt Nam có thể ngẩng
cao đầu trước những vị khách đến từ Nhật Bản hay các nước Tây phương?
Thiết nghĩ, không dám bứt phá và không dám nghĩ khác, chấp nhận sự bảo
hộ tư tưởng theo các chiều thông tin hạn định, cái tôi và con người cá
nhân bị đồng hóa, ngại phải đối mặt với những khác biệt về tư tưởng
trong một xã hội thiếu tranh luận tự do, chủ quan lo sợ về những đổi
khác do những thành trì kiên cố của thói quen hay tập quán, v.v... là
một phần lớn nguyên nhân khiến chúng ta vẫn chậm tiến trên con đường hòa
nhập với thế giới!
Việt Nam cần phải thay đổi! Bạn muốn thay đổi? Tôi muốn thay đổi! Nhiều
người, rất nhiều người khác nữa muốn thay đổi?! Chúng ta làm gì để thay
đổi? Hãy cùng tìm những giải pháp khả thi và hiệu quả, có thể khai phóng
tiềm năng trí tuệ của người Việt, để từ đó tạo lực đẩy mạnh mẽ đưa đất
nước đi lên!
Những giải pháp ấy, từ lịch sử, có thể nhìn thấy ngay từ nhà cách mạng
Phan Châu Trinh, khi cho rằng phải có dân chủ về thông tin để khai mở
dân trí, và tiếp đến, người dân phải được trao cho đầy đủ “dân quyền”,
phải có cơ hội có được hiểu biết để ý thức rõ các quyền của mình và thực
thi nó với tất cả trách nhiệm mà không trao lại cho chính phủ như một
sự ủy thác. Dân trí vẫn có thể phát triển, nhưng với một tốc độ chậm
chạp, chừng nào người dân chưa đủ “can đảm trong việc sử dụng lý trí của
chính mình”.
Những giải pháp ấy, từ lịch sử, cũng có thể rút ra từ phong trào khai
sáng tại Nhật Bản, ở đó có sự tự do tranh luận để đạt tới sự đa dạng và
sự phát triển năng lực của tư duy. Và thông qua tranh luận, các lý lẽ
hợp lý đã được chắt lọc và trở thành những phương hướng cho việc hoạch
định các chính sách đổi mới. Một điểm quan trọng khác, đó là những người
mang sứ mạng khai sáng đã thực hiện sứ mạng của mình với tất cả trách
nhiệm và tinh thần dám dấn thân vì đại cuộc!
Những giải pháp ấy, ngay từ trong hiện tại, có thể nhìn từ chính chúng
ta, khi mỗi người là một cá thể chủ động và tích cực trong việc thay đổi
thói quen và lối mòn của tư duy, bước qua những hàng rào cản trở việc
tiếp cận những tri thức mới, phá vỡ những thành trì ngăn cấm việc tìm
đến thế giới thông tin tự do vô vàn kỳ thú với những nguồn tri thức mênh
mông...
Và những giải pháp khác, mà mỗi cá nhân có thể dùng “lý trí và lòng can
đảm” của chính mình, theo như phương châm của khai sáng, để tìm ra
phương cách thích hợp cho bản thân, cho gia đình, và cho xã hội...
Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc quả cảm với những con người quả cảm, với
tinh thần tự hào dân tộc cao và không quản ngại khó khăn? Vậy thì,
những người quả cảm và có tinh thần trách nhiệm, khi nhận thức được tính
cấp thiết của việc mở mang dân trí, hãy là những người đi tiên phong
cho một phong trào khai sáng mới, để dẫn dân tộc Việt Nam đi đến một
thần kỳ – một thần kỳ Việt Nam!
____________________________________________
Chú thích:
(1, 2, 8, 9) “Hội trí thức Meirokusha và tư tưởng khai sáng ở Nhật Bản” – Vĩnh Sính
(3, 4) Tư tưởng, phong trào Khai Sáng là gì? – Bùi Quang Minh
(5) Nishimura Shigeki: giảng viên Hán học và về sau là trưởng phòng biên
tập của bộ Giáo dục. Nishi Amane: một quan viên của hai chính quyền
Tokugawa và Meiji và về sau là thứ trưởng bộ quốc phòng. Fukuzawa
Yukichi: nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản
cận đại.
(6, 7) Các cuốn sách hiện đã được dịch và được phát hành tại Việt Nam năm 2004
(10, 11, 12) Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn – Nguyên Ngọc:
Tham khảo thêm:
Nhật Bản khác ta những gì – Nguyễn Lân Dũng:
Một sự nghiệp lớn và cấp thiết – Nguyên Ngọc:
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/khai-sang-suy-ngam-tu-mot-ien-hinh-nhat.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn
vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001