Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Lê Thành Nhơn (1940-2002) 

Trích từ quyển "Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại" của Huỳnh Hữu Ủy, VAALA xuất bản 2008.

Về điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, trong khoảng thời gian 1970-1975, anh được công chúng chú ý đến một cách đặc biệt vì dự án xây dựng mười tượng đài danh nhân tầm cỡ của Việt Nam. Tập trung suy nghĩ, thu thập tài liệu và thực hiện liên tục nhiều phác thảo trong tình trạng nghiên cứu, Lê Thành Nhơn hăm hở, nhiệt tình dồn hết sức lực của mình, quyết dựng những tượng đài to lớn của các danh nhân đất nước, mỗi tượng đài sẽ là một tác phẩm cô đọng những nét đặc trưng nhất. Trước tiên anh bắt tay thực hiện chân dung Nguyễn Trung Trực, pho tượng lớn được đắp bằng đất sét thử nghiệm nơi xưởng làm việc của  anh giữa một khu vườn ở đường Nguyễn Du, dự trù sẽ đúc đồng để dựng ở Rạch Giá, trên chính vùng đất nhà anh hùng dân chài đã đổ dòng máu nóng dâng trào vào những ngày đầu tiên Nam Bộ kháng Pháp. Thời kỳ này, pho tượng Phan Thanh Giản cao 2,5 mét cũng đã được hoàn tất, thực hiện bằng xi măng cốt sắt.

Đầu thập niên 1970, đang giảng dạy tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, được mời thỉnh giảng ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Trong những ngày đi về làm việc ở Huế, ý định của anh về những công trình này càng được thôi thúc thêm giữa bầu không khí sôi sục của một thành phố hừng hực lửa đấu tranh. Những tượng đài Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Du, Phan Bội Châu... nhất định sẽ phải được dựng lên. Chân dung Phan Bội Châu, linh hồn cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã hình thành trong bối cảnh ấy. Giữa khuôn viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, pho tượng được hoàn tất đợt đầu bằng đất sét. Khuôn mặt nhà ái quốc vĩ đại được đắp tạc khá hoàn hảo, đầy tính chiến đấu, lột tả được nét kiên cường, cứng rắn cũng như sự thông tuệ, rực rỡ vô song. Tượng chỉ là khuôn mặt phóng lớn đầy tính diễn tả, thêm vào đó là những mảng phù điêu đắp nổi phía hậu diện pho tượng hình ảnh cuộc đấu tranh bền bỉ của đất nước từ kỷ nguyên thứ nhất cho đến ngày nay. Bức tượng đất sét được những người thợ đúc truyền thống của Huế đúc thành tượng đồng cao hai thước, nặng gần bốn tấn, công trình đang thực hiện dở dang thì biến cố năm 1975 xảy đến. Gần 15 năm qua, pho tượng nằm hoang phế giữa Phường Đúc gần đồi Long Thọ, và mãi đến cuối năm 1987, di tích lịch sử và mỹ thuật này mới được chuyển về dựng tại vườn cũ của cụ Phan, rất trang trọng trên đầu dốc Bến Ngự.

 Cùng với thời kỳ này, Lê Thành Nhơn thực hiện khá đạt tượng chân dung Quan Thế Âm trước trung tâm văn hóa Liễu Quán của Phật giáo ở Huế. Là tượng Phật Quan Âm, tất nhiên phải giữ qui cách và ước lệ cũ để gợi ý về biểu tượng này. Tuy nhiên chúng ta cũng nên xem đây là chân dung của một người phụ nữ với phong cách rất lạ, phía trên đầu là một khối hình chóp gần với thể dạng quen thuộc trong mỹ thuật Chàm, với các vũ nữ múa Apsaras, các tượng nữ thần Laksmi hay Siva, khuôn mặt rất bay bổng do đôi mắt thanh nhã, môi mỏng, cổ cao mà tác giả đã tìm cảm hứng hiện thực từ khuôn mặt của một ca sĩ thời danh và rất phiêu lãng lúc bấy giờ. Gần như phong cách tượng Phật Quan Âm vừa đề cập, chúng ta còn tìm thấy vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng cứng cáp và chắc nịch của khối thể nơi tượng Bà Mẹ Việt Nam với chiếc khăn trùm quen thuộc của những bà mẹ Nam Bộ. Tượng này vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, trước sân xưởng làm việc ngày trước của Lê Thành Nhơn (101 Nguyễn Du, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), chỉ đáng tiếc là chẳng còn ai để ý tới nên không còn được bảo vệ tốt giữa bao nhiêu sắt, gạch, gỗ, đá chồng chất của một cơ sở xây dựng hiện nay.



nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/11/le-thanh-nhon-1940-2002.html
====================================================================
Nguyễn Hưng Quốc - Lê Thành Nhơn trong lòng bạn bè


Nguyễn Hưng Quốc

Tác phẩm điêu khắc "Tuổi Già" của Lê Thành Nhơn
·          
Lê Thành Nhơn mất ngày 4 tháng 11 năm 2002; đến nay, tròn 10 năm. Ngoảnh lại, tôi vừa thấy thật nhanh, lại vừa có cảm giác như Nhơn chưa hề mất. Mà quả thật, Lê Thành Nhơn vẫn còn. Còn trong lòng bạn bè của anh. Và còn trong các tác phẩm tuyệt vời mà anh để lại.

Một số khá đông bạn bè của tôi cũng là bạn bè của Nhơn. Chúng tôi thường gặp nhau và hầu như lần nào cũng vậy, cứ gặp nhau là không nhiều thì ít cũng đều nhắc đến Nhơn. Mà không nhắc không được. Đến nhà người nào tôi cũng thấy Nhơn. Như nhà Hoàng Ngọc-Tuấn ở Sydney, chẳng hạn. Mới bước vào cổng đã thấy hai tấm phù điêu nhỏ bằng thạch cao của Nhơn; một tấm, màu trắng, được treo trên tường, ngay gần cửa chính. Mở cửa, rẽ tay mặt, là vào phòng khách; bước vào phòng khách, là thấy ngay hai tác phẩm khác của Nhơn: một tấm tranh sơn dầu lớn phủ gần kín một bức tường và một tượng chân dung Hoàng Ngọc-Tuấn bằng đồng được đặt trong một góc.

Vào nhà Võ Quốc Linh, cũng ở Sydney, cũng vậy. Ở phòng khách, tầng trệt, anh treo nhiều bức tranh màu nước của Nhơn. Bước lên lầu, ngay ở đầu cầu thang, là một căn phòng được thiết kế đặc biệt để đặt bức tượng Phật cao gần hai thước của Nhơn. Ở nhà hầu hết các bạn khác cũng đều như vậy. Không nhiều thì ít, hầu như ai cũng có một cái gì đó của Nhơn. Một bức tranh. Một bức tượng. Hoặc một cái bình gốm. Tất cả đều nhắc đến Nhơn. Bởi vậy, hầu như bao giờ các câu chuyện của chúng tôi, một lúc nào đó, cũng đều quay lại với Nhơn.

Lúc tôi còn được về Việt Nam, trước cũng như sau khi Nhơn mất, gặp bạn bè cũ của Nhơn, tôi cũng lại nghe mọi người nhắc đến anh. Trước khi Nhơn mất: người ta nhắn nhe Nhơn về. Sau khi Nhơn mất: người ta ngậm ngùi thương tiếc. Khi tôi gặp Hồ Hữu Thủ và Đỗ Quang Em, đề tài chính của buổi nói chuyện bao giờ cũng là Nhơn. Nhơn của Sài Gòn trước 1975. Trong giọng kể của họ, tôi thấy thật nhiều trìu mến.

Vừa rồi, đi Mỹ, trong số những người tôi gặp, có ba người từng là bạn thân của Nhơn và cũng vô cùng yêu mến Nhơn: họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Trùng Dương và nhà văn Trương Vũ. Đề tài lại cũng vẫn là Nhơn. Trước đó, cũng như hiện nay, nội dung phần lớn các cuộc trao đổi qua email giữa tôi và Trùng Dương đều liên quan đến Nhơn. Lúc thì chị hỏi chuyện này; lúc thì chị hỏi chuyện khác, nhưng phần lớn đều liên quan đến Nhơn, chủ yếu là về một tác phẩm nào đó của Nhơn. Chị băn khoăn hỏi thăm về số phận của bức tượng Phan Thanh Giản do Nhơn khắc ở Sài Gòn. Chị nhớ cả hình ảnh đứa con gái đầu lòng của Nhơn bên cạnh bức tượng Cô gái Việt Nam mấy chục năm về trước. Nhớ đến độ, khi xin tôi bức ảnh chụp tượng Phật của Nhơn ở nhà Võ Quốc Linh, chị cũng đề nghị: chụp với một bé gái nào đó.

Trương Vũ thì lại càng thương Nhơn. Trong mấy ngày tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh ở nhà anh trong chuyến Mỹ du vào tháng 7 vừa rồi, câu chuyện cứ thường xuyên quay về với Nhơn. Về những ngày hai người làm việc chung ở Đại học Duyên Hải, Nha Trang. Về những dự án lớn lao mà Nhơn thường mơ mộng, và có lúc, đã bắt đầu thực hiện cho trường đại học, như màu sắc các tà áo dài cho nữ sinh theo từng cấp cũng như con đường trồng toàn phượng vĩ rực rỡ. Tính Trương Vũ điềm đạm, vậy mà khi kể chuyện của Nhơn, mắt anh cứ sáng rực lên, giọng cứ vang vang. Ngỡ như những đam mê và háo hức ngày xưa chợt bùng lên lại. Làm anh trẻ hẳn ra.

Ở Việt Nam, mấy năm gần đây, một số bạn bè của Lê Thành Nhơn, như Bửu Ý và Trần Viết Ngạc – cả hai tôi đều chưa gặp – rất tích cực vận động để đưa ba tác phẩm điêu khắc của Nhơn ra dựng ở bờ sông Hương ở Huế. Trong số đó, có hai bức được Nhơn tạc ở Huế: Phan Bội Châu và Quán Thế Âm, và một bức được tạc ở Sài Gòn: Cô gái Việt Nam.

Việc cho dựng ba tác phẩm của Lê Thành Nhơn bên bờ sông Hương có gắn liền với một tính toán nào về chính trị của nhà cầm quyền địa phương hay không, tôi không biết. Chỉ có một điều tôi biết chắc chắn, nhờ theo dõi khá sát và khá thường xuyên, ngay từ đầu, qua một người con trai của Nhơn ở Úc: Để có được ngày ba tác phẩm đồ sộ của Nhơn được dựng sừng sững ở những địa thế rất đẹp ở Huế, bạn bè của anh đã phải vận động rất nhiều người. Một cách âm thầm. Và trong một thời gian rất dài. Động cơ của họ ư? Chỉ là vì tình yêu. Yêu Nhơn. Yêu tác phẩm của Nhơn. Và yêu Huế, muốn Huế có được những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của Việt Nam do Nhơn tạc dựng.

Có thể nói hiếm có người nghệ sĩ nào được nhiều bạn bè yêu mến như Nhơn. Yêu lúc còn sống cũng như sau khi đã qua đời.

Lý do chủ yếu là vì Nhơn cũng rất yêu bạn bè và sống hết lòng với bạn bè. Ở đầu bài viết này, tôi có nói đến nhà người bạn nào của Nhơn cũng đều thấy một hai tác phẩm của anh. Hầu hết là do anh tặng. Anh tặng người này bức tranh, người kia bức tượng, người nọ cái bình gốm.

Nên nhớ là Lê Thành Nhơn rất nghèo. Qua Úc, thoạt đầu, anh làm nghề thợ sơn trong một hãng xe, sau, bán vé trên xe điện; cả hai đều không phải là những nghề có lương cao. Sau đó, từ đầu thập niên 1990, anh bỏ hẳn các nghề lao động ấy để dành toàn bộ thời gian vẽ tranh, tạc tượng và làm đồ gốm. Nhưng các hoạt động ấy đều không đẻ ra tiền. Nhớ, lúc mới sang Úc, tôi thấy anh đi chiếc xe thật cũ. Cũ đến độ có một ngày cảnh sát chận anh lại, dán giấy cấm chạy vì lý do an toàn. Mấy tuần sau, anh mua một chiếc xe khác. Cũng vẫn là xe cũ. Chỉ khá hơn chiếc xe đã bị cấm chạy ấy được một tí. Tí thôi. Vậy mà lúc nào anh cũng hào sảng.

Nhiều lúc tôi có cảm tưởng anh sống nhiều với bạn bè hơn là với gia đình. Có thời gian anh làm việc ở lò gốm từ sáng đến tối. Trên đường về nhà, bao giờ anh cũng ghé tôi chơi. Hai anh em ngồi uống cà phê chuyện trò đến tập 2,3 giờ sáng. Sau, mệt quá, tôi đề nghị anh kết thúc câu chuyện vào lúc 12 giờ khuya để tôi còn đi ngủ và ngày hôm sau còn đi dạy. Ngày nào cũng vậy. Chỉ đến khi tôi dời nhà đi nơi khác, xa hơn, mức độ ghé chơi của anh mới giảm xuống. Không phải hàng ngày mà là hàng tuần.

Ngày cuối cùng của Lê Thành Nhơn ở bệnh viện Melbourne, lúc nào tôi cũng ngồi bên cạnh giường anh. Những lúc tỉnh, anh lại cười và say sưa nói chuyện về dự án này dự án nọ. Làm như cái căn bệnh ung thư đang phá nát cơ thể anh không phải là của anh. Nhưng tôi linh cảm đó là cơn tỉnh cuối cùng của anh. Tôi lấy điện thoại di động gọi cho Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh ở Sydney để hai người có thể nói chuyện với anh. Lúc đầu anh nói chuyện rất hăng. Và vui. Lại bàn chuyện vẽ tranh và tạc tượng trong những ngày sắp tới. Nhưng càng lúc giọng anh càng yếu dần. Có lúc mắt anh như lạc đi. Anh không nghe và không nói gì. Bàn tay cầm chiếc điện thoại di động như lơi ra. Tôi cầm lên nói chuyện tiếp với Tuấn và với Linh. Rồi bỗng dưng Nhơn lại tỉnh, lại đòi cầm điện thoại và nói chuyện tiếp. Nhưng lần này thì ngắn hơn. Đang nói nửa câu, mắt anh lại lạc, tay lại lơi ra, chiếc điện thoại rớt xuống giường. Lê Thành Nhơn rơi vào cơn mê. Mấy tiếng đồng hồ sau, anh trút hơi thở cuối cùng.

Cuộc nói chuyện cuối cùng của Lê Thành Nhơn, như vậy, cũng là cuộc nói chuyện với bạn bè.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/11/nguyen-hung-quoc-le-thanh-nhon-trong.html?utm_source=BP_recent
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001