Pilinszky János
Nguyễn Hồng Nhung chuyển ngữ
Nguyễn Hồng Nhung chuyển ngữ
Bằng kính viễn vọng ta có thể theo rõi đường đi của những vì sao vô hình thông qua những miền tối trên bầu trời, nhưng ai dám đảm nhận tìm ra hệ thống các rãnh dấu kín trong các hành động của chúng ta.
Tôi đã rất nhiều lần ngẫm nghĩ về thằng cháu, con chị gái tôi. Nó như một cái bị không đáy. Toàn bộ năng lượng, sự lo lắng, nhẫn nại, chăm sóc, động viên của cả gia đình trút vào nó, và dường như tất cả biến mất không để lại dấu vết kết quả nào, như thể cả nhà vô ích muốn dùng cả vũ trụ sưởi ấm cho nó.
Mười một giờ đêm: thời gian của những cố gắng mang tính chất anh hùng ca. Những lúc đó chỉ còn những cô cậu học trò hãnh tiến nhất miệt mài bên trang sách, những kẻ này đến kỳ trưởng thành nhất định sẽ vào được đại học. Chỉ còn những kẻ đó đang thức, và cậu cháu trai của tôi, và tất nhiên là mẹ nó, bà chị gái tôi: thức để dạy con học.
Trong sự tĩnh lặng lúc sắp nửa đêm, chị tôi khăng khăng thử thực thi một điều bất khả thi. Tôi nghe giọng nói mệt mỏi lặp đi lặp lại như máy của họ sau lần cửa, và không chỉ một lần tôi đã phát chán ngấy sự lặng thinh cùng những lời lắp lại vô mục đích này. Không thể vào, học không thể vào. Mặc dù thằng cháu tôi không ngu, nhưng nó không thể nào nuốt được thứ người ta đưa vào miệng nó, thìa thuốc đắng của bài học.
- Các người hãy chấm dứt đi cho! - Tôi ước được kêu lên không chỉ một lần - Các người không thấy rằng vô ích hay sao?
Nhưng rồi đến một hôm, chính tôi cũng ngạc nhiên không kém, khi đứa trẻ bỗng mở miệng, đọc vanh vách tất cả những gì nó bị bắt học, từ biển Caspi cho đến phương trình bậc hai; một quá khứ tưởng biến mất bỗng một phát biến thành tương lai sáng lạn trong hiện tại.
Bởi vì rốt cuộc, chúng ta đâu có được nuông chiều. Các sự việc không chịu để ta lần ra dấu vết chúng. Và đây không phải là sự thất thường của số phận, tôi thường xuyên có cảm giác, đây chính là Thượng đế đứng ở giữa các hành động, các việc làm và các hậu quả của chúng ta.
Có thể chính vì bản thân chúng ta - nếu hành động một cách hợp lý - ta có thể ngồi lại trong bóng râm, đây là một dạng vô danh nào đó, để chúng ta đừng đánh mất giá trị đích thực hành động của mình, trên sân khấu khoe khoang của cuộc đời. Nếu chúng ta đủ sức mạnh cho những hành động ấy, hãy đừng than vãn, rằng sự gắng sức của chúng ta thật là vô ích!
Hãy cho phép tôi kể ra đây một câu chuyện rất dễ thương, dạng như chuyện ngụ ngôn của Ê-dôp, cho dù tôi nghe nói, hình như người ta đã đem đăng báo, nhưng tôi vẫn xin kể lại, vì người làm chứng cho câu chuyện này là một người bạn của tôi, người ấy đã thuật lại như kể về một báu vật chung.
Vật báu chung ấy như sau:
Người bạn tôi mới chuyển đến thành phố Debrecen cách đây không lâu. Thời kỳ đầu anh ta rất đơn độc, một chiều anh ta lang thang đi ra vườn bách thú chơi. Vườn bách thú của một thành phố hẻo lánh như Debrecen, đến cáo và sói chưa chắc đã có. Vậy mà bạn tôi rất ngạc nhiên khi thấy vườn bách thú có những hai con sư tử.
Một gánh xiếc rong của Đức đã tặng lại chúng, một con vì đã quá già, còn một con vì quá ngu. Bởi vì có thể làm gì với một con sư tử ngu ngốc, khi chỉ biết ăn, và không học được bất kỳ động tác nào để biểu diễn? Thế là họ tặng lại cho vườn bách thú Debrecen.
Không ngờ một biến cố xảy ra. Sau một năm, con sư tử to tướng ngu ngốc tự dưng óc bỗng sáng láng. Cái nó không thể học nổi khi đang ở gánh xiếc, trong không gian tĩnh mịch của vườn thú Debrecen, nó bỗng dưng hiểu ra. Nó bỗng dưng hiểu ra, và từ đó không bao giờ quên nữa.
Sau những chấn song sắt, nó lẳng lặng biểu diễn các động tác xiếc, dưới sự ngạc nhiên ngây người của khách viếng thăm, dù không nhận được một xu, nó tự biểu diễn cho nó. Đúng vậy, muộn mằn sau đúng một năm, người ta bảo, nhưng không sai một tý nào.
Thú thật, câu chuyện làm tôi cảm động đến mức, dù bối rối, nhưng làm tôi chợt liên tưởng đến hàng trăm nghìn thứ. Rằng, trong vườn bách thú Debrecen có một con sư tử ngu ngốc, ngồi đấy và thực hành các động tác biểu diễn, thật đúng là một chuyện ngụ ngôn kiểu Ê-dôp.
Và cho dù câu chuyện của nó có thể ứng dụng như thế này thế kia vào xã hội loài người, vẫn còn khối điều khiến chúng ta phải trầm ngâm vì những lý do vượt lên trên cả sự hài hước.
- Vậy thì cái gì là bài học trong câu chuyện này? Thực ra không nhiều hơn ý nghĩa dạy dỗ của ngụ ngôn Ê-dôp, nhưng thế cũng là đủ.
Bài học thứ nhất là chúng ta chớ cay đắng buồn phiền nếu mọi lời nói của chúng ta luôn gặp phải những đôi tai điếc. Linh hồn và sự tĩnh lặng của linh hồn người là một sự việc đặc biệt. Có thể phải trôi qua rất nhiều năm, để cái hạt bị đánh mất chợt nảy mầm trong nó.
Bài học thứ hai ta có thể học được từ câu chuyện rất dễ thương này là, chúng ta đừng tin tác động của những hành động và lời nói của chúng ta ngay lập tức có hiệu lực cho những mong chờ của chúng ta. Với tội lỗi của chúng ta điều này cũng có thể không sao, nhưng rất tiếc, trong trường hợp của những hành động tốt, điều này chỉ từ từ xảy ra.
Nhưng cái gì đến muộn sẽ không trôi đi mất. Và người nào có lòng kiên nhẫn với cái tốt, sẽ tự hiểu ra và sẽ nhận ra thành quả của mình.
Đấy là những bài học mà câu chuyện ngụ ngôn Ê-dôp trên dạy dỗ.
(Pilinszky János - Tác phẩm “Đinh và dầu”. Trang 33.-35.- nxb Vigilia, Budapest. 1982)
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
(Budapest.2012.11.08)
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 23/11/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121123/pilinszky-janos-vo-ich-0
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001