Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Quan cũng đi bằng cửa sau


Thế là mất toi buổi sáng mà chả gặp được mặt “Rồng”!
Số là hôm qua có việc ra khỏi nhà từ đầu giờ chiều. Về nhà lúc cuối ngày, ngạc nhiên khi thấy quanh nhà quang quẻ khác thường. Mấy cái quán nước chè, rửa xe, dán vá xe mọi khi tấp nập xunh quanh đâu mất tiêu. Mấy bà đang chăm chỉ quét dọn.
Tôi không phi xe vào hầm ngay như mọi khi, đứng lại hỏi một chị hàng nước đang mặt mũi buồn thiu:
-     Không được bán hàng nữa à? Chắc lại chuẩn bị có đoàn kiểm tra?
Chị này đang loanh quanh thì một cô tất tưởi đi đến thì thầm:
-     Chị ơi, mai ông Thảo, chủ tịch thành phố đến kiểm tra đấy.
Ối giời! Thảo nào.

Tôi không thấy lạ gì. Nguyên cái đoạn cơ sở biết trước chuyện ông chủ tịch đi kiểm tra như thế này, tôi đã hình dung ra chuyện ngày mai ra sao.
Trong khi dân tôi nháo nhác gọi nhau về - cơ hội ngàn năm có một được ông chủ tịch đến tận nơi để được kêu – tận dụng ngay! Tôi chỉ cười ruồi. Dân tôi vẫn còn ngây thơ lắm. Định đưa đơn tận tay ông chủ tịch ư? Đừng có mơ!
Sáng ra, tôi đi vòng quanh nhà, dùng điện thoại chụp một lượt quang cảnh trước giờ G, cứ gọi là sạch bong. Quay về đến cửa thì thấy xe của đài truyền hình Hà Nội đỗ ở trước cửa.
Ah! Gặp lại cố nhân đây. Cái quân chuyên nói điêu này chỉ biết hót một chiều, bợ đỡ quan trên chứ đời nào nói lên tiếng nói đau khổ của dân? Triệu chứng này càng khẳng định chắc chắn chuyện ông chủ tịch xuống là thật.
Tôi lại gần giơ máy lên chụp chiệc đàng hoàng. Một tay tỏ vẻ am hiểu chuyện dân tôi, khi nghe tôi bảo hồi dân tôi ngồi giữ đất gần tháng trời, sao không thấy đến quay thì lại nói :
-     Ai bảo. sao hồi ấy dễ ru thế? Chưa gì đã đi ngay...
-     Ái dà, là anh nói đấy nhé. Tôi ghi âm hết rồi đấy, là anh cũng thấy chính quyền ru ngủ dân tôi đấy nhé. Dân tôi bảo mình vì tin chính quyền quá mới nên ra nông nỗi này.
Thấy chiều hướng có vẻ không có lợi, anh ta đánh bài chuồn. Được dăm phút thì xe nhà đài chuyển bánh đi vào phía các tòa nhà phía trong khu. Dân tôi sợ họ dương Đông kích Tây nên nhất quyết bám trụ, đứng tán gẫu trên sân. Được một lúc hơi hơi lâu thì thấy ồn ào đằng xa. Ối giời! Tôi nói không sai mà. Chỉ thiếu kèn trống và cờ hoa thôi, chứ cứ gọi là một đoàn cổ cồn đi tháp tùng nhá. Họ đang thăm nhà hàng xóm N04 cạnh đó.
Dân tôi vẫn cứ gọi là ngây thơ (trong đó có cả mình chứ đâu), cứ đừng chờ đến lượt ở trên sân nhà mình.
Đi ra đi vào chán, thấy đoàn của ông chủ tịch vẫn tụ tập ở bên đó. Dân tôi bảo không khéo họ ko sang nhà mình đâu, phải sang đó thôi, chỉ cần kêu một tiếng: ới ông chủ tịch ơi, cứu dân C1 chúng tôi với! Thế là thỏa lòng gần 4 năm nay mỏi cổ kêu không thấu.
Dân tôi già trẻ lũ lĩ kéo sang sân nhà hàng xóm, ngóng ông chủ tịch. Nhìn những bộ mặt dán nhãn an ninh lượn lờ xung quanh, tôi hỏi thẳng thì họ chỉ cười. Một cô xúc động quá bắt đầu khóc tức tưởi, bảo sung sướng quá, hạnh phúc quá khi nghe tin ông chủ tịch xa giá đến tận đây, nhất định cô ấy phải đưa được đơn đến tận tay ông chủ tịch, cần thiết thì cô ấy sẽ đội đơn quỳ xuống trước mặt ông ấy.
Thấy cô này khóc, mấy anh xăm xăm đi đến. Một anh nhìn tôi cười cười, giới thiệu là chủ tịch phường. Tôi a lên:
-     Anh là anh Hùng hả? Sao bố tôi gửi anh lá thư mà mãi chưa thấy anh trả lời thế?
Anh ta bắt tay tôi, gục gặc cái đầu bảo:
-     Tôi đọc rồi, chị viết hay lắm.
-     Ơ hay, anh nói thế coi thường bố tôi quá.
-     Để hôm nào tiếp chị một buổi nhé. Nói thật là chúng tôi luôn kính trọng các cụ nhà...để hôm nào gặp chị nói chuyện nhé.
Một anh khác to cao hơn đến bên cái cô đang khóc, trấn an nhưng lại có vẻ đe dọa, bảo làm gì cũng phải đàng hoàng, văn minh. Tôi bảo người ta khóc thì có gì là không văn minh, không đàng hoàng?
Thấy tôi nói vậy, anh này quay sang tôi, cười bảo: nhưng tôi sợ khóc lắm. Chị ấy xúc động thì để chị đây (tức là tôi đấy) hiểu chuyện trình bày!
Anh ta giới thiệu là chủ tịch quận Cầu Giấy, hỏi tên tôi. Á dà! Tôi ko giới thiệu tên mà chỉ cười nói, tôi là người biểu tình chống Trung Quốc.
Hi hi! Anh chủ tịch quận cao to đẹp giai cũng a lên, chìa tay bắt tay tôi cười rõ tươi, cũng lại bảo hôm nào nói chuyện.
Trong khi tôi đang cười, nói, bắt tay với cả hai anh chủ tịch phường và quận, thì thấy một anh đứng ngoài cứ nhìn tôi. Thấy tôi nhìn thẳng vào mặt thì anh ta cười cười. Tôi hỏi, quen hay sao mà cứ cười thế? Anh ta lại gần, đứng sau lưng anh chủ tịch phường:
-     Dạo này chị trẻ ra.
-     Ồ, hóa ra anh biết tôi à?
Anh chủ tịch phường quay ra giới thiệu, bảo đây là trưởng công an phường!
Hô hô! Hay quá ta. Sao hôm nay gặp được toàn người quan trọng thế này.
Thấy tôi định lên tiếng, mấy anh cứ cười bảo, để hôm nào nói chuyện. He he! Tôi biết thừa họ nói thế thôi, chứ họ biết nói gì với tôi về vấn đề này được. Nhưng qua thái độ của các anh từ trưởng công an phường đến chủ tịch quận là tôi hiểu họ cũng chỉ là người thừa hành, và họ cũng biết tỏng tôi là loại người như thế nào, có phải là kẻ gây rối đến mức họ phải ra quyết định giáo dục tôi hay không.
Đương nhiên việc nào ra việc ấy. Hôm nay dân tôi đứng đây là để đợi ông chủ tịch đi kiểm tra. Nếu ông ấy bận thì chúng tôi chỉ xin ông cầm cho cái lá đơn, mà suốt 4 năm qua, không hiểu có lá đơn nào đến được tay ông chủ tịch không.
Người nói chuyện cứ nói chuyện, người chờ cứ chờ. Bỗng có người nói:
-     Ông ấy đi rồi! Đi cửa sau rồi!
Dân tình nhớn nhác.
-     Thế không sang nhà mình thật à?
-     Đấy, tùy tùng của ông ấy bắt đầu đi rồi kia kìa.
-     Mẹ! Sao hèn thế nhỉ? Sao lại phải đi cửa sau thế nhỉ?
-     Cứ đi theo tùy tùng của ông ta.
Dân tôi lại lẽo đẽo đi theo đám cổ cồn. Hóa ra họ vào Công ty quản lý nhà ở cách đó chừng 200m để họp hành chi đó. Dân tôi đứng ngồi một lúc, phán đoán tình hình rồi cũng giải tán. Cái lúc tiếp nhà cô khóc lóc, anh chủ tịch phường đã nhận đơn của bà con và hứa sẽ đưa tận tay chủ tịch rồi. Biết làm thế nào được. Có chờ ở đây, các ông ấy họp xong, xe lùi vào tận bậc thềm cho các ông ấy chui vào rồi cũng dông thẳng thôi. Tôi không lạ gì mặt ông Thảo trên mạng, nhưng dân tôi nhiều người chưa từng được tỏ mặt, cứ bảo chị chỉ cho em để em đội đơn quỳ trước mặt ông ấy.
Chắc chỉ ngày mai thôi, cuộc sống ở quanh đây lại đâu vào đó. Thấy tôi chụp ảnh, mấy bà mấy cậu rửa xe, bán nước chè lại tưởng tôi là phóng viên, bảo đừng đưa hình viết bài về họ nhé, để họ còn kiếm cơm.
Thật tội nghiệp. Các quan chức giàu thế còn chưa thỏa nữa là những người dân lao động.  Họ chỉ có thể bám lấy hè phố để mưu sinh. Thực ra có cầu thì có cung. Nhu cầu rửa xe hay uống cốc trà trong khi chờ đợi là thực, không thể cấm đoán. Thay vì để họ phát triển lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị thì nên tổ chức cho họ kinh doanh đàng hoàng, nếu là những nhà quản lý có tài và tâm, họ thiếu gì cách để được cả hai bề, người dân vẫn có thể kiếm sống đàng hoàng mà nhà nước vừa thu được thuế, vừa đảm bảo trật tự đô thị?
Qua một chuyến đi kiểm tra thực tế của ông chủ tịch như thế, tôi thấy con đường hạnh phúc của dân ta vẫn còn xa lắm.
Chờ trên sân nhà mình
Thêm chú thích
Thêm chú thích
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001