Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Sông Tranh 2: Không thể đặt cược sinh mạng dân 


Lê Nhung (Vietnamnet) - Không thể lấy giá trị đồng tiền để đặt cược với sinh mạng dân. Nếu tình hình nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng dân thì phải cho dừng hoạt động thủy điện Sông Tranh 2 - Chủ tịch MTTQ Quảng Nam, ĐBQH Lê Văn Lai nói.

Dân muốn nghe lời khẳng định dứt khoát

Cử tri Quảng Nam đã gửi gắm gì với ông về thủy điện Sông Tranh 2?

- Động đất chỉ xảy ra khi có công trình thủy điện Sông Tranh nên dân hoang mang là chuyện bình thường. 

Cử tri, chính quyền Quảng Nam và những người quan tâm đều đã đưa ra những kiến nghị hết sức rõ ràng. Quan điểm là không phải vì EVN đã bỏ tiền xây công trình tốn kém nên buộc phải cho vận hành vì sợ lãng phí trong khi nó ảnh hưởng đến tính mạng của dân. 

Thứ hai, dân không đồng tình với cách nêu kết luận là “trước mắt thì không có vấn đề gì”. Dân muốn nghe câu khẳng định dứt khoát là về vĩnh viễn thì công trình được đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tính mạng của người dân trong hiện tại hay tương lai đều như nhau, do đó không thể chỉ cam kết cho sự an toàn trước mắt mà không nói gì đến lâu dài. Vì vậy, đòi hỏi của dân là muốn được nghe cơ quan chức năng khẳng định là dứt khoát an toàn và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Đây là đòi hỏi chính đáng và rõ ràng. 

Còn bây giờ nếu cơ quan chức năng chỉ khẳng định về an toàn trước mắt thì có thể thế hệ chúng tôi không sao, nhưng hậu quả lâu dài thì thế hệ mai sau lại phải gánh chịu, điều đó là không thể được. Vấn đề liên quan đến tính mạng của cả cộng đồng người thì không thể nói như thế được. 

Tôi cũng nghe có người nói đã đầu tư mất 5-6 nghìn tỉ đồng nên không thể bỏ công trình đi được. Dân nghe thế không đồng tình, vì mất tiền đi thì còn có thể bù đắp được còn mất tính mạng của con người là không thể có sự hồi sinh. 

ĐB Lê Văn Lai: Khó bù đắp được dư chấn
bất an trong lòng người dân. Ảnh: TTXVN
Không thể lấy giá trị đồng tiền để đặt cược với sinh mạng của dân. 

Tất nhiên, người dân chia sẻ với nhà quản lý. Nhưng các sự cố xảy ra ở đây lớn quá và bất thường quá nên động đất đã tạo ra dư chấn trong lòng người. Chính những dư chấn trong lòng người mới đáng quan tâm lo ngại so với động đất của tự nhiên. Động đất trong tự nhiên có thể gây thiệt hại trong chừng mực nào đó, nhưng dư chấn bất an trong lòng người gây bao thiệt hại về tinh thần suốt thời gian qua là khó bù đắp được. 

Cần cơ quan độc lập vào cuộc

Các vấn đề bất thường ở thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra đã lâu nhưng dân vẫn đang chờ kết luận cuối cùng, theo ông như vậy có phải là quá lâu? Cần làm gì tiếp theo lúc này để yên lòng dân? 

- Theo tôi phải nhanh chóng thành lập một cơ quan độc lập đánh giá tác động của động đất. Phải đánh giá đúng tình hình. Dựa trên cơ sở kết luận khách quan cuối cùng mới có thể đưa ra quyết định thực sự đúng đắn là nên tiếp tục cho phép vận hành, tiếp tục tích nước hay cho dừng công trình lại. Thậm chí nếu tình hình nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng dân thì phải tính đến tình huống là dừng lại, thôi không duy trì sự tồn tại của đập thủy điện này nữa. 

Cả nước còn nhiều công trình thủy điện khác góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng với một công trình đã nằm trên địa điểm là một vết đứt gãy, hệ số an toàn không cao thì phải rút kinh nghiệm. Không thể cố đấm ăn xôi trên tính mạng nhân dân. 

UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH vừa có phiên điều trần và sau đó gửi thông tin tới các ĐBQH kiến nghị một số giải pháp. Theo ông, QH có cần động thái mạnh mẽ hơn với cơ quan chức năng để đòi hỏi kết luận cuối cùng về vấn đề này? 

- Tại kỳ họp QH thứ ba vừa qua, đoàn ĐBQH Quảng Nam đã chất vấn cơ quan chức năng vấn đề này rồi. Bộ trưởng Công thương đã có câu trả lời là vẫn đảm bảo an toàn. Chúng tôi nhận thấy mức độ tin cậy của câu trả lời đó chưa cao và thực tiễn đã chứng minh. 

Hiện nay chính quyền và dân đều phải chờ kết luận cuối cùng của các nhà khoa học. Di dời hay không, lên phương án vỡ đập hay không phải chờ kết luận cuối cùng. Trách nhiệm với sự sống, cái chết của dân phải được xem xét cẩn trọng. 

Ông có định chất vấn tiếp hay không? 

- Chúng tôi đang chờ đợi động thái cuối cùng của cơ quan chức năng. Nếu từ nay đến lúc QH chất vấn mà vẫn không có câu trả lời cuối cùng hoặc động đất vẫn xảy ra phức tạp thì khi đó chắc chắn các đại biểu của dân Quảng Nam sẽ phải lên tiếng. 



*

Đồng Nai lo ngại về thủy điện Đồng Nai 6, 6A


UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hạ lưu, đáng chú ý là sẽ gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu tỉnh Đồng Nai.


Theo văn bản gởi Bộ Tài nguyên và Môi trường cuối tháng 10 vừa qua, ông Trần Minh Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng mặc dù hai dự án thủy điện này không nằm trên địa bàn Đồng Nai, nhưng là tỉnh ở hạ nguồn, Đồng Nai sẽ chịu một số tác động tiêu cực. 

Những tác động tiêu cực mà tỉnh Đồng Nai có thể gánh chịu khi triển khai hai dự án này gồm tác động đến hệ sinh thái thủy vực sông Đồng Nai và vườn quốc gia Cát Tiên. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hai dự án thủy điện này xâm phạm vào diện tích đất rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên, có thể gây ảnh hưởng xấu và khó khăn cho công tác bảo tồn vườn quốc gia Cát Tiên và việc UNESCO đang xem xét công nhận vườn Cát Tiên là di sản thiên nhiên của thế giới. 

Ông Phúc nhấn mạnh hiện nay vấn đề công nhận di sản thiên nhiên thế giới của vườn quốc gia Cát Tiên đang trong giai đoạn thẩm định quan trọng. 

Ngoài tác động đến chế độ thủy văn và chất lượng nước sông Đồng Nai, gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu, các dự án thủy diện này cũng sẽ tác động đến sinh kế của người dân và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu, tác động đến đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa vùng hạ lưu. 

Với những lý do trên, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan cần thực hiện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào tháng 8-2011 rằng: “Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng ảnh hưởng đến tiêu chí, mục đích và nội dung xác lập vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, thì dừng xây dựng dự án”. 

Ngày 26-9-2011, UNESCO đã công nhận “Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai” là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó vườn quốc gia Cát Tiên là vùng lõi. Do vậy, vườn quốc gia Cát Tiên phải được quản lý theo Công ước quốc tế năm 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới. 

Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A có công suất 241 MW do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đề xuất đầu tư với tổng vốn 5.700 tỉ đồng. Hiện doanh nghiệp này đang trình báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án này lên Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hai dự án này, diện tích đất rừng bị mất do xây dựng hồ tích nước khoảng 372 héc ta, trong đó có 137 héc ta thuộc vườn quốc gia Cát Tiên. 

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/song-tranh-2-khong-at-cuoc-sinh-mang-dan.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001