Hoàng Kim
Xin hãy lắng nghe những lời gan ruột từ chính những người đang ngày ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, quần quật trên mảnh đất nuôi sống cả một dân tộc từ bao nhiêu đời nay thốt ra, mong thấu đến tai những người đại diện cho quyền lực của đất nước.Bắt nông dân – là những nguời nghèo nhất nước – hy sinh quyền lợi của mình cho những mục đích dù được cho là cao đẹp, cũng tương đương với việc bần cùng hoá nông dân.
Ông Hai Kim đã nói được nhiều điều rất chí lý, nhưng có một điều hình như ông chưa kịp nghĩ: bà Thủ tướng Thái Lan đưa ra những chính sách làm cho nông dân Thái mát mặt vì về cơ bản bà ấy sống trên một đất nước có pháp luật từ lâu đời và nền pháp luật ấy bảo vệ quyền lợi cơ bản của người dân. Nhìn mặt bà Thủ tướng Thái còn thấy bà là người có học, thấm nhuần sâu sắc được tình người. Trong khi ở Việt Nam, muốn có điều đó, xin ông hãy… nhắm mắt tưởng tượng ra một giấc mơ đẹp.
Bauxite Việt Nam
Việt Nam chưa tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một thực tế mà Đảng và Nhà nước phải lấy làm căn bản trong lý luận của mọi chính sách liên quan đến nông dân.
Thời kỳ quá độ nằm ở kinh tế thị trường có định hướng không biết mất bao lâu, vậy mà, Đảng và Nhà nước đã ngộ nhận một cách tai hại, khi buộc nông dân khoác lên chiếc áo chủ nghĩa xã hội.
Điều này, dẫn đến việc nông dân đang đau khổ, lầm than vì Đảng và Chính phủ luôn nhân danh những điều tốt đẹp như: chủ nghĩa xã hội; công nghiệp hoá, thành thị hoá; chống lạm phát; an ninh lương thực; ổn định chính trị… để đưa ra những chính sách làm cho nông dân càng ngày càng bị bần cùng.
1) Đừng nhân danh chủ nghĩa xã hội để tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất của nông dân.
Vấn đề này tôi đã nói rất rõ trong bài: “ Đừng bắt nông dân gánh “chủ nghĩa xã hội treo”!”.
Chủ nghĩa xã hội chưa đến, Việt Nam vẫn còn nằm ở kinh tế thị trường có định hướng, trong nền kinh tế thị trường có định hướng này mọi giai cấp khác đều được quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, cho nên không được phép nhân danh chủ nghĩa xã hội mà tước đoạt quyền sở hữu tư liệu sản xuất của nông dân, bằng cách quốc hữu hoá ruộng đất của nông dân, làm như vậy là đối xử bất công với nông dân.
Cán bộ, đảng viên của Đảng thẳng tay “thu hồi” ruộng đất nông dân một cách bất chính là nhờ vào qui định: ““Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” mà thực chất là: “Đất đai thuộc sở hữu Nhà nước do Đảng đại diện sở hữu”, nông dân bất lực không bảo vệ được ruộng đất của mình trước cường quyền chính là do: “Đất đai thuộc sở hữu Nhà nước do Đảng đại diện sở hữu”.
Nếu dự án treo làm khổ nông dân một, thì “Chủ nghĩa xã hội treo” làm khổ nông dân gấp trăm, ngàn lần. Nếu dự án treo làm mất lòng tin của nông dân vào Đảng và Nhà nước một, thì “Chủ nghĩa xã hội treo” làm mất lòng tin của nông dân gấp trăm, ngàn lần, không những mất lòng tin mà còn đẩy nông dân vào thế đối kháng với Đảng khi trở thành dân oan khiếu kiện dài ngày.
Chỉ tính từ khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời tới nay, đã có 500.000 nông dân bị cán bộ, đảng viên của Đảng thu hồi bất chính ruộng đất của họ.
Nay, Đảng sửa chữa Luật Đất đai nhưng không sửa cái gốc là trả ruộng đất lại cho nông dân, thì Đảng có dám khẳng định Luật Đất đai sửa đổi sẽ diệt được “liên minh ma quỷ” không? Đảng có dám khẳng định không còn dân oan không?
Về việc sửa chữa cái ngọn cũng chẳng có gì khả quan: “Dự thảo Luật còn phát triển cao hơn hướng tăng cường quyền lực của Nhà nước mà chưa hướng thêm tới quyền và lợi ích của người sử dụng đất, chưa thể hiện toàn diện về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Cách tiếp cận này không những không làm giảm nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện của dân về đất đai mà còn có khả năng tăng cao hơn sau khi thực thi Luật này trên thực tế”. Giáo Sư Đặng Hùng Võ, Cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, phát biểu trên VietNamnet.
Không chấm dứt được “liên minh ma quỉ” giữa cán bộ, đảng viên ăn hối lộ và chủ dự án, không chấm dứt được bất công cho nông dân, không chấm dứt được dân oan, thì Luật Đất đai sửa để làm gì?
Để nông dân nghe bùi tai an tâm tiếp tục chịu đựng bất công chăng?
2) Đừng nhân danh công nghiệp hoá, thành thị hoá, an ninh quốc phòng để tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất của nông dân.
Sợ rằng khi có quyền sở hữu ruộng đất nông dân không chịu giao đất để công nghiệp hoá và thành thị hoá, Đảng nhân danh công nghiệp hoá và thành thị hoá để tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, đây là một việc làm sai lầm.
Quốc hữu hoá ruộng đất của nông dân, Đảng được tiện lợi trong việc lấy đất của nông dân để sử dụng, nhưng mặt trái của nó là tạo ra dân oan, tạo ra nông dân oán trách Đảng, đẩy nông dân vào thế đối kháng với Đảng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu nông dân được quyền sở hữu ruộng đất thì làm cách nào để nông dân giao đất cho công nghiệp hoá, thành thị hoá và an ninh quốc phòng?
Câu trả lời là: dù đất đai thuộc sở hữu của nông dân, việc công nghiệp hoá, thành thị hoá, và an ninh quốc phòng vẫn tiến triển thuận lợi.
Vì sao thuận lợi?
Chúng ta hãy nhìn gần ở Thái Lan và nhìn xa vào những quốc gia mà nông dân được quyền sở hữu ruộng đất ta thấy Thái Lan và những quốc gia này vẫn công nghiệp hoá và thành thị hoá dễ dàng, còn quốc phòng thì rất vững mạnh.
Điều khác nhau giữa Việt Nam và Thái Lan là: ở Thái Lan nhà đầu tư muốn có đất để công nghiệp hóa hoặc thành thị hoá thì phải thương lượng mua đất của nông dân, còn ở Việt Nam nhà đầu tư muốn có đất thì “liên minh ma quỉ” với những đảng viên ăn hối lộ, những đảng viên sau khi ăn hối lộ thì thu hồi, cưỡng chế đất của nông dân đền bù với giá rẻ mạt để dâng cho nhà đầu tư.
Điều khác biệt giữa Việt Nam và Thái Lan khi công nghiệp hoá và thành thị hoá là: Việt Nam chỉ trong 10 năm có 500.000 nông dân bị lấy đất một cách bất chính, biến thành dân oan đi khiếu kiện khắp nơi, còn ở Thái Lan không hề có dân oan.
Khi đất đai thuộc sở hữu của nông dân, nhà đầu tư muốn có đất phải thương lượng để mua lại của nông dân. Để mua đủ số lượng đất mình muốn nằm liền kề với nhau, nhà đầu tư phải đưa ra mức giá đủ cao, mức giá mà nông dân không thể từ chối (chứ nhà đầu tư không thể thành lập “liên minh ma quỉ” với đảng viên ăn hối lộ để thu hồi đất của nông dân, rồi đền bù giá rẻ mạt như đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước hiện nay), khi nông dân đồng ý bán đất thì nông dân sẽ không bao giờ đi khiếu kiện để trở thành dân oan.
Trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho nông dân, để cho các nhà đầu tư phải tự thoả thuận giá mua bán đất với nông dân, một việc làm hết sức công bằng với nông dân tại sao Đảng và Nhà nước không làm? Tại sao Đảng và Nhà nước lại thu hồi, cưỡng chế đất của nông dân đền bù giá rẻ để dâng cho nhà đầu tư, khiến cho nông dân biến thành dân oan, khiến cho cán bộ, đảng viên trở thành kẻ ăn hối lộ?
Trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho nông dân, thì các công trình phúc lợi xã hội, an ninh quốc phòng đền bù giá nào? Thì vẫn phải đền bù theo giá thương lượng, cả xã hội thụ hưởng thì cã xã hội trả tiền mua đất, dù mua giá cao nhưng mỗi người mỗi ít, chứ sao lại bắt từng nông dân cụ thể phải hy sinh giao đất giá rẻ cho xã hội, khiến cho những gia đình nông dân cụ thể này phải bị bần cùng.
3) Đừng nhân danh chống lạm phát và an ninh lương thực để khống chế giá lúa gạo của nông dân.
Năm 2008 khi giá gạo thế giới tăng cao, giá bán gạo của Việt Nam lên đến 935 đô la Mỹ / tấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vội vã ký lệnh ngừng bán gạo để chống lạm phát, để đảm bảo an ninh lương thực. Để rồi… Sau đó… gạo không bán giá 935 đô la Mỹ / tấn mà được bán với giá dưới 400 đô la Mỹ / tấn mà không có người mua, nông dân mất trên 535 đô la Mỹ / tấn gạo.
“Việc tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo hồi tháng 3 vừa qua nhằm đảm bảo an ninh lương thực, kiềm chế lạm phát cũng như tính toán sản xuất giao hàng đủ theo hợp đồng đã ký trước”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trên VietNamNet ngày 7/11/2008.
“Chủ trương này đã được tính toán, cân đối lợi ích chung của quốc gia, của nông dân, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao”. Ông Thủ Tướng cho biết tiếp:
Gạo giá 935 đô la Mỹ / tấn ông Thủ tướng không cho bán, mặc dù ông Thủ Tướng biết sắp có mấy triệu tấn lúa vụ hè thu, để rồi, khi nông dân thu hoạch lúa hè thu, Chính phủ của Thủ Tướng tuyên bố không có khách hàng nên gạo từ lúa hè thu của nông dân chỉ bán được với giá dưới 400 đô la Mỹ / tấn, vậy mà ông Thủ tướng nói cân đối lợi ích của nông dân không biết là lợi ích gì?!
Nông dân è lưng gánh chống lạm phát, đảm bảo an ninh lương thực cho ông Thủ tướng thì có!!!
Năm 2008, nếu nông dân chúng tôi có chân trong Quốc hội, chúng tôi sẽ hỏi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng các câu hỏi:
- Nông dân chúng tôi là những người nghèo nhất nước mà Ông Thủ tướng lấy 535 đô la Mỹ mỗi tấn gạo của chúng tôi, đảm bảo lợi ích quốc gia, để chống lạm phát, để đảm bảo an ninh lương thực, thì lương tâm ở đâu? Công bằng ở đâu? Đạo lý ở chỗ nào?
- Sao ông Thủ tướng không qua Thái Lan mà học tập Thủ tướng Thái Lan, xem làm cách nào mà Chính phủ Thái Lan vừa nâng cao giá mua lúa cho nông dân Thái Lan vừa chống lạm phát vừa bảo đảm an ninh lương thực?
4) Đừng nhân danh quyền lợi của nông dân mà mua lúa tạm trữ, để ăn cướp lợi nhuận của nông dân.
Mua lúa tạm trữ là công việc của Chính phủ, để cho VFA mua lúa tạm trữ thay Chính phủ là một hành động vô trách nhiệm của Chính phủ đối với nông dân.
Về vấn đề cơ chế mua lúa tạm trữ, tôi đã khẳng định đó là một cơ chế bất nhân, bất trí và bất lương. Bất nhân vì làm cho nông dân càng ngày càng nghèo, bất trí vì bán gạo với giá rẻ nhất thế giới, bất lương vì ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân.
Tôi đã phân tích về mua lúa tạm trữ ở các bài viết:
- “Mua lúa, gạo tạm trữ để giữ giá cái con… khỉ khô, ăn cướp thì có”. Đăng trên Bauxite Việt Nam: http://www.boxitvn.net/bai/28472
- “Hãy thay đổi cơ chế mua lúa tạm trữ bất lương”. Đăng trên bauxite Việt Nam: http://www.boxitvn.net/bai/33960
Và đã đề nghị cơ chế xuất khẩu gạo cho nông dân Việt Namtrong bài viết: “Cơ chế xuất khẩu gạo nào cho nông dân Việt Nam?”. Đăng trên Bauxite Việt Nam: http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/30/c%C6%A1-ch%E1%BA%BF-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-g%E1%BA%A1o-no-cho-nng-dn-vi%E1%BB%87t-nam/
Năm 2012 này, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện cơ chế tạm trữ lúa gạo vì quyền lợi của nông dân, khi nâng giá mua lúa của nông dân tăng đến 50%.
Năm 2012 này, Chính phủ ViệtNamđã thực hiện cơ chế tạm trữ lúa gạo gây hại cho quyền lợi của nông dân, khi giảm giá mua lúa của nông dân đến 28,5% ( từ 7.000 đồng / kg xuống còn 5.000 đồng / kg).
Trước đây, chưa có chính sách mua lúa tạm trữ của Chính phủ Thái Lan cho nông dân Thái Lan, Chính phủ Việt Nam mặc sức nói hươu, nói vượn về mua lúa tạm trữ vì không có tiền lệ để so sánh.
Nay, nếu Chính phủ ViệtNamkhông thấy xấu hổ vì cách mua lúa tạm trữ vô trách nhiệm của mình, nông dân chúng tôi không còn gì để nói.
5) Đừng nhân danh an ninh lương thực để khống chế giá đền bù rẻ mạt cho nông dân.
Điều 106 Luật Đất đai cho phép nông dân có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hiện nay, đất nông nghiệp để trồng lúa có giá từ 50.000 đến 100.000 / m2. Thế nhưng, đất ở các huyện ngoại thành của các thành phố lớn nằm cạnh quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ dù đang làm lúa nhưng giá được tính bằng triệu đồng một mét vuông, người ta mua đất nằm cạnh quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ này là để làm nhà máy, làm kho bãi… tức là phải chuyển sang mục đích phi nông nghịêp.
Đất nằm cạnh quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ tự nó giá đã cao mà không cần nhờ gì đến quy hoạch của Nhà nước, nếu để mua bán tự do giữa nông dân và nhà đầu từ thì sẽ hình thành giá thị trường loại đất này lên đến tiền triệu một mét vuông.
Vì thế, Chính phủ vội ban hành “Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý, sử dụng đất trồng lúa”. Trong đó quy định nông dân chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa cho người tiếp tục làm lúa, còn chuyển sang mục đích phi nông nghiệp phải trình lên đến Thủ tướng.
Như vậy,thực chất Nghị định số 42/2012/NĐ-CP được ban hành là để gây khó khăn cho những người muốn mua đất của nông dân với giá cao, nấp dưới chiêu bài an ninh lương thực, nhằm xoá bỏ thị trường đất giá cao.
Chúng ta hãy nhìn Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ở góc độ gây khó khăn cho nông dân bán đất giá cao, cộng với phát biểu của ông Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trên báo Tuổi trẻ rằng:
“nhiều ý kiến tán thành việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất, nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước vì phần này không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra. Ngoài giá đất bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi”.
Chúng ta sẽ thấy rằng: Đảng và Nhà nước đang quyết tâm đền bù rẻ mạt với giá đất nông nghiệp từ 50.000 – 100.000 đồng / m2 cho nông dân, bất chấp giá trị thật của đất vì nằm gần thành phố và quốc lộ.
Đền bù cho nông dân 50.000-100.000 đồng / m2, trong khi giá trị thực tính bằng triệu đồng một mét vuông, thì làm sao nông dân không biến thành dân oan? Làm sao đảng viên không tham nhũng?
Khi đất bị sạt lở, bị hư hỏng vì bất cứ lý do gì nông dân phải chịu, vậy khi đất tăng giá thì giá trị gia tăng của đất phải thuộc quyền sử dụng đất của nông dân, nông dân phải được hưởng, đó mới là đạo lý.
6) Đừng nhân danh ổn định chính trị để chiếm Hội Nông dân của nông dân.
Về mặt lý thuyết, trong Chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp nông dân, đại diện cho nông dân, lo hết mọi quyền lợi của nông dân, nhưng trong nền kinh tế thị trường có định hướng, tức là chưa có Chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản phải lo cho mọi thành phần kinh tế khác, nên không phải lúc nào cũng bảo về đuợc quyền lợi cho nông dân.
Vì thế, trong nền kinh tế thị trường nông dân cần có Hội Nông dân của mình để bảo vệ quyền lợi. Vậy mà, hiện nay, nhân danh Chủ nghĩa xã hội, nhân danh ổn định chính trị Đảng chiếm mất Hội Nông dân của nông dân.
Hội Nông dân của nông dân thì bảo vệ quyền lợi của nông dân, Hội Nông dân của Đảng thì bảo vệ quyền lợi cho Đảng mà chẳng cần quan tâm gì đến quyền lợi của nông dân.
Bằng chứng là hiện nay có 500.000 nông dân bị tước đoạt đất một cách bất công mà Hội Nông dân chưa bao giờ lên tiếng! Bằng chứng là hiện nay nông dân đang lầm than, rên xiết dưới sự mua bán độc quyền của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mà Hội Nông dân vẫn làm thinh như chẳng biết chẳng hay!
Chưa tiến lên Chủ nghĩa xã hội Đảng phải trả Hội Nông dân lại cho nông dân, để nông dân tự bảo vệ mình trước các nhóm lợi ích khác trong kinh tế thị trường.
7) Đừng dùng thuyết vị lợi mà gây hại cho nông dân.
Chúng ta hãy nghe câu: “Thiểu số phải phục tùng đa số”. Đây có thể được xem là câu nói đại diện tiêu biểu cho Thuyết Vị Lợi của Jeremy Bentham.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân danh lợi ích quốc gia, nhân danh chống lạm phát cho xã hội, nhân danh an ninh lương thực cho xã hội, đã đưa ra chính sách cấm xuất khẩu gạo khi giá gạo cao gây hại cho nông dân, tức là Ông Thủ tướng áp dụng thuyết vị lợi khi hy sinh quyền lợi của nông dân vì lợi ích chung.
Đảng và Nhà nước nhân danh Chủ nghĩa xã hội, nhân danh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành thị hoá cho cả nước, để chiếm quyền tư hữu ruộng đất của nông dân, chiếm Hội Nông dân của nông dân, tức là Đảng và Nhà nước áp dụng thuyết vị lợi khi hy sinh quyền lợi của nông dân vì lợi ích chung.
Có điều, Đảng, Nhà nước và ông Thủ tướng quên rằng: Nông dân mới là số đông, cho nên, lợi ích lớn nhất cho số đông, là lợi ích của nông dân chứ không phải là lợi ích của xã hội – một xã hội không có nông dân – vì thế muốn áp dụng Thuyết Vị Lợi phải căn cứ vào quyền lợi của nông dân, chứ không phải là của thiểu số các thành phần khác đuợc gọi là xã hội.
Tóm lại: Bắt nông dân – là những người nghèo nhất nước – hy sinh quyền lợi của mình cho những mục đích dù được cho là cao đẹp, cũng tương đương với việc thực hiện bần cùng hoá nông dân.
H.K.
(Đồng Tháp)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/42438
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001