Phùng Liên Đoàn*
Ngày 4 tháng 9 nàm 2012, Lưu Lệ Hằng lãnh giải Kavli 1 triệu USD từ vua Na Uy Harald chia với giáo sư Jewitt và giáo sư Brown.
Giải Kavli được mệnh danh là Nobel về thiên văn tại chính quê hương của Nobel là vùng Thụy Điển – Na Uy – Đan Mạch.
Ngày 17 tháng 9, 2012, Lưu Lệ Hằng lãnh giải Shaw tại Hong Kong được mệnh danh là Nobel Phương Đông, chia 1 triệu USD cùng giáo sư Jewitt về thiên văn. Ba người kia lãnh giải về sinh học (Ulrich Hartl và Horwich) và toán (Kontsevich)
Giải Kavli và Shaw là Nobel về Thiên Văn
Lưu Lệ Hằng, tên Mỹ là Jane Luu, được nhận giải thưởng Kavli cùng Jewitt và Brown, và giải thưởng Shaw cùng Jewitt, do khảo cứu thiên thạch, sao chổi và sự hiện hữu của vành thiên thạch quanh mặt trời mà Kuiper đề án năm 1951.
Giải thưởng Kavli, 1 triệu USD, phát 2 năm một lần cho ba ngành là thiên văn, khoa học nano và khoa học neuro, do chính vua Na Uy chủ tọa, được mệnh danh là Nobel về các ngành khoa học này vì Nobel không nghĩ tới khi thiết lập giải Nobel. Do Kavli Foundation tại Na Uy tài trợ bắt đầu từ năm 2008, giải Kavli được sự hỗ trợ lựa chọn bởi 5 viện hàn lâm quốc tế: Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ, và Na Uy (xem Wikipedia về Kavli).
Giải thưởng Shaw, đáng giá 1 triệu USD, do Shaw Foundation thành lập năm 2002 tại Hong Kong, phát mỗi năm một lần, được mệnh danh là Nobel Phương Đông, vinh danh những nhà khoa học còn sống đã có đóng góp đáng kể vào các ngành thiên văn, sinh học và toán học. Như vậy là về toán học, nó to hơn giải Fields là giải 15 ngàn USD phát bốn năm một lần cho các thiên tài toán học dưới 40 tuổi. Sự lựa chọn người trúng giải là do một hội đồng thay đổi hằng năm và gồm các khoa học gia chuyên môn nổi tiếng. Thống đốc Hong Kong (tự trị) là người chủ tọa lễ phát giải ngày 17 tháng 9 năm 2012 (Xem Wikipedia về Shaw và Fields).
Lưu Lệ Hằng là người Việt gốc Bắc, sinh năm 1963 tại Saigon, tị nạn qua Mỹ năm 1975 khi mới 11-12 tuổi. Theo tiểu sử do mình tự viết, Hằng có một đời sống khá bình thường ngay trong thời buổi chiến tranh, cha làm thông dịch viên tiếng Anh và tiếng Pháp, mẹ ở nhà, sống tại Saigon có nhiều bà con họ hàng, học trường Pháp, không có khái niệm gì về chiến tranh ngay cho tới khi phải di tản với một xách tay nhỏ vào tháng 4 năm 1975. Tới Mỹ, Hằng được người bảo trợ đặt tên cho dễ nhớ là Jane Luu, sống 1 năm tại tiểu bang Kentucky với mẹ, chị và hai em nhờ người dì đã có cơ ngơi sẵn tại Mỹ che chở, trong khi cha ở lại California đi học và tìm việc. Khi cha của Hằng có việc, cả nhà tới ở Ventura ngoại ô Los Angeles, cha làm kế toán, mẹ làm việc lắp ráp điện tử.
Hằng học tiếng Anh trôi chảy từ năm đầu, theo học các lớp trung học một cách thoải mái và cho là quá dễ, được hiệu trưởng “mời” nhảy lớp 8 lên lớp 9, và khi đậu ra trường lớp 12 thì đứng thủ khoa. Với thành tích xuất sắc, Hằng được nhiều trường giỏi nhất ở Mỹ nhận học, như Princeton, Massachussetts Institute of Technology (MIT), Stanford, và cô đã chọn Stanford (gần San Francisco) vì trường đó cho học bổng nhiều nhất. Ban đầu học ngành kỹ sư cơ khí do cha đề nghị, nhưng sau đổi sang vật lý vì thấy nó căn bản hơn. Sau khi đậu cử nhân, Hằng làm việc hè tại Jet Propulsion Laboratory của NASA (National Aeronautics and Space Administration – Cơ quan không gian và vũ trụ Mỹ) và rất ấn tượng với các hình ảnh chi tiết của các hành tinh treo trên tường hành lang. Cô đã quyết định học cao học về thiên văn và nộp đơn xin học tại MIT. Tại đó, Hằng có cơ may gặp giáo sư trẻ tuổi (sinh năm 1958) gốc Anh là David Jewitt, người đang khảo cứu nguồn gốc các thiên thể có chu kỳ ngắn như sao chổi trong thái dương hệ. Với căn bản vững chãi và một ý chí kiên trì, Lưu (nay gọi tên gia đình họ của Hằng cho tương đương với các đồng sự) và Jewitt đã làm việc đêm ngày theo đuổi đề án của nhà thiên văn Hà Lan Kuiper đưa ra từ năm 1951 là mặt trời phải có một vành thiên thạch. Họ có niềm tin là ngoài Pluto không thể chỉ có khoảng không, vì NASA đã dùng vệ tinh IRAS chụp được một vành thiên thạch quanh sao Vega.
Lưu lấy bằng tiến sĩ năm 1990 và đã nổi tiếng về các khảo cứu sao chổi. Năm 1991 hội Thiên Văn Mỹ trao giải thưởng Cannon cho Lưu và đặt tên một thiên thạch do Lưu khảo cứu là Asteroid 5430 Luu. Lưu được nhận làm khảo cứu thiên văn tại Harvard và vẫn tiếp tục công việc khảo cứu vành Kuiper với Jewitt lúc đó đã làm giáo sư tại Hawaii.
Sau 5 năm ròng rã, dùng các phương tiện tại MIT, Harvard, Kitt Peak (Arizona) và Mauna Kea (Hawaii), cùng là nhờ các dụng cụ quan sát nhạy bén mới gọi là CCD (charge-coupled devices), năm 1992 Jewitt và Luu tìm ra được thiên thạch 1992 QB1 đường kính 280 km (bằng 1/8 Pluto) mà họ gọi là Smiley theo tiểu thuyết trinh thám của John LeCarre’. Khám phá này, rồi 20 khám phá thêm sau đó, và cả trăm khám phá khác do cộng đồng thiên văn cộng hưởng, đã chứng minh sự hiện hữu của vành Kuiper, và mở đầu cho một kỷ nguyên mới về khoa học Thái Dương Hệ cùng là thuyết khai thiên lập địa.
Sau khám phá của Jewitt và Luu, Michael Brown (sinh năm 1965) được NASA bảo trợ một chương trình lớn tại Jet Propulsion Laboratory tìm các thiên thạch và hình dung vành Kuiper bằng cách chia không gian làm 10 ngàn ô quan sát. Năm 2005 Brown tìm ra thiên thạch Eris to bằng Pluto (2300 km), khiến Hội Thiên Văn Quốc Tế phải lập lại bảng các hành tinh, chỉ coi Pluto là một Hành Tinh Lùn (Dwarf Planet) như Eris, mà không phải là hành tinh giống Neptune hoặc trái đất. Và người ta biết rằng vành Kuiper có tới cả tỉ thiên thạch mà tổng cộng không nặng quá 6 lần trái đất, trong đó có cả chục ngàn thiên thạch to hơn 100 km. Các thiên thạch (hay thiên sơn) này luân lưu do Neptune (Hải Vương Tinh) điều hành. Vị nào chuyển động bất thường thì bị hút vào không phận của các hành tinh và trở thành sao chổi tiến sát mặt trời và đôi khi đụng các hành tinh như Jupiter (Thiên Vương Tinh) hoặc sao Hỏa hoặc trái đất. Mới đây vài năm, 5 sao chổi đã đâm vào Jupiter với sức nổ gấp cả triệu lần bom nguyên tử 20 kiloton nổ năm 1945 tại Hiroshima. Lịch sử trái đất đã có nhiều thiên sơn đụng phải, có lần làm mọi sinh vật chết hết vì tro bụi bao trùm khí quyển nhiều năm che lấp ánh sáng mặt trời. Tương lai một cuộc tận thế của loài người như vậy là có xác suất, và người ta đang nghĩ cách đo lường trước và ngăn ngừa bằng cách dùng bom nguyên tử hoặc phương pháp khác để đánh lạc sao chổi đó khi nó trên đường có thể đụng vào trái đất.
Từ năm 1992 tới 2001, Lưu đã khảo cứu và giảng dạy tại Berkeley, Stanford, Harvard, và Leiden (Hà Lan). Từ 2001 tới nay Lưu làm kỹ sư thiết bị tại Lincoln Laboratory của MIT vì không thích không khí ganh đua “ghế” tại các đại học, trong khi đó Lincoln Laboratory có ngân sách của chính phủ khảo cứu các thiết bị phòng ngừa khủng bố.
Lưu chia tiền thưởng Kavli 1 triệu USD với Jewitt và Brown, và chia tiền thưởng Shaw 1 triệu USD với Jewitt. Lưu có chồng tên là Hoogerwerf, một nhà thiên văn người Hà Lan, và một con trai 6 tuổi. Hiện gia đình Lưu sống tại Lexington, Massachusetts, gần đại học Harvard và MIT.
Với hai giải thưởng tầm cỡ Nobel về thiên văn, Lưu có thể sẽ không phải lo về các “tranh giành các ghế” trong đại học nữa (khi bỏ đi làm kỹ sư thiết bị), mà có thể sẽ là một giáo sư thực thụ tại một đại học có chương trình thiên văn nổi tiếng như Harvard, MIT, Hawaii, Arizona hoặc California Institute of Technology (Caltech).
Vài cảm nghĩ về sự kiện
Lưu Lệ Hằng trở thành một trong số người Việt đóng góp sáng chói cho khoa học như Ngô Bảo Châu, Võ Đình Tuấn, Nguyễn Hữu Xương, Nguyễn Xuân Vinh, Dương Nguyệt Ánh. Và họ cũng làm người Việt vẻ vang trên trường quốc tế như nhiều thiên tài khác trong các ngành nghệ thuật, chính trị, kinh tế, ví dụ Đặng Thái Sơn, Đinh Đồng Việt, Philip Roesler, Carol Huynh, Thanh Truong (xem Wikipedia về Famous Vietnamese Names). Tôi cảm thấy rất tự hào về người Việt.
Tuy nhiên, lòng tự hào của tôi bị hãm lại bởi một thực tế rất phũ phàng. Ta có thực sự nổi trội trên thế giới không? Các nước khác cùng một quá khứ giống ta như Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore… có được những thành tích đáng phục đó không? Tại sao với mỗi tin thành công của một người Việt lai có cả trăm tin thất bại – đau khổ của người Việt khác? Tại sao phần lớn các người thành công đột trội trên lại là nhờ học và làm việc tại ngoại quốc và sẽ không bao giờ trở lại làm việc toàn thời gian tại Việt Nam?
Nhìn vào các thống kê của các ngành nghề, tôi thấy người Việt cũng chẳng hơn ai, còn thua nhiều dân tộc khác là đằng khác, nhưng cái thua này – ít giải thưởng, ít sáng chế, ít giàu có – là vì một lý do rất dễ hiểu: Cơ chế và lãnh đạo đất nước Việt Nam tồi quá, không những ngày nay mà trong cả chiều dài của lịch sử. Lịch sử của Việt Nam là cả ngàn năm chiến tranh chống ngoại xâm và huynh đệ tương tàn, chứ không phải là một lịch sử hòa bình gây hạnh phúc cho người dân. Lãnh đạo ta làm những việc mà họ chưa hề được học đến nơi đến chốn theo chiều hướng văn minh, và họ không có đủ trí huệ để không ham quyền cố vị và chiêu tụ người tài làm tốt cho xã hội. Cơ chế của ta cóp nhặt mỗi nơi một chút nhưng bắt chước hoài cũng không thông rồi còn nói làm “theo cách Việt Nam”. Hèn chi hỏi 1000 người trong nước có hạnh phúc sung sướng không thì phải có đến trên 900 người có phàn nàn này nọ. Hèn chi học sinh ra trường ít có việc làm để thực thi những điều đã học. Và hèn chi muốn học và thành nghề tới nơi tới chốn thì phải ra nước ngoài. Cũng hèn chi những người đã thành đạt tại nước ngoài thì ít muốn về Việt Nam làm việc vì không những lương ít, phương tiện ít, mà còn gặp phải những cản trở vô lý về cơ chế.
Tôi thấy có tâm trạng giống như Phan Chu Trinh 100 năm về trước:
Người mình đã vụng về trăm thức,
Lại khoe rằng “sĩ nhất tứ dân”;
Người khanh tướng, kẻ tấn thân,
Trăm nghề hỏi có trong thân nghề nào?
Chẳng qua là quơ quào ba chữ,
May ra rồi ăn xớ của dân…
…
Ngồi nghĩ lại càng đau tấc dạ,
Hỡi những người chí cả thương quê,
Mau mau đi học lấy nghề,
Học rồi ta sẽ đem về dạy nhau.
(Tỉnh Quốc Hồn Ca, circa 1910)
“Nghề” mà cụ Phan Chu Trinh nói vào thế kỷ trước trong xã hội nghèo nàn, nô lệ của ta, là các nghề khiến cho ta tự lập, có thể kiếm sống cho bản thân, gia đình và sau đó là người đồng loại. Vì các cụ đã được đọc và đi vài nước trên thế giới, thấy người ta không tụng kinh sử như ta như Tàu, mà người ta làm thợ nề, thợ mộc; làm ruộng đào kinh; xây trường xây nhà thương; làm đường xá cầu cống; buôn bán vật dụng làm đời sống của người dân dễ dàng văn minh hơn. Những nghề đó và phương pháp đó ta có rất ít, vì lãnh đạo ta trọng kinh sử và “nề nếp của tiền nhân” hơn kết quả làm ra được bằng trí óc sáng tạo, bằng tinh thần học cái mới, và việc đem thủ công vào sản xuất thật nhiều cho tốt, cho rẻ.
Ngày nay, 100 năm sau Phan Chu Trinh, qua bao nhiêu chinh chiến vật đổi sao dời, người Việt đã chứng tỏ nghề nào ta cũng có người học được, và còn học giỏi là đằng khác. Nhưng quan sát kỹ thì có một nghề ta vẫn chưa học được, đó là nghề ”khiêm nhường, hòa giải, hòa hợp”, để ta có thể chung vai sát cánh xây dựng xã hội cho được an bình, thịnh vượng; lấy hạnh phúc của người dân làm mục đích chính của mọi hoạt động cá nhân cũng như tập thể. Người thức thời nhìn rõ là xã hội Việt Nam hiện nay thua xa các nước khác không những về văn minh vật chất, mà còn cả về văn minh tinh thần. Cơ chế chồng chéo và áp đặt, tham nhũng và vô đạo tràn lan không những tại những nơi cửa quyền mà còn tại học đường, nhà thương, nhà chùa, nhà thờ, và ngay trong gia đình. Nạn vô cảm khiến người ta coi nhau như thú hoang trong rừng, mạnh ai nấy sống. Trong một trạng thái như vậy, làm sao ta có thể giúp người tài phát triển những cái hay cái lạ, làm sao ta có thể khuyến khích xây dựng tương lai tốt đẹp qua giáo dục và pháp luật? Hèn chi các người Việt có tài phần lớn đều được giáo dục và phát triển tại nước ngoài. Họ coi họ là người nước ngoài, quen với tiện nghi và tự do, do đó sẽ ít người muốn về nước lập nghiệp để giúp đỡ cho xã hội và quốc dân Việt Nam.
Cũng năm 2012, Viện Trần Nhân Tông được thành lập bởi một nhóm người Việt và thân hữu tại đại học Harvard, với chủ trương nghiên cứu và khuyến khích hòa giải hòa hợp. Không như ý kiến của một số người nhanh chóng chống đối theo kháng tố Quốc – Cộng, chủ trương này có tầm nhìn xa toàn thế giới và nhân loại, chứ không phải chỉ có ý đem Trần Nhân Tông của Việt Nam “đi đánh xứ người” cho oai hoặc làm công cụ tuyên truyền. Mặc dầu triết lý của Trần Nhân Tông cũng chẳng hơn gì triết lý của nhiều vĩ nhân khác, ngay cả những người còn đang sống như Thích Nhất Hạnh, Dalai Latma, Desmond Tutu, Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi, Gorbachev, Lý Quang Diệu…, cái mục đích của Viện Trần Nhân Tông là rất cao quý, và thành lập được một điểm tựa để ta và nhiều người trên thế giới có thể khảo cứu và truyền dạy thiện ý và nghề hòa giài, hòa hợp là một việc làm rất nên trân trọng.
Trong tương lai, nếu may mắn có cơ chế tốt, lãnh đạo tốt, Việt Nam có thể đào tạo nhiều người tài như Lưu Lệ Hằng, Ngô bảo Châu, Đặng Thái Sơn… không? Tôi nghĩ là không. Ta chỉ có thể khuyến khích học sinh, sinh viên học tốt, phát triển tốt, nhưng để đạt được trình độ như quí vị trên thì ta phải gửi họ đi nước ngoài vì môi trường và phương tiện của ta cả trăm năm nữa cũng chưa chín mùi đạt được trình độ có giải Nobel về khoa học. Và sự ưu ái khuyến khích họ đi nước ngoài không có nghĩa là chính phủ phải bỏ nhiều tiền, vì các nhân tài như họ thì tự nó sẽ có nguồn bảo trợ. Chính phủ cần dùng ngân sách eo hẹp để đào tạo cán bộ chuyên môn và có lương tâm vào các ngành nghề quan trọng cho đời sống hạnh phúc của số đông, tức là các nghề rất bình thường nhưng phải đều phải chuyên, như các ngành kinh tế, y tế, phát triển cộng đồng, gìn giữ môi trường. Một chính phủ tốt phải nghĩ tới nhu cầu và kết quả của đa số quần chúng và tương đối cho tất cả mọi người, chứ không nên đi lệch chăm chú vào một khía cạnh nào đó để thỏa mãn tầm nhìn của một vài cá nhân lãnh đạo, như khi độc tài Bắc Triều Tiên làm bom nguyên tử và hỏa tiễn, Đông Đức trước kia và Trung Quốc ngày nay cố chiếm nhiều giải thể thao Olympic. Và chính phủ nên có chương trình mời các người thành đạt như Lưu Lệ Hằng về thăm đất nước, giúp đỡ đồng nghiệp, và khuyến khích giới trẻ.
P.L.Đ.
*Ông Phùng Liên Đoàn tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại đại học Massachusetts Institute of Technology, đã từng làm cố vấn cho Bộ Năng Lượng Mỹ và Cơ Quan Định Chế Điện Hạt Nhân Mỹ . Ông hành nghề tư vấn về nguyên tử và môi trường tại Mỹ 45 năm, nay về hưu, và nguyện cống hiến hết tài sản của mình làm việc thiện, qua ba tổ chức do gia đình ông lập nên là Vietnamese American Scholarship Fund (VASF), Center for the Encouragement of Self-Reliance (CESR), và Institute for Vietnam Future (IVNF).P.L.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/42329
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001