Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

VỀ CÂU CA DAO: CHÀNG VỀ HỒ HÁN, THIẾP VỀ HỒ TÂY 

Hai câu thơ dưới đây có nói đến Hồ Hán và Hồ Tây. Vậy Hồ Hán là gì? Hồ Tây ở đâu ?

Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ.
Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.

Câu ca dao trên đây liên quan đến một giai đoạn lịch sử Đại Việt thời nhà Hồ.

Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần (năm 1400), đổi tên nước là Đại Ngu (*). Ông làm vua được một năm, rồi truyền ngôi cho con trai thứ là Hồ Hán Thương năm 1401. Hồ Quý Ly trở thành Thái Thượng Hoàng nhưng vẫn nắm mọi quyền hành trong tay; Hồ Hán Thương chỉ là bù nhìn mà thôi.

Hai chữ “Hồ Hán” trong câu ca dao có ý nói là Hồ Hán Thương. Nghĩa bóng của “Hồ Hán” là kinh đô mới (Tây Đô) của Đại Ngu; vì vua ở đâu thì kinh đô ở đó.

Cửa Nam của Tây Đô, nhìn từ phía trong.


Tây Đô, từ cửa Bắc nhìn về phía cửa Nam ;
Các kiến trúc xưa không còn nữa ; giờ đây chỉ là ruộng lúa.


Hai chữ “Hồ Tây” là tên một cái hồ đẹp nổi tiếng ở Thăng Long (Hà Nội).


Hồ Tây ở Hà Nội

Sau khi cướp ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly quyết định dời kinh đô từ Thăng Long (Hà Nội) vào Thanh Hóa. Theo vị trí địa lý thì Thăng Long ở phía đông, còn Thanh Hóa ở phía tây; vì thế Thăng Long được đổi tên là Đông Đô và Thanh Hóa được đổi tên thành Tây Đô mà dân chúng thường gọi là “Thành nhà Hồ”.

Câu ca dao trên xuất hiện trong thời gian nhà Hồ đang dời đô vào Thanh Hóa, mô tả một chuyện tình bi đát của một căp vợ chồng trẻ.

Người chồng là một vị tướng của nhà Hồ, dĩ nhiên là phải theo vua (Hồ Hán Thương) vào Tây Đô. Người vợ thuộc dòng quí tộc, còn quyến luyến với Thăng Long, không muốn rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình cho nên không muốn cùng đi với chồng; hẹn với chồng là mình sẽ vào Tây Đô sau. Khi gần tới Tây Đô, người chồng linh cảm có chuyện không lành ở nhà, chàng bèn quay đầu ngựa, phóng về nhà. Khi vào trong nhà thì chàng thấy mọi người đều tỏ vẻ hoảng hốt. Cô em họ của vợ vội chạy ra bảo chàng cùng đi với mình để tìm chị mình (người vợ của vị tướng). Khi ra tới bờ Hồ Tây, chàng trai chỉ thấy một đôi hài và một tờ giấy đặt trên cái lá sen. Tờ giấy ghi vỏn vẹn có hai câu thơ:


Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ.
Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.

Đọc xong, chàng biết rằng vợ mình đã nhảy xuống hồ tự tử.

Vậy thì, “Chàng về Hồ Hán” có ý nói rằng chàng đi theo triều đình của Hồ Hán Thương vào Thanh Hóa; và “Thiếp về Hồ Tây” ý nói rằng người vợ nhảy xuống Hồ Tây (Thăng Long) tự tử; thà chết tại Thăng Long chứ không chịu đi theo chồng vào Thanh Hóa.

Đây là câu chuyện ngoại sử cho nên sự chính xác chưa thể quyết đoán được. Dù sao thì hai câu thơ trên đã đi vào lòng quần chúng; và trở thành ca dao để diễn tả lòng dân không đồng ý với việc dời đô vào Thanh Hóa của Hồ Quý Ly.

Rất có thể đây chỉ là hai câu thơ do ai đó đặt ra để tỏ sự bất mãn với việc dời đô vào Thanh Hóa của Hồ Quý Ly mà thôi. Sau này người ta đặt ra câu chuyện tình của hai vợ chồng trẻ cho phù hợp với hai câu thơ nói trên. Ở đây, chữ “CHÀNG” tiêu biểu cho những người theo vua vào Tây Đô; chữ “NÀNG” tiêu biểu cho những người muốn ở lại, sống chết với Thăng Long.


Ghi chú:

(*) Đại Ngu; “ngu” không có nghĩa là ngu dốt, mà có nghĩa là an vui, hòa bình. Ý của Hồ Quý Ly là ông muốn có một đất nước nhiều an vui và hòa bình.

Có tài liệu nói Hồ Quý Ly là dòng dõi họ Ngu bên Tàu (tỉnh Chiết Giang) cho nên ông muốn lấy chữ “NGU” để nhớ lại dòng dõi của mình. Thực hư ra sao cũng chưa ai dám chắc.

(Trích trong cuốn "Những điều nên biết" của Nguyễn Văn Thái)

( http://www.ivietnamese.com/forums/showthread.php?t=234698)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001