Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

20 năm homeless San Jose

|
Tháng 11 năm 1992 gia đình chúng tôi đi theo một nhà thờ đến đường Montgemery San Jose giúp dọn cơm cho các homeless. Đây là kinh nghiệm đầu tiên. Bà sơ Mary gốc Ba Lan nói rằng dân tộc tôi khổ nhất thế giới vì nằm giữa phát xít Đức và cộng sản Nga. Muốn giúp quê hương, xin đừng làm người lưu vong, hãy làm người dân Mỹ tốt. Hoa Kỳ đã từng bỏ rơi Ba Lan. Hoa Kỳ đã quay trở lại giúp Ba Lan. Hãy giúp nước Mỹ bằng cách giúp homeless. Mr. Vu có muốn nhận lại phiên thứ bẩy của tôi không. Chúng tôi nhận lời.
Thấm thoát đến nay đã 20 năm. Tôi bảo cháu gái 9 tuổi làm toán nhân. Mỗi tháng 300 phần ăn nhân 12 tháng rồi nhân 20 năm. Tổng cộng 68.000 phần ăn đã dọn ra. Phần ăn gồm có: Gà chiên, chả giò, cơm trộn và rau trộn. Nước ngọt, bánh ngọt, cà phê, nước trà. Quan khách ăn bao bụng. Một lượt, hai lượt rồi ba lượt… Thức ăn Việt Nam, bà con gọi là thực đơn thân ái. Mới đây tôi gặp lại bà sơ. Bà kể rằng 5 năm trước khi gặp Mr.Vu cũng tình cờ gặp người giao lại trách nhiệm cho bà. Tôi nói rằng đã 20 năm rồi, tôi chưa gặp ai để bàn giao. Bài này tôi viết về chuyện đó…
Người khách không trở lại.
Hai tuần trước, cuối tháng 10-2012 có anh chàng luật sư tên là Lawrence Hugles 50 tuổi cư ngụ tại Nữu Ước chợt cảnh sát đến gõ cửa. Ông là Hugles phải không? Lawrence Hugles? Vâng chính tôi. Đây là số điện thoại 408 ..có tin của mẹ ông ở San Jose cần liên lạc.
Anh ta bèn gọi phone. Hóa ra đây là số phôn của nhà xác ở quận Santa Clara. Mẹ của anh ta là bà Joan Hughes 70 tuổi đã bị đâm chết trên hè phố trong tình trạng homeless. Thủ phạm đã bị bắt giam nhưng nạn nhân thì cảnh sát phải mất cả tháng mới tìm ra tung tích. Họa viên của sở phải vẽ hình theo di hài để đi hỏi mọi người ngõ hầu truy tìm thân quyến.
Báo San Jose Mercury News đăng lại thảm kịch trên trang nhất của tờ Local news số ngày 9 Nov. 2012.
Tên sát nhân đã dùng gươm Nhật Samurai chém bà homeless vô tội ngay tại khu vực góc San Carlos và Meridian San Jose. Đây cũng là những vỉa hè bà Joan Ana Hughes đã sinh sống suốt 20 năm không nhà. Cảnh sát San Jose hỏi thăm thêm người con trai mới được biết đầu đuôi. Gia đình bà dọn từ Nữu Ước về Cali năm 1978 sống tại Saratoga là khu sang trọng của thung lũng điện tử. Lúc đó bà Hugles là nữ điều dưỡng, có 2 con.
Anh con trai còn nhớ mẹ là người đam mê hội họa. Mẹ vẽ tranh sơn dầu phong cảnh và vẽ hoa. Hai mươi năm trước gia đình ly dị, bà mẹ dọn ra riêng, xa cách cả 2 đứa con, trai và gái. Chuyện tại sao bà trở thành homeless và không liên lạc với con cái là một bí ẩn. Và người ta cũng không đề cập đến việc tại sao 2 con, và các bà chị ruột không tìm cách liên lạc giúp đỡ. Nhưng người dân thường thì biết quanh khu vực San Carlos, Lincoln, Meridian và trước cửa Walgreen luôn luôn có 1 phụ nữ đẩy xe chợ tới lui với tất cả gia tài chồng chất suốt hơn 10 năm qua. Mấy năm gần đây, từ San Carlos bà Hughes đẩy xe xuống Alameda qua Arena là tìm về trung tâm homeless tại InnVision trên đường Montgomery.
Mỗi tháng vào chiều thứ bẩy lần thứ 4 là có cơm Việt Nam. Nhưng mùa lễ hội năm nay Joan Anna sẽ không đến dự cơm homeless của người Việt. Bà là người khách không trở lại.
Trăm năm homeless tại Hoa Kỳ.

Ngày xưa khi ông trùm đỏ Nikita Khrushchev từ Nga Sô Viết đến dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã vác giầy gõ lên bàn để phản đối Hoa Kỳ. Ông dẫn đoàn tùy tùng đi thăm dân homeless tại Harlem. Mục đích là để làm xấu đế quốc còn đầy người khốn khổ không nhà. Nhưng báo chí Mỹ đã hiểu rõ vấn đề. Tại các nước cộng sản không hề có người homeless. Tất cả đều phải vào trong các trại tập trung.
Dân của thế giới tự do luôn luôn có quyền tự do cư trú và gồm cả quyền tự do không có nơi cư trú. Mời vào khu tạm trú là homeless từ chối. Cho đến khi trời đông giá có người chết ngoài đường.
Không ai biết chắc chắn là hiện nay Hoa Kỳ có bao nhiêu dân không nhà. Kỳ kiểm kê 2010 vừa qua các chuyên viên phải ra gầm cầu, góc chợ, nhà ga, đường xe lửa, bến xe hay lên núi vào rừng ban đêm để đếm dân homeless. Số người không nhà là phó sản của nền văn minh đô thị. Bắt đầu vào khoảng 1876 khi Hoa Kỳ kỷ niệm 100 năm lập quốc. Ở thôn quê lúc đó không có dân homeless. Nhưng các đại đô thị như LA, NY, SF v..v.. đã bắt đầu có nhiều homeless. Con số không nhà hiện nay vào khoảng một triệu 700 ngàn. Nhiều người nghĩ rằng dân không nhà thường già yếu hay trung niên. Sự thực không hoàn toàn như thế. Có tới 40% homeless dưới 18 tuổi tính ra là vào khoảng 700 ngàn. Trong số này đau thương nhất là có một nửa tức là 350 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi. Gia đình chúng ta có con cháu ở lớp tuổi từ 6 đến 12 là tuổi bắt đầu đi học. Nếu trẻ em ở tuổi nầy thất học lê la theo bố mẹ trong các lều trại thôn quê thì dù đau thương nhưng không cay đắng. Khốn nạn nhất là những đứa trẻ cũng đi học nhưng buổi sáng bụng đói và áo không đủ ấm. Chúng nó chui ra từ gầm cầu mò đến bến xe để vào trường. Ăn được bữa trưa miễn phí. Chiều về lại mò vào gầm cầu nhận chút thực phẩm của mẹ đi xin được. Rồi những đứa bé đó làm homework ở đâu, đi vệ sinh ở đâu. Nếu các bạn có dịp theo dõi cuộc sống của gia đình homeless có con nhỏ ngay ở chung quanh ta, sẽ thấy được những điều xót xa nhất là vào mùa lễ hội năm nay. Có những gia đình vẫn cho con cái đi học, chợt mất nhà. Chồng lên đường làm ăn xa. Vợ dẫn con đến nhà tạm trú. Ðứa nhỏ vẫn lôi thôi lếch thếch đi học. Rồi một hôm người vợ cãi nhau với bà manager tại nhà tạm trú đem hai đứa con ra gầm cầu. Thằng bé trai 8 tuổi còn đi học. Thầy giáo hỏi sao mày không làm homework. Ðể tao phải gọi điện thoại cho cha mẹ. Ðứa bé lặng thinh, tuy còn nhỏ nhưng nó vẫn đủ khôn ngoan để không nói là nhà em đang ở gầm cầu.
Hai mươi năm homeless tại San Jose.
Vào mùa Thu năm 1992 cách đây 20 năm, chúng tôi có dịp tham dự một buổi họp cộng đồng các sắc dân tỵ nạn. Dù thuộc quốc tịch nào thì ai cũng muốn có cơ hội đóng góp chút công sức cho quê hương mới. Một người đặt câu hỏi là nước Mỹ cần gì ở chúng ta. Đi làm đóng thuế cũng là nhiệm vụ căn bản phải hoàn tất. Thêm một chút thiện nguyện cộng đồng coi như đáng khích lệ. Nhưng làm gì. Câu trả lời thực tế là góp phần giúp cho homeless. Đây là vấn nạn trăm năm của nước Mỹ.
Tháng 11 năm 1992 gia đình chúng tôi đi theo một nhà thờ đến đường Montgemery để dọn cơm cho homeless. Bánh mì, thịt hộp, rau đậu do các chợ còn dư đem cho. Bà con sẵn bếp đem ra nấu. Thực đơn rất đơn giản nhưng được nấu chín. Từ đó mới biết homeless đã quen địa điểm. Cứ 5 giờ chiều là đến xếp hàng. Mỗi ngày ăn đồ ăn nguội. Cuối tuần có thức ăn nóng. Có gì ăn nấy. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít.
Anh chị em Việt Nam ta tham dự lần đầu rất đáng khích lệ. Bà sơ bên nhà thờ hỏi rằng ông có muốn nhận luôn phiên nầy không. Trả lời rằng. Nếu nhận thì làm sao? Bà sơ Hoa kỳ rất hiền lành phúc hậu đã nói rằng. Phiên trực của tôi là chiều thứ bẩy lần thứ 4 mỗi tháng. Bây giờ ông lên thay thì cứ 5 giờ chiều thứ bẩy mỗi tháng xoay sở làm sao cho đủ từ 250 đến 300 phần. Xin nhớ thứ bẩy lần thứ tư. Chúng tôi bèn nhận lời và cơ quan IRCC đảm trách từ đó. Chẳng có lễ bàn giao, chẳng có khế ước ký kết! Chúng tôi tự xoay sở làm đủ 12 kỳ từ lễ hội năm 1992 cho đến 1993. Qua năm sau thấy quá mệt. Mỗi tháng chạy tiền mua thực phẩm từ $500 các năm đầu sau lên đến $700 rồi $800 khi bước vào thế kỷ thứ 21.
Vì vậy kể từ cuối năm 1993 trở đi cơ quan IRCC mời các đoàn thể và cá nhân hợp tác. Mỗi nơi đảm trách một tháng, và có nơi làm hai lần một năm. Nhiều tấm lòng họp lại, công việc có nhẹ nhàng hơn. Trên nguyên tắc luôn luôn có gà quay, cơm chiên, món xào, tráng miệng, nước uống..v..v.. Lần nào Việt Nam ta cũng có chả giò. Nhờ trời, 20 năm qua không một lần bỏ cuộc, không lần nào quan khách đau bụng phải vào nhà thương.
Ngày tháng thấm thoát thoi đưa, chương trình gọi là Thực đơn Thân ái với thức ăn Việt Nam đãi quan khách homeless Hoa kỳ cho đến mùa lễ hội năm nay là đúng 20 năm
Thực đơn thân ái Việt Nam
Hôm đó là một ngày mưa ở San Jose, tôi vào xếp hàng mua một ổ bánh mì tại tiệm Việt Nam dưới phố. Một tay homeless Hoa Kỳ chính hiệu xếp hàng trước mặt. Quầy hàng nhỏ nhưng trong tiệm cũng có hơn 10 bàn cho khách. Phần lớn mua To Go. Ông homeless, trông là biết liền, quần áo hai ba lớp luộm thuộm . Ðầu tóc bù xù. Trả toàn tiền cắc và giấy một đồng nhàu nát. Cô bán hàng Việt Nam nhỏ bé dịu dàng hỏi ngay: To go? Khách hàng homeless xếp hàng trước mặt tôi hơi ngần ngại ngó quanh các chỗ ngồi. Trời bên ngoài mưa nặng hạt. Có vẻ muốn ngồi ăn bên trong. Nhưng khách homeless Hoa Kỳ cũng biết thân phận nên lại ngần ngại trả lời. Cô gái Việt dịu dàng nói nhỏ: To go please. Special discount 1 dollar. Ông khách homeless Mỹ khẽ gật đầu. Có thể vì được bớt 1 đồng, và cũng có thể muốn làm vui lòng cô bé Việt Nam bán hàng.
Bước ra ngoài, tôi thấy ông ngồi ngay dưới mái hiên thưởng thức bánh mì và ly cà phê nóng. Bên cạnh là một xe chợ chằng chịt các bao nylon của cả một gia tài đồ xộ.
Về sau tôi còn gặp lại tay homeless này nhiều lần tại các buổi chiêu đãi hàng tháng. Vào một buổi mùa hè. Ông khách quen này mặc áo cụt tay có vết xâm huy hiệu Army bên dưới là chữ Chu Lai.

Như gặp lại người quen, tôi chỉ vào dấu xâm và giơ ngón tay cái lên trời. Người l ính Hoa Kỳ của căn cứ Chu Lai ngày xưa khẽ gật đầu, mắt xanh mỏi mệt chợt sáng lên trong niềm vui nhẹ.
Ông là khách hàng của chúng tôi đã hơn 5 năm qua. Chiều thứ bảy, gần 300 khách thưởng thức 4 món Việt Nam. Nghiêm trang trật tự. Hết sức thanh lịch và gọn gàng. Yes Sir, No Sir. Yes Mam, No Mam, Thank you. Welcome.
Xếp hàng, ghi danh, lấy thực phẩm, dọn bàn. Không khí yên tĩnh như câu lạc bộ sĩ quan Hoa Kỳ. Những người tàn tật được ban tổ chức hộ tống đưa thức ăn ra tận bàn.
Chợt có lời giới thiệu vang lên. Hôm nay các bạn được hội ABC mời ăn, tiếng vỗ tay vang dội. Tuy nhiên, các quan khách của chúng tôi quả thật sẽ không bao giờ nhớ được đây là nhà thờ công giáo hay phật giáo. Ðây là Trưng Vương hay Gia Long, đây là sinh viên Vạn Hạnh hay học sinh Petrus Ký, đây là nhà thầu kiến trúc hay hiệp hội kim hoàn. Ai là địa ốc, ai là nhà báo, ai là bác sĩ. Mọi người đều giống nhau.Tất cả đều chỉ nhớ có 2 chữ Việt Nam. Những người đàn ông Việt Nam hiền lành đứng tiếp tế từ phía sau. Những người đàn bà Việt Nam tử tế đưa thực phẩm từ phía trước. Những cô gái Việt Nam nhỏ bé chuẩn bị nước uống. Những mái tóc đen Á Châu, những khuôn mặt và nụ cười nhân đạo. Những nguồn thực phẩm vô tận đi hai ba vòng vẫn còn đầy đủ.

Buổi tối hôm nay, bụng homeless Hoa Kỳ căng đầy, bên cạnh còn một bao giấy to go, nằm dưới khách sạn ngàn sao, tại miền thung lũng điện tử tiền rừng bạc bể, người Mỹ gốc Mỹ có thêm một kỷ niệm êm đềm với người Mỹ gốc Việt tại San Jose.
Lời cảm ơn 20 năm ân tình
Suốt 20 năm qua một trong các công tác hãnh diện của chúng tôi là cùng với các đoàn thể và cá nhân liên tục góp phần nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa vào vấn nạn kinh niên của nước Mỹ.
Trải qua bao nhiêu năm, những đội ngũ chiến sĩ xã hội vẫn còn tiếp tục. Gia đình phật tử, gia đình y khoa với dr. Vũ, dr, Hải, nhóm công giáo Phan Triệu, ST Real State. Nhóm đại gia đình Kiến trúc, Hiệp hội Kim Hoàn với ông Đỗ Trung, cựu sinh viên Vạn Hạnh, cựu sinh viên VN tại Nhật Bản, gia đình báo Mõ. Hội từ bi phụng sự, nha sĩ Trần và con trai hướng đạo chuyên đánh dương cầm cho các bữa ăn. Gia đình họ Lâm SF chuyên lo về Sea Food, cô Yến Đỗ. Riêng kỳ lễ tạ ơn năm nay hội Petrus Ký với bác sĩ Nam đảm trách. Qua đến giáng sinh 2012 là sự phối hợp của báo Mõ, Tin Việt New và gia đình Mũ Đỏ. Nhóm cô Hoàng Mộng Thu. Kiều Trang sẽ phát áo lạnh và các dụng cụ vệ sinh cá nhân. Tất cả do sự nhắc nhở phối hợp của ông Bùi Quí Ngọc hoàn toàn tự nguyện giúp cho chương trình tồn tại trên 10 năm qua. Bài này viết để thân tặng và tri ân quý vị với 20 năm ân tình.
IRCC, Inc đang sắp xếp chương trình năm 2013. Các đoàn thể và cá nhân muốn nhận công tác hay yểm trợ, xin liên lạc hay gửi chi phiếu về IRCC (homeless)1445 Koll Circle #113 San Jose CA 95112 tel : (408) 3929923 hay giaochi12@gmail.com
© Giao Chỉ
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/69132
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001