Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Obama kêu gọi Miến cải cách hơn nữa 

|

TT Obama lần thứ 2 gặp bà Suu Kyi
Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Miến Điện với tư cách là tổng thống Mỹ đương quyền đầu tiên đến thăm quốc gia đông nam Á này.
Mục đích chuyến thăm này là để thể hiện sự ủng hộ cho quá trình cải cách mà Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã khởi động kể từ khi chấm dứt chế độ độc tài quân sự hồi tháng 11 năm 2010.
‘Chỉ là bước đầu tiên’
Đông đảo người dân Miến Điện đứng đầy dọc trên các con đường ở Rangoon, tay vẫy cờ Mỹ, để chào đón Obama khi ông trên đường đến gặp Tổng thống Thein Sein.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với ông Thein Sein, Obama nói ông thừa nhận rằng quốc gia đông nam Á này chỉ mới ‘đi bước đầu tiên trong một đoạn đường dài’.
“Nhưng chúng tôi cho rằng tiến trình cải cách dân chủ và kinh tế ở Miến Điện mà Ngài tổng thống đã khởi động có thể đưa đến những cơ hội phát triển phi thường,” ông nói.

Về phần mình, Tổng thống Thein Sein nói hai nước đã đạt được những thỏa thuận về việc ‘phát triển dân chủ ở Miến Điện và thúc đẩy nhân quyền theo chuẩn mực quốc tế’.
Hai nước sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để phát triển giáo dục và chăm sóc y tế, ông nói thêm.
Sau đó, ông Obama đã đi thẳng đến tư gia của bà Suu Kyi nơi bà đã sống trong nhiều năm bị quản thúc.
Phát biểu với báo chí sau đó, Tổng thống Obama đã cơ ngợi bà Suu Kyi là nguồn cảm hứng cho những đấu tranh cho dân chủ trên thế giới, trong đó có chính ông.
Ông nói chuyến thăm Miến Điện của ông lần này là để ‘giữ lửa cho cơ hội dân chủ hóa’ ở đất nước này.

Tổng thống Mỹ và đoàn tùy tùng cũng đến chiêm bái Chùa Shwedagon, thánh tích Phật giáo đệ nhất của Miến Điện.
‘Tiếp tục cải cách’
Ngay trước thềm chuyến thăm ông Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện tiếp tục cải cách. Ông nói rằng đất nước này phải cần tiến bộ hơn nữa.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chuyến đi của ông Obama là hơi vội vã trong khi các tù nhân chính trị vẫn còn trong nhà lao và các cuộc xung đột sắc tộc vẫn còn chưa được giải quyết.
Tổng thống Obama đã hạ cánh xuống Rangoon, thành phố lớn nhất Miến Điện, trên chiếc chuyên cơ Không lực Một vào sáng thứ Hai ngày 19/11. Ông sẽ có khoảng 6 tiếng đồng hồ ở quốc gia này nhưng sẽ không bay đến thủ đô Nay Pyi Taw.
Thay vào đó, Tổng thống Thein Sein sẽ phải đi từ Nay Pyi Taw xuống Rangoon để gặp Obama.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng sẽ hội kiến với nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại ở Miến Điện, ông Obama cũng sẽ có bài diễn văn tại Đại học Rangoon vốn là trái tim của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 1988 và đã bị nhà cầm quyền quân sự đàn áp tàn bạo.
Ông cũng sẽ loan báo cam kết khoản viện trợ trị giá 170 triệu đô la cho quốc gia này.
Phát biểu tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm Chủ nhật ngày 18/11, Obama nói chuyến thăm của ông không phải là sự chuẩn thuận không đáng đối với chính phủ Miến Điện.
‘Không ảo tưởng’
“Tôi không nghĩ là ai đó có ảo tưởng rằng Miến Điện đã đến đích và rằng đất nước này đã đến được nơi mà họ cần phải đến,” ông nói.
Mặt khác, nếu chúng ta chờ cho đến khi họ đạt được một nền dân chủ hoàn hảo mới bắt đầu can dự thì tôi đồ rằng chúng ta sẽ phải chờ đợi hết sức lâu,” ông nói thêm.

Tháp tùng ông Obama là Ngoại trưởng Hillary Clinton – người quay trở lại Miến Điện gần một năm sau chuyến thăm đầu tiên của bà.
Chính phủ của ông Thein Sein lên cầm quyền sau cuộc tuyển cử hồi tháng 11 năm 2010. Kết quả cuộc bầu cử là chế độ độc tài quân sự được thay thế bằng một chính phủ dân sự được quân đội hậu thuẫn.
Kể từ đó, chính phủ của ông đã làm thế giới ng̣ạc nhiên khi bắt đầu một tiến trình cải cách. Nhiều – nhưng không phải tất cả – tù nhân chính trị được phóng thích, kiểm duyệt báo chí được nới lỏng và một số cải cách kinh tế được áp dụng.
Bà Suu Kyi cũng được chấm dứt quản chế tại gia. Đảng chính trị của bà là Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ cũng đã tham gia trở lại đời sống chính trị trong nước. Hiện giờ đảng này chỉ có sự hiện diện ít ỏi trong Quốc hội sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử bổ sung hồi tháng Tư năm nay mà bên ngoài nhìn chung đánh giá là tự do và công bằng.

Đáp lại, nhiều quốc gia phương Tây cũng đã nới lỏng các biện pháp cấm vận nhằm vào nước này và bắt đầu tiến trình can dự.
Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi thận trọng trong việc vội vàng ủng hộ quốc gia đông nam Á này.
Nguồn: BBC
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/69149
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001