Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

"DUYÊN NỢ" GIỮA ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG VÀ " CỖ MÁY CÁI "


Còn nhớ cách đây khá lâu, một quan chức trong ngành dự trữ quốc gia ra vành móng ngựa vì tội làm hư hỏng hay thất thoát thóc gạo dự trữ quốc gia gì đó. Trước tòa, ông ta đĩnh đạc đại ý rằng:


- Thưa quý tòa, tôi từ nhỏ lớn lên đi theo Đảng, học hành được ít. Mặc dù biết mình trình độ và khả năng có hạn chế nhưng vì đây là nhiệm vụ khó khăn mà nhà nước giao thì tôi sẵn sàng nhận mà không từ chối. Lẽ ra tôi phải được thưởng vì tinh thần chấp hành nhiệm vụ, đâu ngờ lại bị đưa ra tòa.
Không chỉ cả phiên tòa, mà cả nước chuyển từ ngạc nhiên sang tức giận. Kết quả là ông đó đi tù.
Hôm nay, tròn 51 năm cái ngày mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã “theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng”. 
Dù có tức giận ông quan chức phá hoại ở Cục dữ trữ Quốc gia đã làm thất thoát nhiều thóc gạo, vật phẩm dự trữ Quốc gia, dù có không ưa ông Nguyễn Tấn Dũng là  thủ tướng đã góp phần gây thảm họa cho nền kinh tế, đưa đời sống xã hội tiến lên bờ vực phá sản, đẩy mạnh phong trào tham nhũng “năm sau cao hơn năm trước” nhằm biến câu nói “không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức” trở thành hài hước… thì vẫn khó có thể trách hoàn toàn chỉ bản thân ông ta. Đơn giản chỉ vì các ông ấy nói có phần đúng.
Từ ngàn xưa, cha ông chúng ta đã dặn con cháu rằng: “Chọn mặt gửi vàng” hoặc “trông người gửi của” để nhắc nhở chọn người mà giao việc, nhất là giao những trọng trách liên quan đến số phận nhiều người hoặc tài sản lớn.
Kể cũng đúng, việc giao  nhiệm vụ cho người không có khả năng để họ không hoàn thành, mà không hoàn thành là phá hoại. Lỗi đó thuộc trách nhiệm của người giao chứ đâu phải của riêng người thi hành, ông ta chỉ có một tội là thiếu kiến thức, trình độ mà thôi. Kể cả các ông ấy có tham nhũng, hư hỏng, thì trách nhiệm chính vẫn là người tổ chức, giao việc, người sử dụng.
Ông quan chức Cục dự trữ Quốc gia trước đây, cũng như ông Nguyễn Tấn Dũng hôm nay, có thể nói một cách khá hình tượng rằng, đó chỉ là công cụ. Một bên là công cụ của nhà nước (giao cho ông công việc ở Cục dự trữ Quốc gia) và một bên là công cụ của Đảng (giao cho ông làm Thủ tướng). Vấn đề đặt ra, là vì sao Nhà nước, Đảng lại sử dụng những người như ông quan chức Cục dự trữ năm nào và ông Thủ tướng hiện tại.
Thông thường, khi để xảy ra những vấn đề khuyết điểm có liên quan đến con người, thường có ba yếu tố: Một là tổ chức, cá nhân sử dụng không biết bản chất, năng lực người được giao việc. Hai là người được giao việc cố tình phá hoại do “suy thoái đạo đức, tư cách và phẩm chất”. Ba là không ai có thể làm tốt hơn, thay thế được người đó nên giao cho họ còn đỡ xấu hơn giao cho những người khác. Bốn là vì bản chất của tổ chức giao việc đã tạo ra con người đó và đương nhiên sẽ có hậu quả đó. Thử phân tích xem yếu tố nào đã tạo ra những con người như vậy:
Xét trong hai trường hợp nói trên ta thấy: Không thể nói rằng Đảng CS, Nhà nước không hiểu cán bộ mình. Trong mọi mặt cuộc sống của cán bộ công chức hàng năm, biết bao nhiêu cuộc họp, vô số phong trào thi đua, tổng kết, bình bầu hàng năm về mặt chính quyền, về mặt Đảng… công chức Việt Nam không thể giấu tổ chức được cái lông tơ trong người chứ chưa nói đến phẩm chất, năng lực của họ. Mặt khác, Đảng CS luôn tự hào là “đội quân tiên phong, là trí tuệ nhân loại, là lương tâm loài người”… lẽ nào điều đơn giản đó cũng không biết thì chẳng ai tin. Chính ông Thủ tướng nói rằng: “Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi.” Vậy là điều thứ nhất về năng lực cá nhân của người đó bị loại bỏ và không thể nói là Đảng và nhà nước chọn nhầm người.
Vấn đề thứ hai, do người được giao nhiệm vụ đã “suy thoái đạo đức, tư cách và phẩm chất”? Khi một người gia nhập Đảng CS, họ được đảng đánh giá là thành phần ưu tú trong xã hội trong quần chúng… Vậy tổ chức Đảng là gì mà khi họ vào đó một thời gian sau, lại hư hỏng, thoái hóa và biến chất ngày càng nhiều, càng nhanh đến mức “đe dọa sự sống còn của Đảng và Chế độ”? Cơ chế nào đã tạo ra hiện tượng đó là điều cần xem xét. Như lời quảng cáo xưa nay thì Đảng CS là “đội quân ưu tú, khoa học nhất, tiến bộ nhất, những người vào đảng là để phấn đấu vì lý tưởng quang vinh của Đảng, vì lợi ích nhân dân”… thì không thể tạo ra hàng loạt người từ quần chúng tốt trở thành “thoái hóa biến chất như vậy”. Mặt khác, những cuộc họp chi bộ hàng tháng, những phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức” những năm qua có tác dụng gì? Đặc biệt khi mà số lượng người hư hỏng, tham nhũng, suy thoái ngày càng trở thành “bộ phận không nhỏ” thì nguyên nhân phải chính từ cỗ máy đào tạo mà ra.
Thứ ba, chắc chắn sẽ không có lý khi có thể giải thích rằng về tài năng, khả năng không có ai có thể thay thế những cán bộ hư hỏng, làm hại đất nước đó. Bởi ngay từ khi “bầu chọn” từng bước, Đảng CS luôn đưa ra khẩu hiệu “Sáng suốt lựa chọn những người có tài, có đức”. Vậy chẳng lẽ khi đó Đảng đã không sáng suốt, nên chọn nhầm người không đủ cả tài lẫn đức? Và chẳng lẽ một đội quân tiên phong chỉ có vậy thôi? Điều đó là khó thuyết phục.
Thứ tư, có phải bản chất của tổ chức này đã tạo ra những con người như vậy hay không? Cứ như Thủ tướng Dũng đã nói: “Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công. Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương đảng, của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi” và cuối cùng là “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua”. Có lẽ đến đây, không cần phân tích nhiều hơn, khi lời nói của Thủ tướng đã chỉ đích danh rõ ràng là vấn đề ở chỗ Đảng.
Khi một người đã được giao trách nhiệm nhưng không đủ năng lực, thì tổ chức giao nhiệm vụ đó phải kịp thời chấn chỉnh hoặc thay thế khi cần thiết đề phòng hậu quả. Còn khi đã không hoàn thành nhiệm vụ, gây những hậu quả lớn, thì đương nhiên, cả bộ máy, tổ chức đó phải có trách nhiệm xử lý triệt để để không gây hậu họa tiếp theo. Ở đây, khả năng, tư cách người đó đến đâu, không chỉ trong Đảng mà hầu như mọi người đã biết. Thậm chí Đảng đã chỉ rõ về tập thể thì “Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khoá nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”. Còn cá nhân thì “cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm”. Nhưng Đảng vẫn “đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”?
Đến đây, người ta không khỏi thắc mắc vì lý do gì mà kéo dài tình trạng này? Đảng nói rằng “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay… “ để không kỷ luật một ai “trong thời điểm hiện nay”? Khi mà đất nước với nền kinh tế đang đứng trên bờ vực thẳm, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng ngàn tỷ đồng thất thoát, bị nhũng lạm, bị lãng phí, đời sống nhân dân đang cực kỳ khó khăn, thậm chí còn không đủ tiền để nâng lương cho cán bộ công chức… thì còn chờ thời điểm nào để ra tay?
Ông Hồ Chí Minh nói rằng: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng”. Xem ra câu nói này trong trường hợp này chỉ đúng được một vế. Không phải Đảng CSVN không thấy vấn đề đó. Nhưng vì sao?
Đừng trách sản phẩm bị lỗi, hãy hỏi dây chuyền sản xuất
Đảng cân nhắc lợi hại, vậy ở đây Đảng để ai lợi và ai hại? Chắc chắn là người dân, đất nước sẽ nắm chắc phần “hại”, còn cái “lợi” chỉ còn là cho sự cầm quyền của Đảng mà thôi.
Chính vì bảo vệ sự tồn tại của Đảng, mà lợi ích của nhân dân, của đất nước đã bị coi nhẹ. Đảng vẫn tin dùng, vẫn tin tưởng và giao phó những việc liên quan sinh mệnh mấy chục triệu con người. Đảng vẫn đi theo con đường cũ, bằng cách vẫn sử dụng những con người bất tài, vô dụng tức là Đảng vẫn duy trì sự tham nhũng, yếu kém, khuyết điểm… Còn ông Thủ tướng, ông nói rõ rằng: “trong 51 năm qua đó tôi không có xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Và mặt khác thì tôi cũng không có từ chối, không có thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi.” Vậy rõ ràng, ông chỉ là công cụ của Đảng CS, Đảng CS là chiếc máy cái đã tạo ra ông và những người như ông. Sao lại trách ông ta?
Sẽ không thể thay đổi khi cỗ máy cái vẫn tiếp tục dây chuyền sản xuất và đưa ra những sản phẩm cùng một tiêu chuẩn, không có ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, thì sẽ có một Đồng chí X, Đồng chí Y khác làm thủ tướng tương tự như vậy. Và người dân, đất nước này trong trường hợp này là con nợ, là chủ thể phải chịu hậu quả. Đối với dân, đây là hành động được coi là “gửi trứng cho ác”. Song điều đó là cơ sở để Đảng tồn tại. Đó là hai con đường ngược chiều giữa ý Đảng và Lòng dân.
Vậy thì tại sao ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải từ chức? Đừng hỏi tại sao sản phẩm bị lỗi, hãy xem lại chiếc máy cái của mình. Đừng hạch ông Thủ tướng, hãy hỏi Đảng CSVN để biết họ muốn gì?
Ngày 17/11/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001