Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

ĐỌC 2 BÀI THƠ RA TÙ, NGHĨ VỀ HÒA GIẢI SAU CHIẾN TRANH


KHÁNH TRÂM
Khánh Trâm và nhà thơ Hoàng Hưng
Khánh Trâm và nhà thơ Hoàng Hưng
“Làng quê Appomattox nơi ra đời cái biên bản đầu hàng nhân bản nhất mà tôi được đọc, ở đó không có kẻ thù. Người thua và người thắng đều là đồng bào, là con một nhà. Con của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và họ cùng bắt tay xây dựng lại đất nước bị tàn phá sau chiến tranh…”
Lại sắp hết năm. Sài Gòn lại sắp đón mai vàng. Đã 37 năm đánh dấu ngày thống nhất đất nước, kể từ trưa 30/4/1975, tôi lại ngồi nghĩ về 2 bài thơ. Đó là bài «Người về» của nhà thơ Hoàng Hưng (1992) và bài «Ta về» của nhà thơ Tô Thùy Yên (1985). Hai ông đều là những thi nhân hàng đầu hiện còn sống và sáng tác trên văn đàn văn chương Việt. Một người sinh ra và lớn lên ở đất Bắc, một thời dậy học và làm báo trong hệ thống thuộc tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà nước CH XHCNVN còn người kia thuộc về phía Nam vĩ tuyến 17 làm thơ, viết văn, đi lính dưới chính quyền VNCH rồi trở thành cựu tù nhân bị giam cầm « học tập cải tạo » sau ngày Nam Bắc một nhà.
Mỗi khi đọc hai bài thơ, kể từ ngày đầu tiếp xúc với nó hay cho đến tận bây giờ tôi cũng không còn nhớ mình đã đọc bao nhiêu lần nữa nhưng mỗi khi nhớ đến nó tôi cứ bị hai nỗi ám ảnh. Đó là nỗi ám ảnh về cuộc chiến và nỗi ám ảnh về thân phận con người. Hai nỗi ám ảnh này nó cứ theo suốt cuộc sống hàng ngày của tôi, mờ mờ, ảo ảo, khi ẩn khi hiện. Cuộc chiến 1955-1975 ấy ngày nay nhiều người còn đang tranh cãi và có nhiều bất đồng ở cái «lý do» và tính «chính nghĩa» của nó nhưng có một điều ai ai cũng nhìn thấy và phải công nhận là cuộc chiến ấy đau thương và mất mát quá lớn (bởi thế mới có lời nghẹn ngào «xin đừng thêm những tháng tư»). Và tiếp nối cái «tháng tư» nghiệt ngã ấy là những đợt «học tập cải tạo» cho những con người ở phía bên kia. Tác giả của «Ta về» là một trong số đó. Ông đã bị giam giữ bao tháng bao ngày? Những lời thơ đã nói lên tất cả: «Ta về một bóng trên đường lớn/ thơ chẳng ai đề vạt áo phai/ sao bỗng nghe đau mềm phế phủ/ mười năm đá cũng ngậm ngùi thay». Bài thơ này có 12 lần nhắc đến «mười năm» và nó cũng chỉ rõ nơi chốn mà tác giả lưu trú trong «mười năm» ấy: «Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp/ chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu/ mười năm mặt sạm soi khe nước/ ta hóa thân thành vượn cổ xưa». Vậy mà sự ngăn cách và chia ly của «mười năm» đằng đẵng ấy cũng không thể làm phai mờ tình thương yêu của những con người vẫn hướng về nhau: «Ta về như tiếng kêu đồng vọng/ rau mác lên bờ đã trổ bông/ cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng/ chờ anh như biển đã chờ sông». Họ đã nói với nhau và cho nhau những gì? «Ta gọi thời gian sau cánh cửa/ nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu/ ta về như máu ân tình chảy/ tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau». Và: «Ta về dẫu phải đi chân đất/ khắp thế gian này để gặp em/ đau khổ riêng gì nơi gió cát/ thềm nhà bụi chuối khóc thâu đêm». Nhà thơ cũng cho độc giả biết khi đã được trả tự do để về với cuộc đời, với «cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa» và «ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa» với «mọi thứ không còn ngăn nắp cũ/ nhà thương – khó quá sống thờ ơ/ giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ/ khách cũ không còn khách mới thưa» thì thi nhân đã hết thời trai trẻ, trên đầu đã hai thứ tóc: «Ta về cúi mái đầu sương điểm/ nghe nặng từ tâm lượng đất trời/ cảm ơn hoa đã vì ta nở/ thế giới vui từ nỗi lẻ loi». Vâng, người nghệ sỹ với độ tuổi đã « nghe nặng từ tâm lượng đất trời » ấy thì ông cũng đã thấu hiểu cái vô thường của đời người. Mặc dù bị giam cầm, bị đói khổ, bị hành hạ… nhưng hiểu được cái «vô thường» kia nên «Ta về» không thấy oán hận hay căm thù. Tôi cứ luôn nghĩ để hòa hợp và giải oan cho cuộc chiến này có lẽ những người khởi sự là những thi nhân, những văn nghệ sỹ (và họ đã bắt đầu). Tô Thùy Yên đã nói ra điều này từ rất sớm: «Ta về như lá rơi về cội/ bếp lửa nhân quần ấm tối nay/chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ giải oan cho cuộc biển dâu này». Bước chân ra khỏi chốn ngục tù, nhìn lại chặng đường đã qua, hướng về chặng đường phía trước, nhà thơ đã bỏ lại hết hận thù: «Ta về khai giải bùa thiêng yểm/ thức dậy đi nào gỗ đá ơi/ hãy kể lại mười năm chuyện cũ/ một lần kể lại để rồi thôi» và tự nhủ mình: «Bé ơi, này những vui buồn cũ/ hãy sống đương đầu với lãng quên/ con dế vẫn là con dế ấy/ hát rong bờ cỏ giọng thân quen».
Cuộc chiến mà Tô Thùy Yên và bao triệu người đã đi qua, thời ấy trên đất Bắc và cho đến tận hôm nay các bài sử dạy trong nhà trường vẫn gọi đây là «cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước» và khi ngày 30/4/1975 khép lại cái trang sử ấy chúng ta đã thắng Mỹ (là «đế quốc to») nhưng tiếc thay người Việt đã không học được thái độ ứng xử cao thượng, tôn trọng phẩm giá con người, không phân biệt kẻ thua người thắng của cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ của thế kỷ 19. Đó là vùng đất của những con người biết nhìn xa trông rộng, sống đầy trách nhiệm đứng đầu là hai vị tướng, tướng Lee của miền Nam và tướng Grant của miền Bắc. Làng quê Appomattox nơi ra đời cái biên bản đầu hàng nhân bản nhất mà tôi được đọc, ở đó không có kẻ thù. Người thua và người thắng đều là đồng bào, là con một nhà. Con của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và họ cùng bắt tay xây dựng lại đất nước bị tàn phá sau chiến tranh. Thế là cuộc nội chiến của nước Mỹ đã kết thúc trong sự khoan dung và câu nói của tướng Grant với binh lính dưới quyền: «Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta» và cái điều khoản quan trọng  đề cập đến binh lính miền Nam: «Không bị coi là phản quốc và không phải ở tù » cứ văng vẳng trong tôi bao tháng bao ngày.
Trở lại bài «Ta về», thi sĩ Tô Thùy Yên đã nhìn đất trời dưới cái nhìn vô thường: Hoa nở rồi lại tàn, trăng tròn rồi lại khuyết, con người sinh ra rồi lại chết đi. Cái triết lý này được ông khẳng định: «Ta về như hạt sương trên cỏ/ kết tụ sầu nhân thế chuyển đời/ bé bỏng thì cũng sinh dị, diệt/ tội tình chi lắm nữa người ơi». Lời «tội tình chi» này của thi nhân đất phương Nam sau chiến tranh có ai ngờ nó cũng vận ngay vào một thi nhân đất Bắc. Đó là nhà thơ Hoàng Hưng. Những dòng đầu tiên của « Người về » đã nói lên tất cả: «Người về từ cõi ấy/ vợ khóc một đêm con lạ một ngày/ Người về từ cõi ấy/ bước vào cửa người quen tái mặt / người về từ cõi ấy/ giữa phố đông nhồn nhột sau gáy…». Đọc hết bài thơ, ta thấy tác giả đã trải lòng ra với người đọc cái chốn «cõi ấy» và ông cũng tự tâm sự với chính mình về một cái nơi tưởng đã lùi vào quá khứ, nhưng không, nó vẫn theo, cứ kè kè với tác giả như hình với bóng, tưởng đã «tháo ra được» nhưng vẫn có cái sợi dây vô hình nó cứ «buộc vào như chơi» không thoát ra được. Vậy thì ai buộc vào? Chắn chắn không phải tác giả, vì chẳng có ai lại thích cái «cõi ấy» cả (chứ chưa kể còn cố quên đi). Một «cái cõi» mà những ai đã từ chốn ấy bước ra thì «một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui/ hai năm còn mộng toát mồ hôi/ ba năm còn nhớ một con thạch thùng/ mười năm còn quen ngồi một mình trong tối».
Năm 1982 đã gần 10 năm sau chiến tranh, nhà thơ Hoàng Hưng bước vào «cõi ấy» với một cái lý do rất vô lý và đầy oan ức. Ngày ấy, ông cầm tập thơ «Về Kinh Bắc», một tập thơ viết tay của nhà thơ đàn anh người đồng hương Bắc Ninh rất nổi tiếng là Hoàng Cầm. Vì cầm tập thơ này, Hoàng Hưng bị bắt và đi tù 39 tháng. Tôi là một độc giả đọc thơ ông, cứ mỗi khi nghĩ đến người tù thi sỹ này tôi luôn bị ám ảnh bởi cái lý do họ bắt ông (lưu truyền văn hóa phẩm phản động) và cái cách thức họ bắt ông là lập chuyên án và gài bẫy (chiến công của người này lại là địa ngục trần gian của người kia. Thật trớ trêu!). Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, ông là một nhà thơ, ông không cầm thơ thì cầm cái gì ? Ông không trao đổi thơ với bạn với bè thì ông trao đổi cái gì ? Ông đọc thơ của Hoàng Cầm và ngược lại, Hoàng cầm đọc thơ ông cũng là lẽ thường tình chưa kể đó lại là những áng thơ đẹp: «Cúi lậy mẹ con trở về Kinh Bắc/ chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…».
Ngày ấy Hoàng Hưng vừa cầm tập thơ trong tay rồi bị bắt ngay (ông chưa hề đưa cho ai) vậy mà ông mang tội «lưu truyền văn hóa phẩm phản động». Ông bị buộc tội và bị kết án không qua xét xử. Những việc làm bất chấp luật pháp này nó chà đạp con người và đã tước đi quyền sinh sống của một công dân. Đó là cái nỗi ám ảnh lớn nhất của một người đọc như tôi. Trên đất Bắc,trường hợp nhà thơ Hoàng Hưng không phải là văn nghệ sỹ duy nhất bị tước quyền công dân một cách phi pháp. Trước đây đã có vụ «nhân văn giai phẩm» để biết bao văn nghệ sỹ đã phải chịu tù đầy… thế rồi hơn 30 năm sau những người kết tội các ông đã âm thầm thừa nhận «sai trái». Năm 2007, tác giả «Về Kinh Bắc» đã được «Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật » và có rất nhiều bài ở tập thơ này được tuyển chọn.
Những câu chuyện người thực việc thực này đã phơi bầy cho ta thấy cái cách mà chính quyền định đoạt cuộc sống của một công dân rất tùy tiện. Ở tù ra, nhà thơ Hoàng Hưng vẫn bị «chăm sóc». Chính ông nói ra điều này (nguyên nhân ra đời bài «Người về»): «Tôi viết bài này năm 1992, tức là 10 năm sau khi ra tù. Lúc đó tôi cũng đã quen vị thế nhà báo của mình đã được phục hồi. Nhưng trong một buổi tiệc của Hội Mỹ Thuật TP HCM, có một người lạ mặt đến gần tôi, nhìn tôi trừng trừng và hỏi: «Anh từ nơi ấy trở về chứ gì?» rồi bỏ đi. Tôi đứng sững như trời trồng và lặng lẽ ra về. Sự việc ám ảnh tôi suốt đêm hôm ấy. Nó làm tôi nhận thức được một thân phận khác của mình trong xã hội». Thế là đọc những dòng ông viết tôi mới hiểu cái ý nghĩa của những câu thơ. Những câu thơ chứa bao nỗi niềm bất an, nỗi khổ của thân phận con người không được thừa nhận, thân phận của một tù nhân dự khuyết: «Một hôm có kẻ nhìn trân trối/ một đêm có tiếng bâng quơ hỏi/ giật mình một cái vỗ vai». Bài thơ «Người về» là nỗi niềm tâm sự của một tri thức văn nghệ sỹ lên án cái xã hội thiếu vắng luật pháp và công lý này.
Kể từ ngày ra đời hai bài thơ sau chiến tranh của 2 tác giả Nam-Bắc này tính đến nay đã 20 năm (bài «Người về») và 26 năm (bài «Ta về») nhưng những thông điệp mà nó truyền đi vẫn rất mạnh mẽ. Riêng tôi lúc nào thưởng thức chúng cũng vẫn cứ say mê một cách đầy ám ảnh. Riêng «Người về» với «giữa phố đông nhồn nhột sau gáy» vẫn còn nguyên tính thời sự của nó. Bởi những người con yêu nước Việt hôm nay vẫn cứ «nhồn nhột sau gáy» khi họ dám lên tiếng bảo vệ chủ quyền dân tộc. Không biết trong xã hội chúng ta đang sống, có bao nhiêu người đang chịu cái cảnh «nhồn nhột sau gáy» này? Tôi chỉ biết có những người bị «nhồn nhột sau gáy» đã đang ngồi tù, ngoài ra còn biết bao nhiêu người « nhồn nhột sau gáy » nữa sẽ chuẩn bị «bước chân vào chốn ngục tù» vì cái cách chính quyền đang trấn áp (thậm chí bỏ tù) những người đi tiên phong. Nhìn xã hội Việt nam với bức tranh hiện tại, tôi lại nghĩ đến những lời tâm sự của nhà thơ Hoàng Hưng viết trước khi chiến tranh kết thúc (1973): «Các anh bảo chúng tôi/đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp/chúng tôi đi/ vì không sợ chết/ chúng tôi chết/vì sợ sống hèn/ nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy»? Vâng, cái ngày mai ấy chính là cái ngày hôm nay khi những người cầm quyền để nền kinh tế suy thoái, nền chính trị bá đạo, văn hóa-giáo dục xuống cấp đời sống dân chúng lầm than nhưng họ chỉ nhận «sai lầm sâu sắc», nhận «trách nhiệm chính trị lớn» nhưng nhất quyết họ không từ chức.
***
TA VỀ của TÔ THÙY YÊN
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta

.
NGƯỜI VỀ của HOÀNG HƯNG

Người về
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình
một cái vỗ vai

nguồn:http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/11/17/doc-2-bai-tho-ra-tu-nghi-ve-hoa-giai-sau-chien-tranh/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001