Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Tập Cận Bình đăng quang : Chiến thắng của các « thái tử đỏ » 

Bảy tân ủy viên thường trực Bộ Chính trị TQ ra mắt báo chí ngày 15/11/2012.


(LND : Trong bài diễn văn đầu tiên, ông Tập Cận Bình không nhắc đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa Mác-Lê. Tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng từ « đồng nghiệp » thay cho « đồng chí », khi giới thiệu sáu thành viên còn lại của ban thường trực Bộ Chính trị. Theo Le Monde, đây là điều rất mới).

(Le Monde 16/11/2012) Họ đi theo hàng dọc, mặc com-lê màu sẫm, Tập Cận Bình dẫn đầu, và trình diện trước báo chí dưới tấm phông rộng lớn hình Vạn Lý Trường Thành. Nghi thức ra mắt các « hoàng đế đỏ » diễn ra trong sảnh của Đại lễ đường Nhân dân hôm 15/11 đã chấm dứt sự hồi hộp chờ đợi các chúa tể mới của đất nước.

Ban thường trực Bộ Chính trị lần này có bảy người, ít hơn hai người so với đại hội trước. Việc giảm số ủy viên mang dấu ấn của Hồ Cẩm Đào. Trước đây ông Hồ Cẩm Đào đã bị người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân áp đặt một ban thường trực chín người, để đưa hai người thân tín của ông Giang vào.

Tân Tổng bí thư với nhiệm kỳ 5 năm Tập Cận Bình đã cất tiếng – không  phải để chào mừng quốc dân – mà để xin lỗi báo chí vì đã phải chờ đợi lâu : bảy tân ủy viên thường trực đã xuất hiện trễ 45 phút so với thông báo. Ông phát biểu một cách rất tự tin, cho thấy một tính cách thu hút hơn một Hồ Cẩm Đào kín đáo và trịnh trọng.

Giọng nói mạnh mẽ và chậm rãi, ông Tập trong bài diễn văn được truyền hình trung ương truyền đi, đã khai thác rộng rãi chủ đề « sự tái sinh vĩ đại của Trung Quốc », và nhấn mạnh con đường thịnh vượng mở ra cho đất nước. Ông muốn cho thấy sự quan tâm đến những ưu tư hiện nay của người dân Trung Quốc, khi tuyên bố : « Dân tộc chúng ta rất yêu cuộc sống, hy vọng một nền giáo dục tốt hơn, việc làm ổn định, thu nhập thỏa đáng, an sinh xã hội bảo đảm, dịch vụ y tế ở mức cao nhất, các điều kiện nhà ở vừa ý, một môi trường sạch hơn (…). Mục đích của chúng tôi là đáp ứng khát vọng của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn ».

Nhà chính trị học Lưu Quân Trữ (Liu Junning) nhận định : « Tập Cận Bình không nhắc đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa Mác-Lê, và không nêu ra quan niệm phát triển khoa học (mà Hồ Cẩm Đào rất tâm đắc). Đối với tôi, đây là điều rất mới ».

Tập Cận Bình cũng dành một đoạn dài cho công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và nạn quan liêu. Ông khẳng định : « Các vấn đề này phải được cật lực giải quyết ».

Michel Bonnin, nhà nghiên cứu của CNRS tại Bắc Kinh nhận xét : « Đó là một thế hệ với phong cách khác, gần gũi với thực tế hơn. Không phải là một sự thay đổi triệt để, nhưng Tập Cận Bình có cách nói khác với kiểu nói như rô-bô của Hồ Cẩm Đào ». Ngược lại, cựu nhà báo đồng thời là nhà sử học của Đảng, Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) thấy đây chỉ là « một bài diễn văn ngoài mặt, thiếu chiều sâu », trong đó những « cải cách chính trị » không được nói đến.

Một điểm mới khác là Tập Cận Bình đã sử dụng từ « đồng nghiệp » chứ không phải « đồng chí », khi giới thiệu sáu thành viên còn lại của ban thường trực Bộ Chính trị. Đó là Lý Khắc Cường, hiện là Phó thủ tướng ; Trương Đức Giang, Phó chủ tịch nước, cựu Bí thư Thượng Hải ; Lưu Vân Sơn, cựu trưởng ban tuyên huấn trung ương đảng ; Vương Kỳ Sơn, trưởng phái đoàn thương thuyết với quốc tế về các vấn đề kinh tế ; và Trương Cao Lệ, cựu Bí thư Thiên Tân.

Nhiệm vụ của từng người trong Đảng, và đối với một số thì cả trong chính phủ - sẽ được thành lập vào tháng 3/2013 – vẫn chưa được xác định, ngoại trừ ông Vương Kỳ Sơn được chỉ định làm trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng để chống tham nhũng. Tân Hoa Xã loan báo tân Tổng bí thư cũng kiêm luôn Chủ tịch Quân ủy trung ương. Ông Hồ Cẩm Đào trước đây phải chờ đợi hai năm mới nắm được Quân ủy.

Có bốn « thái tử » kể cả Tập Cận Bình đã lên ngôi : Trương Đức Giang, từng học ở Bắc Triều Tiên và là con trai của một vị tướng, Vương Kỳ Sơn có cha vợ là một cựu Phó thủ tướng thân cận với lãnh tụ bảo thủ Lý Bằng, và Du Chính Thanh, con của Bộ trưởng Công nghiệp.

Sự sắp xếp thành phần như thế không phải là ngẫu nhiên : một liên minh hẳn là mâu thuẫn, bị giằng co giữa những người chủ trương cải cách và bảo thủ và các vụ đấu đá trước đó của các phe phái, các « thái tử đỏ » này hợp thành một tầng lớp quý tộc, có nhiều ưu đãi về tài chính. Họ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh các « guanxi » (quan hệ) và lòng trung thành với Đảng được đặt lên trên Nhà nước pháp quyền.

Nhà sử học Chương Lập Phàn (Zhang Lifan) phân tích : « Các thái tử đỏ nghĩ rằng quyền hành đương nhiên phải vào tay họ vì vị thế của người cha ». Theo ông : « Họ chỉ trích mười năm điều hành của các nhà quản lý chuyên nghiệp như Hồ Cẩm Đào (vốn từ cơ sở đi lên). Với Tập Cận Bình, họ có những đại diện của mình. Nếu ông Tập đưa ra những cải cách thì sẽ được hỗ trợ, và trấn áp không nương tay đối với những người chống lại. Nhưng ông ta phải chọn lựa : ngay từ bây giờ phải từ bỏ một số lợi ích, để mở ra một không gian cho xã hội công dân, và hưởng lợi về lâu về dài. Hoặc là không nhượng bộ gì cả, và đàn áp không thương tiếc các vụ phản kháng ».

Bài viết liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001