Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Không thoát khỏi bàn tay Phật Tổ


K.s Nguyễn Văn Thạnh (Danlambao) - Thân gửi các doanh nhân tài năng (và các chính trị gia tầm tầm), ngày đêm xuôi ngược, nhậu nhẹt, bắt tay, ngựa xe xúm xít, “hai tay xoay tít, cái đít cong vòng”,… chúng ta có nên tiếp tục tham gia vào một sân chơi như thế này nữa không hay cùng chung tay thay đổi để có tương lai bền vững, tươi sáng không chỉ đời chúng ta mà cả đời con cháu chúng ta.


Hãy nghĩ đến cái họa mất nước, đó là cái họa chung, khi đó dù là tài năng Tôn Ngộ Không thì cũng bị giết thịt ráo...

*
Chắc hẳn, từ bé các bạn đã say mê bộ phim Tây Du Ký, một trong những nhân vật hấp dẫn khán giả là Tôn Ngộ Không. Trong tập phim “Đại náo thiên cung”, sau khi đánh cho liểng xiểng đám thiên binh, thiên tướng nhà trời, tự tin với tài năng của mình, Tôn Ngộ Không lên tiếng thách đố với Phật Tổ. Sau khi dùng phép “cân đẩu vân” bay xa hàng ngàn dặm, Tôn Ngộ Không cứ ngỡ rằng mình đã thoát khỏi bàn tay Phật tổ, bay đến “trụ trời”, còn tự tin tè vào trụ trời để làm dấu, nhưng không biết rằng trụ trời đó chính là các ngón tay của Đức Phật. Tôn Ngộ Không vẫn không thoát khỏi bàn tay của Ngài và bị đè xuống núi Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm, trước khi được Đường Tăng cứu.

Đó là chuyện phim, nhưng ngẫm kỹ nó không chỉ có trong phim mà còn hiện diện trong cuộc sống. Với thiết chế chính trị hiện nay, rất nhiều người thấy ra một cái thế để làm ăn rất ngon: đó là kết hợp với kẻ nắm quyền, thông qua nhậu nhẹt, hối lộ, kết bè cánh, lập sân sau, sân trước,... Thật sự là những cách làm ăn rất hiệu quả hiện nay. Cách này đã tạo ra một lớp tỷ phú nức tiếng mà lâu nay ta luôn nghe nói. Rất có lý khi cộng đồng có một biệt danh cho họ là tầng lớp tư bản đỏ. (Lý luận cho số đông, không có ý định quơ đũa cả nắm.)

Từ lâu, cả xã hội đã nói đến những bất công, những tàn phá, những hậu quả do kiểu làm ăn như vậy (bất công giàu nghèo, tham nhũng, môi trường ô nhiễm, đạo đức xuống cấp, kinh tế yếu kém, giáo dục phá sản,….), nhưng không thể thay đổi được. Một trong những lực cản lớn là những kẻ hưởng lợi đó (cả kinh doanh và nắm quyền) không muốn thay đổi vì họ đang hưởng lợi và một trong những nguyên nhân không kém nữa là những kẻ trí thức, có học vấn thấy một cơ hội cho mình, tự tin mình cũng sẽ “chạy chọt” được, cũng sẽ thành công nên cũng không lên tiếng. Xã hội cứ thế tiến bước!

Rồi mùa xuân qua, khúc hoan ca chấm dứt. Cuộc chơi đó đưa đến một thực tế tất yếu hôm nay: những tập đoàn nhà nước siêu vĩ đại Vinashin, Vinalines nợ nần đầm đìa. Một định luật luôn đúng “tiền không tự nhiên sinh ra, mà không tự nhiên mất đi”. Với hàng trăm ngàn tỷ “bốc hơi”, tạo ra một cái lỗ thủng siêu khổng lồ. Ta cũng biết rõ một điều rằng: chính quyền không phải là nơi làm ra tiền, nó chỉ có thể lấy tiền chỗ này bỏ qua chỗ khác. Sau một hồi ảo thuật giấu diếm, xảo trá sổ sách, bao che, vay mượn, bán trái phiếu, lấy chỗ này đắp chỗ kia nhưng việc gì đến tất phải đến.

Hơn 200.000 tỷ là số nợ của chỉ 12 tập đoàn nhà nước và đây cũng chỉ là nợ trong nước, dù dùng nhiều ảo thuật, mị dân, làm an dân để che đi con số thật cuối cùng nhưng theo các chuyên gia ước đoán số nợ của tổng doanh nghiệp nhà nước không ít hơn 120 tỷ USD (hơn 2 triệu tỷ). Lấy tiền đâu ra trả? Thuế, vay mượn cũng không đủ bỏ vào những cái tàu há mồm đó. Cuối cùng còn cách duy nhất là in tiền. Những tên nắm chính quyền, ngoài nắm quyền, nắm khẩu súng, dùi cui còn một vũ khí vô cùng lợi hại nữa là máy in tiền.


Có một nghịch lý, mọi người ai cũng phải vất vả để kiếm tiền và bảo vệ túi tiền, nếu không có những qui định chung bắt buột như thuế, phí thì không bao giờ nhà nước có thể lấy tiền của dân, người dân sẽ phản đối, chống trả đến cùng; nhưng với biện pháp in tiền, phá giá tiền nhà nước không nhọc công mà vẫn lấy được tiền như thường. Một minh họa dễ hiểu, nếu nhà nước phá giá 10% đồng tiền, bạn có 100 triệu thì nhà nước lấy mất 10 triệu, bạn có 1 tỷ thì mất 100 triệu. Một con số quá lớn mà nếu lấy hợp pháp thì không bao giờ được. Có chuyên gia nói: lạm phát là thuế đánh lên toàn dân, là cách cướp đoạt trắng trợn giữa ban ngày, quả không sai. Nếu tính theo sức mạnh thanh toán qua giá vàng, giá lương thực, giá dịch vụ thì giá trị đồng tiền phá ít nhất 5 lần từ 2006 tới nay. Phá giá đến 500%, điều này có nghĩa nếu bạn có 5 triệu thì bạn đã mất trắng 4 triệu, 5 tỷ thì bạn bị cướp 4 tỷ. Một cách cướp tiền êm ái và nhẹ nhàng.

Câu chuyện không chỉ có thế, khi lạm phát xảy ra thì đầu vào tăng lên: giá nguyên vật liệu, nhân công tăng,… mà đầu ra bán không được, chưa hết, bạn còn chịu lãi suất ngân hàng cao (hơn 20%/năm), tất cả những cái đó làm bạn dù có giỏi như Tôn Ngộ Không cũng không thoát khỏi cảnh tài sản bị bốc hơi, thậm chí bần cùng, phá sản.

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây, khi kinh tế suy thoái, như một cuộc đuổi gà để giết thịt, sẽ diễn ra cảnh tháo chạy, trong cảnh hoảng loạn đó, những kẻ nào thân tín với chính quyền, chẳng những thoát khỏi bị giết thịt mà còn nhân cơ hội bắt thêm gà, điều này giải thích tại sao trong lạm phát, kinh tế tiêu điều rất nhiều đại gia đã xuất hiện. (Việc này rất đơn giản, nếu bạn là con cháu thủ tướng bạn sẽ biết khi nào in tiền, vàng lên, khi nào giá xăng tăng, chỉ cần xuất chiêu thì bạn đã có hàng tấn “thịt gà” ngon lành).

Trong khung cảnh hoảng loạn trên tất yếu sẽ có nhiều, nhiều con gà là nạn nhân cực kỳ thê thảm. Sự phá sản, sạt nghiệp của các đại gia chứng khoán, bất động sản là một minh chứng hùng hồn.

Dù rất ngưỡng mộ tài năng kinh bang tế thế, làm ăn, bắt tay quan chức của Bầu Đức, tài năng đó không chỉ được khẳng định ở VN mà tầm quốc tế với Lào, Campuchia, Myanma nhưng sự bốc hơi tài sản của ông ở tầm 7.000 tỷ hoặc viễn cảnh ông phá sản cuối năm nay thì cũng không có gì lạ. Với hơn 15.000 tỷ ông gây dựng cả đời, không là gì để trám cái lỗ khổng lổ 2 triệu tỷ. Ông là nạn nhân vì ông là một con gà quá lớn nên phải đem thân chịu trận, rất khó xoay trở. (Bầu Đức rất thông minh khi tiên đoán về khủng hoảng bất động sản, đã chủ động hạ giá căn hộ đến 40% nhưng cũng không thoát, với hàng ngàn căn hộ tồn kho và hàng ngàn tỷ đồng vay mượn, mỗi ngày ông bị “thịt” ít nhất là vài tỷ đồng mà không thể làm được gì, thật đau đớn cho ông).

Giỏi như “Tôn Ngộ Không” nhưng Đoàn Nguyên Đức cũng không thể thoát khỏi bàn tay “Phật Tổ”.

Đây là tình cảnh bị giết thịt của các doanh nhân, và điều bất ngờ là số thịt đó suy cho cùng đã chạy vào “tủ lạnh” của một số chóp bu (chỉ thật sự chóp bu, còn làng nhàng cũng bị thịt tất), kẻ mà trước kia là “ân nhân” của ông. Thật là công dã tràng.

Chúng ta chỉ có thể giàu có bền vững, đáng tự hào khi chúng ta làm giàu lên từ môi trường minh bạch, từ luật pháp nghiêm minh.

Thân gửi các doanh nhân tài năng (và các chính trị gia tầm tầm), ngày đêm xuôi ngược, nhậu nhẹt, bắt tay, ngựa xe xúm xít, “hai tay xoay tít, cái đít cong vòng”,… chúng ta có nên tiếp tục tham gia vào một sân chơi như thế này nữa không hay cùng chung tay thay đổi để có tương lai bền vững, tươi sáng không chỉ đời chúng ta mà cả đời con cháu chúng ta.

Hãy nghĩ đến cái họa mất nước, đó là cái họa chung, khi đó dù là tài năng Tôn Ngộ Không thì cũng bị giết thịt ráo.


(nguồn_danlambao)http://danlambaovn.blogspot.com/2012/06/khong-thoat-khoi-ban-tay-phat-to.html#more
---------------------------------------------------------------------------------

Nhân dân khốn khổ vì đâu?


Việc cách mạng là việc của nhân dân, ý dân là ý trời! Dân có biết dân mới hành động!

Trong bài viết “Không thoát khỏi bàn tay Phật tổ” chúng ta thấy được một sự thật đau lòng với các doanh nhân, họ đã bị “giết thịt” như thế nào. Với suy nghĩ của nhiều doanh nhân cho rằng tình cảnh khốn khó của họ là do thị trường, do suy thoái kinh tế, do mình không đủ tài năng, do mình xui,… (họ nghĩ vậy hoàn toàn có lý) nhưng dưới góc nhìn của tôi, luôn lấy những qui luật lớn chi phối để kiến giải thì dù có giỏi như Tôn Ngộ Không thì cũng không thoát, việc bị thịt, bị sạt nghiệp, phá sản là đương nhiên. Ai cũng thoát thì lấy đâu ra 2 triệu tỷ để trám cái lỗ khổng lồ do các “tàu há mồm” gây ra. Doanh nhân, những con người được cho là lanh khôn, có tầm nhìn xa trông rộng còn thê thảm vậy, còn với đại đa số nhân dân, những người lao động đầu tắt, mặt tối mưu sinh thì sao?

Với số đông, bình sinh con người là lo việc trước mắt, và hành động mãnh liệt khi thực sự bị khốn khó. Đây cũng là căn nguyên của những cuộc nổi dậy, những cuộc cách mạng nhuốm màu bạo lực mà nhiều khi đi sai đường. Nhiều cuộc cách mạng trời long đất lở, núi xương sông máu nhưng kết quả nhân dân cũng chỉ như một đàn gà, lừa từ chuồng này qua chuồng khác, sau đó mọi việc “vũ như cẩn”, thê thảm và thương thay!

Càn khôn chuyển dời, nhân dân hữu trách là tâm niệm của tôi. Nhân dân nhận thức đúng, suy nghĩ đúng, hành động đúng, càn khôn chuyển vận nước tươi sáng! Suy nghĩ sai, bạo lực loạn lạc, vận nước tăm tối, nhân dân khốn khổ.

Một thực tế không thể chối cãi là người lao động ngày càng vất vả, làm nhiều hơn, lương về số lượng có tăng (700.000đ lên 3 triệu) nhưng chất lượng cuộc sống xuống thấp rõ thấy, không có tích lũy. Từ công nhân đến giáo viên, từ thợ hồ đến bác sĩ, từ nông dân đến tiểu thương,… khốn khổ, bế tắc, làm nhiều, không đủ sống, không đủ tiêu là những gam màu chủ đạo. Ở các nước, người lao động chỉ làm ngày 8h, tuần 40 h thì đã đủ sống an nhàn, người dân Việt Nam tôi nghĩ rằng thời gian làm việc của họ có thể đến hơn 12h/ngày và có thể làm quanh năm suốt tháng như nông dân.

Làm suốt, làm chăm chỉ vậy mà không đủ ăn đủ tiêu, nguyên nhân vì đâu?

Sẽ có câu trả lời là: do nước mình nghèo nên dân khổ, do trình độ thấp nên năng suất kém, do hậu quả chiến tranh (cái này mấy chóp bu hay nói), do khủng hoàng kinh tế của thế giới, do suy thoái chung,... đó là nguyên nhân dễ thấy và nó cũng chỉ là chuyện ngoài da, cái thực sự nó nằm ở chỗ khác!

Bắt đầu một thực tế rành rành là lỗ thủng 2 triệu tỷ, vấn đề là phải trám nó, “oán có đầu, nợ có chủ”, có nợ thì không sớm thì muộn cũng phải trả, nhiều ảo thuật được trình diễn nhưng cuối cùng vẫn là cách “in tiền”. In tiền chính là lấy tiền của toàn xã hội, ai có nhiều lấy nhiều, ai có ít lấy ít. Đây là khởi đầu của một quá trình gọi làm lạm phát, tiền mất giá. Trong lạm phát doanh nhân bị cướp đoạt, bị giết thịt thế nào thì ai cũng rõ. Còn về dân nghèo, những người làm công ăn lương thì sao?

Giàu như Bầu Đức cũng chỉ tầm 15.000 tỷ, giết thịt hết đám doanh nhân cũng không là gì trong cái lỗ thủng siêu vĩ đại 2 triệu tỷ. Chắc chắn là cần phải có nhiều thịt hơn cho cái lỗ đó, lấy đâu ra? Đó là túi tiền, là sức lao động của 90 triệu dân, ngày đêm làm quần quật để góp phần trám cái lỗ thảm họa đó. Một ví dụ để quí bạn dễ hình dung, một nghề không bị ảnh hưởng suy thoái là buôn bán gạo, dù trời đất có thế nào thì người dân cũng phải ăn. Lấy một bài toán mô hình, giá gạo năm 2006 là 5.000đ/ký, một nhà buôn có 1.000 tấn gạo qui ra tiền 5 tỷ. Sau 5 năm buôn bán, đầu tắt mặt tối, vốn tăng lên 10 tỷ nhưng lúc này giá gạo là 12.000đ.ký. Với 10 tỷ chủ hàng chỉ có thể mua lại tầm 833 tấn. Vậy 167 tấn và công sức lao động suốt 5 năm qua đi đâu? Xin thưa, đi vào cái lỗ thủng 2 triệu tỷ!

Nước đục béo cò, lỗ thủng 2 triệu tỷ không chỉ 2 triệu tỷ mà còn hơn thế vì số thịt còn bị những tên cơ hội, cấu kết quyền lực kiếm thêm.

Tình hình nguy khốn, ngoài nắm cái máy in tiền, các tên chóp bu còn nắm những doanh nghiệp độc quyền mà ai cũng phải dùng “điện, xăng, dầu”, giá các mặt hàng này tăng vút, tạo ra siêu lợi nhuận, vì độc quyền nên người dân chỉ còn một cách là phải chấp nhận rút tiền trả (những ai còn mơ màng doanh nghiệp nhà nước là ông tiên nhân hậu với dân lành thì tỉnh đi là vừa). Rõ ràng chúng đã bóp hầu, bóp họng người dân bằng mọi cách, bằng nhiều chiêu thức, bòn rút xương máu của 90 triệu dân để khắc phục hậu quả của khúc hoan ca 2 triệu tỷ. Suy cho cùng thành quả lao động của toàn dân đã bị một nhóm cướp đoạt qua ảo thuật lạm phát.

Đó là lý do vì sao quan chức thì nhà cao cửa rộng, gái gú, bài bạc cả tỷ đồng 1 ván cờ, ngồi mát ăn bát vàng còn người dân thì dãi nắng dầm sương làm lụng quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn.

Đồng tiền mất giá, giá cả tăng cao làm cho đồng lương bị “teo tóp”, để bảo đảm cuộc sống, họ phải lao động cật lực hơn, chi tiêu tằn tiện hơn. Đồng lương đã bị rút ruột, ta nghe nhiều đến công trình rút ruột, ít ai biết nhóm chóp bu cầm quyền còn rút cho rỗng ruột túi tiền của 90 triệu dân. Và một điều nữa là khi lạm phát, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thua lỗ, phá sản dẫn đến nhu cầu việc làm giảm xuống, một cuộc tranh đua tìm việc của những người lao động bắt đầu, và ngày càng kinh hoàng với đà lạm phát. Kết quả cuộc đua là chấp nhận làm nhiều hơn mà “thu nhập” ít hơn. Cuộc sống khốn khó hơn.

Lịch sử đã nhiều lần xác minh chân lý: “quá bức bách, người dân sẽ nổi dậy”. Việc người ta sẽ nghĩ đến đầu tiên mà họ cho là ngọn nguồn gây khốn khó, đau khổ cho cuộc sống là người giàu, là giới chủ, là quan tham, và bạo lực để tiêu diệt. Chỉ thấy việc trước mắt nên nhiều người sẽ nghĩ đến sự bóc lột của người chủ, “bọn tư bản xấu xa”, “quốc hữu hóa” là khẩu hiệu được nhiều người lao động ủng hộ.

Xin thưa quý bạn hữu, chúng ta là những người Việt nam, con dân một nước, bạo lực, giết chóc không phải là giải pháp. Tử hình, bỏ tù một quan tham cũng không phải là lối thoát. Bằng trí tuệ, bằng trái tim yêu nước, thương dân nhân văn chúng ta hãy có cái nhìn toàn cục, thấu đáo để có giải pháp đưa đến nước cường, dân thịnh, ai cũng có lợi, tránh cảnh binh đao, đàn áp, nồi da xáo thịt. Dân tộc Việt ta đã quá khổ đau, hãy cùng nhau sáng suốt và nhân ái để thay đổi.

Xin quý bạn hữu tham khảo một đề xuất ở đây!


nguồn_danlambao:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/06/nhan-dan-khon-kho-vi-au.html#more

-----------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001