Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Minh Văn - Thông Gia


Minh Văn
Cụ Doanh thở dài não nề, càng nghĩ đến đứa con dâu cụ càng càng tức lộn ruột, thực là không còn trời đất gì nữa mà. Thấy người ta có dâu hiền rể thảo mà thèm muốn, đằng này nhà mình...thà rằng không có đứa con dâu như vậy còn hơn. rồi cụ đưa tay lên sờ má, ôi cái vết ô nhục vẫn còn đây, giờ này vẫn còn thấy đau. Nổi nhục này muôn đời không rửa nổi, trời đất nào có hay? Cái nhục mà ông thông gia trời đánh đã dành tặng cho ông đây. Rồi từng sự việc lại trở về trong đầu óc cụ Doanh như một cuốn phim...
Cách nay hơn ba tháng, cụ Doanh cưới vợ cho đứa con trai duy nhất. Anh Nghiệp con trai cụ đang làm việc trong Nam, nhờ có họ hàng quen biết mối lái mà hỏi cưới được cô vợ cũng trẻ và xinh đẹp. Xem chừng đôi trai gái cũng yêu thương quấn quýt nhau lắm. Nhà gái cách nhà trai chừng độ ba cây số, như vậy kể cũng gần gũi và thuận tiện. Cụ Doanh vui lắm, vì chỉ có cậu con trai một, mà cụ lại là trưởng tộc nên cần sớm có cháu đích tôn nối dõi tông đường. Hàng xóm, họ hàng biết vậy nên ai ai cũng đến chúc mừng, vì vậy mà ngày hôn lễ cụ phải luôn mồm đáp lễ và cảm tạ mọi người.
Cụ nghĩ rằng mình là trưởng tộc, cả họ người ta nhìn vào, nên cần có một cô con dâu hiền và đảm đang để chu toàn mọi việc. Nhất là công việc cỗ bàn tiếp khách, chẳng may mà vớ phải cô con dâu đoảng thì cả họ người ta cười cho, đến lúc ấy thì cụ đâu còn thể diện gì nữa. Bởi vậy mà mấy hôm đầu, cụ để ý từng tí một để mà uốn nắn cho được một cô con dâu như ý. Người ta thường nói: “Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”. Thằng con trai mình nó vô tâm, vì vậy mình phải thay mặt nó mà rèn cho vợ nó thành dâu đảm dâu hiền mới được. Cô con dâu bị cụ để ý dữ quá xem chừng cũng khó chịu và bực bội. Niềm ước vọng hạnh phúc khi về nhà chồng đã tan biến trong cô khi mỗi hành động, lời nói của cô đều bị bố chồng xét nét một cách kỹ lưỡng.



o0o

Bữa cơm hôm ấy có hai vợ chồng cụ Doanh và đôi vợ chồng mới cưới. Giờ này nhà cũng ít người, vì hai cô gái lớn đã lấy chồng xa. Kể ra cái khoản nội trợ thì cô dâu mới cũng đảm đang, nhưng xem chừng cũng chưa được như ý, vì cụ Doanh là người khó tính mà. Sau khi cô con dâu đã chuẩn bị xong bữa ăn, mọi người cùng ngồi vào mâm. Cụ Doanh nhìn quanh một lượt: kể cũng được, món ăn sắp xếp có thẫm mỹ và nấu cũng ngon. Cụ đang loay hoay chưa tìm được lý do gì để mà chê cả. Cuối buổi cơm, cô con dâu múc cho cụ bát canh. Cụ nếm thử rồi đặt vội xuống mâm và nói:
- Canh gì mà nhạt như nước ốc, cỗ bàn mà như thế này thì người ta cười cho thối mũi...
Cô con dâu đang hí hửng, nghe cụ nói vậy thì có khác nào bị dội một gáo nước lạnh. Cô vùng vằng đứng dậy nói lấp lửng:
- Không ăn thì thôi, chỉ có chê là giỏi...
Rồi cô chạy vào giường mà nằm khóc thút thít.
Chuyện gì thế này? Con dâu dám cãi lại bố chồng ư? Cụ Doanh không còn tin vào tai mình nữa, cụ đưa ngón tay út ngoáy ngoáy vào lỗ tai rồi hỏi vợ:
- Nó vừa nói gì vậy, bà có nghe thấy không?
Anh con trai thì thở dài đứng dậy mà không ăn nữa. Cụ bà vội nói:
- Thôi, con nó còn trẻ dại, ông bỏ qua đi cho!
Cụ Doanh đứng phắt dậy, nói lớn:
- Tha thế nào được, làm gì có thứ con dâu cãi bố chồng xoen xoét như thế. Bảo bố nó đến đây xin lỗi thì tôi bỏ qua. Nếu không thì trả về đàng ngoại.
Rồi cụ chắp tay mà đi lên nhà trên. Là trưởng tộc, mỗi lời nói của cụ là một mệnh lệnh bất di bất dịch. Cụ bà hiểu như vậy, vội chạy lại níu áo con trai nói nhỏ:
- Bố mày giận lắm đấy, ông ấy không nói đùa bao giờ đâu. Bảo vợ con nó xin lỗi ông ấy không thì to chuyện đấy!
Anh Nghiệp nghe mẹ nói vậy liền thì thầm với vợ, nhưng năn nỉ thế nào vợ anh cũng không chịu xin lỗi bố. Cô cũng không phải là tay vừa, vì thế mà không khí gia đình căng như giây đàn, như đang sắp có chiến tranh đến nơi. Anh Nghiệp như con rối, hết van xin bố lại năn nỉ vợ, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Nhìn thấy bố giận dỗi bực bội, vợ thì nét mặt nặng như chì, lòng anh rối như tơ vò.
Rồi không thể chịu mãi tình trạng chiến tranh lạnh như vậy trong nhà, cụ Doanh nhờ người bắn tin lên đằng ngoại, cụ thể ở đây là ông thông gia: “Con gái ông hỗn, dám cãi lại bố chồng. Nếu ông không dạy bảo được thì tôi sẽ trả về đằng ngoại”. Lời nhắn của cụ Doanh như một bức tối hậu thư, buộc nhà gái phải trả lời rõ ràng trước giờ G. Đằng gái rối hết cả lên, sau buổi họp khẩn cấp, bố cô dâu nói: “Con mình gả cho người ta, có cưới hỏi đàng hoàng. Vợ chồng sống với nhau cả đời, nếu cứ hôm nay ông ta yêu cầu mình xin lỗi, thì mai ông ta sẽ bắt mình vái lạy cho mà xem”. Vì vậy mà ông kiên quyết giữ vững lập trường, không để cho ông thông gia lấn lướt, dù chỉ một phân. Rồi ông tuyên bố với mọi người: “Con gái tôi thông minh xinh đẹp, giỏi giang gia giáo. Thằng Nghiệp lấy được con tôi là phúc ba đời nhà nó. Đừng có mà được voi đòi tiên, nói với bố nó là có xin lỗi tôi thì được chứ không đời nào tôi xin lỗi ông ta đâu”. Vì hai nhà thông gia không xa nhau lắm, nên thông điệp này nhanh chóng đến tai cụ Doanh. Cụ liền nổi trận lôi đình, đập bàn quát:
- Trả, trả ngay về đằng ngoại. Tôi không có thứ con dâu cãi bố chồng như vậy, không có loại thông gia ngông cuồng như thế!
Vợ ông nỉ non khuyên giải:
- Xin ông bình tĩnh mà suy nghĩ lại, nhà mình chỉ có thằng Nghiệp là con trai. Ông làm thế thì phá hỏng hạnh phúc của con, họ hàng người ta lại cười chê cho. Ông là trưởng tộc mà, để rồi cả họ người ta còn nhìn vào chứ!
Không ngờ cụ Doanh lại càng giận, cụ đứng bật dậy, giơ hai tay lên trời nói lớn:
- Chính vì tôi là trưởng tộc nên mới cần như vậy. Thử hỏi con dâu nó hỗn, coi tôi không ra gì thì họ tộc còn ai nể phục tôi nữa. Bảo thằng Nghiệp bỏ vợ, tôi sẽ cưới cho nó con vợ khác xinh đẹp ngoan ngoãn hơn...
Cụ bà năn nỉ thế nào cũng không lay chuyển được ý chí sắt đá của cụ ông, chỉ còn biết sụt sịt khóc. Lần này, với dáng vẻ oai phong của một vị Nguyên Soái lừng danh, cụ Doanh đứng thẳng người tuyên bố:
- Mấy ngày nữa là họp họ, tôi sẽ mời ông thông gia đến mà chứng kiến. Trước mặt họ hàng làng mạc, tôi sẽ bố cáo với tổ tiên về đứa con dâu hư đốn này. Lúc này nếu ông ta (ông thông gia) mà đứng ra xin lỗi thì tôi sẽ suy nghĩ lại, còn nếu vẫn ngoan cố như hôm nay thì tôi sẽ quyết định trả lại con cho ông ta luôn. Có tổ tiên chứng giám, mọi người ba mặt một lời, không còn ai trách cứ gì được tôi nữa!



o0o

Sự đời cũng thật trớ trêu, nhiều khi sự việc diễn ra bất như ý, thậm chí là trái ngược với ý muốn của con người, điều mà các cụ ta xưa vẫn gọi là gió bất ngờ đổi chiều đó mà. Những tưởng được oai phong lẫm liệt trước mặt mọi người, ai dè lại chuốc lấy nhục nhã ê chề. Nổi đau này thì có lẽ khó ai có thể thấm thía hơn cụ Doanh trong lúc này.
Nhà cụ Doanh hôm nay nhộn nhịp hẳn lên, vì có buổi họp họ. Ngoài họ hàng làng mạc ra thì cụ Doanh còn mời thêm nhiều khách quan trọng khác đến dự nữa. Nhà cửa được trang hoàng sạch đẹp khác với mọi ngày. Trên bàn thờ đèn nến sáng trưng, đủ thấy vẻ trang nghiêm và quan trọng khác thường. Mọi người vào ra cẩn trọng, ai cũng khép nép kính cẩn. Là trưởng tộc, nên hôm nay cụ Doanh là nhân vật quan trọng nhất, nhất cử nhất động của cụ đều được mọi người dõi theo với một ánh mắt nể trọng.
Sau khi nội tộc đã họp kín và ra quyết định quan trọng, cụ Doanh cho người nhà dọn cỗ bàn ra mời quan khách. Mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ, tiếng cụng li và những lời chúc tụng lẫn nhau vang lên không ngớt. Ông thông gia thì ngồi cùng mâm với cụ Doanh, tuy vậy nhưng hai ông luôn tránh ánh mắt của nhau, không khí chưa có vẻ gì là thân thiện cả. Giữa buổi tiệc, cụ Doanh bất ngờ đứng dậy chắp tay nói với quan khách:
- Xin mời các vị tạm dừng đũa, lắng nghe tôi có đôi điều cần bày tỏ!
Mọi người đang ăn uống say sưa, đều nhủ nhau dừng cả lại, tất cả quay mặt về phía cụ Doanh đồng thanh lên tiếng:
- Có việc gì xin cụ cứ nói, chúng tôi đây xin nghe!
Được sự đồng ý của mọi người, cụ Doanh liền bước đến trước bàn thờ tổ rồi trang nghiêm vái lạy ba lạy. Xong rồi, với vẻ mặt xúc động cụ quay ra nói với mọi người:
- Thưa các quan khách, hôm nay tôi có một việc hệ trọng muốn được kính cáo trước tổ tiên và bày tỏ tới quý vị. Xin mọi người làm chứng cho thì tôi mới dám tỏ bày!
Mọi người lại đồng thanh nói:
- Xin mời cụ cứ trình bày!
Không khí lúc này thật trang nghiêm, mọi người im phăng phắc để chờ nghe cái điều hệ trọng mà cụ Doanh đang sắp nói ra, ai cũng đoán già đoán non. Người ta có thể nghe rõ tiếng đồng hồ quả lắc đang tích tắc điểm từng tiếng một. Rồi tiếng cụ Doanh sang sảng cất lên:
- Như mọi người đã biết, con trai tôi mới cưới vợ. Tôi là trưởng tộc, những tưởng được đứa con dâu hiền thảo để vẻ vang với gia tộc. Nào ngờ gặp đứa con dâu hỗn láo, dám cãi lại bố chồng. Nhân tiện có ông thông gia đây, nếu ông thành thật dạy bảo con gái mình thì tôi không còn câu nệ nữa, nếu không tôi sẽ trả con gái về cho ông.
Rồi cụ Doanh quay sang nhìn ông thông gia, mọi người cũng nhất loạt hướng ánh mắt về phía ấy. Bị một vố mất mặt trước đông người, con gái mình lại bị chỉ trích thậm tệ, ông thông gia cũng nộ khí xung thiên đứng dậy nói lớn:
- Tôi tưởng ông là người có học nên ăn nói cẩn thận. Nào dè ông lại chê bai con dâu trước mặt mọi người. Ông đúng là đồ ngu!
Như bị một phát đại bác bắn bên tai, cụ Doanh vừa mới kịp ngồi xuống liền đứng bật ngay dậy, tay chỉ về phía ông thông gia, quát lớn:
- Ông nói ai ngu? Trả, trả ngay đứa con dâu hư đốn. Tôi không có loại thông gia vô học như ông!...
Vừa lúc ấy người ta nghe một tiếng “bốp” thật to, rồi thấy cụ Doanh đưa hai tay bưng mặt. Thì ra không còn nhịn nổi lời miệt thị của cụ Doanh, ông thông gia liền giáng ngay một cái tát trời giáng vào mặt cụ. Liền sau đó hai ông thông gia lao thẳng vào nhau, may mà mọi người kịp ôm chầm lấy từng người một để không xẩy ra một cuộc chiến lưỡng hổ tương tàn. Tiếng bát chén, mâm đũa va vào nhau đổ vỡ nghe loảng xoảng. Người nhà hốt hoảng chạy đi chạy lại thu dọn chiến trường, họ không ngờ hôm nay cụ Doanh – vị nguyên soái của họ - lại gây ra một cuộc chiến lớn đến như vậy, thay vì nói chuyện trong ôn hòa.



o0o

Đã hết thời gian nghỉ phép ở nhà cưới vợ, nhưng anh Nghiệp đành xin cơ quan cho nghỉ thêm mấy ngày để giải quyết việc gia đình. Đây là chuyện nằm ngoại dự kiến, nên anh cũng không ngờ tới. Sau cú tát của ông thông gia, cụ Doanh lồng lộn lên và đuổi thẳng cổ vợ anh về đằng ngoại, và tuyên bố từ nay không có cô con dâu này nữa. Còn đối với bố cô dâu thì khỏi phải nói, cụ Doanh thề trước đại chúng rằng: “Trừ phi tôi không có mặt trên cõi đời này nữa, còn sống một ngày tôi cũng không thể nhìn thấy mặt nó. Nổi nhục này không thể thứ tha, mối thù này thề không đội trời chung!”. Những ngày này anh Nghiệp gần như hoảng loạn. Một mặt anh phải hứa với bố là từ bỏ vợ, mặt khác lại phải chạy đôn đáo tới đằng ngoại để xin lỗi và thu xếp mọi việc. Một phương án khả dĩ được đưa ra: Cô dâu tạm thời ở nhà ngoại, mỗi lần về với vợ thì anh Nghiệp sẽ đến đây ở. Mọi việc được dấu kín mà không cho cụ Doanh biết, chờ một thời gian cụ nguôi giận rồi sẽ tính chuyện Châu về Hợp Phố sau. Thu xếp xong, anh Nghiệp lại trở lại cơ quan trong Nam để làm việc.
Kể từ hôm họp họ và xảy ra cuộc xung đột nói trên, mấy ngày hôm nay cụ Doanh không ra khỏi nhà. Phần vì không mặt mũi nào nhìn thấy mọi người, phần vì vết thương vẫn còn đau nhức và sưng tấy lên. Vì vậy mà ngồi rút tỉa kinh nghiệm và suy tưởng là một việc làm đúng đắn trong lúc này. Sự việc đã đến nước này, cụ cũng không tiếc làm gì nữa, nhưng việc đổ vỡ mối quan hệ thông gia là rõ rồi, không thể cứu vãn được. Đúng là ông trời tệ bạc với mình mà, ngẫm thấy người ta thông gia đối xử tử tế với nhau mà thèm. Như cụ Đông và cụ Tiến làng bên chẳng hạn. Hai cụ thông gia này đi đâu cũng quấn quýt có nhau, kẻ xướng người họa như Tử Kỳ gặp Bá Nha vậy. Họ tâm đầu ý hợp thực, đúng là “Khi chén rượu lúc cuộc cờ...”, thông gia như thế mới gọi là thông gia chứ. Đằng này mình lại...nghĩ đến đây cụ lại bất giác đưa tay sờ lên mặt. Lại còn cái đám “Tổ hòa giải” của xã nữa chứ, con nít trẻ ranh thì biết gì mà hòa với giải. Chúng nó hòa giải cho ai thì mười vụ có đến chín vụ vợ chồng người ta bỏ nhau. Rõ là trò hề!
Nhưng dù sao thì cũng đã tống khứ được cái đứa con dâu hư đốn kia ra khỏi nhà. Từ nay cụ lại được hưởng thái bình mà không phải buồn bực nữa. Đúng là bố nào con nấy, rặt một tuồng hỗn hào cả. Bất giác vết thương trên má lại đau nhức, cụ vội ngã lưng xuống sập gụ để nghĩ ngơi tĩnh dưỡng như lời cụ bà đã dặn.



o0o

Buổi sáng hôm nay thật đẹp trời, tiếng chim chuyền cành hót líu lo nghe vui tai. Khí hậu mát mẻ dễ chịu, những giọt sương còn đọng trên giò Phong Lan mới nở như những viên kim cương lấp lánh. Chỉ gần tiếng đồng hồ nữa thôi thì ánh mặt trời chói chang sẽ lên cao, cái nóng sẽ bắt đầu gay gắt chiếu xuống mọi vật. Tranh thủ lúc đang mát trời cụ Doanh pha ấm trà Thái Nguyên, rồi ngồi trước mái hiên vừa uống trà vừa ngắm nhìn phong cảnh buổi sáng.
Chén trà ngon làm cho đầu óc cụ tỉnh táo và cảm thấy sảng khoái hẳn. Có lẽ từ mấy tháng nay thì đây là lần đầu tiên cụ mới có được một buổi sáng yên bình như thế này. Từ nay cụ sẽ không còn thấy bóng dáng đứa con dâu yêu nữ trong nhà này nữa, thật là hạnh phúc và yên tĩnh biết bao! Phong cảnh cũng chiều theo tâm trạng con người mà, cụ thích thú lắng nghe tiếng chim hót trên cành. Ôi, tiếng chim thật dễ thương và gần gũi biết bao, thế mà lâu nay cụ không được nghe vì cứ mở mắt dậy là cái không khí bất hòa nặng nề nó lấn át đi mất cả. Rồi cụ đưa mắt ngắm nhìn những chậu cảnh quen thuộc, ánh mắt đột nhiên dừng lại ở giò phong lan Hài Vệ Nữ vừa mới nở. Đẹp quá! Thiên nhiên thật kỳ diệu đã ban tặng cho con người cái giống Lan tím biếc và mượt như nhung, hình dáng thì như chiếc hài của cô Tấm ngày xưa vậy. Chiếc hài mà Hoàng Tử đã dùng để tìm lại người vợ yêu quý của mình. Giò Lan được treo trên hàng hiên đang đung đưa trong gió, chùm hoa phô ra những ánh biếc với hình chiếc hài ngồ ngộ.
Cụ Doanh ồ lên thích thú, rồi bất chợt cụ đứng dậy chắp hai tay ra sau lưng mà bước ra tận hàng hiên. Cứ thế cụ đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần bên dưới giò Lan để mà ngắm nghía. Tức cảnh thành thơ, cụ buộc miệng ngâm khe khẽ:
Líu lo chim chóc chuyền cành
Hài Lan Vệ Nữ còn dành đợi ai?
Đợi người quân tử anh tài
So chân ướm thử vắn dài, thấp cao

Ngâm xong cụ vuốt râu khoái trá mà tự thán phục cái tài thơ của mình. Mãi thơ thẩn ngâm vịnh mà cụ quên rằng ánh mặt trời đã lên cao. Cụ bà cũng đã thức dậy và đang lục tục làm mấy công việc hàng ngày quen thuộc, từ ngày đứa con dâu bỏ về đàng ngoại thì cụ lại phải tự tay làm lấy mọi việc. Thấy thời gian riêng tư buổi sáng dành cho mình đã hết, cụ Doanh quay bước trở vào nhà, chợt nghe thấy tiếng chào phía sau lưng:
- Con chào cụ, buổi sáng cụ dậy sớm thế cơ ạ?
Cụ Doanh quay lưng lại, thấy một anh thanh niên trạc tuổi thằng Nghiệp nhà cụ vừa mới dắt xe vào sân. Cụ nhìn anh ta từ đầu đến chân rồi hỏi:
- Chào anh, anh là...
- Thưa cụ, con là bạn làm cùng cơ quan với anh Nghiệp. Nhà cháu ở xã bên, hôm nay cháu về thăm nhà, nhân tiện anh Nghiệp có gửi quà về biếu cụ ạ!
Nghe thấy thế, cụ Doanh liền nói:
- Vậy thì mời anh vào nhà xơi nước.
Anh thanh niên theo chân cụ Doanh vào nhà. Sau tuần trà cụ hỏi:
- Nào, thằng con tôi nó có khỏe không? Nó không còn tơ tưởng gì đến con vợ hư hỏng nữa chứ?
- Dạ anh Nghiệp khỏe, anh ấy chỉ lo công việc và nhớ đến cụ. Còn chuyện vợ con thì anh ấy đã quên rồi ạ!
Cụ Doanh gật đầu hài lòng, như vậy là thằng con trai nó biết thương cha, biết nghe lời cha. Vậy nó cũng xứng đáng với tổ tiên nguồn cội.
Rồi anh thanh niên trao cho cụ bức thư anh Nghiệp gửi cho bố, kèm theo chiếc phích nước của Tàu vỏ nhựa lấp lánh mà cụ ưa thích dùng để pha trà. Cụ Doanh vui vẻ nhận quà và thư. Vì đang vội nên anh nhanh nhảu chào cụ và xin phép ra về. Ra đến sân anh dừng lại lúi húi để buộc đồ đoàn. Chợt một tiếng xoảng vang lên chát chúa, chiếc phích anh Nghiệp mới mua tặng bố bị ném vỡ vụn ngay dưới chân anh. Không dám dừng lại hỏi lý do, anh vội dắt xe nhanh ra cổng. Đến đây anh mới dừng lại kiểm lại món đồ thì bất giác giật mình "Chết rồi! mình đưa nhầm thư anh Nghiệp gửi vợ cho ông cụ rồi". Anh chợt hiểu ra nguyên nhân mà chiếc phích bị ném vỡ kia. Nhanh chóng, anh lên xe chạy thẳng một mạch. Về phía cụ Doanh, sau khi nhận quà của con trai liền vui vẻ mở thư ra đọc. Vừa mới mở lá thư, cụ đã thấy ngay dòng chữ "Gửi Thanh Phương, vợ yêu quý của anh...". Cụ liền nổi trận lôi đình, tiện tay mà vớ luôn chiếc phích ném ra ngoài sân, miệng chửi vung lên:
- Chúng mày định lừa ông già này hả...
Rồi cụ chạy vội ra sân để toan cho kẻ đồng đảng kia một bài học, nhưng cả người và xe đã không còn ở đó nữa.
19.6.2012

Minh Văn
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Tư, 20/06/2012 
nguồn_danluan:http://danluan.org/node/13013
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001