Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Nói thì dễ, làm vô cùng khó...
Dân Nam Sơn
10/06/2012
Thưa bác Tổng và Huynh tiên sinh, để làm được báo Nhân dân hay, có người đọc như các bác chỉ đạo, vô cùng khó, không khác đòi bắc thang lên trời. Vì sao thì các bác biết hết.
Đọc BBC (xin lỗi 30 năm nay mình không đọc báo Đảng), mình mới biết cụ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm báo Nhân Dân vào sáng 9/6/2012. Sắp đến ngày kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2012) nên cụ Tổng đến thăm báo Nhân dân cũng là đến thăm những người làm báo "lề Đảng". Chuyện ấy vẫn là chuyện bình thường.
Cụ Tổng chỉ đạo gì? Theo BBC, cụ Tổng "“mong muốn báo Nhân Dân đổi mới có nguyên tắc nhưng phải khắc phục tính khô khan”. “Tuyên truyền về chính trị một cách có nghệ thuật bằng những cảm xúc thật sự để nội dung đó đi vào lòng người một cách tự nhiên...nhưng không chạy theo thị hiếu tầm thường trái với tôn chỉ mục đích, chức năng và nhiệm vụ của báo Đảng” - cụ Tổng chỉ đạo.
Thế nào là "tuyên truyền chính trị một cách có nghệ thuật"? Cổ nhân dạy: "Nói thì dễ, làm lễ vô cùng khó". Bài toán cụ Tổng đặt ra cho báo Nhân Dân vô cùng khó nếu không muốn nói là không thể.
Dù sao, cụ Tổng nói còn dễ thông cảm, bởi lãnh đạo nào chẳng "vĩ mô"?
Tháp tùng cụ Tổng còn có "ông vua lý luận" của Đảng - Đinh Thế Huynh. Phải nói Huynh "một bước lên tới thiên đàng", năm trước ông còn là Tổng biên tập báo Nhân dân. Sau Đại hội Đảng XI (tháng 1/2011) đến nay, đàng trước tên Đinh Thế Huynh là một dãy chức vụ dài dằng dặc: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương...Thời còn làm phóng viên, ngay cả lúc trở thành thư ký của ông Hữu Thọ (nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân) cho đến lúc bàn giao chức vụ cho Thuận Hữu, đố ai tìm ra một bài báo nào đáng để đọc của Đinh Thế Huynh.
Đinh tiên sinh dặn gì ở báo Nhân Dân? Theo BBC, cựu Tổng biên tập báo Nhân Dân, Ủy viên Bộ Chính trị, được dẫn lời nói “ Báo Nhân Dân luôn giữ vững định hướng chính trị, nhưng chưa thật hấp dẫn, hình thức thể hiện còn khô khan”. “Báo Nhân Dân cần phát huy ưu thế ở các thể loại bình luận điều tra, phóng sự điều tra đáp ứng nguyện vọng, đòi hỏi của nhân dân” - ông chỉ đạo.
Lại nhớ lời cổ nhân: nói để người khác làm vô cùng dễ, mình tự làm mới khó. Không chỉ không có bài báo nào "hấp dẫn" mà tờ báo Nhân Dân - nơi mà Huynh tiên sinh làm Tổng biên tập đến 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng chẳng "tươi mới" hơn thời Hồng Vinh, hình thức thể hiện vẫn vô cùng khô khan: tin chủ yếu là tin hội nghị, bài chủ yếu là minh họa cho các nghị quyết mới ban hành...Chợt nhớ, thời Hồng Vinh còn làm Tổng Biên tập, Vinh tiên sinh nói với mình: "Ông thông cảm, báo Nhân dân là công báo mà?". Đúng thế.
Thời Huynh làm Tổng biên tập, Huynh có "sáng kiến" là ra thêm báo Thời Nay với tư cách là một ấn bản phụ của báo Nhân Dân. Chưa có tờ báo bào, ấn phẩm nào được PR như Thời Nay. Dạo mới ra Thời Nay, trên các tuyến phố chính ở Hà Nội thấy tràn ngập cờ đuôi nheo, băng rông quảng cáo cho việc đặt mua, tìm đọc Thời Nay. Kết quả là gì? Không tìm đâu ra một tờ báo Thời Nay. Ngay cả các sạp báo hoành tráng ngay trước cổng báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống - Hoàn Kiếm - Hà Nội cũng không hề bán Thời Nay. Chỉ có các đơn vị dùng ngân sách để đặt mà thôi.
Thời Nay, thực ra cũng không phải là sáng kiến gì của Huynh tiên sinh. Thế giới đã làm từ lâu. Bên Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo có ấn bản Hoàn Cầu; ở trong nước từ lâu các báo đã có các ấn bản phụ, tiêu biểu nhất là bác Ước bên báo Công an Nhân dân. Ngay cả bác Tấn, khi về làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cũng ra nhiều chuyên đề, ấn phẩm phụ trong đó có Sự kiện Toàn cảnh nhưng rốt cuộc chỉ bán được cho các hộ cơ quan mua báo bằng tiền Ngân sách. Mua xong để đấy, cuối năm thanh lý, giao cho Văn phòng bán giấy vụn. Chấm hết.
Chợt nhớ nhà báo Hữu Vơn của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1989 của thế kỷ trước, Hữu Vơn có nhận xét: Tờ báo in nhiều nhất nhưng ít người đọc nhất là báo Nhân dân; tờ báo in ít nhất nhưng nhiều người đọc nhất là Tạp chí Tia Sáng. (Xin bạn đọc nhớ cho, hồi đó ta chưa có Internet, các báo chưa nhiều như bây giờ, ở miền Bắc báo Lao Động còn in khổ nhỏ, báo Công an Nhân dân còn phát hành nội bộ; báo miền Nam chưa được phát hành ở phía Bắc - hồi đó quản lý theo địa bàn rất chặt chẽ).
Ông nhà báo gốc Thùn Thiện nói thế mà đúng, mà hay.
Thưa bác Tổng và Huynh tiên sinh, để làm được báo Nhân dân hay, có người đọc như các bác chỉ đạo, vô cùng khó, không khác đòi bắc thang lên trời.
Vì sao thì các bác biết hết.
Em chã?!
Ảnh đầu bài: Cụ Tổng, cụ Huynh đến thăm báo Nhân Dân. Ảnh của BBC.
(nguồn_dantraonha) http://dantraonha.com/O-O-O/Noi-Thi-De-Lam-Vo-Cung-Kho/8-5708/index.aspx
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001