Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Trung - Nga: Cuộc hôn nhân vì lợi!


"Cuộc hôn nhân vì lợi Trung - Nga" sẽ là họa hay phúc đối với các nước nhỏ đang bị Trung Quốc áp chế trên Biển Đông khi lần đầu tiên, đại sứ Nga tại Philippines phản đối Mỹ "can thiệp" vào khu vực và Trung Quốc đánh giá phản đối này là một lập trường công bằng của Nga (!) về Biển Đông?
Biển Đông: Liệu "gấu" Nga sẽ "vỗ ngực xưng tên"?
"Ông Liên Xô, bà Trung Quốc / Ông đi guốc, bà đi giầy/ Ông nhảy dây, bà đá bóng..." Thuở còn Liên bang Xô-viết, mỗi khi nghĩ về quan hệ Xô - Trung, câu đồng dao này cứ bật ra tanh tách, một cách hồn nhiên. Mặc dù "anh Cả anh Hai" ngày ấy cũng như "đối tác chiến lược Nga - Trung" giờ đây chưa bao giờ hồn nhiên và vô tư, nhất là trong tương quan giữa hai ông lớn ấy với phần còn lại của khu vực và thế giới. Nga - Trung ngày nay gắn bó với nhau bởi "cuộc hôn nhân vì lợi", chứ không xơ cứng và thù địch nhau như thời còn chung ý thức hệ cộng sản!
Thế nào là "Liên minh chiến lược chuẩn"?
"Nhóm Thượng Hải" là tên thuở thiếu thời do Trung, Nga làm trụ cột được thành lập năm 1996. Đến 2001, nhóm này đổi tên thành Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với năm thành viên sáng lập: Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyztan, Nga, Tajikistan, và kết nạp thêm Uzbekistan. Hội nghị Thượng đỉnh các nước SCO năm 2003 tại Moscow đã thông qua các cấu trúc phong phú hơn với một Ban Thư ký Thường trực đặt tại Bắc Kinh. Năm 2007, sáu thành viên SCO thắt chặt thêm các mối bang giao bằng "Hiệp ước quan hệ láng giềng, hữu nghị và hợp tác".
Sau Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra ở Bắc Kinh tuần qua, dư luận vẫn chưa coi SCO là một NATO châu Á. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Helene Carrere, Viện Hàn lâm Encause (Pháp), SCO đã được bên ngoài lắng nghe nhiều hơn khi tổ chức này yêu cầu Mỹ rút các căn cứ quân sự ra khỏi không gian chiến lược Trung - Nga. SCO cũng đã trang bị cho các nước thành viên phương tiện phối hợp và tăng cường quan hệ trong cuộc chiến chống khủng bố và phát triển mạng lưới hợp tác quân sự trên thực tế.
Tờ "Hoàn Cầu thời báo" ngày 21/5 có bài phân tích cho rằng, Kremlin và Trung Nam Hải đang xây dựng khung khổ quan hệ thành một "liên minh chuẩn" và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sẽ là đột phá khẩu để phát triển quan hệ liên minh chiến lược này. Một trong những mục tiêu Trung Quốc đặt ra khi phát triển quan hệ chiến lược với Nga là nhằm phân hóa quan hệ Nga - Mỹ, Nga - EU và thúc đẩy sự hình thành một "liên minh chuẩn Nga - Trung Quốc", hợp tác chiến lược và cùng chung tiếng nói đối với các vấn đề quốc tế quan trọng.
Tuy nhiên, theo giáo sư Xie Tao, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Ðại học Ngoại giao Bắc Kinh, nếu làm một cuộc thăm dò giới tinh hoa chính trị Trung Quốc, đa số sẽ cho rằng Trung Quốc và Nga không bao giờ có thể là đồng minh trong ý nghĩa như Nhật Bản và Hoa Kỳ hay Hoa Kỳ và Anh Quốc. Lý do nổi bật nhất là do những tranh chấp lịch sử về lãnh thổ, mặc dầu về chính thức hai nước đã ký hiệp định về biên giới. Đa số người Trung Quốc đều biết rằng Trung Quốc đã buộc phải nhượng một phần đất khá lớn cho Nga (với tổng diện tích là 1,5 triệu km2).
Còn nhật báo Nga Vedomosti ngày 7/6 vừa bình luận về liên minh Nga - Trung như sau: "Đồng minh là những quốc gia, khi thực hiện các chính sách của mình, thì đều tính tới lợi ích của từng nước khác và nếu một đồng minh có vấn đề thì các nước khác sẽ can thiệp, giúp giải quyết. Thế nhưng, điều này không và sẽ không bao giờ xẩy ra trong quan hệ Nga - Trung. Không phải vì Nga không muốn mà chính là vì Trung Quốc không muốn có những liên minh thực sự, mang tính ràng buộc với bất kỳ nước nào".


Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh ngày 6/6

Mộng chung là chống Mỹ và phương Tây
Giáo sư Xie Tao cho rằng, ngày nay Nga và Trung Quốc đang làm thân với nhau, giống như Mỹ và Trung Quốc từng "kết bạn" trong thập niên 1970 khi Liên bang Xô viết bị coi là kẻ thù đáng gờm hơn trong hai kẻ thù. Nếu phải chọn giữa hai thứ đều xấu thì phải chọn thứ bớt xấu hơn. Hoa Kỳ bị nhiều thành phần ở Nga coi là một mối đe dọa. Và đó cũng là trường hợp của Trung Quốc. Hãy nhìn vào việc Mỹ tái quân bình ở châu Á, như chính Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã nói rằng 60% lực lượng hải quân sẽ được chuyển về vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược của Mỹ được cho là để ngăn chặn Trung Quốc và loại bỏ ảnh hưởng của Nga ra khỏi đường biên giới lịch sử của nước này. Vì vậy, hiện nay cả Trung Quốc lẫn Nga đều được coi là đang đối mặt với các thách thức từ Mỹ. Và ít nhất trong đoản kỳ, Trung - Nga cần thiết có một động lực chung, phải quy tụ với nhau. Ngoài những đồng thuận về chiến lược, còn có thêm việc cả Nga lẫn Trung Quốc phải thường xuyên dè chừng phương Tây về vấn đề hạt nhân của Iran và các kế hoạch liên quan đến lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á và châu Âu.
Thế nhưng, Jean-Pierre Cabestan, tác giả cuốn sách "Trung Quốc và Nga: giữa đồng thuận và ngờ vực", lại lưu ý rằng liên minh Moscow - Bắc Kinh có những giới hạn. Theo tác giả này, hai nước có thể có các quan điểm chung hoặc một chiến lược chung về các chủ đề tương đối dễ đối với họ. Tuy nhiên, có rất nhiều chủ đề gây chia rẽ, nhất là trong vấn đề giá dầu và khí đốt, hoặc trong việc hoàn tất các đường ống dẫn dầu, cạnh tranh ở Trung Á. Một dấu hiệu khác của sự ngờ vực lẫn nhau: Nga vẫn từ chối bán cho Trung Quốc một số loại vũ khí tối tân.
Liên quan đến Afghanistan, Moscow và Bắc Kinh có cùng mối ưu tiên: Không để cho tình trạng hỗn loạn và tư tưởng Hồi giáo cực đoan lan rộng ngay trước cửa ngõ nhà mình. Ngoài chủ đề này ra, các bất đồng khác giữa hai nước có nguy cơ xuất hiện. Vẫn theo nhận định của chuyên gia Cabestan, Nga và Trung Quốc không nhất thiết có đồng quan điểm, nhất là về vai trò của Pakistan trong tương lai. Theo truyền thống, Nga rất gần gũi Ấn Độ hơn là với Pakistan và ngờ vực Pakistan, trong lúc Trung Quốc lại chơi lá bài Pakistan để chống lại Ấn Độ.
Trong phối trí chiến lược như trên, vai trò đồng thủ lĩnh của Trung Quốc, Nga và tới đây là Ấn Độ có thể mở ra lợi thế nhất định cho các thành viên trong Tổ chức, vì nước nhỏ nào cũng đều có người bảo trợ lớn của mình. Tuy nhiên, sự manh nha một trục mới giữa Bắc Kinh và Tokyo trong một quan hệ hợp tác kinh tế giữa cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba, bất chấp các mâu thuẫn chính trị Trung - Nhật, cho thấy Trung Quốc có thể có khả năng tác động lên sự cân bằng toàn cầu, qua trung gian SCO hoặc BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi).
Những dấu hiệu khác lạ...?
Trong quá khứ không xa, "anh Cả anh Hai" đã từng làm cho Việt Nam nhiều phen vất vả, thậm chí rơi vào tình thế nguy hiểm! Ngày nay, "cuộc hôn nhân vì lợi" Trung - Nga nói trên có ích gì cho các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam? Câu trả lời chắc chắn không đơn giản và dễ tìm ra ngay. Tuy nhiên, theo dõi sát thời sự mùa Hè 2012 này khi tranh chấp Biển Đông giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc có dấu hiệu ngày càng nóng lên, dư luận quốc tế không thể không thấy một số dấu hiệu khác lạ.
Dấu hiệu khác lạ thứ nhất là trước chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Putin, quân đội hai nước đã có cuộc tập trận hải quân chung với quy mô lớn chưa từng có kéo dài 6 ngày cuối tháng Tư trên biển Hoàng Hải, gần thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên hải quân hai nước tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn như vậy, mặc dù hai nước đã có bốn lần tập trận chung từ năm 2005. Cuộc diễn tập lần này diễn ra giữa lúc có những căng thẳng với các nước láng giềng của Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền biển đảo.
Dấu hiệu khác lạ thứ hai xuất hiện vào ngày 23/5 khi Đại sứ Nga tại Philippines, ông Nikolay Kudashev, (lại cũng là lần đầu tiên) lên tiếng công khai phản đối "nước thứ ba" can thiệp vào Biển Đông, đồng thời cho biết Nga quan tâm tới tự do hàng hải trên Biển Đông. Có thể thấy động thái này của Nga là khác lạ, vì xưa nay chưa bao giờ Kremlin chính thức bày tỏ quan tâm về chủ đề này. Nếu Nga tiếp tục bày tỏ thái độ theo kiểu này thì có thể gây thêm khó khăn mới trong việc hướng tới "giải quyết đa phương" của Việt Nam, Philippines.
Dấu hiệu lạ thứ ba xẩy ra ngay sau tuyên bố nói trên của Đại sứ Nga. Như là sự đồng thanh tương ứng, Thư ký đầu tiên của SCO Trương Đức Quảng, vốn là Cựu Thứ trưởng Ngoại giao, đồng thời cũng là cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nga, đã sốt sắng nhận định rằng, "lập trường của Nga về vấn đề Biển Đông là công bằng (?)". Những gì Đại sứ Nga tại Philippines tuyên bố dường như rất có lợi cho Trung Quốc, phù hợp với mong muốn cũng như chủ trương xuyên suốt của nước này, bằng mọi giá phản đối đàm phán đa phương, tìm mọi cách áp đặt đàm phán song phương trong khi khu vực tranh chấp có tất cả 5 nước, 6 bên.
Có thể kết thúc bài viết này bằng cách nhắc lại châm ngôn quen thuộc trong sách ngoại giao. "Khi hai con voi làm tình hay đánh nhau, cỏ dưới chân voi đều có nguy cơ bị nghiền nát!" Cuộc hôn nhân không tình yêu Trung - Nga sẽ mang lại họa hay phúc cho khu vực và các nước liên quan vẫn còn là vấn đề phía trước. Tuy nhiên, với những dấu hiệu khác lạ trên đây, các nước ASEAN càng phải khẩn trương kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Các nước nhỏ có tranh chấp với Trung Quốc không thể chờ thêm 10 năm nữa!
Quảng Trí
(nguồn_vietnamnet) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/76391/trung---nga--cuoc-hon-nhan-vi-loi-.html
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001