Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Bí mật thư tín thời @


BÍ MẬT THƯ TÍN THỜI @

Có công dân đã hỏi tôi: “Một lần chuyển văn phòng tôi phát hiện một đồng nghiệp đã giữ và bóc xem một số thư của khách hàng gửi cho tôi qua đường bưu điện. Vậy tôi xin hỏi quyền về bí mật thư tín của công dân và việc người nào chiếm giữ và đọc thư từ của người khác có phạm tội theo quy định của pháp luật không?”.
Theo tôi: Bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín là quyền an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Quyền này được ghi nhận tại Hiến pháp Việt Nam, được cụ thể hóa bởi những quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là hành vi chiếm đoạt thư tín, điện thoại, telex, fax hoặc các vi phạm khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và vi tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác được quy định tại điều 125 Bộ luật Hình sự như sau:
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax, nay thêm laptop, máy tính để bàn, máy tính xách tay của cá nhân và cơ quan… hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông, hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Việc đồng nghiệp trong phòng chị cố ý cất giấu và bóc thư gửi riêng cho chị được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông nhưng chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt thư tín được truyền bằng phương tiện viễn thông thì không đủ dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín.
L.S Bạch Tuyết Hoa
(Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, số 23- Hồ Đắc Di, Nam Đồng-Hà Nội)


Vụ kỹ sư Tạch tố TMV xâm phạm bí mật thư tín…
TMV cho rằng hộp thư của anh Tạch do công ty cấp nên phải xem là tài sản của công ty chứ không phải tài sản cá nhân.
Liên quan đến việc kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết đang xem xét để kiến nghị cơ quan công an khởi tố vụ án xâm phạm bí mật thư tín ở Công ty Toyota Việt Nam - TMV (Pháp Luật TP.HCM ngày 5-9 đã thông tin), bạn đọc có nhiều thắc mắc: Thế nào là bí mật, an toàn thư tín; nếu có hành vi xâm phạm thì phải chịu trách nhiệm ra sao; hộp thư nội bộ có được giữ bí mật...? Pháp Luật TP.HCM đã gặp các chuyên gia pháp lý để làm rõ những câu hỏi này.
Mail nội bộ cũng được bảo vệ bí mật
TS Lê Minh Hùng, giảng viên khoa Luật dân sự (ĐH Luật TP.HCM), cho biết theo Điều 38 BLDS, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khoản 3 Điều 38 BLDS nêu rất rõ: “Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Trong trường hợp của kỹ sư Lê Văn Tạch, mặc dù TMV cho rằng địa chỉ email của kỹ sư Tạch do TMV cấp (mail nội bộ) nên phải xem đó là tài sản của công ty nhưng TMV cũng không có quyền xâm phạm nội dung của từng thư điện tử đã gửi hoặc nhận từ hộp thư này, trừ những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Tuy nhiên, vì là mail nội bộ nên địa chỉ mail sẽ được thu hồi nếu người lao động chấm dứt làm việc ở công ty đó (khi ấy họ có quyền xóa tất cả những email có trong hộp thư). “Nếu những trình bày của kỹ sư Tạch là đúng thì TMV đã có dấu hiệu vi phạm quyền bí mật thư tín của kỹ sư Tạch. Việc lãnh đạo TMV công bố nội dung thư điện tử trong mail nội bộ của anh Tạch tại cuộc họp mà không được sự đồng ý của anh Tạch cũng là hành vi vi phạm pháp luật dân sự về quyền bí mật đời tư” - TS Lê Minh Hùng nhận định.
Có thể kiện dân sự
Vậy, liệu hành vi của lãnh đạo TMV có thể bị xử lý hình sự như kỹ sư Tạch đang cân nhắc kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét? Thạc sĩ Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM), khẳng định ngay là không thể. “Bởi vì theo Điều 125 BLHS, một người chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác khi và chỉ khi trước đó họ đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi trên mà còn tiếp tục vi phạm. Ông tổng giám đốc TMV và những người có liên quan chưa ai bị xử phạt hành chính hay xử lý kỷ luật về hành vi này nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Tuấn phân tích.
Theo TS Lê Minh Hùng, trong trường hợp này, căn cứ vào quy định tại Điều 25 BLDS về bảo vệ quyền nhân thân, anh Tạch có quyền yêu cầu TMV và các cá nhân có liên quan chấm dứt ngay hành vi vi phạm, yêu cầu phải xin lỗi công khai. Nếu bị từ chối, anh Tạch có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc TMV và những người có liên quan chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai nếu việc xâm phạm bí mật đời tư đó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. Trong trường hợp có thiệt hại thực tế xảy ra, anh Tạch có quyền yêu cầu tòa buộc ông tổng giám đốc TMV và những người có liên quan bồi thường.
Theo một chuyên gia về pháp luật hành chính, trước nay hầu như chưa có vụ xử phạt hành chính nào về hành vi xâm phạm bí mật thư điện tử. Trong khi đó, hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt các hành vi liên quan đến việc xâm phạm bí mật đời tư nói chung và bí mật thư tín nói riêng.
Cụ thể, theo Nghị định 63/2007 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thông tin thì hành vi bẻ khóa, xâm phạm thông tin của người khác trên môi trường mạng bị phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng. Nghị định 02/2011 về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản cũng quy định hành vi làm lộ thông tin đời tư của người khác bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Ngoài ra, việc xử lý hành vi xâm phạm bí mật thư tín còn được quy định tại Nghị định 58/2011 (có hiệu lực ngày 1-9-2011). Theo đó người nào có hành vi bóc mở hoặc tráo đổi nội dung thư thì bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng (mức phạt cũ theo Nghị định 142/2004 đối với hành vi này là từ 3 đến 10 triệu đồng).
TMV: Email cấp cho nhân viên là tài sản của công ty

Ông Trần Quốc Hưng, Tổng trưởng ban Kiểm soát và Sản phẩm (TMV), cho biết: Trong nội quy lao động của TMV không quy định việc kiểm soát email đã cấp cho nhân viên. Tuy nhiên, trong chính sách IT, TMV vẫn coi email là tài sản cấp cho nhân viên sử dụng vào mục đích công việc và nghiêm cấm sử dụng vào những mục đích khác. Các quy định về chính sách IT đều được phổ biến rộng rãi tới cán bộ, nhân viên trong công ty. Do đó, theo ông Hưng, không nên đặt nặng nề việc này là vi phạm bởi TMV coi email đã cấp cho nhân viên là tài sản của công ty chứ không phải tài sản cá nhân.
Trong khi đó, đại diện pháp lý cho kỹ sư Lê Văn Tạch - luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật An Phát Phạm (Hà Nội), cho rằng email được TMV cấp cho nhân viên thì nó thuộc quyền quản lý riêng tư và khi họ không làm ở TMV nữa thì công ty mới được phép thu hồi, kiểm soát. Do đó, việc người của TMV tự động vào email của kỹ sư Tạch (khi chưa có sự đồng ý của kỹ sư Tạch - PV) để lấy thông tin cá nhân rồi coi đó là bằng chứng để đưa ra hình thức kỷ luật và bêu riếu là vi phạm pháp luật.
Hồng Tú và Thành Văn
-----------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001