Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

CAM RANH – THỜI CÒN LIÊN XÔ (1)

Mai Thanh Hải - Việc phát hiện người Trung Quốc sinh sống – làm ăn trái phép ở những khu vực Vịnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về An ninh Quốc phòng, phát triển kinh tế trọng điểm, nhất là khu vực Căn cứ Quân sự Cam Ranh (nơi đóng quân của Vùng 4, Hải quân và các lực lượng khác làm nhiệm vụ hỗ trợ, ứng phó, chi viện cho quần đảo Trường Sa).

Đã khiến người ta – Một lần nữa đặc biệt quan tâm đến vai trò quan trọng của Cam Ranh, nơi mà nhiều nhà chiến lược phương Tây đã đánh giá Cam Ranh là một “pháo đài tự nhiên lý tưởng”, “một đồn phòng vệ của Thái Bình Dương”; Cửa vào cảng vịnh Cam Ranh hẹp bé, khó tiến công, dễ phòng thủ địa thế hiểm yếu, khống chế được toàn khu vực biển Đông và là khu phòng thủ trọng yếu chiến lược trấn giữ giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…



Ngay Tạp chí Hải quân Mỹ “Proceedings” số tháng 10/1991 cũng phải thừa nhận: “Đối với hải quân Mỹ, Nga hay Trung Quốc, ai làm chủ được Cam Ranh, sẽ làm chủ được “trò chơi mèo vờn chuột” ở vùng biển Đông Nam Á và biển Đông”.

Đặc biệt hơn, khi cùng thời điểm phát hiện những người Trung Quốc “sống – chiến đấu – lao động” trái phép, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng bay thẳng sang Cam Ranh, đi tàu nhỏ ra vùng mặt nước Cam Ranh, thăm chiếc tàu hậu cần, chuyên vận chuyển – tiếp tế quân nhu cho các tàu chiến đấu Mỹ, đang sửa chữa – bảo dưỡng trong Vịnh Cam Ranh.

Lật giở lại lịch sử từ sau khi thống nhất đất nước 1975, Cam Ranh chính thức được đặt dưới sự quản lý của Quân đội nhân dân Việt Nam:


Từ năm 1979, theo hiệp định được ký kết giữa Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Xô, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hậu cần, tên gọi đầy đủ là Điểm cung cấp vật liệu – kỹ thuật số 922 (PMTO) của Hạm đội Thái Bình Dương với diện tích khoảng 100 km2 trong thời hạn 25 năm, phục vụ một đơn vị thường trực chiến đấu mang tên Liên đội tàu chiến đấu số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương.

Hải quân Liên Xô đã xây thêm tại Cam Ranh 5 cầu tàu, 2 bãi đưa tàu lên cạn để bảo trì và sửa chữa, xây thêm cơ sở cho tàu ngầm, kho chứa dầu, nhà máy điện, doanh trại, nâng cấp, kéo dài đường băng của sân bay, và một trung tâm trinh sát điện tử hiện đại.

Đơn vị đầu tiên của Hải quân Liên Xô gồm 54 người đến triển khai trên bán đảo Cam Ranh vào tháng 4-1980.


Ba năm sau, cả một hải đoàn cơ động của Hạm đội Thái Bình Dương đã được bố trí ở đây trong đó có các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình chống hạm Project 670, 675, 675MK; tàu ngầm nguyên tử chống tàu ngầm chiến lược Project 659, 671; tàu ngầm điện – diezel tiến công thông thường Project 641; Lữ đoàn tàu chiến đấu mặt nước số 119 (trang bị tàu tuần dương mang tên lửa Project 1134B, tàu khu trục tên lửa Project 956 và tàu hộ vệ tên lửa Project 1234).

Thời gian cao điểm năm 1986, quân số cao nhất lên tới 6.000 quân nhân và kỹ sư, công nhân Liên Xô/Nga làm việc tại đây. Liên Xô đã xây dựng ở đây khoảng 30 công trình bảo đảm.

Như vậy, Cam Ranh trở thành căn cứ hậu cần lớn nhất của Hải quân Liên Xô ở nước ngoài, làm đối trọng với căn cứ hải quân ở hải ngoại lớn nhất của Mỹ tại Subic, Philippines.

Vào năm 2001, chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã nhất trí chấm dứt sớm thỏa thuận ký năm 1979 trước 2 năm và ngày 4/5/2002, Đại tá chỉ huy trưởng Eryomin là người cuối cùng rời Cam Ranh, chấm dứt giai đoạn hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại cảng Cam Ranh.


Sau khi Nga quyết định rút khỏi Cam Ranh, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra tuyên bố: Quan điểm của Việt Nam về việc sử dụng cảng Cam Ranh trong tương lai là sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự. Việt Nam sẽ khai thác có hiệu quả nhất những tiềm năng và lợi thế của Cam Ranh phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một số hình ảnh về Cam Ranh, thời điểm Hải quân Liên Xô đóng giữ (1978-2002).

Bài viết có sử dụng hình ảnh của Diễn đàn QSVN và TTVNOL.













     (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001