Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

MẮT BIỂN
Ngô Minh

Ra đảo Cồn Cỏ, cái làm tôi thích thú nhất là mấy chục cây bàng cổ thụ trăm tuổi, cao to lực lưỡng. Đúng là cây bàng, cành bàng, lá bàng như trong đất liền. Nhưng quả của nó thì to như quả thanh trà ở Huế, phần đít quả lại vuông ( hoặc lục giác) Nên mới gọi là bàng vuông. Cồn Cỏ mùa này bàng vuông đang sai trái . Hoa bàng vuông to bằng cái đĩa, cánh trắng và tím li ti rất đẹp. Giống bàng vuông này ở đảo Trường Sa Lớn cũng có, nhưng Côn Đảo và các đảo gần bờ khác thì không. Đảo Cồn Cỏ cùng mạch với Trường Sa chăng ? Tôi trèo lên cây bàng vuông cổ thụ để ngắm biển. Chà biển xanh như vẽ, bình yên quá. Xa xa, những con tàu đi. Ngồi trên chạc ba tán bàng vuông Cồn Cỏ, tôi cứ miên man nghĩ về những con mắt biển…

alt
Ngô Minh với cây phong ba Cồn Cỏ

Tuổi thơ tôi vào quê ngoại, hay nghe dì Quế hát ru cháu : “ Sóng sậm sịch lưng chừng ngoài biển Bắc . Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên…”. Tức dông tố gió mùa đông bắc luôn đe dọa những con thuyền ra khơi ở các ngư trường Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Trường Sa thân thuộc. Có lẽ vì thế mà nước ta có rất nhiều nàng Vọng Phu hóa đá trông chồng chăng ?. Họ cũng là những con mắt biển. Ở lăng mộ họ Đào, họ mẹ tôi ở làng Thử Luật, tất cả cố nội, ông nội, bà nội cho đến các chú bác …đều nằm mặt hướng biển. Nghĩa là các thế hệ họ Đào của tôi dù nằm trong đất vẫn nhìn biển đêm ngày. Mắt làng là mắt biển. Và con cháu bây giờ vẫn vậy. Biển là cái “kho trời” không bao giờ vơi cạn…

Chuyến ra Cồn Cỏ của chúng tôi xuất phát từ cảng Cửa Việt. Tàu Kiểm ngư Quảng Trị chở chúng tôi chạy mất hai tiếng đồng hồ mới đến đảo. Đảo Cỏ hiện ra xanh lam thẫm dáng con Hổ vồ mặt trời ( vì thế mà đảo còn có tên là Hòn Hổ?). Chuyện kể rằng, thuở khai thiên lập địa, có ông Khổng lồ gánh đất đá đắp dải Trường Sơn. Một hôm không may đòn gánh gãy, một đầu văng lên đất liền thành hòn núi Lòi Ren thuộc xã Vĩnh Thủy ; một đầu văng ra biển thành đảo Cồn Cỏ. Đã từ bao đời, thuyền ra khơi đánh cá các làng Tùng Luật, Thử Luật, Vịnh Mốc, Cát Sơn, Thủy Bạn… thường neo thuyền vào đảo tránh bão. Họ lập am thắp nhang vái Ông Mệ phù hộ cho con cháu bình an trên biển . Từ đó Cồn Cỏ có cái tên thành kính : “Hòn Mệ”. Càng tới gần, thấy Cồn Cỏ càng mướt xanh đầy sức sống. Các nhà thơ Quảng Trị cho biết, rừng Cồn Cỏ là loại rừng nhiệt đới xanh tốt, với ba tầng cây cỏ và dây leo. Thời trước chiến tranh chống Mỹ, rừng Cồn Cỏ có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, sến, táu… Nhưng bom Mỹ mỗi ngày năm bảy lần trút xuống đảo đã huỷ hoại phần lớn rừng của đảo. Theo thống kê thì bom Mỹ đổ xuống Cồn Cỏ bình quân một mét vuông gấp ba lần mảnh đất đầu cầu giới tuyến Hiền Vĩnh Linh !

Tàu cập Âu thuyền Cồn Cỏ lúc 9 giờ. Điều làm tôi ngạc nhiên phấn chấn nhất là ở Cồn Cỏ đã bắt đầu xây dựng những con phố ngang dọc. Phố rộng, có cả bùng binh, cột đèn đường, đang chờ đổ nhựa. Đảo chưa có “tàu chợ” vô ra đất liền hàng ngày, nên tất cả hàng hoá, đá lạnh đều do tàu đánh cá của bà con Cửa Tùng, Cửa Việt chở giúp ra. Hai em Vĩnh và Na, chủ quán Bin cho biết trên đảo hiện có 5 quán giải khát và nhậu bình dân . Hiện nay trên đảo Cồn Cỏ có 12 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu đang sinh sống. Đảo đã có lớp mầm non của hai cô giáo Hoàng Thị Thắm, Hoàng Thị Hiếu với 12 cháu, tuổi từ 1 đến 6. Nhà Lớp mẫu giáo mầm non Hoa phong ba Cồn Cỏ được xây dựng đàng hoàng lắm. Cô giáo Hoàng Thị Hiếu (23 tuổi), quê ở Đắk Lắk, đã xung phong ra đảo. Gan thật ! Con gái mà không sợ sóng! Các em nhỏ cùng một lớp nhưng lại có nhiều độ tuổi, nên phải dạy theo từng nhóm, trong lúc thiết bị, đồ dùng dạy học không đủ; ở đây nắng chang chang, mà nước ngọt lại hiếm. Nên việc tắm rửa cho các cháu hàng ngày rất vất vả. Nhưng, nhìn ngôi trường xinh xắn, nghe tiếng trẻ con ríu ran, tôi cứ bâng khuâng nghĩ đến một thế hệ công dân “Cồn Cỏ rin” đầu tiên đã ra đời. Các em sẽ lớn lên với đảo như cây phong ba, cây bàng vuông tràn trề sinh lực. Các em chính là mắt đảo ngày mai !

Trạm ra-đa Cồn Cỏ dựng ngay ở vị trí chòi quan sát của anh hùng Thái Văn A ngày trước. Tuổi học sinh, tôi đã hát “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/… Thái Văn A đứng đó…/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời…”. Ạnh bộ đội trẻ của trạm ra-đa bảo rằng :” Ra đa là con mắt Cồn Cỏ, thức suốt hai bốn giờ. Ghi hình hết tất cả tàu thuyền đi qua khu vực nó phụ trách và chuyển về trung tâm . Có hàng chục chiếc tàu to nhỏ của nước ngoài xâm nhập vùng biển nước ta mỗi ngày. Anh Lê Quang Lanh, bí thư, chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ tâm sự : Anh em cán bộ trên đảo cũng là tự vệ đêm đêm thức canh giữ đảo. Huyện đảo được thành lập được 8 năm rồi , nhưng chúng tôi mới có chỗ ở và làm việc trên đảo hơn năm nay. Hiện giờ vẫn phải có một văn phòng đại diện ở Đông Hà . Anh em cán bộ cứ phải đi tàu thuỷ ra vô theo công việc. Có khi vài tuần mới vào một lần. Mùa đông, sóng lớn, gió mạnh có khi cả bốn năm tháng mới vô Đông Hà thăm vợ con. Anh em ở đây thường có hai bộ quần áo. Bộ để mặc khi trằn lưng lao động xây dựng đảo, còn có bộ đàng hoàng hơn để khi vào Đông Hà đi họp, đi bát phố. Tất cả dân đảo đều tăng gia, trồng rau khoai, rau cải, bầu bí , sắn khoai, nuôi lợn… Bí đỏ trồng ở đảo mỗi năm thu được cả vài ba tấn quả. Ơ Trạm đèn biển Cồn Cỏ, có 4 cán bộ mà mùa này thu hoạch bí đỏ để đầy cả nửa gian nhà.

Cồn Cỏ là đảo không chim !. Vâng, vì đảo không có nước, nên chim bay đi chỗ khác. Nước ngọt là chuyện sinh tử . Cơ quan, bộ đội cũng như nhà dân trên đảo đều phải có bể chứa nước mưa lớn. Một mùa mưa hứng cho đủ nước dùng cả năm. Thời chiến tranh, bộ đội có đào giếng, nhưng nước bị lơ lớ mặn. Đất đảo không có mạch nước ngầm nước ngọt, nên giếng đào không bao giờ đầy nước, phải chắt từng lon . Hồi đó, tất cả nước cho bộ đội phải tiếp tế từ đất liền cùng với lương thực, vũ khí. Anh Nguyễn Hữu Tiến, chồng con gái dì ruột tôi ở làng Vịnh Mốc, Vĩnh Quang, người từng mấy năm ròng ở trong đội thuyền chèo tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, kể rằng : “Hồi đó, ở các xã ven biển Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái hàng ngàn thanh niên, ngư dân viết đơn tình nguyện đi tiếp tế cho đảo. Các dội thuyền Hòa Lý, thuyền An Hòa, thuyền Vĩnh Thái, thuyền Vịnh Mốc, đều là đội cảm tử quân tiếp tế cho Cồn Cỏ. Tối thẫm mới đẩy thuyền ra biển. Trên thuyền, ngoài gạo, đạn còn có mấy phi nước ngọt lớn. Có gió nam thì căng buồm, không có gió thì chèo, đến bốn giờ sáng thì cập Bến Nghè, giao hàng xong là chèo thuyền về ngay, không được lên đảo…” Những năm 1965 – 1968 chiếc tranh khốc liệt nhất, có hàng mấy trăm ngư dân các xã biển Vĩnh Giang, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái…đêm đêm đóng khố Thạch Sanh đưa con thuyền như niêu cơm đầy ắp tin yêu ra đảo. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh trên đường ra đảo hoặc từ đảo trở về , nhiều người họ bị địch bắt, bị mất tích vì thuyền chìm…tất cả họ đã trở thành muối mặn, thành gió nắng Cồn Cỏ- Cửa Tùng…

Một lần , tôi lần ra phía bờ đất đỏ làng Hòa Lý ngồi lặng ngắm biển đêm, nhìn ra Cồn Cỏ. Tôi phát hiện ra dưới bờ đất có những ngôi mộ không tên. Hỏi dân Vĩnh Quang họ bảo đó là mộ của những người đi tiếp tế cho Cồn Cỏ bị chết giữa biển, trôi vào. Không ai biết tên tuổi, quê quán của họ. Vì đi tiếp tế cho đảo là không được mang bất cứ giấy tờ gì trong người. Nhưng người dân vẫn lặng lẽ thắp nhang cho họ. Khuya. Từ phía những cồn cỏ chông mé biển mắt tôi như bị thôi miên bởi hàng chục những đốm lửa nhỏ ai vừa đốt lên thành từng hàng trước biển. Những đốm lửa lập loè ngả nghiêng trong gió trước sóng gào như mắt chớp khôn nguôi. Những ánh mắt tắt đỏ đêm Cửa Tùng như những linh hồn ấy cứ hút tôi tới gần như ma ám. Ôi, đây cũng là những con mắt biển .

Anh Lanh kể rằng, ngư trường Cồn Cỏ có rất nhiều hải sản quý như tôm hùm , cua ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá mú, cá thu, cá kẽm… Mùa đánh bắt năm nay, vì trên đảo có điện sáng nên cá tập trung rất dày. Các tàu đánh cá của ngư dân đều trúng to. Nếu ở đảo có các dịch vụ cung cấp xăng dầu, nước ngọt, đá ướp, thực phẩm… cũng như có dịch vụ thu mua hải sản, có xưởng chế biến hải sản thì sẽ rất tiện lợi cho tàu đánh bắt dài ngày trên biển, đồng thời kinh tế đảo cũng có thu nhập. Nhưng bây giờ các dịch vụ đó chưa có. Phải có chính sách ưu đãi thuế má, mời một số doanh nhân ở khắp nơi trong cả nước mạnh dạn ra đảo đầu tư vào từng lĩnh vực, kinh tế Cồn Cỏ mới phát triển . Ngay đến việc đi vô ra đất liền cũng gặp khó khăn. Huyện uỷ, UNND Đảo chỉ có một con tàu nhỏ, như là chiếc xe con để đi “vào tỉnh công tác”. Nhưng một chuyến vào ra hết bảy tám triệu đồng tiền dầu, không chịu thấu . Vì chưa có “tàu chợ” từ đảo vô đất liền hàng ngày để bà con đi lại, buôn bán, thăm nhau, nên thư từ, báo chí có khi cả tuần mới ra đảo một lần. May đảo đã có Đài phát thanh truyền hình Cồn Cỏ, tiếp sóng đài tỉnh, VTV, vì đảo đã có máy phát điện 62 KVA. Năm ngoái, người dân đảo Cỏ cũng được coi worldcup Nam Phi. Cuộc sống đang vui lên từng chút một như thế !

Chúng tôi trèo lên cột đèn Hải đăng cao 100 bậc tam cấp, tham quan nơi đặt ra đa của Hải Quân ở ngọn đồi cao nhất đảo, gọi là đồi 63, là nơi quan trắc anh hùng Thái Văn A con “mắt thần” của Đảo chiến đấu năm xưa… Thăm nơi có những cây bàng vuông trăm tuổi, hoa cây phong ba, nhà mẫu giảo, trận địa của bộ tội ta xưa, công sự chiến đấu bằng bê tông đào giữa đá vòng quanh đảo vẫn còn vững chắc lắm.v.v…gợi lên nhiều xúc động về sự tích lịch sử, nhưng lại chứa chan tình yêu con ngươi với Tổ Quốc…Người lính đảo hôm nay còn nhắc đến những cái tên như đồi Hà Nội, điểm cao Hải Phòng, bến Sông Hương… do lính đặt những năm chiến tranh để nhắc đến Cồn Cỏ một thờì là con mắt của cả nước, vì cả nước.

Những cây phong ba lớn mọc thành dẫy quanh đảo ngay bờ biển, như là những bức tường vệ binh chắn gió bão theo đúng như tên gọi của nó . Những ngày hè này, tôi thấy phong ba xanh tốt, ra hoa màu xanh trắng rất dễ thương. Từ khi thành lập huyện đảo đến nay, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư mấy trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Một con đường nhựa vòng quanh đảo đã đưa vào sử dụng . Năm 1989, ngày lập lại tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem ra đảo trồng 4.000 cây dừa . Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái.

Huyện đã cho người tìm bắt cho đoàn chúng tôi mấy con cua đá. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cua đá. Nó màu tím sẫm, to gấp chục lần con cua đồng. Đây là loại hải sản đặc trưng của Cồn Cỏ, nổi tiếng trong bài hát của Ngọc Cừ. Cồn Cỏ có con cá đua- là con cua đá/ Nó nằm trong lá, nó nằm trong khe … Cua đá có thể rang muối, hấp , làm bún riêu của đá, nấu canh rau dền, canh bông bí hay nấu cháo cua gạch…là những món đặc sản nổi tiếng của Cồn Cỏ gắn liền vớí ký ức chiến tranh một thời.

Trưa, anh Lê Quang Lanh mời cơm ở một quán bình dân của tư nhân trên đảo đã tồn tại cách đây hơn 25 năm. Bữa cơm có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức …Lại có loại ốc có cái nắp cứng như sừng, màu vàng sáng óng ánh. Vợ chồng nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã nhặt được mấy chục cái nắp ốc ấy để về Sài Gòn làm kỷ niệm chyến đi Cồn Cỏ….

Chia tay Đảo Cỏ, quay lại, tôi thấy hình thù đảo Cỏ như con mắt nhìn mình . Chao ơi, một chấm xanh Cồn Cỏ, con mắt biển bao đời nay vẫn lay động hồn non nước !

(nguồn quatangxumua) http://ngominhblog.wordpress.com/2012/06/10/mat-bien/

---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001