NHỮNG GÌ BIẾT VỀ VỤ CỤ LÊ HIỀN ĐỨC TẠI SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG HN
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.
Sau vụ cụ Lê Hiền Đức (LHĐ) bị xúc phạm thân thể và bị giữ tại Sở Thông tin và truyền thông (TTTT) Hà Nội, báo An Ninh thủ đô và Kinh tế & Đô thị đã đưa tin. Ông Nguyễn Văn Minh, chánh thanh tra sở TTTT cũng đã trả lời BBC.
Nội dung trả lời phỏng vấn của ông Minh, nội dung bài viết của 2 tờ báo nói trên theo hướng chối tội và đổ cho cụ LHĐ với âm mưu nhằm triệt hạ uy tín của cụ.
Trang Youtobe khi đưa chương trình truyền hình của HTV có đặt tên cho cái clip ấy là “Bà Lê Hiền Đức tại Sở Thông Tin & Truyền Thông HN – Một nửa của sự thật!”
Theo tôi, một nửa thì đã đành nhưng một nửa ấy có là sự thật không, điều này cũng cần xem xét, mổ xẻ cho thấu đáo.
Tôi cũng là một người biết tin ngay sau khi sự việc xảy ra và sau đó có mặt tại Sở TTTT. Tôi trực tiếp tham gia những vào những việc cần phải làm để bảo vệ sự thật, bảo vệ tính mạng cụ LHD như yêu cầu được đưa cụ ra ngoài để chúng tôi mang cụ đi cấp cứu, đến báo công an phường Cát Linh và gặp công an 113.
Ngoài việc trực tiếp thấy, tôi cũng có hỏi chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại của những người trực tiếp chứng kiến.
Việc họ cho rằng không có sự xô xát nào đối với cụ Đức, rằng cụ gây rối, rằng cụ cố thủ tại cơ quan sở TTTT, sự thật như thế nào và tại sao?
1. Có hay không chuyện xô xát với cụ Lê Hiền Đức?
Trả lời BBC, ông Nguyễn Văn Minh Chánh thanh tra Sở TTTT nói: “Không có sự xô xát nào đối với nhân viên và bà Đức cả”. Vậy lời ông Minh có tin được không và sự thật ra sao?
Lúc 17h14 phút, khi biết tin cụ Đức bị cưỡng bức ra ngoài, tôi gọi điện thoại cho cụ Lê Hiền Đức. Cụ cho biết, đầu tiên chúng giật điện thoại nhưng không được, chúng bẻ tay, khiêng ra ngoài. Đầu cụ bị đập xuống sàn.
Tôi viết vội bản tin, xong lập tức đến ngay 185 Giảng Võ. Gặp Ts Nguyễn Xuân Diện (NXD) là người trực tiếp chứng kiến, anh kể: Khi họ yêu cầu cụ ra, cụ không ra nên họ cho 4 bảo vệ khiêng đi. Cụ có giãy giụa phải ứng, chẳng hiểu sao cụ rớt bịch xuống sàn.
Lời kể TS NXD phù hợp với lời kể của cụ Đức qua ĐT từ trước đó. Luật sư Hà Huy Sơn kể với RFI: Đến 8 giờ tối, khi mà có hai công an phường Cát Linh lên trên tầng bốn, thì tôi đề nghị đi cùng để xem bà Lê Hiền Đức có yêu cầu gì về vấn đề sức khỏe hay gì khác không. Bà Lê Hiền Đức cho biết sau khi tôi ra thì bà bị bốn bảo vệ cầm hai chân hai tay, vất bà ra ngoài hành lang đập đầu xuống đất, thì bà cũng có choáng ở đầu.
Việc cưỡng chế bằng cách túm tứ chi khiêng đi là cách làm phổ biến của công an, dân phòng, bảo vệ thậm chí của côn đồ như nhiều người đã biết. Điều khó hiểu là, tại sao với một cụ bà 81 tuổi, người nhỏ thó, nhẹ bẫng mà 4 nhân viên bảo vệ khỏe mạnh không giữ được mà lại để cụ rơi xuống sàn?
Về vết thương chảy máu ở chân cụ, tôi hỏi thì cụ trả lời có những lúc cụ choáng, không biết gì nữa, khi tỉnh lại thì thấy như thế.
Báo chí thì nói là cụ đạp vỡ cửa kính nên bị thương tích. Tiếc rằng đoạn video của HTV ghi đủ những cảnh cụ đi lại, lớn tiếng phản đối, nói với người này người kia, nhưng không thấy có cảnh cụ đập vỡ cửa kính?
2. Có phải cụ Đức cố tình không về, cố thủ tại cơ quan?
Việc cụ Đức không chịu ra khỏi phòng làm việc là xuất phát từ ý muốn bảo vệ Ts NXD. Khi cụ bị cưỡng bức ra ngoài, cụ yêu cầu gọi công an đến lập biên bản nhưng họ không chịu lập. Qua điện thoại, cụ có nói cụ chờ họ lập biên bản về vụ gây thương tích cho cụ, cụ mới chịu về.
Như vậy, ban đầu, việc cụ Đức không chịu về là có thật, do không bên nào chịu bên nào, nhưng vấn đề cần xem xét là bên nào có lý. Yêu cầu công an đến lập biên bản của cụ là hoàn toàn chính đáng nhưng họ không đáp ứng.
Nếu họ đống ý gọi công an đến lập biên bản rằng cụ bị cưỡng bức như thế thì cụ đã ra về, điều này sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Vì lo cho sức khỏe của cụ, vào lúc 7h30 tôi cùng 4,5 người khác vào để xin đưa cụ ra nhưng bảo vệ nhất định không cho vào.
Trước tình hình có vẻ căng thẳng, khoảng 7h30, TS NXD có bảo tôi đến công an phường Cát Linh trình báo và yêu cầu họ đến lập biên bản.
Tôi gọi thêm 3 người nữa cùng đi. Người tiếp chúng tôi là ông Phan Minh Thông, số hiệu 117-311.
Chừng 30 phút sau có 2 công an áo xanh đến. Nhưng sau đó, hai anh này nhanh chóng ra về. Chúng tôi xúm lại hỏi tình hình lập biên bản thì các anh bảo, ở đấy có đủ sếp cấp trên rồi nên chúng tôi về vì ở đấy cũng không có việc gì làm.
Về chuyện này, Ls Hà Huy Sơn (HHS) trả lời RFI như sau: “Bà yêu cầu có đại diện của Sở Thông tin Truyền thông tham gia cùng lập biên bản với công an khu vực, công an phường Cát Linh, nếu không bà sợ rằng sau này bên Sở sẽ vu khống là bà đập phá thế này thế khác. Nhưng mà sau thì hai vị công an phường cũng rút lui và họ gọi tôi ra”.
Từ đó thêm khẳng định cụ Đức có yêu cầu công an đến lập biên bản và cụ đã tính đến chuyện họ sẽ vu khống cụ đập phá thế này thế khác ngay từ lúc 8 giờ tối
Khoảng hơn 11 giờ thì có xe cảnh sát 113 tới, gồm 2 người mặc đồng phục xanh và 2 người mặc đồng phục vàng. Sau khi vào cơ quan một lúc thì họ ra. Họ yêu cầu chúng tôi cử một đại diện nói chuyện với họ. Mọi người liền cử tôi và tôi chấp nhận. Họ yêu cầu một người (tức là tôi) về đồn để lập biên bản. Chúng tôi không khỏi thắc mắc tại sao sự việc xảy ra ở cơ quan Sở lại không lập ở cơ quan mà lại về đồn công an làm việc? Cụ Đức là nhân chứng trực tiếp thì không làm việc với cụ mà lại mời người không trực tiếp về đồn làm việc và cũng chỉ được phép một người.
Tất nhiên, những điều vô lý này, tôi cũng nêu lên thành câu hỏi với cảnh sát 113 và họ không thể trả lời. Họ đặt ra với chúng tôi những điều kiện không thể chấp nhận. Lúc này, đầu óc tôi loáng thoáng tới một ý đồ nào đó nên càng không chấp nhận. Hình như chỉ chờ có thế, họ lên xe về.
Tại cổng phụ cơ quan (lúc này cổng chính đã đóng), bảo vệ canh giữ chặt, không cho ai vào mặc dù chúng tôi yêu cầu được vào chăm sóc sức khỏe cho cụ Đức.
Thế đấy, cho 4 bảo vệ khiêng cụ đi để cụ rơi bịch xuống sàn thì bảo không có xô xát. Nói cụ Đức gây rối nhưng không dám gọi công an lập biên bản, bảo cụ không chịu về nhưng người xin vào đưa cụ ra thì lại không cho.
Trong một đoạn clip được đưa lên mạng, có cảnh cụ Đức dùng guốc đập vào cửa kính kêu cứu (cửa kính bên ngoài hành lang chứ không phải là cửa phòng làm việc và cửa kính này thì lại không hề vỡ).
Tại sao họ nói cụ cố thủ trong cơ quan không chịu về mà lại có cảnh kêu cứu?
Cụ LHĐ khẳng định Ts NXD không hề yêu cầu cụ đến. Cụ đòi có mặt là để bảo vệ Ts NXD. Yêu cầu ấy của cụ là hoàn toàn hợp lý. Người ta từng biết những chuyện người dân chết hoặc bị thương ở đồn công an. Có trường hợp họ đổ cho tự tử, có trường hợp đổ cho tự thương. Vì thế, mọi người lo cho Ts NXD là hoàn toàn có cơ sở. Rồi nhỡ ra, Ts NXD một mình trong ấy, họ đổ cho anh đã làm gì thì sao, ví như hành hung cán bộ hay đập phá tài sản của cơ quan chẳng hạn. Họ sẽ có rất nhiều người làm chứng, 10, 20 thậm chí hơn thế nhưng về phía anh chỉ có một mình. Không lo sao được.
Sở TTTT tuy không phải là cơ quan công an nhưng buổi làm việc với Ts NXD diễn ra rất bất thường, chứ không phải là buổi làm việc bình thường như ông Minh nói. Theo Ts NXD thì nhiều cán bộ ngành an ninh đã có mặt từ trước đó.
Một bài học trực tiếp, nóng bỏng nhất là sự việc một mình cụ Đức ở trong Sở TTTT đã bị báo chí và Thanh tra Sở phản ánh không đúng, không đủ sự thật vì ngoài cụ Đức ra thì còn ai đứng về phía cụ mà chứng kiến, minh chứng cho cụ.
Vì thế, ai yên tâm cho được khi người thân của họ phải một mình đối mặt với cơ quan công quyền.
Câu hỏi chốt lại dành cho Thanh tra Sở TTTT là: Tại sao các người lại khước từ tất cả mọi cố gắng của cụ LHĐ và những người bảo vệ cụ để có được một cái biên bản, nếu như lẽ phải thuộc về các người?
Cuối cùng thì họ cũng lập một cái biên bản. Cụ Đức kể: Mãi tới 2 giờ, khoảng 10 người bọn họ đứng ở một chỗ trao đổi với nhau lập biên bản rồi bảo cụ ký. Cụ bảo giờ tôi không đọc được chữ, không biết gì nữa mà ký.
Không biết cái biên bản họ tự lập với nhau nội dung như thế nào nhưng tôi đoán chắc chắn biên bản ấy không ghi chuyện họ cưỡng bức, đối xử với cụ như đã nói ở trên.
3. Lối cư xử vô nhân của Sở TTTT:
Khi hai công an phường Cát Linh đến thì họ chỉ cho Ls HHS vào. Những gì Ls HHS chứng kiến đã nói ở trên. Trở ra, Ls HHS bảo cụ cảnh giác, không chịu uống nước của họ. Tôi bảo Phương Bích đi mua sữa mang lên cho cụ. Tưởng gì chứ mang đồ tiếp tế lên cho cụ khi sức cụ đã rất yếu thì nhất định không có ai cản trở được. Lạ thay, một lúc sau Phương Bích trở xuống mang nguyên cả bịch sữa theo, bảo họ không cho lên, cũng không cho gửi.
Cụ LHĐ kể: Lúc cụ choáng, rồi vết thương máu ra nhiều, cụ yêu cầu đưa đi viện nhưng họ vẫn không có động thái nào đáp ứng. Cuối cùng, mãi đến 3 giờ sáng họ mới chịu đưa cụ đến bệnh viện Việt Xô chứ không phải lúc ấy cụ mới chịu đi như báo chí đã nói.
Cụ phẫn nộ: Họ đưa cụ đến bệnh viện xong bỏ cụ ở đó, không làm thủ tục bàn giao gì cả mà ra về ngay.
.
Tôi đã kể trung thực những gì tôi đã chứng kiến về chuyện cụ Lê Hiền Đức tại Sở TTTT tối hôm 1/6. Những gì tôi nghe lại từ những người khác như cụ Đức, TS Nguyễn Xuân Diện, Ls Hà Huy Sơn hoặc đọc báo tôi cũng dẫn giải rõ ràng. Phát ngôn của Thanh tra Sở TTTT, bài viết của hai tờ báo về vụ này các bạn cũng đã đọc. Vậy sự thật trong vụ việc này là gì, điều này xin nhường lại cho bạn đọc.
Có một điều rất lạ nhưng ai cũng hiểu là, trong khi họ nói cụ Đức gây rối thì vụ thương binh đến trấn áp TS NXD, đại náo ở Viện Hán Nôm, người ta lại không đếm xỉa đến hành động này, thậm chí báo Cựu chiến binh, QĐND lại tố ngược nhân viên ở Viện. Qua những sự việc xảy ra đối với Ts Nguyễn Xuân Diện trong thời gian qua và vừa qua là cụ Lê Hiền Đức, ta có thể biết được họ muốn gì?
4/6/2012
N.T.T.
Liên quan:
Chánh thanh tra nói về vụ bà Hiền ĐứcGây rối tại Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội. (ANTĐ)
Bà Lê Hiền Đức gây rối tại Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội (KT&ĐT)
Thông Tin & Truyền Thông – Một nửa của sự thật!
(nguồn nguyentuongthuy's blog)
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001