Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

VÕ BẨN?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Khác trường hợp Bùi Thị Minh Hằng chỉ bị báo chí Hà Nội bôi nhọ, vụ “bà Lê Hiền Đức gây rối”, báo chí ra quân đồng loạt, quyết liệt hơn, từ báo địa phương, trung ương đến báo Đảng.
Xem chừng “Tư lệnh chiến dịch” này lúng túng tợn, bí đâu thì điều quân đấy, toàn những hảo hớn trong làng báo. Chỉ có điều như mọi người đã biết, các “hổ báo” này kết tội rất đao to búa lớn nhưng cũng chỉ dám động đến một nửa sự thật. Và mới chỉ một nửa thôi đã có nhiều điều khó tin, còn một nửa không hay ho gì thì các vị ấy lờ tịt. Vì vậy, cái mà tưởng mạnh ấy hóa ra thành yếu. Phàm cái gì không đàng hoàng thì không thể mạnh được. Tất nhiên, nhờ những chỗ họ lờ tịt đi thì các blogger mới có dịp làm sáng tỏ.
Họ nói những gì và cánh blogger vạch ra những gì, điều này không cần nhắc lại vì ai cũng đọc cả rồi.
Điều cần nói ở đây là chính thời điểm này, vấn đề Bác Hồ có đặt tên cho bà Lê Hiền Đức không? được đưa ra từ blog Đầu gối. Từ trước tới nay, người ta vẫn nghĩ cái tên thường gọi của cụ Lê Hiền Đức do Bác Hồ đặt cho, thì đùng một cái, ông Dương Đức Quảng chỉ ra rằng không phải vậy. Điều này tưởng chẳng liên quan gì đến vụ cụ LHĐ ở Sở 4T.
Tôi tò mò, vào xem ông Quảng căn cứ vào tài liệu và nhân chứng nào thì lại thấy hụt hẫng. Hóa ra, ông Quảng chủ yếu dẫn lời của ông Tạ Quang Chiến, người mà ông Vũ Thư Hiên nhắc đến trong hồi ký “Đêm giữa ban ngày” mà khi nhắc lại, ông Ba Sàm “không thể kìm nổi cơn ói”. Còn hai vị khác mà ông Quảng tìm đến cũng chỉ nói trong phạm vi thời điểm và những người họ biết mà thôi. Không biết một sự việc không có nghĩa là sự việc ấy không xảy ra. Nếu chỉ nghe chừng ấy mà khẳng định thì đây là cách làm thiếu khoa học.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rất tỉnh táo khi nói rằng: “… anh muốn nói lên “một sự thật được nghe từ một người có thật”. Nhưng bà Đức cũng là một người có thật …”
Mặt khác, theo tôi hiểu, Bác Hồ đặt tên cho ai có lẽ ngẫu hứng mà đặt chứ không có tiêu chuẩn nào cả, chẳng hạn không có qui định Bác chỉ đặt tên cho nam giới. Vì vậy việc Bác Hồ đặt tên cho ai không nằm trong nghị quyết hay biên bản nào. Nó không như chuyện kết nạp đảng. Bác cũng không cần báo cáo việc này với tổ chức. Ông Tạ Quang Chiến cũng không phải là người đứng đầu cơ quan chuyên nghiên cứu về việc Bác Hồ đặt tên cho người khác (nếu có cơ quan này). Không thể căn cứ vào lời ông Chiến phán: ông này thì Bác đặt tên còn bà kia thì không, để mà khẳng định.
Chuyện cụ Đức được Bác Hồ đặt tên tôi chưa nghe cụ kể mà tôi chỉ đọc từ một số bài báo nói về cụ (và đương nhiên điều này không có nghĩa là cụ không kể với ai). Tôi không thấy cụ nói ông Chiến không phải là do Bác Hồ đặt tên. Nếu cụ nói thế với ông A nào đó rồi ông A kết luận tên ông Chiến không phải do Bác Hồ đặt, thì ông A với ông Quảng, cũng chỉ là hai người nghe hai chuyện trái nhau từ hai người khác mà thôi.
Nhiều người đặt dấu hỏi tại sao ông Quảng nói là biết chuyện này từ lâu nhưng đúng vào thời điểm này mới đưa ra? Có phải ông Quảng phối hợp với báo Nhà nước đánh cụ LHĐ? Về việc này, ông Quảng giải thích, đại ý là vì bây giờ ông mất hết thiện cảm với cụ Đức. Tức là ngẫu nhiên, cái sự mất hết thiện cảm với cụ Đức trùng với thời điểm nhạy cảm này nên mới gây ra nỗi nghi ngờ cho người khác. Nhưng giá như ông Quảng bình tĩnh một chút, để cho qua một thời gian đã thì chẳng ai nghi ngờ động cơ của ông vì theo ông thì việc này ông đã biết từ năm 2008 rồi. Đã im lặng được 4 năm thì ông có im thêm chút nữa cũng chẳng sao. Đằng này, ông công bố “phát hiện tuyệt với” (chữ Ba Sàm dùng) của ông vào đúng vào lúc báo chí đánh hội đồng một bà cụ trên 80 tuổi thì có vẻ nhẫn tâm quá, nhất là được biết, ông Quảng còn là một nhà thơ.
Cũng cần nói thêm rằng, báo chí Nhà nước phải theo định hướng. Việc làm gì, viết gì hay không được viết gì phải theo chỉ thị chứ chưa hẳn họ đã muốn mặc dù như thế cũng là hèn. Nhưng đối với ông Quảng thì không ai bắt ông cả.
Tôi định gặp cụ LHĐ hỏi han cặn kẽ để viết một bài về chuyện Bác Hồ đặt tên cho cụ. Khi tôi ngỏ ý định, cụ rất nhiệt tình và nói sẵn sàng cung cấp cho tôi chi tiết, tường tận. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu có đưa ra thì cũng chỉ là dùng lời cụ Đức để kiểm tra lời ông Chiến mà thôi cho nên nghĩ lại thấy việc này không cần thiết.
Khi “Trả lời ông Ba Sàm và các còm sĩ có giọng điệu giống ông Ba Sàm”, ông Quảng viết “Thậm chí có ông/ bà Bang nào đó sợ rằng tôi không biết, không đọc lời bình luận của ông Ba Sàm nên đã rinh cả lời bình của ông Ba Sàm về Blog của tôi, kèm theo đó là một lời bình luận thật hả hê, sung sướng!”
Nhưng có một ông cũng “sợ rằng tôi không biết” nên đã ấn nguyên cả bài viết Bác Hồ có đặt tên cho bà Lê Hiền Đức không? vào phần phản hồi bài viết Bốc cứt bôi lên người phải ngửi thối trước tiên của Mai Xuân Dũng trong blog của tôi. Người gửi bài viết này vào phần phản hồi lấy nick là Đức Quang, email Ducquangpho@yahoo.cm.vn, ký tên Đức Quang (blog daugoi). Chẳng biết có phải là ông Quảng không. Nếu người này đúng là ông Dương Đức Quảng thì dụng ý của ông khi gửi bài viết vào blog của tôi ai cũng hiểu.
Nhưng thôi, việc được Bác Hồ đặt tên là một vinh dự nhưng điều đó không không phải là cái để khẳng định sự liêm chính, đạo đức, tài năng, càng không phải là thứ để lấp liếm đi tội lỗi của mình (xin đọc thêm hồi ký Đêm giữa ban ngày). Điều quan trọng hơn cả là cụ LHĐ là một chiến sĩ đi tiên phong trong công cuộc chống tham nhũng, điều mà nhiều kẻ nhân danh Đảng và chính quyền rất khiếp sợ. Giả thưởng Liêm chính của cụ đã nói lên tất cả. Không thể dùng võ bẩn mà bôi nhọ cụ được.
10/6/2012
NTT
(nguồnnguyentuongthuy'sblog) https://nguyentuongthuy.wordpress.com/2012/06/10/9671/
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001