Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Võ Phiến - Phạm Thiên Thư
Võ Phiến
Nguyễn Du có Đoạn trường tân thanh, ông có Đoạn trường vô thanh;

Nguyễn Du có thơ Chiêu hồn, ông cũng có Chiêu hồn ca. Mặt khác, Phật có kinh Kim Cương, kinh Hiền Ngu, ông cũng phỏng soạn Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ v.v... Rồi sau tháng 5-1975 nghe nói có một độ ông toan vung bút làm sáng tỏ cách mạng giải phóng. Đời ông từng bị thu hút ngược xuôi nhiều hướng. Nhưng Phạm Thiên Thư làm văn nô không thành văn nô, làm sư cũng không hẳn ra sư. Con vạc bờ kinh nó ghẹo ông:
“Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ.”
(Động hoa vàng)
Phạm Thiên Thư chỉ đóng trọn vai tuồng xuất sắc khi ông trở về với chính mình, tức một tu sĩ đa tình. Và trong vai tuồng ấy ông thật tuyệt vời, đáng yêu hết sức.

Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi rước em nọ về v.v... thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em này em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới kinh Hiền kinh Ngọc, không biết chuông biết mõ gì ráo, thì trong kho thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt chứ.

Cho nên ông cứ ỡm ờ thế lại hay. Có tu mà cũng có tình. Cái tình của một người tu nó khác cái tình của người không tu, nó có nét đẹp riêng. Thật thế, khi yêu đương có lần ông kêu than vì một dáng hình mất hút:
“dáng em nho nhỏ
trong cõi xa vời”
(‘Ngày xưa Hoàng thị...’)

“Dáng em nho nhỏ” là hình ảnh quen thuộc của phần đông các cô gái trong thơ ca, là chỗ gặp gỡ chung của mọi thi nhân đa cảm. Nhưng “trong cõi xa vời” là khung cảnh riêng của Phạm Thiên Thư, là cái không khí yêu đương riêng biệt của ông. Tu sĩ đa tình, ông làm cho thế giới yêu đương phong phú hẳn lên.

Xưa nay có ai mê gái mà kêu “tình ơi tình ơi”? Họa chăng chỉ có Phạm đại đức. Ông thù thì thủ thỉ, ông kêu khe khẽ những lời ân tình tha thiết không chịu được. Tình yêu của ông thật tội nghiệp. Không phải nó tội nghiệp nó đáng thương vì ông bị hất hủi, bị bạc tình, bội phản, vì ông gặp cảnh tuyệt vọng v.v... Không phải thế. Tội nghiệp là vì bên cạnh các mối tình vời vợi của ông lúc nào cũng thấp thoáng cái ám ảnh của kiếp sống mong manh, của cuộc thế vô thường, của cảnh đời hư ảo. “Dáng em nho nhỏ” cứ như lúc nào cũng chập chờn “trong cõi xa vời”, đáng thương là thế.

Nhớ thuở nào lá vàng rơi trên áo người yêu phơi trước gió thu, bây giờ người yêu không còn nữa:
“nay áo đã cuốn về thiên cổ
lá vàng bay lạnh nỗi niềm không.”
(‘Áo thu’)

Nhớ thuở nào người yêu đan áo tặng mình, áo chưa đan xong thì bỗng:
“rồi bỏ đó em vào thiên cổ
anh một đời ngóng áo thiên thanh.”
(‘Đan áo’)

Trong trường hợp tình nhân mất tình nhân, kẻ khác vật vã đau đớn, thì Phạm Thiên Thư lặng đi trước Không Hư. Ở đây không chỉ mất đi một người tình, một mối tình; ở đây là tan biến hết thảy, sự tan biến nó làm cho ta không buồn vật vã nữa mà thấy hụt hẫng, ngẩn ngơ.

Vả lại không phải chờ đến một cái chết mới đối diện Hư Vô, ngay cả khi đôi trẻ hãy còn đủ trên đời ông vẫn ý thức rõ ràng cái nhỏ bé chơi vơi của tình yêu:
“Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tướng
Hay một vết chim bay.”
Đáng thương biết mấy cái cảnh:
“Anh một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm.”
(‘Vết chim bay’)

Không phải chỉ thương vì tìm chim biền biệt vốn khó; chính thương nhất là vì tình sầu vô lượng chẳng qua chỉ như một vết chim bay mà thôi. Ngay khi nói chuyện yêu đương đã nghe “lạnh nỗi niềm không”! Cái biệt sắc của tu sĩ đa tình nó hay là thế.

Vừa rồi trót buột ra mấy chữ “ân tình”, “tha thiết”, có thể gây sự hiểu lầm. Nói thế không phải có ý bảo ông Phạm có tài tán tỉnh giỏi giang hay ho. Ông không sở trường về khoa ấy. Tóm tắt, có lẽ ông không sở trường về khoa ái tình nào cả: nói năng, tí toáy, mánh lới quyến rũ mê hoặc v.v... đều không. Trông ông lành lắm, cổ điển lắm. Ông không có phát kiến nào trong lãnh vực yêu đương. Xuất hiện trước ông một thập niên kỷ, Nguyên Sa tỏ ra “mới mẻ” hơn nhiều: từ lời ăn tiếng nói khóe mắt đầu mày cho tới hoạt động tay chân bên cạnh người yêu đều linh hoạt tân kỳ.

Còn người tình lớp trẻ, lớp đàn em, là Phạm Thiên Thư lại hiền khô. Trong mối tình nổi tiếng nhất người ấy chỉ lẽo đẽo “gót giày thầm lặng” đi theo sau người yêu vậy thôi, trong bụng cũng muốn “tìm lời mở nói” nhưng mà cứ ngập ngừng cứ ngại ngần hoài. Mãi mới dám “trao vội chùm hoa”, thế rồi là... hết!

“trao vội chùm hoa
ép vào cuối vở.”
(‘Ngày xưa Hoàng thị...’)

là tuyệt đích cuối cùng. Rồi trong những mối tình đậm đà táo bạo sau này cũng chỉ đến chỗ “dan díu bàn tay” mà thôi.

Đã có ai bắt gặp cái hôn nào trong tình yêu của Phạm Thiên Thư chưa nhỉ. Ái tình ở đây cơ hồ không nhằm mưu cầu hạnh phúc. Yêu nhau như thể không vì hoan lạc mà chỉ để cùng thấm thía cái tính cách bọt bèo của kiếp người. Ái tình không đưa tới hạnh phúc, cũng không đưa tới những quằn quại, ghen tuông, khổ đau, sầu não v.v... Nó chỉ đưa tới sự ngẩn ngơ. Ngẩn ngơ trước mênh mông, vắng lặng. Trước Phạm Thiên Thư lâu rồi, vào thời kỳ văn học lãng mạn, nghĩa là thời kỳ của tình cảm dạt dào cao khiết, khi yêu đương Xuân Diệu liền bám sát: “sát đôi đầu, kề đôi ngực, trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài”, rồi “quấn riết đôi vai”, rồi “gắn chặt đôi môi” v.v... Vậy mà ông cứ kêu “Thế vẫn còn xa lắm”. Trong tiếng thơ tưởng nghe được cả hơi thở hổn hển. Nhà thơ cắn vào món ăn trần gian (nourriture terrestre), cắn mạnh dữ đa!

Sau này về già, Xuân Diệu trầm tư chín chắn, vẫn giữ một lập trường về thân xác:
“Không nền, sao dựng lầu thơ?
Không thân thể, chỉ bâng quơ cái hồn.”
(‘Thân em’)

Về già, Vũ Hoàng Chương gặp lại giai nhân trong giấc mơ cũng nằn nì:
“Em nhé!..., chiều anh, gần chút nữa
Cho anh tìm thấy chính em xưa.”
Khi em đã gần và anh đã tìm thấy, anh liền lính quýnh:
“Ớ, Chính em mà! Tất cả em
Đã về... Ôi trận gió nào đem!”
(‘Giấc mơ tái tạo’)

Tất cả em, tức là đủ cả nền thơ lẫn lầu thơ đấy, tức là không bâng quơ đâu. Các lão thi nhân không chịu cái bâng quơ nhé, ngay cả trong giấc mơ.
Nhưng trước nữa, trước xa, cách chúng ta hơn nghìn năm, ngót mười hai thế kỷ, tại quê hương đức Khổng, thì một vị tiến sĩ phong nhã như ông Bạch Cư Dị coi kỹ cũng khiếp lắm, không sao? Lúc thất thế sa cơ ông tư mã Giang Châu mặc áo xanh đêm khuya nghe đàn vẫn cốt cách ra gì, còn khi đắc ý ông làm thượng thư tại triều thì áo mũ cân đai, đường đường chính chính, uy nghi biết mấy. Vua trên trông xuống, muôn dân trông vào. Thế mà nói đến gái họ Dương, ông không ngại nói luôn tới cái lúc người ta đang tắm rửa kỳ cọ:
“Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì
Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi”

Ông nói đến cả chuyện da thịt người ta trắng thế này thế nọ. Đứa xấu nết đọc tới dám bấn lên lắm.

Những bậc đàn anh, những bậc tiền bối và cổ tiền bối ấy, giá họ có dịp xem qua thơ tình của chàng thanh niên thời nguyên tử, thời hiện sinh, cái thời từng bị vu là sa đọa! Thơ tình của chàng là thứ thơ tình không có nụ hôn. Người tình của chàng là thứ người tình không da thịt. Đố thiên hạ tìm ra trong thơ chàng một nụ hôn, tìm ra những cặp môi mọng như quả nho, gò má ửng hồng như trái đào, những sóng mắt đắm đuối, ngực tròn phập phồng v.v..., đố như thế là đố khó quá. Thường thường chỉ có nón bài thơ, có hoa cài đầu, có áo hồng áo xanh v.v... Kẻ hăm hở xông tới cũng có thể bắt gặp môi, tóc và một bàn tay chẳng hạn. Bàn tay (cái phần rất ít thân xác trong thân xác), bàn tay vậy thôi, cũng như tóc như tai vậy thôi. Không mọng đỏ, không no tròn, không phập phồng, không đắm đuối, không long lanh v.v... Ồ, những chữ nghĩa ấy hàm ý thưởng thức, cái ý quá sỗ sàng đối với chàng. Thành thử em Ngọ, em Tí, gái gác chuông, gái giàn hoa, gái lều thơ, gái chong đèn v.v..., tất cả chỉ là một cái tên hay một bóng dáng. Tuyệt nhiên không thịt da. A! Gái nguyên tử này với trai hiện sinh nọ, xứng chưa!

Thân xác ư? Chẳng qua những tấm thân mảnh dẻ, mong manh, như liễu, như tơ, như sương. Những thân xác như thế không chịu được sự cận kề. Gái như thế họ chập chờn xa xa , họ ở chỗ “xa vời”, họ thường mất hút hoặc trong quá khứ, trong thời gian mịt mù, hoặc trong không gian diệu vợi, hoặc trong hư vô, trong “niềm không” buốt lạnh...

Mới vừa rồi lại trót nói Phạm Thiên Thư không xuất sắc về kỹ thuật ái tình nào, nói ái tình ở đây không có hôn hít, người tình ở đây không có xác thân háo hức v.v..., nói vậy lại e có sự hiểu lầm khác nữa. Như vậy hoặc có thiếu nữ nào đó ngờ rằng Phạm lang có phần lạnh nhạt hờ hững chăng? Không đâu. Trái lại. Con chim con thú không lời nói, chúng vẫn có linh tính để phân biệt kẻ dữ người lành, để biết rõ ai là kẻ thương yêu nó. Người tình họ Phạm không tỏ ra bạo dạn nồng nàn, nhưng nghe giọng thủ thỉ của ông chúng ta tin ngay là ông yêu đương chân thành. Chân thành chắc chắn không kém lòng ông mến đạo. Những mối tình chay tịnh của ông chẳng những là tình chân thành lại còn là tình tha thiết. Mà tình càng tha thiết thì cái chới với của nó trong kiếp phù du chỉ càng thấm thía.

Ðáp lời tạp chí Bách Khoa trong một cuộc phỏng vấn, Phạm Thiên Thư bảo ông cần có ba thứ trợ hứng cần thiết: thiên nhiên, sự yên lặng, và những quán cà-phê (Bách Khoa, số ra ngày 18-5-1974). Một cách thức trợ hứng vất vả: thiên nhiên phải đi với các quán cà-phê, sự yên lặng cũng phải đi đôi với các quán cà-phê, không khó khăn quá sao?


Nhưng khi đã có đủ ba trợ hứng cần thiết rồi thì ta thấy nhà thơ tha hồ phóng bút làm thơ liên hồi về ba (lại ba) đề tài: tôn giáo, tình yêu, thiên nhiên. Đó là những đề tài chính yếu của thơ Phạm Thiên Thư. Đáng tiếc, tôi không có sự hiểu biết để nói về tôn giáo. Đáng tiếc hết sức, vì nó rất là quan trọng. Tôn giáo tỏa ảnh hưởng lên tình yêu, lên thiên nhiên, trong thơ Phạm Thiên Thư. Tôn giáo tạo cho thi sĩ một phong cách yêu đương riêng, và một phong cách riêng trước thiên nhiên.

Nếu khi tôn giáo cặp với ái tình nó có làm cho người đời ngỡ ngàng đôi chút, thì khi tôn giáo đi với thiên nhiên, cái thế hòa hợp thật là thoải mái. Mà chắc chắn trong trường hợp này chính Phạm Thiên Thư cũng thấy thoải mái nữa. Cho nên ông nói đến cái sức trợ hứng của thiên nhiên mà không đề cập đến sức trợ hứng của ái tình, mặc dầu sức ấy đâu phải không đáng kể.

Thiên nhiên trong thơ họ Phạm thật đẹp. Khi sảng khoái nhà thơ lên nương, và:
“Cắp theo cái nậm khô bầu
Ta ra múc nước bên cầu suối xanh
Vào bầu mây cũng xô nhanh
Ngẩn ngơ cảm thấy không đành bước đi.”
(‘Nhớ trang trại hồng’)

Khi ngậm ngùi, ông trông ra một cảnh chợ xưa:
“Đêm đêm bầy đóm xanh từng chiếc
Tụ giữa nền hoang nhóm lửa sầu.”
(‘Đom đóm’)

Trang trại hồng đẹp mà động hoa vàng cũng đẹp, mây chảy vào bầu đẹp mà đom đóm tụ về nền chợ cũ cũng lại đẹp nữa. Có con mắt nhìn ra cảnh đẹp đã quí, mắt Phạm Thiên Thư trông cảnh chẳng những thấy đẹp lại còn thấy ra đạo. Thế rồi trong cảnh chẳng những “trông” thấy đạo, ông lại “nghe” thấy đạo. Ngày thì:
“Trang kinh mây nổi trước hiên nhà.”
(‘Kinh mây’)

Tối đến lại:
“Đêm nghe lau lách thầm thì
Họp nhau từng khúc kinh gì nửa khuya.”
(‘Nhớ trang trại hồng’)

Nhưng cứ đi nhặt nhạnh chỗ này chỗ kia những câu nói về kinh kệ, về tiếng chuông tiếng mõ v.v... để cho rằng thiên nhiên trong thơ ông nhuốm mùi đạo thì dễ dãi quá. Những câu những chữ như thế chỉ là cái để phô ra; ông Phạm không cần phô ra: đạo nó đã thấm vào tâm hồn ông, nhập vào từng cảnh vật thiên nhiên quanh ông. Tôi đã gặp ở ông những bài ngũ ngôn tứ tuyệt cực hay, kể chuyện tang thương dâu bể chuyện nghìn đời đau thương, trong những khung cảnh hoang phế điêu tàn, mà lời lẽ vắn tắt, ý tình kín đáo, không hề quá độ bi thảm. Tôi cũng gặp ở ông những buổi mai sáng lạn diễn bằng lời nhẹ nhàng khoan thai. Ở đây niềm vui không cuống quít, nỗi buồn không não nề.

Giữa một thời ác liệt đầy âm thanh và cuồng nộ, ông giữ được quân bình an lạc trong tâm hồn: Do đạo đấy chăng? Như thế hà tất dõi theo tiếng chuông tiếng mõ trong thơ ông làm chi.

Thành thử Phạm Thiên Thư có tu lại có tình, nhưng không phải tí ti l’amour tí ti la foi. Không phải thế. Ở đây tình yêu thì tha thiết, niềm tin thì chí thành. Không tí ti.

Phạm Thiên Thư xuất hiện muộn ngưng bút sớm, mà sự nghiệp thi ca của ông vẫn đồ sộ. Năm 1975, mới ba mươi lăm tuổi ông đã có ngót chục vạn câu thơ. Phong phú là một đặc điểm của thế hệ văn nghệ sĩ bấy giờ. Riêng ông Phạm, ông từng dùng đến những tiếng: vơi óc, ốm người, mửa máu v.v... để nói về sự cố gắng của mình (Tạp chí Bách Khoa, số vừa dẫn); tuy nhiên người ta thấy có những trường hợp không có lý do để cố gắng ông vẫn làm thơ rất nhiều rất nhanh. Cuốn Kinh Hiền mười hai nghìn câu ông viết trong một năm rưỡi: việc đạo phải nỗ toàn lực nên thế. Còn cuốn Quyên từ độ bỏ thôn đoài gồm 111 bài thơ ông cũng chỉ làm xong trong vòng hăm ba ngày. Mỗi ngày năm bài thơ, đều đều. Lý do gì vậy?

Không ai đi trách một người... làm quá nhiều thơ. Duy không biết có phải cái lượng đã hại cái phẩm chăng. Vì trong cái lượng đồ sộ nọ số dở khá nhiều. Trong lắm bài có những câu thật hay lạc vào giữa các câu dở làm ta tiếc ngẩn tiếc ngơ.

11 – 1986
(nguồn diendan theky)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001