Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

1052. TIỀM NĂNG TO LỚN CỦA ẤN ĐỘ ĐÃ LỌT VÀO “RAĐA” CỦA NHẬT BẢN
Posted by basamnews on 02/06/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TIỀM NĂNG TO LỚN CỦA ẤN ĐỘ ĐÃ LỌT VÀO “RAĐA” CỦA NHẬT BẢN

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 30/5/2012
TTXVN (Niu Đêli 23/5)
Tại cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên và cuộc đối thoại chiến lược lần thứ sáu ở thủ đô Niu Đêli ngày 30/4 vừa qua, do Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna và người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba đồng chủ trì, hai bên đã bàn các biện pháp củng cố mối quan hệ trên nhiều phương diện đang phát triển giữa hai nước, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan để bắt đầu tiến trình hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Tạp chí “Nhà ngoại giao” cho rằng với kết quả của các cuộc đối thoại trên, Nhật Bản đã đạt được những tiến bộ trong quan hệ với Ấn Độ. Quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ thường bị chỉ trích là thiếu “sáng kiến”. Song các nhà bình luận và chiến lược ngày càng nói nhiều đến cụm từ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” hơn là cụm từ “châu Á-Thái Bình Dương”. Và chính Nhật Bản và Ấn Độ đang đưa khái niệm rộng hơn này vào thực tế. Trước hết, Ấn Độ đã xuất hiện trên “rađa” của Nhật Bản bởi sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tiềm năng to lớn về thị trường tiêu dùng và thị trường lao động hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang phải vật lộn để đối phó với dân số ngày càng co lại ở trong nước và mối lo ngại quá phụ thuộc vào Trung Quốc ở nước ngoài.
Đầu thế kỷ này, cụm từ “dot.com” nổi lên trong ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ cùng với một số thành tựu ấn tượng từ thành quả của cải cách tự do Hóa mà Ấn Độ đã mang lại cách đây một thập niên. Tuy nhiên, thương mại của Nhật Bản với Ấn Độ vẫn ở mức đáng thất vọng 18 tỷ USD, chỉ bằng 1% tổng kim ngạch thương mại của Nhật Bản, thậm chí cả sau khi hai bên đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) năm 2011. Tuy nhiên, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Ấn Độ nói chung đang có chiều giảm sút thì FDI của Nhật Bản vào Ấn Độ đã tăng gấp bốn lần. Các công ty Nhật Bản đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của lực lượng dân số đông, trẻ và có khát vọng vươn lên của đất nước gần 1,2 tỷ dân này, trong đó có tới 60% số dân tuổi dưới 30.
Hiện nay hơn 800 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Ấn Độ, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất Ô tô, xe máy, hàng hóa cao cấp và dược phẩm, Dự án Hành lang công nghiệp Đêli-Mumbai (DMIC), hiện đang được triển khai thực hiện sau khi nhận thêm được cam kết của Tôkyô cuối năm 2011 với số vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ USD trong 5 năm tới.
Tầm cỡ an ninh trong quan hệ song phương cũng đặc biệt quan trọng đối với khu vực và quốc tế. Bất chấp sự bất ổn định về chính trị, kinh tế và thiên tai, Nhật Bản và Ấn Độ đã nhận thấy những mục tiêu chung về một số vấn đề an ninh. Chia sẻ về lợi ích an ninh hàng hải được đề cập đầu tiên và đã tiếp tục được duy trì trên “vũ đài trung tâm”. Cả hai nước đều phụ thuộc nhiều vào những tuyến hàng hải an toàn về cung ứng năng lượng qua Ấn Độ Dương và rõ ràng đều lo ngại trước tham vọng của Trung Quốc về xây dựng một lực lượng hải quân có thể thách thức sự cân bằng lực lượng hiện nay trong khu vực. Nhật Bản và Ấn Độ trước đây đã tham gia các cuộc tập trận Malabar do Mỹ và Ấn Độ dẫn đầu năm 2007 và theo kết quả cuộc đối thoại chiến lược lần thứ sáu ngày 30/4 tại Niu Đêli, cuộc tập trận chung giữa lực lượng hải quân Ấn Độ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Ngoài ra, một cơ chế đối thoại biển cũng sẽ được triển khai để tăng cường hoạt động chống cướp biển ở ngoài khơi Xômali và củng cố việc chia sẻ thông tin.
Tháng 12 năm ngoái, trong chuyến thăm của ông Noda tới Ấn Độ, Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài bốn thập niên. Các chuyên gia quân sự đã bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Trong năm 2011, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, thể hiện xu hướng hiện đại hóa quân đội của nước này. Các hải cảng của Ấn Độ cũng được đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đang do dự về những gợi ý rằng những mối quan hệ như vậy với Nhật Bản sẽ làm tổn hại đến quan hệ với các nước khác trong khu vực. Vị trí địa lý của Ấn Độ được bao quanh bởi các nước láng giềng thường kình địch, cùng với Nga và Trung Quốc. Trong tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna đã tới Matxcơva gặp những người đồng cấp Nga và Trung Quốc trong khuôn khổ hội nghị đối tác ba bên Nga-Trung-Ấn.
Tuy nhiên, dần dần Ấn Độ và Nhận Bản nhận ra lợi ích của những cuộc gặp nhiều bên kiểu mi ni như vậy. Chẳng hạn ngày 24/4/2012, Nhật Bản đã đăng cai cuộc đối thoại ba bên Nhật-Ấn-Mỹ tại Tôkyô. Thậm chí trong chủ đề nhạy cảm chính trị nhất là năng lượng hạt nhân, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã thúc đẩy các cuộc thương lượng về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự tuy một hiệp định song phương chưa được ký kết và một số yếu tố của hiệp định còn cần được giải quyết. Nhật Bản đề cập tới việc Ấn Độ chưa tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) song các quan chức Nhật Bản thừa nhận điều này không phải là rào cản để hai bên đi đến một hiệp định hợp tác về năng lượng hạt nhân dân sự.
Phần lớn cuộc đối thoại chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ chỉ đề cập đến các vấn đề song phương, song việc chia sẻ mối lo ngại về an ninh đối với các bên thứ ba đã dần dần đi vào cuộc đối thoại. Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên chưa bao giờ trực tiếp đe dọa Ấn Độ, song Ấn Độ đang tìm kiếm ,một vai trò khu vực lớn hơn và Niu Đêli đã can đảm thể hiện lập trường của mình về vấn đề này. Tiến trình cải cách tại Mianma cũng là một chủ đề tiềm tàng của các cuộc thảo luận giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Nhật Bản chưa bao giờ thực sự hài lòng với phương Tây trong cách tiếp cận Mianma, thay vào đó họ muốn có sự can dự vào nước này lớn hơn Mỹ hoặc châu Âu. Ấn Độ đã có sẵn các kênh quan hệ với ban lãnh đạo Mianma – những kênh mà gần đây Mỹ cũng bắt đầu tận dụng khai thác để khuyến khích cải cách chính trị tại Mianma.
Trong tháng 7 tới, Tôkyô sẽ đăng cai một hội nghị quốc tế về Ápganixtan, đất nước mà sự ổn định vẫn là ưu tiên cao của Ấn Độ. Khi sự tin tưởng lẫn nhau tăng lên, sự hợp tác như vậy đối với các vấn đề của nước thứ ba có thể được tiếp tục. Tất nhiên vẫn còn một số lý do phải thận trọng. Sự kỳ diệu về kinh tế của Ấn Độ đã yếu đi trong những tháng gần đây với mức tăng trưởng giảm xuống còn 6,9% trong tài khoá 2011-2012. Tỷ lệ lạm phát cao cùng với các trường hợp tham nhũng tiếp tục kiềm chế các thành tích của Ấn Độ. Hơn thế nữa, khuynh hướng chiến lược của Ấn Độ vẫn chưa rõ ràng. Nền kinh tế năng động của Ẩn Độ đã giành được vị trí cao trên chính trường quốc tế, song Niu Đêli vẫn chưa dứt khoát trong việc định hình một chính sách để phản ứng với các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như mùa Xuân Arập. Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa Niu Đêli và Tôkyô đều nhận được sự ủng hộ của các chính đảng trong nước cũng như sự khuyến khích của Mỹ.
Quan hệ Nhật-Ấn chưa khai thác hết tiềm năng nhưng các cuộc gặp gỡ gần đây chứng tỏ hai bên đang đạt được những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, cứu trợ thiên tai, quân sự và đối thoại chiến lược./.
(nguồn basamnew)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001