Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Chỉ tại quả mít của HỒ XUÂN HƯƠNG

[Vào lúc : 13:55 - 20/06/2012 ]
Nhân Ngày 21-6, nhà báo Nguyễn Hồng Lam đưa ra góc nhìn về thực trạng truyền thông: “Hiện tại, người đọc đang bội thực với những chuyện vụn vặt trên mặt báo. Nhân danh quyền được thông tin của người đọc, người ta đang tha hồ ném lên mặt báo những thứ không phải là thông tin, chẳng có chút ích lợi nào cho việc mở mang dân trí, bồi dưỡng kiến thức hay hướng dẫn dư luận. Xung quanh một vụ trọng án gây chấn động, để câu khách, nhiều bài báo có khuynh hướng khai thác cho bằng hết tất cả những hình ảnh, chi tiết ghê rợn nhất, đang sợ nhất, thậm chí là phi luân, phi nhân trước, trong và sau quá trình gây án của hung thủ. Bên lề một cuộc thi nhan sắc, một sự kiện văn hóa, thể thao, các phòng viên sẽ rình chộp và tung hê vô số những hình ảnh, yếu tố mang tính sự cố, từ xiêm áo trễ tràng đến những phát ngôn gây sốc, câu trả lời hớ hênh của những ngôi sao, người đẹp. Hình ảnh càng giựt gân, phát ngôn càng dại dột, càng ngông cuồng càng tốt!”



CHỈ TẠI QUẢ MÍT CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG

NGUYỄN HỒNG LAM

Xứ mình đôi khi có lắm chuyện hay một cách …kỳ cục. Thỉnh thoảng đang yên lành đột nhiên lại rộ lên một chuyện gì đó rất động trời, sôi sùng sục chừng dăm bữa nửa tháng rồi đột nhiên xẹp lép và mất hút. Đầu hè, thời tiết bỗng dưng phát sốt lên bởi một cuộc tranh luận ồn ã - cãi vã thì đúng hơn – về chuyện báo anh lá cải, báo tôi chính thống. Lọt thỏm giữa cuộc tranh cãi nảy lửa, bạn đọc dễ ngơ ngác rằng, ranh giới giữa lá cải và chính thống, hiện tại đang rất mịt mờ không biết đâu mà lần. Bên lề cuộc hội thảo mi ni “Nâng cao chất lượng phóng sự và phóng sự điều tra” do báo Công an nhân dân tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày nhà báo Việt Nam 21-6, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội nhà báo TP Hồ Chí Minh, TBT Tạp chí Nghề báo đã đưa ra nhận xét: “Đó chính là sự phản ánh chính xác thực trạng khủng hoảng và non yếu của báo chí hiện tại, trong đó cốt lõi là sự hiểu sai và không đủ năng lực cần thiết để hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ, chức năng báo chí của chính đội ngũ làm báo”.

Nói đúng quan điểm, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định, thì ở nước ta không làm gì có báo lá cải, (cũng như không hề có báo tư nhân). Không có báo lá cải vì chẳng có tờ báo nào công khai nhận mình là lá cải. Nhưng để cho rạch ròi thì cũng phải thừa nhận, các yếu tố “lá cải” vẫn xuất hiện nhan nhản trên hầu hết các ấn phẩm báo chí, nhất là trên các trang mạng đang xuất hiện dày đặc. Thật chẳng biết đâu mà lần, bởi lẽ trong những tờ bị quy kết là “lá cải” cũng có rất nhiều bài viết, đề tài đàng hoàng, nghiêm túc, tính học thuật và gia trị thông tin cao. Ngược lại, trong những ấn phẩm được xem, hoặc tự xem là “chính thống”, những yếu tố câu khách rẻ tiền, sự nhảm nhí cũng chiếm dung lượng không phải là ít. Chủ yếu, nội dung của những bài báo dạng này đều chỉ lẩn quẩn xung quanh “mô típ 4T” tình, tiền tù, tội, được khai thác một cách sống sượng.

Thật ra đây không phải là vấn đề mới. Nhưng khi vận từ “lá cải” vào thực trạng báo chí nước ta hiện nay thì bản thân từ định danh đã không bảo đảm về mặt nội hàm. Ít nhất thì khái niệm “lá cải” (tabloid) cũng đã xuất hiện từ hơn trăm năm trước, chính xác là từ năm 1901. Khởi thủy, nó là một từ được sử dụng trong ngành y, mang nghĩa “thu gọn, làm nhỏ lại” để những liều thuốc chữa bệnh có hình dạng những viên nén nhỏ, gọn. Thuật ngữ tabloid journalism – báo chí lá cải - đơn giản chỉ là cách để người Anh thời đó gọi những tờ báo khổ nhỏ, chẳng lên quan gì đến chuyện định tính, chính hay tà. Tóm lại, bản thân từ “báo lá cải” cùng lắm thì cũng chỉ đến mức khiến người ta phải nghĩ đến những bài báo khai thác những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt, chẳng mang nghĩa gì quá xấu đến mức khi bị gán với nó, người ta phải giãy nãy lên.

Nhưng hiện tại, người đọc đang bội thực với những chuyện vụn vặt trên mặt báo. Nhân danh quyền được thông tin của người đọc, người ta đang tha hồ ném lên mặt báo những thứ không phải là thông tin, chẳng có chút ích lợi nào cho việc mở mang dân trí, bồi dưỡng kiến thức hay hướng dẫn dư luận. Xung quanh một vụ trọng án gây chấn động, để câu khách, nhiều bài báo có khuynh hướng khai thác cho bằng hết tất cả những hình ảnh, chi tiết ghê rợn nhất, đang sợ nhất, thậm chí là phi luân, phi nhân trước, trong và sau quá trình gây án của hung thủ. Bên lề một cuộc thi nhan sắc, một sự kiện văn hóa, thể thao, các phòng viên sẽ rình chộp và tung hê vô số những hình ảnh, yếu tố mang tính sự cố, từ xiêm áo trễ tràng đến những phát ngôn gây sốc, câu trả lời hớ hênh của những ngôi sao, người đẹp. Hình ảnh càng giựt gân, phát ngôn càng dại dột, càng ngông cuồng càng tốt!

Cách làm báo câu khách đang ngày càng có xu hướng phổ biến và lấn át sự nghiêm túc. Người ta quên, hoặc cố tình quên mất rằng, mê mải đào sâu chức năng thông tin, các bài báo lấy mục tiêu ve vãn thị hiếu, sự tò mò của người đọc làm trọng đã tự gạt bỏ mất hai chức năng tối quan trọng khác của báo chí. Đưa tin, mô tả quá chi tiết sống sượng, yếu tố phản biện xã hội không còn. Đuổi theo sự giật gân, câu khách, phần định hướng thẩm mỹ cũng biến mất, nếu không nói là các bài báo như vậy đã và đang góp phần định hướng ngược, không phải lên án, phê phán cái xâu, cái ác mà đang góp phần tuyên truyền, cổ súy cho nó.

Trên mặt báo, đời sống, sinh hoạt riêng tư của ngôi sao, người đẹp giới showbiz đang lấn át thông tin về hoạt động, giá trị địch thực của các sự kiện, sản phẩm văn hóa. Hotgirl, hot boy, show hàng, lộ hàng, vòng 1,2, 3 “khủng”…. Hàng loạt từ ngữ, hình ảnh hàm nghĩa không đẹp, rất chối tai đã nảy nòi và ngày càng trở nên bình thường, quen thuộc trong các trang văn hóa – văn nghệ, không còn khiến ai thắc mắc. Các trang mục viết về đời sống pháp luật, an ninh trật tự cũng không kém cạnh. Thay cho những tít báo 5 chữ, 7 chữ cô đọng, súc tích, gợi mở nhiều suy nghĩ, mặt báo xuất hiện đầy rãy những cái tít dài lòng thòng, trần trụi, chứa đầy những yếu tố dung tục, giật gân, ghê rợn, kiểu “Sự thật về vụ rủ bạn hãm hiếp người yêu rồi giết đốt xác phi tang”, “Kinh hoàng kẻ cướp tiệm vàng giết chết ba người bằng dao chọc tiết lợn”…v.v và v.v.

Không nghi ngờ gì nữa, khi sản phẩm văn hóa bị thay bằng phế phẩm, phụ phẩm, khi thái độ ghê sợ, phê phán, lên án đối với tội ác bị gạt sang một bên để thay bằng việc khai thác kiệt cùng chính chi tiết tội ác thì báo chí đã sa lầy trong vũng bùn của hàm nghĩa lá cải. Nói chính xác, không có đề tài hay chủ đề lá cải. Chỉ có cách thể hiện dễ dãi, dung tục mới đẻ ra những bài báo lá cải. Khai thác tập trung quá nhiều những bài báo như vậy nhằm câu khách là cách tự tha hóa để biến những tờ báo nghiêm túc thành tờ báo lá cải – thứ ấn phẩm phi văn hóa mà người đọc không trông đợi nhưng đã và đang thường xuyên phải chịu đựng. Một thứ ô nhiễm, đầu độc thông tin trên báo chí đã đến mức báo động!

Vậy thì, có ranh giới nào để phân biệt một bài báo, một tờ báo lá cải với một sản phẩm, một ấn phẩm chính thống, nghiêm túc hay không. Câu trả lời tất nhiên là có. Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước, TBT báo Công an nhân dân từng đưa ra nhận định: “Làm báo tất nhiên không thể từ chối đề cập đến thông tin về cái ác, cái xấu. Nhưng đề cập để người đọc thấy được căn nguyên cái ác, cái xấu nhằm hạn chế, tránh xa, loại trừ nó mới là nhiệm vụ của báo chí. Ngược lại, dùng các yếu tố giật gân, mô tả chi tiết tội ác, lấy cái xấu cái ác làm yếu tố câu khách thì đó là chúng ta đang nhấm nháp tội ác và cái xấu. Đó là cách thể hiện thái độ đồng lõa! Xã hội không cần những bài báo lá cải như thế”. Ranh giới đã phân định rất rõ ràng, nhưng ngay cả trên các ấn phẩm báo chí nghiêm túc, yếu tố lá cải vẫn không thiếu.Vì sao?

Đã có khi, câu trả lời là một sự ngộ nhận không nhỏ. Còn nhớ, vụ một thanh niên bị gia đình người yêu từ chối đã khống chế con tin gần trọn một đêm, xảy ra tại Huế cách đây vài năm. Đêm đó, rất nhiều báo mạng, báo giấy đã tung phóng viên túc trực tại hiện trường, bám sát từng giai đoạn của cuộc thuyết phục kẻ bắt cóc nhằm giải cứu con tin. Dĩ nhiên, rất đông bạn đọc đã hồi hộp theo dõi thông tin vụ việc. Kéo dài gần trọn một đêm, nhưng thực ra thông tin về vụ việc không nhiều. Bí quá, dù không có hình ảnh thông tin gì mới nhưng cứ khoảng 15 phút, một tờ nhật báo online lại đăng một vài mẩu về….quá trình tác nghiệp của phóng viên. Thay vì kết cục của nạn nhân và thủ phạm, người đọc chỉ nhặt được chuyện phóng viên ăn cơm hộp, phóng viên được dân sở tại ném cho chai nước, điện thoại phóng viên vừa hết pin, phóng viên giật mình, phóng viên vô ý làm rơi labtop…v.v. Tóm lại, toàn những chuyện chẳng liên quan gì đến vụ việc, chẳng tích sự gì cho bạn đọc.
Sau này, khi được hỏi, anh thư ký tòa soạn online của tờ báo này đã trả lời: “Sau 15 phút mà không có gi để đăng, người đọc sẽ tắt máy tính đi ngủ mất. Để níu họ ngồi lại, raiting (chỉ số) không sụt giảm thì phải bịa ra chuyện mà đưa lên thôi. Thông tin kiểu gì không cần biết, cứ phải có để cập nhật trước đã.” Cách làm, nghe thì chuyên nghiệp, nhưng ngẫm thì thấy đáng buồn. Vì sự tồn tại của chính bản thân tờ báo, giá cả thông tin đã che lấp và thay thế hoàn toàn giá trị thông tin. Mô tả, rê dắt là biện pháp được lựa, bởi đó là cách làm dễ nhất, khi không còn có thể nghĩ ra cách nào khác để níu kéo người đọc
Rất có thể, cách làm báo chạy theo yếu tố lá cải đang được xem là khuynh hướng, là xu thế nhưng chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ là giá trị để khẳng định thương hiệu của một tờ báo lớn, uy tín trong mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững. Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi cách đây nhiều năm, nhà báo Nguyễn Công Khế, người có thâm niên làm TBT tờ Thanh niên trên 20 năm đã nhấn mạnh: “Báo thị trường bạo phát bạo tàn. Nó có thể vụt lên trong một thời điểm nhất định nhưng không bao giờ đủ sức phát triển thành một tờ báo lớn, ngay cả về số lượng. Cho đến nay, những tờ báo có số ẩn bản phát hành cao nhất vẫn luôn luôn là những tờ báo chính trị xã hội nghiêm túc”. Điểm tên, vị TBT kỳ cựu đã nhắc đến các tờ Tuổi trẻ, Thanh niên, ANTG, Pháp luật TP HCM…

Viện dẫn như vậy, chúng tôi không có ý định phủ nhận hoàn toàn sự thành công nhất định - ít nhất là về mặt phát hành – của những bài báo, tờ báo biết lôi kéo bạn đọc bằng cách khai thác đề tài một cách mới mẻ, độc đáo và hấp dẫn. Lại càng không tùy tiện gọi những biện pháp đó là “lá cải”. Chung quy, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khả năng và phương pháp thể hiện của từng tác giả, từng bài báo. Đó là điểm cốt lõi để nhận diện giá trị của từng sản phẩm báo chí.

Quay trở lại với cuộc tranh luận chính thống – lá cải vẫn chưa dút hẳn. Trao đổi bên lề với chúng tôi quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thanh, TBT tờ Đời sống và Pháp Luật đã giãy nãy: “Làm gì có chuyện lá cải. Bà Huyện Thanh Quan chọn đề tài sang trọng, cổ kính, chỉ toàn những nước với dân, quê hương với vận mệnh. Bà Hồ Xuân Hương, ngược lại, toàn nói chuyện quả mít, lá trầu, đèo với hang – toàn chuyện đời thường, trần trụi đấy. Vậy mà cả hai bà đều là danh nhân, đều đóng góp rất lớn cho văn hóa Việt Nam. “Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay”. Chẳng lẽ vì bà Hồ Xuân Hương nói “chuyện đó” nên bảo là bà ấy viết lá cải à?”

À, thì ra báo chí chúng ta đang nói quá nhiều những chuyện….quả mít! Quả là một nhận xét thú vị. Vấn đề không phải là viết về cái gì, mà là viết như thế nào. Mít cũng tốt mà dưa hấu cũng không sao. Quả mít của bà Hồ Xuân Hương chẳng bao giờ là điều sai trái, cũng chẳng bao giờ bị xem là tác phẩm lá cải. Lý do duy nhất là bà ấy vẽ quả mít quá tài!
nguồn_blog_lethieunhon:http://lethieunhon.com/read.php/5982.htm
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001