Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Cuộc đời màu gì?
NÊN XEM CUỘC ĐỜI MÀU GÌ?
"Ý thức hệ, quan điểm, lối sống, văn hóa và hành vi ứng xử của xã hội Phương Đông đầu thế kỷ 21 đang trải qua thời kỳ trũng nhất (nhiều dối trá nhất) của quá trình tiến hóa".
Không mộc mạc, thô sơ mà chân chất như thời nguyên thủy; không nề nếp, gia giáo như thời kỳ phong kiến; không thẳng thắn, rạch ròi như lối sống hiện đại phương Tây. Lối sống phương Đông đang trong giai đoạn chuyển hóa nên đầy rẫy những mâu thuẫn mà người đời phải lý giải và đối phó bằng cả sự dối trá, lọc lừa.
Vậy nên, trong thời kỳ này, mọi người hãy :
"Đừng xem cuộc đời là màu Hồng để cứ mãi khổ đau, thất vọng vì phát hiện quá nhiều vệt Xám. Hãy xem cuộc đời là màu Xám, để được hưởng niềm vui khi nhìn thấy những ánh Hồng"
Đa phần giới trẻ hiện nay đang ngỡ ngàng, mất phương hướng trong việc hình thành ý thức hệ, quan điểm sống và hành vi ứng xử. Bởi hàng ngày, hàng giờ họ được tiếp nhận hay trực tiếp chứng kiến quá nhiều thông tin, sự việc xấu, phản cảm với tâm hồn trong sáng, hồn nhiên vốn có, những tư duy đơn giản của tuổi vị thành niên và trái ngược với những gì tốt đẹp họ được tiếp thu từ nền giáo dục của nhà trường, gia đình. Hệ quả là trong vô thức còn rất nhạy cảm bắt đầu xuất hiện những hoài nghi, bản năng tự vệ về những điều xấu, dần dần trở thành những quy kết, mặc cảm rất trầm trọng. Ngược lại, cũng có một tỷ lệ không nhỏ bị ảnh hưởng, tò mò, bắt chước hoặc xem nhẹ mức độ trầm trọng của các thói hư, tật xấu. Ý thức hệ được hình thành tồn tại hai luồng trái ngược, đó là sự trong sáng, giản đơn vốn có và sự hoài nghi, mặc cảm rồi tự vệ thái quá hay ngược lại là dửng dưng, xem nhẹ tác hại về những điều mà đã được định dạng là xấu xa trong suy nghĩ của họ.
Xu hướng giáo dục cũng theo một công thức chung là tiếp tục đề cao những điều tốt và phê phán, cách ly với những điều xấu, điều đó càng làm tăng khoảng cách, mâu thuẫn giữa hai luồng ý thức. Ít có ai phân tích phản biện về điều tốt và điều xấu, khoảng cách và nguyên nhân cội rễ của các suy nghĩ, hành động tốt, xấu đó để giới trẻ có một cách nhìn sự việc logic và chủ động hơn.
Hãy tất yếu và đơn giản hóa mọi sự việc bằng sự phân tích chủ động và sâu sắc các nguyên nhân theo quy luật logic, đừng xem xét, đánh giá hời hợt bằng lăng kính với màu quá Hồng hay quá Xám, để ý thức hệ được hình thành trong trạng thái êm đềm nhưng trầm tĩnh, sáng suốt hơn.

Luận về sự hình thành ý thức hệ, quan điểm sống, trạng thái tâm lý, biểu lộ cảm xúc và hành vi ứng xử của con người.
LUẬN THUYẾT CHẤP NHẬN
Sao chẳng mấy ai hiểu nguyên ngân cội rễ của những khổ đau nên cứ quá say mê với hạnh phúc, hy vọng, thần tượng hóa tột đỉnh những điều tốt đẹp vừa có để rồi sau đó lại hụt hẫng, khổ đau, thất vọng bởi chính điều mình đã kỳ vọng, sụp đổ cảm giác với chính những thần tượng mà mình đã tôn thờ, với cả những điều đau khổ vô lý mà mỗi người tự tạo ra cho mình rồi lại than thân, trách phận nữa?!
Sao có quá nhiều người cứ vô tâm thái quá trong việc xác nhận, ngộ nhận hay phủ nhận, đồng cảm hay chỉ trích, cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau… trước những đối tượng, sự việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày; cứ áp đặt hoàn toàn là ý thức, hành động của những chủ nhân của các sự việc hay những trạng thái biểu cảm đó. Họ không hề biết phần lớn đó chỉ là những sản phẩm của Tạo Hóa, của quy luật tự nhiên, tất yếu mà trong vô thức, con người khó có thể tự nhận ra hay thay đổi chúng.
Tạo hóa đã ban tặng cho con người những cảm xúc tuyệt vời như yêu thương, xao xuyến, rung động, khoái cảm.... nhưng lại gieo thêm những phản xạ, cảm giác gây tổn hại cho con người như  đố kỵ, ích kỷ, giận dữ hay thất vọng, khổ đau...
Biết vậy, sao con người không chấp nhận tìm lời lý giải giản đơn để đón nhận sự việc một cách dễ dàng và thanh thản, hạn chế tối đa sự xuất hiện của những cảm xúc vô bổ đó, cũng chính là để tránh bớt những trớ trêu và ác độc mà Tạo hóa muốn hành hạ con người.
Nếu nhìn nhận một cách vô cảm thì:
“Hầu hết nguồn gốc nhận thức, quan niệm xã hội, trạng thái tâm lý, hành vi ứng xử hay biểu lộ cảm xúc....của con người chỉ như là những con số Toán học hay những nguyên tố, hợp chất Hóa học. Sẽ bế tắc khi không lập được phương trình để giải hay không cho đúng chất thích hợp để tạo ra những phản ứng theo ý muốn; còn nếu lập và giải được phương trình, cho đúng chất thích hợp thì mọi điều trở nên dễ lý giải như 1+1 = 2 mà thôi”
Suy nghĩ, hành động hay biểu cảm của con người (kể cả tốt hay xấu, đúng hay sai) phần lớn đều mang tính tất yếu và phù hợp với logic. Còn những trường hợp không logic thì cũng chỉ vì Tạo hóa sinh ra cái con người có những hành vi bất thường, ngoài quy luật mà ngay chính họ cũng không biết như thế và họ, hay bất kỳ ai cũng không thể thay đổi được điều đó.
Vì vậy, bất luận là bế tắc hay thỏa mãn, dù có hay không bản lĩnh để điều chỉnh, phát huy hay khống chế được một phần những cảm xúc tự nhiên, điều cần làm là hãy cố tất yếu và đơn giản hóa phần lớn những sự việc diễn ra trong cuộc đời, dù đó là hạnh phúc hay khổ đau, thường xuyên hay thỉnh thoảng để có được sự trầm tĩnh, không xúc động tức thời, thái quá, không bận lòng, day dứt vì những điều khó lý giải, khổ đau...
Tóm lại, thông điệp từ giả thuyết chấp nhận đơn giản chỉ là:
 "Hãy chấp nhận hầu hết con người, phần lớn sự việc đều bị chi phối bởi quy luật tự nhiên, tất yếu để đơn giản hóa mọi trạng thái cảm xúc, đừng quá đề cao, tôn thờ bất cứ ai hay điều gì được gọi là Tốt hay ngược lại, đừng quá chỉ trích hay mặc cảm về những gì được xem là Xấu, để hạn chế những biểu lộ cảm xúc không đáng có, vô bổ với nhu cầu tìm kiếm sự thanh thản, bình yên cho chính mình."
Đức tính nào cần nhất cho cuộc sống?
NHẪN
Nhẫn ở đây không phải chỉ là nhẫn nhịn, nhẫn nhục hay cam chịu, đó chỉ là nghĩa hẹp mà nhiều người thường hiểu.  
Hiểu đầy đủ, NHẪN là biểu hiện cho bản lĩnh, độ trầm tĩnh, thận trọng, kiên định và liên quan chi phối đến hầu hết các biểu hiện cảm xúc khác của con người.
NHẪN để không bị những cảm xúc tức thời chi phối, để trầm tĩnh nhìn nhận mọi sự việc một cách bình thản, khách quan trước khi có sự xác nhận chính thức về bản chất của sự việc đó và chuẩn bị đầy đủ tinh thần để xử lý hoặc đón nhận nó.
NHẪN để định hướng mọi suy nghĩ, hành động của mình theo mục tiêu và kết quả rõ ràng, không theo những cảm xúc bản năng, vô bổ, thậm chí đa phần là rất tai hại.
Tạo hóa ác độc, dù đã ban tặng cho con người những xúc cảm tuyệt vời như yêu thương, xao xuyến, rung động, khoái cảm.... nhưng lại gieo thêm những phản xạ gây đau khổ cho con người: đố kỵ, ích kỷ, ghen ghét, giận dữ...
Những cảm xúc đối lập đó, thường thì chẳng hại gì cho đối tượng đón nhận mà chủ yếu là gây đau khổ, bực bội, mệt mỏi triền miên cho chính những chủ nhân của chúng mà thôi.
Bởi vậy, NHẪN để đón nhận mọi sự việc, dễ dàng chấp nhận nó một cách thanh thản, hạn chế tối đa sự xuất hiện của những cảm xúc. Đó là việc cần làm nhất của mỗi con người, cũng chính là để tránh bớt những trớ trêu và ác độc mà Tạo hóa muốn hành hạ con người.
NHẪN còn giúp mỗi người trầm tĩnh để biết lắng nghe, cũng là cách học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử. Bởi có ai có thể phủ nhận, rằng vẫn sẽ có vài điều tốt đẹp chưa từng có bên trong những con người có cả trăm điều xấu, những chân lý sâu sắc nhất từ những điều tồi tệ hay nỗi đau lớn nhất của con người…
Rèn luyện "NHẪN" phải trong mọi nơi, mọi lúc, mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Cứ giả dại khờ, chậm chạp và lơ đãng bớt, đừng quá linh hoạt, vội vàng phản ứng như căn bệnh càng lúc càng nặng của số đông mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Càng tự tôn, càng cho mình hiểu biết, càng muốn thể hiện mình hơn người thì càng dễ mất phương hướng để rồi sớm hay muộn cũng chỉ mãi nhận lại sự hụt hẫng, thất vọng, chán chường….mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001