Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012


Không cái dại nào bằng cái dại nào!
Đinh Quang Tỉnh

(Viết tặng CN.DTQ)

“Tin thì tin, không tin thì thôi” (*)

Lứa chúng tôi cùng học Phổ thông với nhau những năm 60-70 của thế kỷ trước, phần lớn anh em con nhà “cán bộ kháng chiến”, hay dân nghèo thành thị đều phấn đấu “vượt khó” để học hành đến nơi đến chốn, trong số đó không ít người đã thành danh, là Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Văn nghệ sỹ nổi tiếng; Đặc biệt, có người còn “có chân” trong Quốc hội mấy khóa liền… Nhưng cũng có người do học hành chểnh mảng, không chịu phấn đấu nên suốt đời chỉ lẹt đẹt làm anh phó thường dân không hơn không kém - Thắng “Dô” là một trong nghịch cảnh ấy.
Thắng được sinh ra trong một dòng tộc danh tiếng vào bậc nhất Hà thành: “Nhất môn xuất tiến sĩ - Phụ tử tam Thám hoa”, là cháu đích tôn của chủ hãng Nhật Viên nức tiếng Bắc Kỳ. Tuy rằng đận “Công Tư hợp doanh”, tài sản của ông bà để lại đều đã phải “hiến” vào hợp hoanh hết, nhưng bố mẹ Thắng vẫn còn “của chìm, của nổi” nên thằng cháu đích tôn vẫn được sống trong “nhung lụa”, ngay cả thời “bao cấp”, hứng lên là Thắng vòi tiền ông nội để vào nhà hàng Phú Gia xơi gọn vài con chim quay một bữa là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Cũng phải công bằng mà nói, Thắng có dáng cao ráo, điển trai, luôn mang cặp kính trắng số “0”, gọng vàng rất điệu đàng. Bốn mùa mặc mặc đồ Tây, là ủi phẳng lỳ, tác phong lại hơi cũ, đủng đỉnh, diệu vợi nom hắn giống hệt một “công chức lưu dung”. Quanh năm suốt tháng, Thắng luôn đội lệch chiếc mũ phớt dạ Tiệp để cố ý che cái trán dô quá mức. Cái tên “Thắng Dô” cũng bắt nguồn từ thâm ý châm chọc của bạn bè gán cho. Hắn được cái dáng, nhưng lại “khổ” vì cái mồm, cứ mở miệng là bô lô ba la, trên không chằng, dưới không rễ, chẳng câu nào ăn nhập vào câu nào, mà lại còn xính tiếng Tây, suốt ngày Méc-xi-bố-cu với lại Bông-dua-me-xừ; Bây giờ còn theo mốt Mỹ, nói câu nào cũng “đệm” ô-kế, ô-kế, thật không giống ai...
Thuở thiếu thời, bọn con trai khi no bụng thì hay dửng mỡ, ham lêu lổng hơn là chú tâm vào sự học hành. Thắng Dô thuộc vào loại này, hắn mải chơi, “tối dạ” lại lười học, nên qua hai mùa thi mà vẫn không kiếm nổi mảnh bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học. Bạn bè trang lứa ai nấy lao vào đại học, còn Thắng Dô phải lủi thủi làm những việc “không tên” cho một Hợp tác xã xén, kẻ giấy. Nhưng toàn là việc nặng nhọc, hắn không kham nổi nên đành dùng hạ sách: “ở nhà bám gấu quần mẹ”, lấy vợ, rồi sinh con, sống “vô công rồi nghề” đến già.
Thắng Dô là người lành tính, chân thành, không nóng nảy, cáu gắt với ai bao giờ. Rất hào phóng với bạn bè, chăm chỉ lo toan việc hiếu, hỷ cùng bạn bè, gắn bó keo sơn cho tới tận bây giờ. Thắng khao khát được bằng chúng bằng bạn nhưng khi ngộ ra thì đã quá muộn. Chính vì vậy mà những ông bạn Giáo sư, Tiến sỹ của Thắng rất thương cảm và nhiều khi dành sự ưu ái đặc biệt để động viên hắn. Đó là những tấm vé mời dự hòa nhạc ở Nhà Hát lớn, hoặc dự khai mạc một sự kiện văn hóa nghệ thuật nào đó ở Cung Hữu nghị…Biết tính bạn hay nói “chữ” trước quan khách, nên khi tặng vé luôn kèm theo “điều kiện” là chỉ được đến dự, gặp người quen cũng chỉ gật đầu chào, “cấm tiệt” không được nói năng, khen chê bất kỳ điều gì. Lần nào cũng căn vặn đến đứt lưỡi, vậy mà hắn vẫn “gây họa”. Bạn bè bực đến tím mặt nhưng nhìn vẻ ngơ ngác, thiểu não của hắn thì lại “cho qua”. Rồi lại vẫn cho giấy mời, vẫn rủ đi chơi, thậm chí rủ hắn cùng đi dự hội thảo khoa học nữa... Nhìn Thắng Dô xuất hiện nơi giao tế, ai không biết, cứ tưởng hắn phải là một Giáo sư thượng thặng, với bộ đồ véc hàng hiệu, cùng chiếc mũ phớt và cái ca-vạt ca-rô sọc chéo rất sành điệu, lịch lãm, chân còn nhấn một đôi giầy Ytalia bóng láng…
Một vài lần chiếc mũ phớt cùng với cái lưng hơi còng của Thắng Dô được lên truyền hình, thì chao ơi! bạn bè tha hồ mà uống bia, uống rượu mệt nghỉ. Hắn vung tay khoản đãi như thể mình là “Người đương thời” vừa xuất hiện trên truyền hình vậy. Nhưng tất nhiên hắn luôn miệng than thở: cái “thằng nhà đài đ…biết quay, ai đời chỉ rõ mỗi cái mũ phớt...”.
Hết mùa mưa, Tây Nguyên như thay da đổi thịt, đẹp đến nao lòng. Mấy người bạn lớn của Thắng Dô được lãnh đạo tỉnh mời vào tham quan và góp ý kiến cho đề án quy hoạch phát triển cụm du lịch của núi rừng Tây Nguyên như thác Phú Cường, thác Ba, thác Bầu Cạn, thủy điện Yaly, nhà lao Pleiku, Biển Hồ, công viên Đồng Xanh, Diên Hồng… Không biết bằng cách nào mà tin “nóng” này đến tai Thắng Dô, hắn làm mình làm mẩy với mấy ông bạn Giáo sư, đòi đi theo cho bằng được. Nể quá, đành chép miệng chiều bạn thôi, coi như rủ nhau đi du lịch. Rồi, cũng không hiểu bằng cách nào hắn mua được vé máy bay cùng chuyến với đoàn. Trên suốt hành trình đi, Thắng Dô hạ quyết tâm “thấm nhuần” lời cam kết với bạn bè, nên không nói năng gì, mà chỉ tủm tỉm cười. Duy nhất có một lần hắn rất lịch sự mở miệng từ chối xuất ăn trên máy bay vì không hợp khẩu vị. Đoàn về đến Nhà khách Ủy Ban tỉnh, anh em khen nức nở rằng “Giáo sư Thắng” hôm nay “diễn” quá đạt, hắn chỉ lịch lãm gật đầu tán thưởng.
Gần một tuần lễ hít thở khí trời cao nguyên, ấm áp tình người, mê say men rượu cần và tiếng gió reo vi vu của rừng đại ngàn làm cho cả đoàn ai nấy như khỏe hẳn ra, vui tươi và nhiệt huyết. Cái sự “kiệm nhời” của Thắng Dô dường như đã biến y trở thành một Giáo sư khả kính, có phần nổi trội. Trong lòng hắn cũng cảm thấy như vậy, nên ngập tràn niềm hân hoan và kiêu hãnh. Trong hội trường, mỗi khi được nghe lãnh đạo tỉnh phát biểu: “Thưa các Giáo sư, Tiến sỹ” là Thắng Dô hiểu rằng các vị ấy cũng đang “kính thưa” mình, nên hắn luôn chú tâm biểu lộ vẻ mặt rất nghiêm cẩn và tỏ ra hết sức chú ý lắng nghe. Nhưng trong đầu hắn lại đang mường tượng đến bữa tiệc sắp tới sẽ được thụ hưởng món “đặc sản” gì?
Đã đến ngày kết thúc chuyến công tác. Lễ tiễn đoàn rất long trọng, lưu luyến và cảm động. Vị Giáo sư trưởng đoàn phát biểu ca ngợi sự phát triển và năng động của miền đất Tây Nguyên anh hùng. Rồi ông tâm huyết hứa sẽ có những ý kiến đóng góp có trách nhiệm sau khi về Hà Nội nghiên cứu thêm và phúc đáp bằng văn bản.
Chủ nhà cảm kích, bộc bạch những lời gan ruột, nhưng rất khiêm nhường và cầu thị, ông nói: Tuy rằng Plây Cu đã rất cố gắng nhưng cũng còn vô vàn khó khăn gian khó, khiến Plây Cu vẫn chưa phát triển ngang tầm như mong muốn…
Đang trong không khí xúc động, lưu luyến phút chia tay. Cả hội trường im lặng, như thể dồn nén “cái cục nói” trong bụng Thắng Dô đã cả tuần câm lặng cứ chờ dịp là nổ tung để thoát ra. Rồi cả khán phòng chết lặng, khi Thắng Dô nói oang oang như “đóng đinh vào cột”: “Nếu Plây Cu chậm phát triển thì ta phát triển Play Boy!?” !!! Mấy vị giáo sư, tiến sỹ bạn của Thắng Dô như “Từ Hải chết đứng”, tìm không ra cái lỗ nẻ mà chui. Đúng là “Không cái dại nào bằng cái dại nào”!

(*) Thơ Nguyễn Trọng Tạo
(**) Ảnh đề bài chỉ mang tính minh họa
Thứ 4 ngày 20/6/2012
nguồn_trannhuong.com:http://trannhuong.com/news_detail/14518/Không-cái-dại-nào-bằng-cái-dại-nào!
 ------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001