Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Một năm đã qua đi





















Châu Đình An (Danlambao)
- Ngày 5 tháng 6 năm 2011, đã có hằng trăm người tụ tập để biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội cũng như Sài Gòn. Cuộc biểu tình xảy ra sau một thời gian âm ỉ, đến lúc phải bùng phát mạnh mẽ chống đối chính sách xâm chiếm biển Đông của nhà Đại Hán.

Đây không phải lần đầu tiên việc công khai bày tỏ chống Tàu của người dân Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, chúng ta đã thấu hiểu về hiểm hoạ Bắc phương, mà trong đó cha ông ta đã anh dũng, đã hy sinh không tiếc máu xương gìn giữ bờ cõi nước Việt Nam cho đến bây giờ.

Cuộc biểu tình tự phát bị nhà cầm quyền Hà Nội đè bẹp và khống chế ngay tức thì. Tuy bị giải tán, bị khủng bố, bị doạ nạt qua việc bắt bớ, qua việc đạp vào mặt người biểu tình, qua việc bắt nhốt, tra hỏi, rồi thả ra. Nhưng phong trào biểu tình chống Tàu đã có sức mạnh lan tỏa nhanh trong nước ta và trên toàn thế giới qua mạng lưới internet nối kết. Chính điểm này, là điểm mấu chốt thành công của chúng ta trong việc biểu dương tinh thần yêu nước chống ngoại xâm Trung Hoa.

Nhà cầm quyền Hà Nội trong thế "tiến thoái lưỡng nan" vì các cuộc biểu tình xảy ra.

Việc chống ngoại xâm ở bất kỳ quốc gia nào cũng là điều chính đáng, không cần bàn cãi, vì đó là nghĩa vụ khi giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh!

Tuy nhiên, việc nhà cầm quyền dùng súng đạn, hơi cay, xe buýt và ngay cả du côn để khống chế bắt bớ người dân mình khi họ bày tỏ tình yêu nước, đã cho công luận trong và ngoài nước bất bình và càng thấy rõ những điểm yếu kém của sự cai trị chuyên chế độc tài độc đảng.

Thứ nhất, sự yếu kém của nhà cầm quyền Hà Nội thể hiện bản chất hèn nhát với Tàu, nhưng tàn độc với người dân.

Thứ hai, cuộc kháng chiến mang danh nghĩa đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào để thống nhất và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bỗng trở thành mây khói, khi lộ rõ bộ mặt về tính chính danh cách mạng và của một nhà nước có chủ quyền thực sự.

Trong quá khứ giúp cho tay sai và âm mưu lấy cả Việt Nam mà không tốn nhân mạng. Trung Hoa đã dốc sức người, sức của, để yểm trợ tối đa cho Hà Nội giành thắng lợi "giải phóng miền Nam". Dù Trung Quốc biết rõ bản chất gian dối lật lọng của những tay sai Hà Nội trong thời gian chống Mỹ. Nhưng chính quyền cộng sản Tàu tự tin vào mình là nước lớn, nằm sát cạnh biên giới sông núi liền nhau, do vậy đã xem thường để đến khi Lê Duẩn ngả hẳn vào Nga Sô và, đến nỗi ghi trong hiến pháp Tàu là kẻ thù không đội trời chung. Một điều chưa có hiến pháp nào trên thế giới ghi như thế. Nhưng xem ra Tàu vẫn tiến hành âm mưu xích hoá Việt Nam qua tay sai Hà Nội.

Việc khấu đầu đến Thành Đô Trung Quốc để xin lỗi, phục thiện và tuyên xưng thần phục nhà Đại Hán của nhóm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt đã chứng minh sự biến dạng của chính trị tắc kè. Vì hiểu rằng, trong quan hệ với nước lớn, bên sau hậu trường chính trị là những bắt nạt của quan thầy, những toan tính, những thị uy, những phách lối khó chịu của cái cao ngạo trịch thượng Đại Hán, là những điều đã và đang xảy ra cho chế độ Hà Nội. Nhưng vì muốn nắm quyền cai trị của đảng phái mình, của cá nhân phe nhóm mình để đặc quyền đặc lợi, bất kể lợi ích của cả dân tộc Việt Nam. Bất chấp sự phê phán của lịch sử ghi chép sau này.

Do vậy, mãi mãi Tàu và Việt Nam sẽ phải đối đầu với những nghịch lý trong các mâu thuẫn về biên giới, về đất, về sông, về biển, về các hải đảo và lợi thế của phương tiện tài nguyên, môi trường và giao thông nằm trong các thế chiến lược, một khi không có chính danh bình đẳng và thực sự tôn trọng của hàng xóm sống bên nhau.

Nhìn lại một năm qua về cuộc biểu tình chống Tàu xâm chiếm biển Đông, chúng ta có những ghi nhận khích lệ cho phong trào dân chủ tự phát đang nẩy mầm mạnh mẽ. Điểm quan trọng là, từ bấy lâu nay trong chính thể độc tài cộng sản, việc người dân bày tỏ qua biểu tình là điều cấm kỵ, cho dù biểu tình chống ngoại xâm.

Vì lẽ, xã hội và chính trị Việt Nam theo quan niệm của người cộng sản hiện nay còn mang tính gia trưởng nặng nề. Có nghĩa là sự cai trị theo lề thói phong kiến và gia đình ăn sâu vào đầu óc của những người cướp chính quyền từ tay trắng.

Do vậy, khi người dân biểu cảm bằng thái độ, bằng hành động, tư dưng chính quyền cộng sản Hà Nội cảm thấy bị xúc phạm, bị tự ái vì quan niệm vừa nêu.

Hơn nữa, điểm cốt lõi là nhà cầm quyền Hà Nội kiên quyết không cho người dân có cơ hội để phát sinh ý thức dân chủ. Vì họ hiểu rằng, ý niệm dân chủ đã có, một khi phát sinh sẽ thành đại dịch quét sạch chế độ mà họ đã và đang gìn giữ thế cai trị.

Do vậy, nhất cử lưỡng tiện là vừa làm đẹp lòng mối quan hệ Tàu Việt mà họ rất sợ mất lòng Đại Hán qua việc đàn áp biểu tình của người dân bắt nguồn từ ngày 5 tháng 6 năm 2011, vừa tiêu diệt mầm móng dân chủ "phản loạn" sẽ thành vết dầu loang gây nguy hiểm cho chế độ.

Nhìn qua Trung Đông, Miến Điện. Những phong trào dân chủ biểu tình bày tỏ nguyện vọng, đã có biết bao hy sinh máu đổ, đầu rơi, chết chóc, tù đày. Nhưng dân chủ của Miến Điện đã bắt đầu sinh hoa kết trái mang niềm hy vọng sâu thẳm đến cho người dân của họ. Các nước Trung Đông cũng đã xoay chuyển tích cực dẹp bỏ chế độ độc tài của Mubarak Ai Cập, của Lybia qua cái chết bạo chúa Gaddafi, và đang tiếp diễn với phần đất Syria hiện nay.

Nhìn người nghĩ đến ta, Việt Nam cũng sẽ theo trào lưu dân chủ đến không xa. Nhất là hiện nay, Hoa Kỳ đang dần chuyển trọng tâm cân bằng sự có mặt và ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á Châu. Mặc dù chính quyền Hà Nội đã và đang tìm cách thế đứng của mình để cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc Tàu, Mỹ, Ấn Độ trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của làn sóng dân chủ.

Một năm qua, từ ngày cuộc biểu tình chống Tàu xâm chiếm biển Đông, đã là bài học thực tập dân chủ hay nhất và thiết thực nhất của chúng ta, khối người dân Việt có mặt trong và ngoài nước.

Hiện nay, việc cần nhất là tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các bè bạn năm châu, những người đồng cảnh ngộ như chúng ta là Tây Tạng, Phi Luật Tân, Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Miến Điện, Nepal, Hàn Quốc về cái hiểm hoạ của một nước Đại Hán. Cho dù là đại Hán cộng sản hoặc trong tương lai Đại Hán Dân Chủ. Trung Quốc luôn là mối lo ngại và đối phó của bất cứ nhà lãnh đạo Việt Nam nào, trong bất kỳ thể chế nào.

Một điểm cần lưu ý là hiện nay chúng ta cứ lo chống Tàu, mà quên rằng, Nhật Bản là nước mạnh mẽ tiếp tay yểm trợ nuôi dưỡng chế độ Nguyễn Tấn Dũng nhất. Do đó, cần phải có thái độ phản đối với Nhật Bản. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang là "đồng minh ngắn hạn" với chế độ Hà Nội, nhất là giai đoạn kềm hãm sự hung hăng, bành trướng của Tàu, cả hai dù không ưa nhau, vẫn cần nhau, đó là hình ảnh của Mỹ và Hà Nội hiện nay.

Những cuộc phản kháng chống Tàu qua biểu tình, qua các blog dân chủ, qua các ý kiến của những cựu chiến binh cộng sản, của những nhà trí thức trong và ngoài nước, đang là dấu hiệu gầy vốn của một cuộc đầu tư dân chủ.

Một năm biểu tình đã qua đi, tuy không còn các cuộc biểu tình như thế xảy ra, nhưng những cuộc biểu tình trong tâm thức và tâm hồn của 90 triệu người Việt trong nước, và 3 triệu người Việt hải ngoại vẫn đang tiếp diễn mạnh mẽ chống chính sách đại Hán xâm lược.

           (nguồn danlambao)
---------------------------------------------------------------------------------

Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001