Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Shangri-La: Sự trở lại của Mỹ và sự vắng mặt của Bộ trưởng Trung Quốc
Tác giả: Carlyle A. Thayer
Đối thoại Shangri-La đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại. Nó không đưa ra bất kì quyết định, hay những tư vấn chính sách hoặc tuyên bố nào.
Đối thoại an ninh châu Á tổ chức tại Singapore từ 1-4/6, được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La theo tên khách sạn nơi tổ chức hội nghị. Đối thoại Shangri-La được tổ chức bởi Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược IISS, một trong những think-tank nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới.
Cho tới năm 2010, đối thoại Shangri-la chỉ là nơi gặp đa phương của các bộ trưởng quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2010, Việt Nam là chủ trì hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng (ADMM+ ). Hội nghị này có sự tham gia của 10 bộ trưởng quốc phòng các nước ĐNA và 8 nước đối tác: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.
Tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La nằm ở hai khía cạnh. Một là, các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao có cơ hội đưa ra các phát biểu quan trọng. Hai là, nhiều quan chức sử dụng đối thoại để sắp xếp các cuộc gặp không chính thức với những người đồng nhiệm.
Đối thoại Shangri-La đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại. Nó không đưa ra bất kì quyết định, hay những tư vấn chính sách hoặc tuyên bố nào.
Đối thoại Shangri-La năm nay có 13 phát biểu từ 18 thành viên ADMM cộng và Bộ trưởng Quốc phòng Timor-Leste, nước không phải là thành viên của ADMM+. Năm chiếc ghế trống do sự vắng mặt đáng chú ý của Bộ trưởng quốc phòng ác nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Brunei và Lào.
Sự vắng mặt của ông Lương Quang Liệt
Có 4 lí do giải thích việc tại sao Bộ trưởng Lương Quang Liệt của Trung Quốc vắng mặt tại Shangri-La lần này. Một là, ông không muốn là đối tượng chịu chỉ trích vì những hoạt động hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng quân sự cũng như các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực.


Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta (giữa) bắt tay Thứ trưởng quốc phòng Nhật Shu Watanabe tại hội nghị - Ảnh: Reuters
Hai là, đối thoại Shangri-La dành trọn một phiên cho chủ đề tranh chấp Biển Đông. Phiên thảo luận này có bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gasmin. Trung Quốc từ chối thảo luận vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ đa phương.
Ba là, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA không trực tiếp chịu trách nhiệm cho những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines. Ông Liệt tránh đặt mình vào thế khó xử khi phải bảo vệ những hành động của các cơ quan dân sự biển của Trung Quốc trong việc tạo nên cục diện hiện nay ở bãi cạn Scarborough.
Bốn là, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc không cần sử dụng cơ hội từ đối thoại Shangri-La để tổ chức các cuộc gặp riêng với các đối tác. Ông vừa gặp tất cả các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, cũng như có cuộc gặp riêng với người đồng nhiệm Philippines. Ông Lương Quang Liệt cũng mới thăm Washington và người đồng nhiệm Mỹ có kế hoạch thăm Bắc Kinh cũng trong năm nay.
Hai điểm nhấn
Có hai điểm nhấn quan trọng tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Một là, bài phát biểu của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono về cấu trúc an ninh khu vực. Tổng thống Indonesia kêu gọi "một cấu trúc lâu bền.... Xây dựng một sự cân bằng năng động". Ông lưu ý vai trò trung tâm của mối quan hệ Mỹ - Trung và nói thêm "quan hệ giữa các cường quốc lớn không phải hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Các cường quốc bậc trung và nhỏ cũng có thể giúp khóa các cường quốc chủ yếu vào một cấu trúc bền vững.
Bài phát biểu của Tổng thống Yudhoyono cũng chạm đến vấn đề Biển Đông như một điểm nhấn. Ông lưu ý rằng "các tuyên bố lãnh thổ và tài phán chồng lấn còn cần một chặng đường dài mới có thể giải quyết". Ông bày tỏ sự lạc quan rằng "chúng ta có thể tìm cách biến các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông trở thành hợp tác tiềm năng"
Tổng thống Yudhoyono sau đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc hợp tác. "Chúng ta không thể dành tới 10 năm nữa để nhóm làm việc ASEAN - Trung Quốc hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử COC; chúng ta trông đợi họ tăng tốc."
Điểm nhấn thứ hai trong Đối thoại Shangri-La là bài trình bày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Nhiệm vụ của ông là giải thích việc Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp cho an ninh khu vực như thế nào trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi và ngân sách quốc phòng Mỹ đang cắt giảm.
Bộ trưởng Panetta đưa ra 4 nguyên tắc dẫn đường chính sách quốc phòng Mỹ: thúc đẩy các luật lệ và trật tự quốc tế; đào sâu và mở rộng các quan hệ đối tác song phương và đa phương; làm tương thích sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực; và đầu tư mới vào các năng lực cần thiết cho việc thực thi sức mạnh và các hoạt động của Mỹ ở CA-TBD.
Ông Panetta tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam và New Zealand. Tuy nhiên ông dành nhiều thời gian hơn để thảo luận về những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác và trở thành đối tác.
Cuối cùng, Bộ trưởng Mỹ tán thành việc tổ chức thường xuyên hơn các cuộc gặp ADMM+ và ủng hộ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để quản lý các hành vi ở Biển Đông.
Cam kết gây ấn tượng nhất là tuyên bố của ông Panetta rằng Mỹ sẽ triển khi 60% lực lượng hải quân và không quân ở Thái Bình Dương và tăng số lượng các cuộc tập trận tại đây.
Việt Nam và ASEAN đứng ở đâu?
Bài phát biểu của ông Panetta có thể xem là sự đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh khu vực. Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực để phục vụ lợi ích của nước này cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mỹ ủng hộ các thể chế an ninh đa phương mà ASEAN là nòng cốt. Và Mỹ đặt ưu tiên trong việc làm sâu sắc mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Nay, đến lượt các quốc gia khu vực như Việt Nam và các thành viên ASEAN phải quyết định phản ứng như thế nào. Họ cần xem xét liệu có khuyến khích Trung Quốc hợp tác với Mỹ và nếu có, thì như thế nào.
Họ cần quyết định mức độ mà họ sẵn sàng tiến tới trong việc ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực thông qua tập trận và hợp tác quốc phòng.
Cuối cùng, Việt Nam và các nước khu vực phải quyết định họ có thể mang đến điều gì, từng nước riêng rẽ cũng như với tư cách một nhóm, để định dạng một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên sự cân bằng năng động giữa các cường quốc.
Tác giả Carlyle A. Thayer là Giáo sư Emeritus, ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia.
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt 
(nguồn TVN)

---------------------------------------------------------------------------------

Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001