Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

TRỞ LẠI VỤ ÁN PHẠM NGỌC THẢO

Lữ Giang (Bài 2)




Về các vụ gián điệp giả tưởng tại miền Nam do các văn công cộng sản sáng chế, trước hết chúng tôi xin trình bày lại vai trò của Phạm Ngọc Thảo, sau đó sẽ nói đến vụ Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, và vụ Phạm Xuân Ẩn.
Các viên chức tại miền Nam biết về Phạm Ngọc Thảo khá nhiều, nhưng người biết rõ nhất có lẽ là ông Huỳnh Văn Lang, hiện đang ở tại Orange County. Ông là Bí Thư Liên Kỳ Bộ của Đảng Cần Lao và là người đã kết nạp Phạm Ngọc Thảo vào Đảng Cần Lao năm 1956 dưới sự bảo trợ của Trần Văn Trị và Dương Chí Sanh. Sau khi cuộc đảo chánh ngày 19.2.1965 thất bại, chính ông Huỳnh Văn Lang là người đã đưa Phạm Ngọc Thảo lên làng Đại Học Thủ Đức trốn, và sau đó đưa đến ẩn náu trong Dòng Châu Sơn ở Cát Lái.
Chuyện Phạm Ngọc Thảo đã được chúng tôi kể khá dài trên Saigon Nhỏ ngày 8.7.2005. Ở đây chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính với một vài thông tin mới để độc giả có thể thấy Phạm Ngọc Thảo không phải là “một điệp viên siêu hạng” như đã mô tả trong bộ phim “Ván bài lật ngữa”.
Tuy nhiên, trước khi đề cập đến chuyện Phạm Ngọc Thảo, chúng tôi xin nói qua khái niệm về tổ chức tình báo của Hà Nội tại miền Nam.

TỔ CHỨC TÌNH BÁO CỦA HÀ NỘI

Sau hiệp định Genève 1954, Hà Nội đã cho lập Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam để tổ chức và lãnh đạo mạng lưới tình báo chiến lược tại miền Nam do Văn Viên phụ trách. Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã phá vỡ Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam và bắt tên cầm đầu là Mười Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban. Cục Tình Báo Chiến Lược Hà Nội phải tổ chức lại mạng lưới tình báo tại miền Nam. Mạng lưới này được chia thành nhiều “Cụm tình báo chiến lược”.
Gọi là “Cụm Tình Báo Chiến Lược” vì do Cục Tình Báo Chiến Lược ở Hà Nội tổ chức và điều hành chứ không phải do các tổ chức tình báo địa phương. Mỗi cụm có 3 người thành một “tổ tam tam” gồm một Phái khiển (agent handler), một Cán bộ và một Cơ cán. Phái khiển được coi như tổ trưởng, có nhiệm vụ thu lượm tin tức và lập báo cáo bằng mật mã. Cán bộ là người chuyển báo cáo của phái khiển đến cơ cán. Cơ cán có nhiệm vụ giao thông liên lạc, chuyển tài liệu đi.
Một thí dụ cụ thể: Chúng ta thường nghe Hà Nội nói nhiều đến “Cụm tình báo chiến lực A.22” như là một cụm tình báo quan trọng ở Sài Gòn, nhưng thực tế không phải vậy. Cụm này chỉ là một cụm tình báo nhỏ hoạt động trong Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh ở Sài Gòn. Cụm này gồm có: Dư Văn Chất (tự Văn Tiến Mạnh, tự Nguyễn Trọng Văn) làm Phái khiển, Vũ Ngọc Nhạ làm Cán bộ và Phạm Văn Đường làm Cơ cán. Cả ba đều là thư ký đánh máy công nhật B3 ở Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh, do Kỹ sư Nguyễn Sỹ Cảnh làm chánh sự vụ. Kỹ sư Cảnh là cha vợ của Cao Đăng Chiếm. Ba tên này đã được Kỹ sư Cảnh tuyển dụng.
Năm 1959, cụm tình báo này đã bị tóm gọn, kể cả Kỹ Sư Nguyễn Sỹ Cảnh. Tuy nhiên, sau khi được cải tạo tại trại Tòa Khâm, Huế, Vũ Ngọc Nhạ đã chuyển hướng và đồng ý hợp tác nên năm 1961 đã được phóng thích và đưa về Sài Gòn dưới danh nghĩa một cán bộ hồi chánh bị quản chế, hàng tháng phải trình diện cơ quan an ninh, nhưng trong thực tế Nhạ đã hoạt động đắc lực cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt trong công tác lấy tin tức.
Tính chung, chỉ trong vòng một năm, Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã phá vỡ được hầu hết các cơ sở quan trọng của Cộng Sản hoạt động tại miền Nam Việt Nam như Đảng Bộ Liên Khu V, Đặc Khu Ủy Sài Gòn Chợ Lớn, Thành Ủy Đà Nẵng, Tỉnh Ủy Quảng Trị, Thành Ủy Huế, Tỉnh Ủy Quảng Nam, Tỉnh Ủy Phú Yên, Tỉnh Ủy Long An, Tỉnh Ủy Phước Long, Tỉnh Ủy Cần Thơ, v.v.

NHÂN VẬT PHẠM NGỌC THẢO

Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” Nguyễn Thành Luân đã dàn dựng Phạm Ngọc Thảo như là “một điệp viên siêu hạng”, đã đóng vai trò cố vấn về chính sách quốc gia cho các nhân vật lãnh đạo VNCH. Nhưng sự thật như thế nào?
Phạm Ngọc Thảo, có tên Pháp là Albert Thảo, sinh ngày 14.2.1922 tại Sài Gòn, nguyên quán Vĩnh Long. Năm 1945 Thảo đi theo kháng chiến và làm Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 404 (có tài liệu nói Tiểu Đoàn 420) rồi Trưởng Phòng Mật Vụ Nam Bộ.
Sau hiệp định Genève, Thảo không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam như một cán bộ hồi chánh. Qua trung gian của người em ruột là Marguerite Phạm Ngọc Thuần, Thảo được đưa xuống Vĩnh Long gặp Đức Giám Mục Ngô Đình Thục nhờ giúp đỡ. Bà Thuần là vợ của ông Trần Văn Minh, em ruột Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ. Ông Đỗ là chú của Bà Ngô Đình Nhu.
Thấy Thảo có học vấn khá, ĐGM Thục đã giới thiệu Thảo với ông Nhu. Thảo tỏ ra hiểu biết về các hoạt động của đám Việt Cộng nằm vùng, nên ông Nhu quyết định cho Thảo mang cấp bậc Đại Úy đồng hoá và đưa Thảo đi làm Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Vĩnh Long, sau đó về làm Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Bình Dương. Hoạt động bình định của Thảo rất thành công.
Khi Khu Trù Mật mới được thành lập, đầu năm 1961, ông Diệm đã cho Thảo được thăng lên Trung Tá và cử làm Tỉnh Trưởng Tỉnh Kiến Hòa để trắc nghiệm, nhưng ông Nhu đã cho nhân viên tình báo theo dõi rất sát, vì nghi Thảo là gián điệp hai mang. Thảo đã làm cho tỉnh Bến Tre thành một khu vực yên tĩnh khác thường. Nhưng vì có nhiều báo cáo cho biết Thảo thường liên lạc với Việt Cộng, nên ông Diệm đã ngưng chức Tỉnh Trưởng Kiến Hòa của Thảo và cho qua Hoa Kỳ học một khóa về chỉ huy và tham mưu như hầu hết các sĩ quan cấp tá khác. Sau khi Thảo đi, tỉnh Bến Tre lại bị mất an ninh rất nghiêm trọng. Điều này khiến ông Nhu tin rằng Thảo được Việt Cộng yểm trợ trong thời gian làm Tỉnh Trưởng Bến Tre, nên quyết định thành lập một đơn tuyến (single placement) và dùng Thảo để liên lạc trực tuyến với “phiá bên kia”.
Ngày 23.3.1962, Phạm Ngọc Thảo vừa đi Mỹ về, liền được cử làm Thanh Tra Ấp Chiến Lược. Thảo đã đưa nhiều ý kiến chống sự xâm nhập của Việt Cộng rất xuất sắc.
Tháng 10 năm 1963, khi Hoa Kỳ bắt đầu xúc tiến cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm, Đại Sứ Cabot Lodge đã đánh về Washington nhiều công điện báo cáo Phạm Ngọc Thảo, Huỳnh Văn Lang và Trần Kim Tuyến âm mưu tổ chức đảo chánh. Các công điện này đều được để lọt cho ông Nhu biết. Nhưng ông Nhu cho rằng đây chỉ là trò nghi binh của ông Lodge. Ông hỏi ông Cao Xuân Vỹ: “Thằng Thảo lấy quân đâu mà đảo chánh?”. Biết rõ Mỹ chỉ dùng Phạm Ngọc Thảo như là một thứ nghi binh, nhưng điều đánh tiếc là ông Diệm ông Nhu không bao giờ nghi CIA lại dùng hai người thân tín nhất của hai ông là Tướng Trần Thiện Khiêm và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu để lật đổ chế độ!
Sau đảo chánh ngày 1.11.1963, Phạm Ngọc Thảo được thăng lên Đại Tá và làm Tùy Viên Báo Chí cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, nhưng các tướng lãnh đảo chánh đều nghi Thảo là điệp viên của CIA, một thành phần nguy hiễm, nên sau đó đã đẩy Thảo đi làm Tùy Viên Văn Hóa tại Tòa Đại Sứ VN ở Washington để “trừ hậu hoạ”!

VỤ ÁN PHẠM NGỌC THẢO

Khi muốn loại bỏ Tướng Nguyễn Khánh, CIA đã bí mật đưa Phạm Ngọc Thảo về Sài Gòn. Tướng Khánh cho tôi biết khi Thảo đánh diện xin về nước, ông đã từ chối và ra lệnh cho các cơ quan an ninh ngăn chận không cho Thảo nhập cảnh bất cứ cửa khẩu nào. Không hiểu sao, khoảng hai tuần sau, ông được báo cáo Thảo đã có mặt tại Sài Gòn. Ông nghi Mỹ đã đưa Thảo xuống phi trường Cam Ranh rồi từ đó đưa về Sài Gòn.
Chỉ ít lâu sau, Thảo đã kết hợp được với Tướng Lâm Văn Phát tổ chức đảo chánh ngày 19.2.1965. Cuộc đảo chánh này thất bại, nhưng theo sự chỉ đạo của CIA, trong cuộc họp ngày 21.2.1965 tại Biên Hòa, các tướng lãnh đã quyết định giải nhiệm Tướng Khánh và cho đi làm đại sứ lưu động.
Thấy Phạm Ngọc Thảo quá nguy hiểm, Tướng Nguyễn Văn Thiệu, mới lên nhận chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đã ra lệnh phải truy lùng và hạ sát Phạm Ngọc Thảo bằng mọi giá. Ông Huỳnh Văn Lang, người kết nạp Thảo vào Đảng Cần Lao, đã đưa Thảo lên làng Đại Học Thủ Đức trốn, sau đó đưa qua ẩn nấp tại Dòng Châu Sơn ở Cát Lái. Vì sự sơ hở của LM Trần Ngọc Nhuận, chánh xứ Phát Diệm ở Phú Nhuận, cơ quan an ninh khám phá ra Thảo đang trốn ở Cát Lái. Thảo thấy bị động đã bỏ Dòng Châu Sơn trốn ra ở một nhà dân. Nhưng nhân viên an ninh cũng khám phá ra. Ngày 16.7.1965, Thảo đã bị bắt tại Cát Lái lúc trời gần sáng, bị đưa về Hố Nai, Biên Hòa, và bị bắn nằm gục ở một khu trống vắng. Nhưng Thảo chưa chết. Khi thấy có người đi qua, Thảo rên xiết nên đã được người này đưa về một cơ quan công giáo gần đó nhờ cứu chữa. Nơi đây nguời bị thương cho biết anh ta là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo.
Nhân viên An Ninh Quân Đội theo dõi tình trạng của Thảo, biết Thảo còn sống và đang được cứu chữa, nên đã đến bảo lãnh và xin đưa về Nha An Ninh Quân Đội ở Sài Gòn.
Thảo đã từ trần lúc 1 giờ 30 sáng 17.7.1965 tại Nha An Ninh Quân Đội và được báo cáo là đã chết vì ra máu quá nhiều, nhưng một nguồn tin bên trong nói Thảo đã bị bóp dế chết. Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều nhân chứng về vụ này. Đây là một câu chuyện khá ly kỳ, chúng tôi sẽ mô tả vào một dịp khác.
Có thể nói Phạm Ngọc Thảo là “gián điệp tam trùng” (triple agent – danh từ của Joby Warrick), vừa làm gián điệp cho Việt Cộng, vừa làm gián cho ông Ngô Đình Nhu và vừa hoạt động cho CIA. Ông Nhu biết Thảo là gián điệp cộng sản nên đã xử dụng Thảo làm cán bộ liên lạc trực tuyến, nhưng cho theo dõi rất kỹ, làm sao Thảo có thể lũng đoạn chính sách quốc gia của VNCH được? Thảo chỉ là con bài của ông Nhu và sau đó trở thành con bài của CIA mà thôi. Thảo đã bị giềt như thân phận của một con bài, xài xong rồi bỏ.
(Còn tiếp)
Ngày 12.6.2012

Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001