Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

1030. CUỘC CẠNH TRANH TRUNG-ẤN
Posted by basamnews on 25/05/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

CUỘC CẠNH TRANH TRUNG-ẤN

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 23/5/2012
TTXVN (Niu Yoóc 21/5)
Theo Mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor của Mỹ, khi thế giới bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, một cuộc cạnh tranh quyền lực mới đang hình thành giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai gã khổng lồ của châu Á về lãnh thổ, dân số và sự phong phú của các nền văn hoá. Việc Ấn Độ gần đây phóng thành công tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể với tới Bắc Kinh và Thượng Hải là dấu hiệu mới nhất của sự phát triển này.

Đây là một sự cạnh tranh sinh ra hoàn toàn do hoạt động địa chính trị cấp cao nhằm tạo ra một sự phân tách cốt lõi giữa hai cường quốc có mô hình phát triển địa lý hiếm khi chồng chéo lên nhau hoặc tương tác với nhau trong suốt lịch sử. Mặc dù có một cuộc chiến tranh hạn chế giữa hai nước trong vấn đề biên giới Himalaya cách đây 50 năm, nhưng đằng sau cuộc cạnh tranh này có sự thù địch về lịch sử hoặc sắc tộc tương đối nhỏ.
Thực tế địa lý nổi bật giữa Ấn Độ và Trung Quốc là bức tường Himalaya không thể vượt qua chia tách họ. Đạo Phật lan truyền thông qua nhiều hình thức từ Ấn Độ qua Xri Lanca và Mianma đến Vân Nam ở miền Nam Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Tuy nhiên, loại tương tác văn hoá sâu sắc này là ngoại lệ hơn mức bình thường.
Hơn nữa, những tranh cãi trong việc phân định biên giới chung ở chân dãy núi Himalaya, từ Casơmia ở phía Tây đến Arunachal Pradesh ở phía Đông, dù đúng là một nguồn gây căng thẳng, nhưng không nhất thiết gây ra một cuộc cạnh tranh mới. Nguyên nhân của cuộc cạnh tranh mới là sự sụp đổ về khoảng cách do công nghệ quân sự tiên tiến mang lại.
Thực tế, trên lý thuyết, tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tại các sân bay ở Tây Tạng bao trùm cả Ấn Độ. Các vệ tinh không gian của Ấn Độ có thể giám sát Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ có thể đưa tàu chiến vào Biển Đông ngay khi Trung Quốc giúp xây dựng các cảng biển lớn và hiện đại ở Ấn Độ Dương. Và như vậy, Ấn Độ và Trung Quốc đang cảnh giác để mắt đến nhau. Bản đồ toàn châu Á đang trải trước mắt các nhà hoạch định quốc phòng ở Niu Đêli và Bắc Kinh vì ngày càng rõ ràng rằng hai quốc gia với dân số đông nhất thế giới này (và cũng đang thực hiện việc xây dựng quân đội nhanh) đang xâm lấn phạm vi ảnh hưởng của nhau – phạm vi ảnh hưởng tồn tại trong điều kiện cụ thể ngày nay không theo như cách chúng tồn tại trong thời kỳ công nghệ trước đây.
Và điều này chưa nói gì đến tầm với kinh tế đang mở rộng của Trung Quốc, nó mang ảnh hưởng của Trung Quốc ra khắp thế giới Ấn Độ Dương. Các dự án tăng cường cảng biển tại Kênia, Pakixtan, Xri Lanca, Bănglađét vả Mianma đã chứng minh điều này. Điều này cũng làm Ấn Độ lo ngại.
Vì cuộc cạnh tranh này là địa chính trị – có nghĩa là trên cơ sở vị trí của Ấn Độ và Trung Quốc, với dân số của các nước này rất lớn, trên bản đồ khu vực giữa châu Âu và châu Á – có rất ít cảm xúc đằng sau cuộc cạnh tranh này. Theo nghĩa này, nó tương đương với cuộc cạnh tranh ý thức hệ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, một cuộc cạnh tranh không nhất thiết phải gần nhau về địa lý và không có mấy sự chia rẽ về cảm xúc.
Cách tốt nhất để đánh giá bầu không khí tương đối kiềm chế trong cuộc cạnh tranh Ấn – Trung là so sánh nó với sự thù địch giữa Ấn Độ và Pakixtan. Ấn Độ và Pakixtan giáp với nhau. Thung lũng sông Hằng đông dân của Ấn Độ chỉ cách thung lũng sông Indus đông dân của Pakixtan 480km. Có một sự khác biệt trong những căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakixtan mà không thể áp dụng cho sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Sự khác biệt đó bị kích động bởi yếu tố tôn giáo: Pakixtan là hiện thân cận đại của tất cả các cuộc xâm lược Hồi giáo đã tấn công người Hinđu ở miền Bắc Ấn Độ trong suốt lịch sử. Và sau đó có một câu chuyện lộn xộn về chính bản thân phần tiểu lục địa châu Á này – cả Ấn Độ và Pakixtan cùng nhau sinh ra trong máu.
Cuộc cạnh tranh Ấn – Trung phục vụ rất tốt cho những lợi ích của cộng đồng chính trị cấp cao ở Niu Đêli. Một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc làm gia tăng vị thế của Ấn Độ vì Trung Quốc là một nước lớn mà giờ Ấn Độ có thể sánh với. Tầng lớp thượng lưu Ấn Độ không thích khi Ấn Độ có nguồn gốc với Pakixtan, một nước nghèo và tương đối bất ổn. Họ thích được so sánh với Trung Quốc. Tầng lớp thượng lưu Ấn Độ có thể bị ám ảnh bởi Trung Quốc, thậm chí giới thượng lưu Trung Quốc. Điều này là bình thường. Trong một cuộc cạnh tranh không bình đẳng, bên yếu hơn luôn thể hiện mức độ ám ảnh lớn hơn. Ví dụ, Hy Lạp luôn lo lắng về Thổ Nhĩ Kỳ hơn là Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng về Hy Lạp.
Sức mạnh vốn có của Trung Quốc trong mối quan hệ với Ẩn Độ không chỉ là vấn đề nước này có khả năng kinh tế lớn hơn hay cơ quan chính phủ hiệu quả hơn, mà cả vấn đề địa lý. Đúng vậy, dân tộc Hán hầu như được bao quanh bởi các dân tộc thiểu số như Nội Mông, Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng ở vùng đất cao và khô của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tập hợp các dân tộc thiểu số này vào nhà nước Trung Quốc, do đó an ninh nội địa được quản lý. Ngay cả trong những năm gần đây, khi Trung Quốc giải quyết những tranh chấp biên giới với các nước láng giềng, các tranh chấp này cũng không tạo ra nhiều mối đe dọa đối với Trung Quốc.
Ngược lại, Ấn Độ bị hành hạ bởi đường biên giới dài và không an toàn không chỉ với nước gây khó khăn là Pakixtan mà còn cả với Nêpan và Bănglađét – hai nước yếu và tạo ra các vấn đề về người tị nạn cho Ấn Độ. Sau đó là cuộc nổi dậy theo Chủ nghĩa Mao của nhóm Naxalite ở miền Đông và miền Trung Ấn Độ. Kết quả là trong khi hải quân của Ấn Độ có thể phát huy sức mạnh tại Ấn Độ Dương và do đó có thể chống lại Trung Quốc thì lục quân Ấn Độ phải tập trung vào các vấn đề của riêng mình ngay tại tiểu lục địa này.
Ấn Độ và Trung Quốc có một cuộc chơi lớn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế và quân sự tại Nêpan, Bănglađét, Mianma và Xri Lanca. Nhưng những nơi này cơ bản là nằm trong tiểu lục địa Ấn Độ mở rộng, do đó Trung Quốc đang thực hiện một cuộc cạnh tranh ở sân sau của Ấn Độ.
Thử thách quan trọng đối với Ấn Độ vẫn là tương lai của Ápganixtan, thử thách quan trọng –đối với Trung Quốc vẫn là số phận của Bắc Triều Tiên. Cả Ápganixtan và Bắc Triều Tiên đều có khả năng làm tiêu hao năng lượng và nguồn lực của Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng Ấn Độ có lợi thế hơn do Ấn Độ không chung biên giới với Ápganixtan trong khi Trung Quốc có biên giới với Bắc Triều Tiên. Do đó, một Ápganixtan sau khi Mỹ rút quân rối loạn ít gây khó khăn cho Ấn Độ hơn việc chế độ đổ vỡ tại Bắc Triều Tiên có thể gây ra cho Trung Quốc, nước phải đối mặt với khả năng hàng triệu người tị nạn chạy vào vùng Mãn Châu của Trung Quốc.
Do dân số Ấn Độ sẽ vượt qua dân số của Trung Quốc vào khoảng năm 2030, nên dân số Ấn Độ sẽ lão hoá với tốc độ chậm hơn của Trung Quốc và do đó ở góc độ tương đối, Ấn Độ có tương lai sáng sủa hơn. Dù hệ thống dân chủ của Ấn Độ không hiệu quả, nhưng nó cũng không phải đối mặt với vấn đề về tính hợp pháp như hệ thống độc quyền của Trung Quốc có thể phải đối mặt.
Sau đó là vấn đề Tây Tạng. Tây Tạng tiếp giáp tiểu lục địa Ấn Độ, nơi Ấn Độ và Trung Quốc xung đột về biên giới Himalaya. Trung Quốc càng kiểm soát Tây Tạng ít, tình hình địa chính trị càng có lợi cho Ấn Độ. Ấn Độ còn cho Đạtlai Lạtma tị nạn. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Tây Tạng gây khó khăn cho Trung Quốc nhưng lại tạo thuận lợi cho Ấn Độ. Nếu Trung Quốc phải đối mặt với cuộc nổi dậy nghiêm trọng ở Tây Tạng, ảnh hưởng của Ấn Độ sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, dù Trung Quốc rõ ràng là một cường quốc lớn hơn, nhưng vẫn có những điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh này.
Ấn Độ và Mỹ không phải là đồng minh chính thức. Hệ thống chính trị của Ấn Độ, với những đặc trưng dân tộc chủ nghĩa và cánh tả, sẽ không bao giờ cho phép điều đó. Tuy nhiên, do vị trí của Ấn Độ khống chế Ấn Độ Dương tại trung tâm hàng hải Á – Âu, nên sự phát triển về quân sự và kinh tế của Ấn Độ có lợi cho Mỹ vì Ấn Độ sẽ hoạt động như là đối trọng đối với sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc. Mỹ không bao giờ muốn thấy có một sức mạnh thống trị Đông bán cầu như nó thông trị ở Tây bán cầu. Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc chính là niềm hy vọng của Mỹ: Ấn Độ cân bằng chống lại Trung Quốc và do đó giảm nhẹ cho Mỹ một số gánh nặng của việc là cường quốc thống trị thế giới./.
(nguồn basamnew)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001