Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

947. “Nếu bọn họ định ép tôi nói, thì tôi chẳng thèm nói gì với họ cả”

Posted by basamnews on 01/05/2012

“Nếu bọn họ định ép tôi nói, thì tôi chẳng thèm nói gì với họ cả”

Tác giả: Brice Pedroletti
Người dịch: Đại Phúc
30-04-2012
 
Sáng 30 tháng 4, Hồ Giai nói qua điện thoại với báo Le Monde về việc ông bị giam giữ 24 tiếng đồng hồ, từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật vì mấy ngày trước đó ông có gặp Trần Quang Thành, nhà bất đồng khiếm thị đang lánh nạn từ hôm thứ năm trong đại sứ quán Hoa Kỳ. Hồ Giai, 39 tuổi, vừa được trả tự do hồi tháng 6 năm 2011 sau ba năm rưỡi bị tù giam vì tội “Kích động lật đổ Nhà nước”, và vẫn đang trong giai đoạn bị mất quyền công dân, song ông vẫn luôn luôn coi mình là có quyền tự do biểu đạt ý kiến trên các mạng xã hội hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì đó là các “quyền hợp hiến” của ông.
Có hai người đã giúp Trần Quang Thành đi trốn: một trí thức Bắc Kinh tên là Guo Yushan và một nhà hoạt động xã hội nữ ở Nam Kinh tên là He Peirong. Báo chí hiện không bắt liên lạc được với hai người này và có thể họ đều đã bị bắt. Người thứ nhất lãnh đạo tổ chức phi chính phủ có tên Viện chuyển tiếp và đã giúp Trần Quang Thành điều tra những bạo lực do chính sách một con gây ra ở Liêu Ninh (Sơn Đông) hồi năm 2005. Ông này không ngừng giúp đỡ cho nhà bất đồng khiếm thị và đã công bố vào năm 2011 một kháng nghị trong đó có chứa nhiều thông điệp có hình ảnh của các nhà trí thức Trung Hoa yêu cầu thả ông.
He Peirong (bí danh trên Internet của cô là Ngọc), là một nữ giáo viên tiếng Anh trẻ tuổi ở Nam Kinh, là người đã nhiệt thành đi theo chính nghĩa của luật gia chân đất Trần Quang Thành. Nhiều lần cô đã đến sát làng Dongshigu nơi Trần Quang Thành sinh sống cùng gia đình, ở đây cô tổ chức ghi lại hình ảnh để chuyển lên Internet về các vụ đụng độ với công an nhờ các người dùng internet tìm cách chọc tức cho cảnh sát địa phương tới đàn áp. Chính cô đã đi tìm Trần Quang Thành ở Dongshigu sau khi ông này leo trốn qua tường nhà mình hôm chủ nhật và sau đó bí mật đến nơi ẩn náu trong nhiều giờ đồng hồ. Nhiều ngày sau đó lính gác vẫn chẳng hay biết gì về vụ Trần Quang Thảnh bỏ trốn.
Ông bị bắt giữ trong hai mươi bốn giờ, vụ này diễn ra như thế nào, thưa ông Hồ Giai?
Tôi bị bắt đi hôm thứ bảy hồi 17 h 30 (trên giấy tờ họ ghi 17 h50), và được thả lúc 17 h 50 chiều hôm qua [chủ nhật]. Tôi được dẫn tới trụ sở công an Zhongcang, quận Dongcheng thành phố Bắc Kinh, nhưng Cục 1 của cơ quan An ninh Quốc gia làm vụ này (họ không nói với tôi như vậy, nhưng nghe họ nói với nhau thì tôi biết). Mục đích của họ là muốn biết rõ Trần Quang Thành đã trốn khỏi Dongshigu hồi nào, làm cách nào đón được ông ấy và ông ta lẩn trốn ở đâu khi tới Bắc Kinh, ông ấy vào sứ quan Hòa Kỳ khi nào và tôi trông thấy ông ấy vào hồi nào.
Ông được họ đối xử ra sao?
Ban đầu bọn họ không được tử tế lắm. Có hai cảnh sát hình sự hỏi cung tôi. Họ triệu tập tôi để hỏi chuyện an ninh chính trị, nhưng họ cử người của hình sự tới làm việc! Họ tới với vẻ vênh vang xấc xược, nói với tôi như lên lớp dạy dỗ tôi. Tôi phản công lại, và họ dần dần cũng nhũn đi. Tôi không bị tra tấn, nhưng họ không cho tôi nghỉ mặc dù tôi bị sơ gan và tôi cần được nằm dài nghỉ ngơi. Khi biết là cuộc điều tra sẽ kéo dài tới 24 thay vì 8 giờ, tôi yêu cầu được nghỉ ngơi. Họ không đồng ý. Tôi ném mũ đang đội đầu lên bàn của họ.
Sau rồi họ phải cho tôi nằm trên một chiếc ghế băng ở ngoài hành lang và tôi nằm đó ngủ được chừng ba tiếng đồng hồ, thé thôi. Nhưng ngoài hành lang thì lạnh, đèn lại sáng trưng, người qua lại ầm ầm, thực sự tôi không ngủ được. Cái lối không cho nghỉ cũng là một thứ tra tấn. Họ hỏi cung tôi và hỏi thay cho cả những người khác nữa (trong mạng hoạt động). Nhưng tôi nói ngay với họ rằng Trần Quang Thành là một công dân tự do, cũng như He Peirong và Guo Yushan [hai nhà hoạt động khác đã tổ chức chuyến đi Bắc Kinh cho Trần Quang Thắng).
Cục 1 của cơ quan An ninh Quốc gia cũng cho là không có điều luật nào bị vi phạm kể từ khi Trần Quang Thành đi khỏi Sơn Đông cho tới khi ông ầy vào sứ quan Hoa Kỳ. Công an không có quyền can thiệp vào quyền riêng tư của công dân. Chính vì thế mà họ thấy thiếu cơ sở chắc chắn để hỏi cung tôi. Nên họ giải thích cho tôi đây chỉ là “tìm thông tin” và tìm những “xác nhận” mà thôi. Ngay cả khi họ ép buộc tôi nói, thì tôi cũng chẳng nói gì với họ hết. Nhưng họ không ép.
Nhưng khi họ hỏi tôi điều này thì tôi thấy ngạc nhiên "Trần Quang Thành gặp đại sứ Hoa Kỳ Gary Locke khi nào?" Tôi chưa biết rõ liệu đó có nghĩa là bọn an ninh đã biết là hai người đó đã gặp nhau, hay đó là câu hỏi để thăm dò xem tôi có biết gì không. Kể từ buổi chiều hôm thứ năm, Trần Quang Thành đã trốn được vào sứ quán Hoa Kỳ, vì chiều hôm đó người ta đã thấy ông ấy đi cùng Guo Yushan. Có cả một chiếc xe hơi đuổi theo họ nữa. Còn tôi, hôm thứ sáu, tôi có đi ngang sứ quan Hoa Kỳ, nhưng tôi không vào đó. Công an theo dõi sát tôi, tất họ biết, vậy đó là câu hỏi ngu xuẩn.
Về nguyên tắc, ông vẫn còn chưa được hưởng đủ quyền công dân kể từ sau khi ra tù vào tháng sáu năm 2011. Điều đó có những hệ quả gì?
Họ cho biết họ triệu tập tôi vì tôi vi phạm các quy định của thời kỳ quản thúc. Lý ra tôi không được trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông nước ngoài. Họ nói tôi đã trả lời đài RFI của Pháp, trong khi thực ra tôi đã trả lời ít ra là hơn chục lần, có khi hai chục ấy.
Tôi trả lời họ rằng điều bó buộc này không cho trả lời các cơ quan thông tin truyền thông nước ngoài xuất xứ từ Luật thủ tục tố tụng hình sự và các quy định của Bộ Công an, thế nhưng Hiến Pháp lại quy định tôi có quyền phát biểu ý kiến và phê phán, được nói rõ những gì tôi mong muốn. Tôi có quyền phơi bày những vi phạm các quyền con người của chính quyền địa phương chẳng hạn.
Ông không sợ nếu cứ tiếp tục phát biểu thì sẽ bị trả thù à?
Tôi đã ở tù ba năm rưỡi. Tôi không có ý muốn quay trở lại chốn đó. Nhưng mặt khác, sau khi đã trải qua những thứ đó, tôi thấy mình chẳng còn sợ cái gì sất. Hiển nhiên là sức khỏe tôi không tốt, nhưng ngay cả khi họ giam tôi mười lăm ngày đi, so với 277 ngày trong tù, thì chả là cái gì hết! Tôi lo ngại hơn hết là cho vợ tôi cho con gái tôi và cho mẹ tôi. Gần mười năm qua họ đã sợ hết vía cho tôi rồi.
Bữa kia, khi họ bắt tôi đi, đứa con gái bé bỏng của tôi đã thấy hết. Cháu hỏi: "Ba đi đâu hả má?" Vợ tôi bảo cháu là tôi ra bờ sông chơi. Con gái tôi nói: "Không phải!" Không ai còn có thể nói dối cháu được nữa. Khi tôi ở tù, mỗi lần cùng cháu đi thăm tôi, vợ tôi bảo tôi đang ở Nhà trông giữ người lớn tuổi. Cháu nói: "Chỉ cần ba thay quần áo, thì ba sẽ về nhà với mẹ con mình!". Không ai nói cho cháu biết, nhưng tự cháu biết hết. Tôi thực sự lo sẽ tạo ra một bóng đen trong trái tim non nớt ấy.
Việc ông gặp Trần Quang Thành diễn ra như thế nào?
Cảnh sát hỏi tôi xem tôi gặp Trần Quang Thành khi nào. Nhưng họ không quan tâm tới nội dung hai chúng tôi nói gì với nhau. Khi gặp ông, tôi vô cùng phấn khích đến độ bây giờ nghĩ lại vẫn thấy mình đang còn run lên này. Ông ôm chặt lấy tôi, ôm rất chặt, đến độ ông nhấc bổng tôi lên. Ông bị bệnh nặng: kể từ năm 2006, ông đi ngoài ra máu, và không được chữa chạy gì sau khi ra tù [tháng chín năm 2010], tất cả chúng tôi đều lo cái đó sẽ chuyển thành ung thư. Tôi cũng nhìn thấy những vết thương trên dùi và trên người ông. Nhưng cơ thể ông lúc nào cũng cực kỳ khỏe mạnh và ông rất vững vàng.
Ông có tin tức gì về Guo Yushan và He Peirong, những người đã giúp Trần Quang Thành trốn khỏi nhà ông ấy?
Tôi không làm cách gì liên hệ được với Guo Yushan hoặc He Peirong. Tôi lo cho hai người lắm. Như trường hợp tôi, bọn họ không vi phạm bất kỳ luật lệ nào. Bọn an ninh cũng không có cớ gì để hạn chế tự do của hai bạn đó. Nhưng đó lại có thể là điều tồi tệ hơn cả, họ có thể bị “mất tích”: tôi đã từng được nếm chuyện ” mất tích” trong bốn mươi mốt ngày (năm 2006). Thời kỳ đó, họ hành hạ tôi ghế gớm lắm.
Cô He Peirong đã mất tích từ 11giờ10 sáng thứ sáu, tình đến lúc này là 72 tiếng đồng hồ rồi. Lần cuối cùng tôi liên lạc được với anh Guo Yushan là hồi 22 giờ đêm thứ sáu, sau đó thì không có dấu tích gì của anh kể từ sáng thứ bảy. Guo Yushan bị theo dõi từ chiều thứ năm. Anh ở trong các khách sạn để tránh rắc rối. Tôi vô cùng khâm phục những gì hai bạn đó đã làm. Huynh đệ thực sự là thế đấy.
Khi cô He Peirong biết chuyện điện thoại của Guo Yushan bị cắt, sáng thứ sáu cô lên mạng gửi một tin trên trang Tweet để nhận về mình toàn bộ trách nhiệm vụ cứu Trần Quang Thành, dù biết rằng điều đó khiến cô gặp vô vàn nguy cơ. Về phần mình, để bảo vệ cô, anh Guo Yushan cũng viết các thông điệp nói rõ anh là người tổ chức mọi chuyện, cô không dính dáng chút gì hết!
Nguồn: Le Monde
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Đại Phúc
(nguồn basamnew)

1 nhận xét:

  1. Ngài mà ở VN là ngài vào trại Thanh Hà ngay tấp lự...

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001