Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn

Đài RFA (Radio Free Asia) Washington 31/10/2007
RFA: Theo kế hoạch của cơ quan chức năng Việt Nam thì đến 2020 nhà máy Điện Hạt Nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam được xây dựng ở Ninh Thuận có thể đưa vào vận hành.
Lâu nay có một chuyên gia trong lĩnh vực ĐHN, gốc Việt Nam, có ý kiến không đồng thuận với kế hoạch Việt Nam. Vị chuyên gia này cho rằng chưa nên triển khai một nhà máy ĐHN như thế. Đó là TS Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn nha kinh tế, dự báo chiến lược EDF Paris, Giáo sư viện kinh tế chính sách năng lượng và trường Đại học Bách khoa Grenoble ở Pháp.
Trong chương mục khoa học và môi trường kỳ này TS Nguyễn Khắc Nhẫn nêu ra những ý kiến của ông về vấn đề liên quan.
Có thể nói bản thân ông Nguyễn Khắc Nhẫn là người lên tiếng mạnh mẽ nhất trong thời gian qua, cho rằng chưa nên triển khai ĐHN ở Việt Nam. Ông đã có nhiều bài viết phổ biến lập luận cho ý kiến đó.
Sau đây Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn lặp lại một số nguyên nhân chính vì sao chưa thể xây dựng nhà máy ĐHN tại Việt Nam.
NKN: Từ mấy năm nay, tôi đã lên tiếng khá nhiều không ủng hộ việc xây cất nhà máy ĐHN ở Việt Nam. Có rất nhiều lý do chính đáng, xin phép tóm tắt như sau:
1- ĐHN không kinh tế như người ta hiểu lầm vì trong giá thành kWh phải tính các chi phí về xử lý nhiên liệu, lưu giữ chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy sau này, an toàn, bảo hiểm…
2- ĐHN không tăng trưởng tiềm lực khoa học công nghiệp và hiện đại hoá đất nước như có người mơ tưởng. Trái lại nó hạn chế tiến bộ vì nguồn tài chính khổng lồ bị ĐHN thu hút, không cho phép ta đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, có nhiều triển vọng hơn.
3- Với lò PWR thế hệ II, nước ta sẽ bị ràng buộc với một công nghệ lỗi thời – lò thế hệ III thế giới còn thiếu kinh nghiệm.
4- Chúng ta sẽ mất độc lập, tiếp tục lệ thuộc lâu dài với ngoại quốc về thiết bị, nhiên liệu nhất là Uranium làm giàu 3,5% .
5- Viện cớ lý do thay đổi khí hậu, nhiều nước muốn xây cất trở lại các nhà máy ĐHN nên giá Uranium đã tăng lên gấp 2, gấp 3 lần trong hai năm nay. Trữ lượng Uranium trên thế giới hiện nay chỉ đủ để cung cấp cho 440 lò đang vận hành trong vòng vài chục năm mà thôi. Nếu nhiều nước muốn làm ĐHN thì giá Uranium sẽ tăng vọt rất nhanh và cơn khủng hoảng Uranium sẽ trầm trọng hơn các cơn khủng hoảng dầu mỏ. Như thế có nghĩa là ĐHN không kinh tế.
6- Điểm quan trọng khác là nước ta chưa có đủ nhân tài, chưa có đủ chuyên viên có kinh nghiệm nhiều về ĐHN và cơ cấu công nghiệp, hệ thống pháp lý của ta có thể nói là còn thô sơ.
7- Phát triển năng lượng bền vững sẽ gặp bế tắc vì ĐHN không phải là một năng lượng sạch, không thể giải quyết vấn đề môi trường. Đổi chất thải phóng xạ với CO2 chẳng khác gì như đổi Sida với dịch tả hay dịch hạch.
8- Xây 1 lò ĐHN sẽ làm đất nước kẹt 1 thế kỷ. Sau 50 năm vận hành phải đợi 25-50 năm trước khi tháo gỡ nhà máy.
9- Một lý do khác mà tôi không đồng ý là vì bên nhà đã thổi phồng nhu cầu điện lực năm 2020 (294 tỷ kWh) tức là 3 lần lớn hơn con số đã đưa ra vào năm 2010 không thiết thực chút nào cả. Không có nước nào có một tốc độ quá mạnh như thế. Tăng trưởng luỹ thừa 17% mỗi năm có nghĩa là cứ 3-4 năm ta phải nhân gấp đôi tất cả các nhà máy và hệ thống điện. Ta có đủ khả năng tài chính không? Sức người cũng có hạn. Chính sách năng lượng của ta còn nhiều nhược điểm, thiếu khách quan, khó thuyết phục, không có độ tin cậy về khả năng huy động vốn đầu tư trong khung cảnh toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
10- Lấy lý do cân bằng năng lượng một cách thô sơ để làm ĐHN là phi lý vì tài nguyên thiên nhiên của ta còn dồi dào. Tại sao ta không đợi các lò thế hệ IV sẽ xuất hiện vào 2030/2035 mà phải hấp tấp.
RFA: Hẳn nhiên khi đưa ra ý kiến chưa thể triển khai dự án ĐHN, TS Nguyễn Khắc Nhẫn cũng chỉ ra những cách thức nhằm giải quyết bài toán năng lượng cho Việt Nam.
NKN: Trong lĩnh vực năng lượng, tôi có cảm tưởng như chiến lược dài hạn của nước ta không hợp lý và thiếu khách quan trước những thách đố toàn cầu. Tôi xin phép liệt kê sau đây vài biện pháp cần thiết cho việc phát triển năng lượng bền vững của đất nước.
1 - Quyết tâm khai thác cấp tốc và tuyệt đối (tôi xin nhấn mạnh tuyệt đối) tất cả các nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện, sinh khối, gió, mặt trời, địa nhiệt, sóng biển…bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo. Muốn thành công, nhà nước cần ban hành luật năng lượng tái tạo như ở Mỹ, Trung Quốc, Pháp…Ví dụ: ở Pháp cũng như ở một số nước khác, người dân vừa có quyền sử dụng điện gió mình làm ra vừa có thể bán điện lại cho lưới điện quốc gia với giá rất cao. Nhà nước cũng có bổn phận khuyến khích việc chế tạo thiết bị cho nhu cầu trong nước và để xuất khẩu. Ví dụ: nước Đức và Đan Mạch đã chiếm phần quan trọng nhất nhì trên thị trường thế giới về tua-bin gió.
Những nguồn năng lượng tái tạo (gọi là nguồn thông lượng – énergie de flux) tràn ngập trên vũ trụ, được tạo hoá gieo rải khắp mọi nơi cho nhân loại sử dụng, khỏi phải tốn tiền nhiên liệu.
Thế mà trong hai thế kỷ qua, nhân loại đã đi ngược dòng, đầu tư và tiêu thụ một cách phung phí năng lượng hoá thạch (than, dầu, khí) mà tạo hoá đã cặm cụi gầy dựng qua hàng trăm triệu năm, tập trung và dự trữ ở một số mỏ (énergie de stock) trên thế giới. Dầu, khí và Uranium trong vài chục năm và than đá trong một hai thế kỷ nữa lần lượt cũng sẽ kiệt cạn.
Chỉ có năng lượng tái tạo vô tận, mới đủ điều kiện giúp nhân loại phát triển bền vững, đồng thời chống lại hiệu ứng nhà kính.
Năng lượng tái tạo cho phép ta sản xuất và tiêu thụ ngay tại chỗ, ở mỗi thành phố, mỗi làng xã, mỗi căn nhà! Với chính sách năng lượng phân cấp (énergie décentralisée) ngày nay, không nhất thiết lúc nào cũng phải xây dựng những nhà máy đồ sộ rồi mới sản xuất, truyền tải, phân phối, qua nhiều trạm biến thế, gây nhiều tổn thất trên hệ thống dây.
2 - Biện pháp thứ hai, theo tôi, là tiết kiệm năng lượng mà nước ta cũng ít quan tâm đến. Đó là điều rất đáng tiếc. Năng lượng quý báu nhất là năng lượng mà chúng ta không sử dụng. Tiết kiệm năng lượng phải được nhà nước xem như là một nguồn năng lượng dồi dào, hết sức quan trọng. Nếu chúng ta có một chính sách tiết kiệm dài hạn, sử dụng tối ưu năng lượng, nâng cao hiệu suất sản xuất và tiêu thụ trên toàn lãnh thổ thì mức tổn thất theo tôi có thể nhẹ bớt khoảng 20% - 35% là ít.
Lấy ví dụ: năm 2006, một khách sạn lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi áp dụng chương trình tiết kiệm điện, đã nhìn nhận có sự thất thoát lên đến 30%. Muốn đạt kết quả tốt, nhà nước phải quyết tâm khuyến khích dân chúng ở các thành phố lớn thay đổi thái độ trong việc tiêu thụ hàng hoá, nước và nhất là năng lượng. Tất cả những cơ sở quốc gia và xí nghiệp công hay tư phải xung phong làm gương cho toàn dân. Đó là một thử thách rất lớn, cần ý thức giáo dục và tinh thần kỷ luật. Tôi được biết bộ Công nghiệp cuối năm 2006 đã ban hành thông tư hướng dẫn thủ tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với một số sản phẩm. Điều này đáng mừng cũng như việc thành lập những cơ quan địa phương để quản ly chương trình tiết kiệm năng lượng.
Như thế mới có thể hạ thấp hệ số đàn hồi của Việt Nam quá cao. Hệ số này hiện nay là 2 vì tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện lực của ta mỗi năm lên đến 16% - 17% và tốc độ GDP là 8%-8,5%. Ở đây, cho phép tôi nhấn mạnh một điều. Với tốc độ tăng trưởng luỹ thừa như trên, nếu chúng ta quá chú trọng về số lượng hơn là chất lượng thì rất tai hại cho môi trường và nền kinh tế quốc gia. Ví dụ: trường hợp Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại lớn cũng vì tốc độ tăng trưởng luỹ thừa quá nhanh.
Trước những thách đố của sự thay đổi khí hậu, những nước giàu mạnh phải thay đổi lối sống. Cần có sự giản dị và tiết độ (sobriété).
Những nước đang phát triển như ta không thể nhắm mắt chạy theo những con đường bế tắc của các cường quốc.
Trong lúc nước ta mở rộng đường và xây cất xa lộ cho xe hơi thì các nước giàu mạnh như Pháp thu hẹp đường sá cho xe đạp và người đi bộ. Sự kiện này và sự bất lực của ta để giảm ùn tắc kẹt xe ở trung tâm Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là một cơ hội để ta phân tích kỹ và đặt câu hỏi: đâu là tiến bộ đâu là bước lùi. Rác thải trong nhà chồng chất ra ngoài đường chúng ta chưa có đủ điều kiện, chưa có đủ tài chính để giải quyết vấn đề ô nhiễm, tại sao phải ôm thêm chất thải phóng xạ hạt nhân nguy hiểm cho đất nước.
3 - Biện pháp thứ ba mà tôi muốn nêu lên đã được các đồng nghiệp bên nhà nghiên cứu từ mấy năm nay. Đó là kế hoạch nhập khẩu điện qua lưới điện liên kết các nước trong vùng, nhất là đối với Lào có tiềm năng thuỷ điện rất lớn.
Ngoài ba biện pháp trên, nếu muốn tránh làm ĐHN, chúng ta có thể tiếp tục xây cất những nhà máy thuỷ điện lớn nhỏ, những nhà máy điện chạy than và khí. Chúng ta đừng quên rằng tỷ lệ điện than ở Mỹ và Trung quốc vẫn rất cao!
Chúng ta không thể viện lý do thay đổi khí hậu, làm ĐHN thay vì làm điện với nhiên liệu than, trong lúc đó cứ mười ngày Trung quốc xây dựng thêm một nhà máy vài trăm MW chạy than.
Theo cơ quan đánh giá môi trường Hà Lan, trong năm 2006, Trung quốc đã trở thành quốc gia phát thải CO2 nhiều nhất thế giới, hơn cả Mỹ, châu Âu, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.
Ô nhiễm môi trường vì CO2 trên thế giới cũng như ở nước ta do lĩnh vực vận tải (transport) trầm trọng hơn cả chứ không phải chỉ do các nhà máy chạy than, khí hay dầu.
RFA: Đánh giá về các nguồn năng lượng tái tạo đang có ở Việt Nam.
NKN: Việt Nam là một trong những nước được tạo hoá ưu đãi về những nguồn năng lượng hoá thạch (than, dầu, khí) cũng như năng lượng tái tạo (thuỷ điện, mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển…)
Tài nguyên thiên nhiên của chúng ta thừa đủ để cung cấp nhu cầu trong vài chục năm nữa. Chúng ta có đủ thì giờ chờ đợi xem xét mức an toàn và việc xử lý chất thải phóng xạ của những lò thế hệ IV sẽ xuất hiện vào năm 2030-2035.
Về thuỷ điện, chúng ta chỉ mới khai thác được hơn 20% tiềm năng kinh tế khá lớn 85 tỷ kWh.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển điện gió cao nhờ địa lý dọc theo bờ biển dài cũng như tốc độ gió cao đáng kể.
Vài con số sau đây để ta thấy tầm quan trọng:
Hải đảo xa bờ: 2700 - 4500 kWh/m2 . năm
Hải đảo gần bờ: 1700 – 4200 kWh/m2 . năm
Trong đất liền: 400 – 3000 kWh/m2 . năm
Con số 200 – 500 MW do công ty Điện lực Việt Nam đưa ra quá thấp so với tiềm năng điện gió thật sự của ta.
Trong lĩnh vực điện gió chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm quý báu của các nước như Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Đan Mạch.
Nếu tôi không lầm thì dự án nhà máy điện gió lớn nhất của ta được xây dựng ở gần thành phố Quy Nhơn – Bình Định. Tôi rất mừng vì đó là nơi tôi sinh trưởng.
Về năng lượng mặt trời (cũng như năng lượng gió và địa nhiệt) chúng ta chưa nghiên cứu kỹ tiềm năng.
Các con số bình quân sau đây do cơ quan trách nhiệm của ta đưa ra có vẻ phủ nhận triển vọng lớn của năng lượng mặt trời trên lãnh thổ: 150 kcal/cm2. năm với 2000 – 2500 g/năm
Bài học của Nhật và Úc trong lĩnh vực này sẽ giúp ích ta rất nhiều.
Con số đưa ra về tiềm năng địa nhiệt của ta tương đối còn thấp, chỉ vài trăm MW, tuy nước ta có trên 300 suối nước nóng từ 30° đến 105°C.
Cũng như phần lớn các nước đang phát triển năng lượng sinh khối (biomasse) được khai thác lâu năm ở Việt Nam, đáng tiếc là nhiều nơi khai thác quá mức độ. Vẫn còn nạn cây củi rừng bị phá huỷ hỗn độn tai hại cho môi trường. Nước ta có nhiều kinh nghiệm về sản xuất năng lượng từ chất thải chăn nuôi. Theo tờ Et news của Enerteam thành phố Hồ Chí Minh, muốn có 1m3 gaz/ ngày phải cần 20 kg phân heo / ngày, ứng với thời gian ủ là 40 ngày.
Như các bạn thính giả biết, biogaz có thể phát điện hoặc cung cấp năng lượng nhiệt. Ví dụ: mỗi m3 biogaz cho phép nấu 3 buổi cơm cho 1 gia đình 4 người. Mỗi m3 biogaz cũng có thể sản xuất 1,7 – 2 kWh điện với một động cơ có hiệu suất 30%.
Về việc chế tạo nhiên liệu sinh khí (biocarburant) cho xe hơi chúng ta phải cân nhắc kỹ. Một giải thưởng Nobel về hoá học vừa cho biết nhiên liệu sinh khí không đóng góp trong việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.
RFA: Trong trường hợp Việt Nam vẫn triển khai xây dựng nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận thì cách gì để giảm thiểu các hạn chế mà giáo sư nêu ra?
NKN: Câu hỏi này của anh khó trả lời. Nếu vì vấn đề chính trị và uy tín mà nước ta phải có ĐHN thì tôi vô cùng thất vọng và rất lo sợ cho quê hương, cho những thế hệ con cháu sau này vì ĐHN không kinh tế và vô cùng nguy hiểm.
Trong 4 năm nay tôi đã bỏ nhiều thì giờ, tham dự các hội nghị năng lượng, nghiên cứu kỹ hồ sơ ĐHN, viết hàng loạt bài để trình bày quan điểm của tôi, dựa trên hiểu biết của mấy chục năm hành nghề ở EDF và Đại học Grenoble.
Lẽ cố nhiên vì nhiệt tình đối với đất nước, tôi sẽ không từ chối tiếp tục lưu ý các đồng nghiệp bên nhà về khâu an toàn và khâu đào tạo. Theo tôi, tập đoàn Areva và tập đoàn EDF giàu kinh nghiệm nhất thế giới có đủ khả năng để hợp tác chặt chẽ với ta trong hai lĩnh vực then chốt nêu trên.
Chúng ta phải thẩn trọng trong việc thương lượng mua lò và máy móc, ký kết hợp đồng với các công ty quốc tế, đừng để họ lợi dụng thế yếu của chúng ta (thiếu chuyên gia) ru ngủ và tấn công vô lễ.
Trở lại vấn đề an toàn, trong nước giáo sư Phạm Duy Hiển cũng đã nhiều lần tỏ ý lo ngại về sự thiếu kỷ luật, pháp lý, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức quản lý của ta. Giáo sư đã nói một công trình như cầu nếu có lãng phí tham nhũng bị sập đổ, có thể xây mới lại. Nhưng đối với nhà máy ĐHN thì vô cùng nguy hiểm!
RFA: Đóng góp của Giáo sư lâu nay cho đất nước và mức độ lắng nghe từ phía các cơ quan chức năng.
NKN: Đóng góp của tôi về tâm trí, nhiệt tình thì nhiều nhưng đó chỉ là một hạt cát trên bể rộng mênh mông của đất nước.
Tôi đã có dịp trao tặng tận tay cái CD gồm 17 bài tôi viết và được phỏng vấn về ĐHN từ 2003, cho các vị lãnh đạo cao cấp nhất sang thăm viếng châu Âu hoặc Pháp. Nhưng các vị ấy có thì giờ để đọc, nghe hay suy ngẫm về những thắc mắc khách quan của tôi hay không thì chỉ có Trời Phật biết. Tôi xin cám ơn anh đã dùng chữ mức độ lắng nghe, quá nhã nhặn và lễ phép đối với tôi. Xin anh hỏi thẳng các cơ quan chức năng bên nhà thì biết có ai chịu khó đọc các bài của tôi không?
Điều quan trọng là tôi làm tròn bổn phận đối với xứ sở. Tôi vẫn tin tưởng rằng với thời gian bên nhà sẽ cho tôi có lý.
Từ nay đến hết 2020, bao nhiêu biến chuyển có thể làm lung lay độ tin cậy của chính phủ Việt Nam đối với công nghiệp hạt nhân, một công nghiệp càng đồ sộ, càng hết sức mỏng manh.
Đối với tôi làm ĐHN, nước ta đi lùi 50 năm chứ không phải đi tới như có người hiểu lầm.
Tại sao chúng ta không suy ngẫm về bài học của nước Đức. Với một nền khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, lý do gì mà nước Đức đột ngột hy sinh hàng trăm tỷ đôla mạnh dạn chuyển hướng, sẽ chấm dứt sản xuất ĐHN năm 2020?
Chiến lược khai thác triệt để năng lượng tái tạo của Đức đã thành công mỹ mãn. Chỉ trong vòng 10 năm, Đức đã có 20 000 MW điện gió (tương đương với công suất 20 lò ĐHN, tuy không chạy liên tục được) và rồi đây Đức cũng sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Tôi rất tiếc là sau cuộc thăm viếng ở nước ta của TS Hermann Scheer, nghị sĩ quốc hội Đức và Chủ tịch uỷ ban quốc tế về năng lượng tái tạo, và sau buổi giao lưu trực tuyến ngày 15/06/2006 của TS với GS Phạm Duy Hiển, chủ tịch Hội đồng Khoa học cục kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân, các cơ quan chức năng của ta vẫn không thay đổi lập trường đối với khả năng và sự ích lợi của năng lượng tái tạo mà tiếp tục đề cao vai trò của ĐHN.
Một giải Nobel mở rộng về năng lượng, có nhiều uy tín như TS Hermann Scheer, mà không thuyết phục được chính phủ Việt Nam thì tôi cũng không biết làm gì hơn?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn trả lời những câu hỏi của thính giả
Grenoble, 7-11-2007
1 - Giải thưởng Nobel về Hoá học năm 1995 là giáo sư Paul Crutzen thuộc viện Hoá học Max-Planck của Đức. Trong tạp chí Atmospheric Chemistry and Physics Discussions, GS Crutzen và các cộng tác viên vừa cho biết là việc sản xuất từ nông nghiệp 1 lít nhiên liệu có thể phát thải 2 lần nhiều hơn khí hiệu ứng nhà kính so với sự đốt cháy 1 lít nhiên liệu hoá thạch. N2O do nông nghiệp cấp tốc có tác động 296 lần lớn hơn CO2 về khí nhà kính. Riêng cây mía thì có ích cho việc de phòng chống thay đổi khí hậu. GS cho rằng vấn đề thiếu lương thực có thể làm cản trở các chương trình phát triển sinh khí.
2 – Tôi được biết Công ty Petro Setco có lập dự án xây cất một nhà máy sản xuất Ethanol quy mô lớn tại Bình Định. Petro Setco hy vọng rằng với lợi thế vị trí, nơi đây sẽ là trung tâm nhiên liệu xanh Việt Namutzen thuoc v. Trong gian đoạn đầu, hình như tập đoàn nước Anh Bronzeoak có ý định đầu tư 100 triệu đôla để xây dựng một nhà máy có thể sản xuất mỗi năm 100 triệu lít Ethanol.
3 – TS Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc dự án khí sinh học vừa qua đã nhận giải Oscar về môi trường cho Việt Nam. Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Hà Lan, dự án bắt đầu triển khai tại 12 tỉnh từ 2003 do Cục chăn nuôi thực hiện. Chương trình cung cấp năng lượng cho 27000 hộ nông dân đã làm giảm lượng phân hoá học và ô nhiễm môi trường. Đó là một thành tích cần được khuyến khích.
4 – Sau đây là cơ cấu tiêu thụ điện năng ở nước ta trong năm 2005:
Công nghiệp và xây dựng: 45,8%
Hộ tiêu dùng: 44,2%
Thương mại: 4,4%
Nông lâm ngư nghiệp: 1,4%
Trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trong năm 2005: 550 kWh.
Trong tương lai, tỷ lệ công nghiệp sẽ vút cao (tăng trưởng kinh tế) và tỷ lệ hộ tiêu dùng sẽ hạ thấp (hiện tượng bão hoà). Cần có chương trình tiết kiệm năng lượng dài hạn cho 2 lĩnh vực này.
5 - Số tấn (tonne) CO2 gây ra hằng năm qua sự tiêu thụ năng lượng:
Pháp: 6,3
Âu châu: 8,5
Đức: 10
Mỹ: 19,7
6 - Tỷ lệ trách nhiệm về khí nhà kính ở Pháp:
Nông nghiệp - rừng: 28%
Vận tải: 21%
Nhà cửa: 20%
Công nghiệp: 19%
Năng lượng: 10%
Các ngành khác: 2%
7 - Tỷ lệ nhiên liệu đốt sưởi (chauffage) ở Pháp:
Khí: 38%
Điện: 28%
Dầu: 20%
Phần còn lại là than và các nhiên liệu khác.
8 – Nhà máy Điện hạt nhân lớn nhất của Nhật và cả thế giới (7 lò với công suất tổng cộng là 8212 MW) Kashiwazaki-Kariwa của tập đoàn Tepco bị chính phủ cấm vận hành trong vòng 1 năm trời sau cuộc động đất lớn (6,8 thang độ Richter) ngày 16 tháng 7 vừa qua. Hình như tâm động đất (epicentre) ở khá gần nhà máy! Nhà máy này ở cách Tokyo 250 km về phía nam, cũng đã bị đóng cửa trong 40 ngày năm 2003 để được kiểm tra về kỹ thuật. Có 438 thùng có chất nguy hiểm bị đổ trục và 1200 lít nước có phóng xạ bị thải ra. Theo chuyên gia Katsuhiko Ishibashi của đại học Kobe, một nhà máy ĐHN phải có khả năng chống lại một cuộc động đất (7,3 thang độ Richter) với mức tăng tốc độ (acceleration) là 1000 gal (1gal = 1cm/s2). Mức tăng tốc độ trong biến cố vừa qua lên đến 993 gal. Sau khi các lò tự động ngưng vận hành, lẽ cố nhiên nhà máy vẫn còn cần hệ thống nước làm lạnh (circuit de refroidissement) vì công suất sót lại (puissance résiduelle). Ví dụ nhà máy ĐHN Civaux của Pháp với công suất nhiệt 4250 MW nếu bị ngưng vận hành cấp tốc (arrêt d’urgence) vẫn còn công suất sót lại là 116 MW trong vòng 5 phút và 24 MW qua ngày sau!
9 – Nhà máy mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa thăm viếng ở Pháp cuối tháng 9 vừa qua là nhà máy Nogent sur Seine cách Paris 80 km về phía Nam. Trong thời gian phục vụ ở EDF tôi có dịp làm bài toán kinh tế tính giá thành kWh của nhà máy này gồm 2 lò 1300 MW. Giá đầu tư mỗi kW lúc bấy giờ tương đối còn rẻ: 8225 MF (F 1989) trong đó chỉ 1% dành cho chi phí tháo gỡ, con số quá lạc quan!
10 – Vâng, trong một bài viết tôi nhìn nhận có nói là rồi đây Việt Nam sẽ thừa điện lúc nào mà không biết! Điều ấy có thể xảy ra vì chúng ta hấp tấp xây cất nhà máy điện để các xí nghiệp ngoại quốc đầu tư, lợi dụng nhân công giỏi và rẻ tiền của đất nước. Nếu có cuộc khủng hoảng kinh tế hay xí nghiệp bị phá sản họ bỏ ra đi thì nhà máy điện sẽ nằm nghỉ dưỡng lão! Tại sao chúng ta phải làm ĐHN cho họ? Việt Nam đâu có phải là một thùng rác (poubelle) thải phóng xạ quốc tế?
Nếu cứ chạy theo nhu cầu điện lực để thoả mãn xí nghiệp ngoại quốc với tốc độ tăng trưởng luỹ thừa 17% hay 20% mỗi năm thì chỉ trong vòng 20 năm nữa (2027) tổng sản lượng điện của nước ta sẽ vượt qua con số của Pháp hiện nay (500 tỷ kWh) .
Về những câu hỏi khác, tôi xin mời các bạn thính giả chịu khó xem trên mạng: http://tailieu.tapchithoidai. org hay www.caodangdienhoc. org
(nguồn www.viet-studies.info)

1 nhận xét:

  1. Nhất định VN không cần điện nguyên tử.

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001