Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Cái Bi, cái Hài....
Cái bi xen lẫn với cái hài. Đó là cuộc sống thường tình, xã hội nào chả có. Thế nhưng, một khi cái hài bộc lộ năng lực và nhận thức kém cỏi của cán bộ, còn cái bi bộc lộ sự bất nhân, thất đức với những kiếp người tận cùng bất hạnh. Thì nó báo động cho xã hội điều gì?
Xin được nói về chuyện hài trước
"Nước" Yên Lạc và... xứ sở Chư Sê
Ngày xửa ngày xưa, ở một thị trấn nọ...
Không, có lẽ phải gọi thị trấn đó là "nước" mới đúng. Vâng, "nước" Yên Lạc (thuộc...tỉnh Vĩnh Phúc).
Gọi là "nước" bởi xã hội ta không hề quy định ngày cưới xin cho dân chúng. Vì đó là quyền tự do của người dân. Nhưng riêng Yên Lạc có một luật rất lạ, bắt dân phải theo: Một tháng, nếu có đám cưới, người dân chỉ được tổ chức vào hai ngày- mùng 2 và 16 âm lịch. Nếu gia đình nào vi phạm thì sẽ bị phê bình tại thôn xóm, khu phố.
Có lẽ vì sợ "lệ làng" nhân danh... luật của "nước" Yên Lạc, mà ở đây, luôn diễn ra cảnh buồn cười.
Một tháng, dân Yên Lạc có hai ngày chạy "sô" ăn cỗ cưới, hai ngày tưng bừng ăn mặc đẹp, sơ mi, cà vạt, áo dài, váy xống đủ kiểu. Và dịch vụ cưới ở đây cũng vậy, lúc dồn dập quá tải chạy bở hơi tai, lúc ngồi buồn, ruồi bậu chả thèm ...xua.
Nghe cứ như tập tục của một... bộ lạc thiểu số nào.
Khổ nỗi, trai gái thì đông, mà cưới xin chỉ có hai ngày. Thế nên người đi dự đám cưới chẳng sướng gì.
Vì mỗi người chỉ có một cái miệng, một cái bụng, hai cái chân, hai cái tay, mà một lúc, vào giờ ấy... ngày ấy..., phải ăn tới 5 đám cưới, như anh Xuân ở Khối 2, còn vợ anh thì ăn tới 3 đám cưới, thì thật..."Ai bảo chăn trâu là khổ. Đi ăn cưới kiểu này, còn khổ hơn....trâu" (Xin lỗi nhà thơ Giang Nam, và xin lỗi người dân Yên Lạc).
Chưa kể, cái chuyện tiền mừng đám cưới thành ...một cục to, cũng làm khổ người dân. Thành thử, nói là tiết kiệm cho dân mà người nào người ấy liêu xiêu, méo mặt, buồn so hễ nghe nói có đám mừng.

Một đám cưới tại thị trấn Yên Lạc được tổ chức theo lệ làng
Lạ kỳ, dân thì nhất nhất tuân thủ. Lãnh đạo Yên Lạc thì nhất nhất tự hào: Từ khi áp dụng quy ước, chưa có đám nào vượt rào, bà con nhất nhất nghe theo. Từ khi nhất nhất áp dụng đến nay, là tròn một giáp, 12 năm.
Nói thật, vua ở xa, quan nha ở gần, đố "bà con" nào dám vượt rào đó?
Nhưng có thật bà con nhất nhất tâm phục, khẩu phục không? Hãy nghe đám thanh niên: "Cưới mà không có hát hò, không có người tổ chức thì buồn lắm, bọn trai nơi khác có lúc vẫn chọc khoáy bọn em là kém chơi... Nhưng lệ của cha ông thì phải theo vậy".
Tâm lý người nông dân chất phác, quen sống theo lệ. Cái lệ làng có khi hay mà có khi dở. Họ vẫn cứ phải bấm bụng chịu.
Nhưng họ không biết rằng thời buổi này là thời buổi "Sống và làm việc theo pháp luật"- ngay cả các vị chức sắc ở Yên Lạc, chắc cũng thuộc nằm lòng câu khẩu hiệu. Vậy mà vì sao lại bắt người dân Yên Lạc phải nhất nhất sống theo...lệ do mình tự đặt ra.
Đó có phải là sự vi phạm nhân quyền không?
Dù biện lẽ kiểu gì, thì hoặc các chức sắc Yên Lạc tự cho mình quyền đứng cao hơn luật pháp nước Việt, hoặc là tư duy của các vị có...vấn đề. Nó gia trưởng, xơ cứng và không vượt qua nổi... lũy tre làng, dù nhân danh điều tốt đẹp gi gỉ gì gì đi chăng nữa!
Cách "nước" Yên Lạc hàng nghìn cây số về phía nam, có một xứ sở, tên gọi Chư Sê.
Người của xứ sở Chư Sê có một đặc điểm rất hồn nhiên, thích đùa, và cũng rất cẩn thận. Hồn nhiên và thích đùa đến mức, một vị chức sắc của xứ sở này dứt khoát cho rằng cây cầu bị gẫy là cầu hình chữ V, đâu phải cầu bị sập.
Thích đùa đến mức, nghe phong thanh ở xã H'bông, có hai hòn đá của một hộ dân đào được trong vườn nhà, nằm lăn lóc đến mấy năm trời chả ai hỏi đến, lập tức các vị chức sắc, cả xã và huyện rùng rùng kéo đến, và quyết "cưỡng chế" hai hòn đá vô tri vô giác này.
Dù là thực thi pháp luật, nhưng tính đã hồn nhiên lại hay "cả nể", nên các vị thỏa thuận cho kẻ vi phạm luật giữ một hòn, phía các vị giữ một hòn, kiểu... "một hòn trọng, một hòn khinh". Nghe thấy hay hay và buồn cười!
Quan hồn nhiên, nên dân cũng biết "đùa" lại. Chả biết, sau những "mặc cả" cưỡng chế đá bất thành ra sao, một ngày nọ, tất cả đá lớn, đá bé, đá mẹ, đá con của xã H' Bông rủ nhau... trốn biệt.
Riêng hòn đá nhà bà Trần Thị Sắc, "chân chậm, mắt mờ" nên chạy không kịp, bị bắt gô cổ đóng cũi sắt, nằm chình ình ngay trước UBND huyện. Không hiểu sao, người viết bài cứ nhìn thấy cái cũi "nhốt đá", lại nghĩ đến bài Nhớ rừng của Thế Lữ. Có khác chăng, ở đây, hòn đá chỉ ... nhớ nhà!
Hòn đá bị 'nhốt' trong cũi gỗ như nhốt hổ
Đến nỗi, một người dân ở xứ sở Chư Sê hóm hỉnh: Lẽ ra, cái lồng sắt này phải để nhốt cục đá ở An Giang mới đúng. Vì cục đá đó đè nát cả xe ô tô và làm chết sáu mạng người. Cục đá của bà Sắc có tội tình gì đâu chứ!
Nếu đá có... tư duy, hẳn nó than thân trách phận lắm. Không biết nó được đào lên vào cái giờ xấu đến thế nào, mà phải chịu "xích xiềng" oan đến thế này?
Hay là tư duy của các vị chức sắc xứ sở Chư Sê thích đùa, cũng bị "xiềng xích" trong cái chật hẹp của lồng sắt, cũng có ... vấn đề nhỉ?
Được biết, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp và UBND Chư Sê họp và đi đến kết luận: Việc đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ các cục đá là không đúng thẩm quyền.
Không biết bao giờ, hòn đá hẩm hiu của nhà bà Trần Thị Sắc mới được ...phóng thích đây?
Nghe chuyện "nước" Yên Lạc, và xứ sở Chư Sê, người ta bảo, đó là chuyện xảy ra mới đây, vào năm Nhâm Thìn, thế kỷ 21, tháng Ất Tỵ này chứ đâu?
Thì đúng vậy, chuyện của ngày nay, nhưng nghe cứ "âm lịch", như ... cổ tích dân gian ấy, nên người viết bài phải mở đầu bằng Ngày xửa, ngày xưa.
Đạp lên sự...bất lực?
Có một câu chuyện mới toanh, nóng hổi, vừa bi xen lẫn vừa hài.
Đó là đêm 12, rạng sáng 13/5/2012, hàng trăm ông bố bà mẹ chen chúc trước cổng Trường PTCS Thực nghiệm (Liễu Giai- Hà Nội) để có được một lá đơn xin cho con học lớp 1 tiểu học.
Có lẽ quá lo lắng vì việc học của con, họ đã không cần giữ cách ứng xử có văn hóa với nhà trường, nơi họ hy vọng con mình được giáo dục tử tế, mà họ đã ...đạp đổ cả cửa sắt nhà trường, xông lên liều mình như chẳng có.
Ngay lập tức, trên mạng truyền đi clip hài tự chế, nhại lại bài "Ngày đầu tiên đi học", vừa buồn cười, vừa xót xa: Ngày nộp đơn xin học/ Mẹ thức đêm đứng chờ/ Mắt mờ mong trời sáng/ Mẹ lách vào mua đơn... Rồi trời kia cũng sáng/ Mẹ đá tung cổng vào/ Chen nhau chạy nước rút/ Trông hỗn loạn biết bao...
Không biết, cái Trường Thực nghiệm nhìn hình ảnh đó có tự hào không? Chứ người viết bài, chỉ thấy thương các ông bố bà mẹ- hệt GS Hồ Ngọc Đại- cha đẻ của "mô hình Thực nghiệm Giảng Võ" hàng mấy chục năm trước đây, đã thốt lên!
Các phụ huynh chen chúc xếp hàng trước cổng trường thực nghiệm. Ảnh: Văn Chung/VietNamNet
Hiện tượng cha mẹ đeo bám, xếp hàng khổ sở ở các trường điểm, trường học tên tuổi là hiện tượng bình thường của nhiều năm trong xã hội. Nhưng với riêng Trường Thực nghiệm, nó hơi đặc biệt.
Trong mấy chục bài báo viết về sự kiện này, có một bài của tác giả Phạm Anh Tuấn, (Điều gì đang xảy ra sau cánh cửa Trường Thực nghiệm, trên Tuần Việt Nam, ngày 16/5/2012), đã "chạm" đúng bản chất vấn đề.
Không biết có phải cũng "khai sinh" vào giờ xấu không, mà Trung tâm Công nghệ GD (nơi có Trường tiểu học Thực nghiệm Giảng Võ) nổi tiếng của GS Hồ Ngọc Đại đã có một số phận gian truân và...bi thảm, theo một nghĩa nào đó.
Cái mới bao giờ cũng dễ bị sứt đầu mẻ trán vì nhìn ra trước thời đại, hoặc có một lối đi riêng, chẳng giống ai.
Cái mới, lại là cái mới "công nghệ GD"- vừa chẳng giống đâu từ khái niệm, nguyên lý, đến tư tưởng và phương pháp GD- là sản phẩm nghiên cứu và thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, một nhà khoa học cá tính mạnh mẽ, ngay thẳng và quyết liệt. Cái mới ấy lại nảy nở trên một nền giáo dục vừa bảo thủ, xơ cứng, vừa mắc bệnh dối trá trầm trọng.
Hẳn ai cũng có thể đoán biết số phận của nó. Cho dù có lúc, ở thời "hoàng kim" , CNGD đã được triển khai tới 43 tỉnh, thành phố.
Thế nhưng cũng chính nó- CNGD- đã bị xóa sổ, bị "khai tử" một cách tàn nhẫn vào đúng lúc công cuộc đổi mới GD chuẩn bị diễn ra, năm 2000, với chủ trương chỉ còn một chương trình, một bộ SGK. Vào đúng lúc GD rất cần sự linh hoạt, mềm dẻo mới đáp ứng đa dạng nhu cầu, năng lực học sinh thời hiện đại.
GS Hồ Ngọc Đại, trong diễn từ nhận giải GD của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2010 đã thốt lên: "CNGD đã bị bóp mũi cho đến chết". Một thú nhận xót xa, cay đắng của một nhân cách khoa học, cả đời nghiên cứu và thực nghiệm vì trẻ em, sống chết với hạnh phúc của trẻ em, như một tín đồ của "giáo phái...trẻ em" vậy!
Đằng sau chủ trương xóa sổ CNGD- thực chất là sai lầm tai hại, không chỉ là chuyện khác nhau về tư tưởng học thuật, mà còn là sự "ân oán" cá nhân. Điều này, có lẽ chỉ các chức sắc trong giới nghiên cứu khoa học GD và ngành GD hiểu rõ nhất, nhân danh thiên chức GD.
Trắng tay, đã có lúc GS Hồ Ngọc Đại và những đồng nghiệp chí cốt phải lặn lội lên các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh miền nam..., để triển khai. Nhờ vào thiện chí, sự yêu quý và tin tưởng ở chương trình thực nghiệm của ông, của các tỉnh khó khăn.
Khi GS Hồ Ngọc Đại rời xa Trung tâm CNGD, cũng là lúc Trường Thực nghiệm Giảng Võ nằm gọn trong lòng... Viện Khoa học GDVN.
Cái chữ "thực nghiệm" tiếc thay nó chỉ còn là "cái bóng" mờ mờ. Và như tác giả Phạm Anh Tuấn đã đặt câu hỏi: Khi công trình thực nghiệm CNGD không còn nữa thì người ta thực nghiệm cái gì ở đây?!
Đó là một bí ẩn?
Nhưng khái niệm "thực nghiệm" này vẫn đủ sức làm "điên đảo" sự hy vọng của các bậc cha mẹ.
Bởi có thể, họ tin "thực nghiệm" đã sản sinh ra một Ngô Bảo Châu thiên tài, với Giải thưởng Fields danh giá, nên sống chết, họ cũng phải lăn xả vào, cho dù thân phận họ lúc đó, giống như...trâu- đó là lời của một nhà giáo.
Hay là họ đã quá thất vọng với nền GD đánh cắp tuổi thơ của con trẻ, khiến chúng già cỗi sớm về tâm hồn, nhưng lại thui chột năng lực sáng tạo, độc lập tư duy? Và còn đòi dạy cho trẻ sự trung thực, trong khi chính ngành mắc bạo bệnh dối trá!
Các bậc cha mẹ giẫm đạp lên cánh cửa sắt, liều mình như chẳng có, để kiếm một lá đơn xin học. Hay chính họ đã giẫm đạp lên sự...bất lực của ngành GD, để tìm kiếm, hy vọng dù rất mơ hồ ở cái chữ "thực nghiệm".
Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma! Câu ngạn ngữ rất hay, tiếc thay trong hoàn cảnh này, nó "hay" một cách... chua chát. Mọi con đường của các bậc cha mẹ liều mình đạp cửa sắt, cũng chỉ dẫn đến nhà trường quen thuộc của nền GD mà các vị đã rất thất vọng, mà thôi!
Ai có lỗi trong cái sự quay lưng của các bậc cha mẹ với nền GD đương thời, để đi cầu may vào nhà trường "thực nghiệm" này?
"Cặp đôi hoàn hảo" và thời...nguyên thủy!
Có hai câu chuyện, mà khi đọc được trên báo, người viết thấy nó bi thương quá, bất nhân, tàn tệ quá với đồng loại.
Bi thương, vì đồng loại ở đây là những số phận bất hạnh nhất, ở "dưới đáy" của kiếp người.
Câu chuyện đầu tiên thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Vĩnh Phúc.
Dành chút ít quà cáp cho các nạn nhân CĐDC/ dioxin nhân ngày 10/8 hàng năm, nhân dịp lễ tết, là nghĩa "đồng bào" tối thiểu với nhau, thiết tưởng chẳng có gì phải bàn.
Cái đáng bàn ở đây, là một vụ việc "ăn chặn" gần 100 suất quà, trị giá vỏn vẹn mỗi suất 300 nghìn đồng, xảy ra lình xình ở Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Vĩnh Phúc, làm dư luận xã hội phẫn nộ, và... đỏ mặt thay cho những chức sắc làm việc này.
Chuyện bắt đầu từ việc, căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh, Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Vĩnh Phúc cấp 60 suất quà cho Hội nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Bình Xuyên. Riêng Tết Nhâm Thìn 2012, Tỉnh hội Vĩnh Phúc cấp cho huyện Bình Xuyên 25 suất cộng với 20 suất quà của Siêu thị Big C đóng trên địa bàn tỉnh. Tổng cộng là 105 suất.
Tuy nhiên 60 suất quà đó, Huyện hội Bình Xuyên không cấp cho một nạn nhân nào hết. 25 suất quà Tết, Huyện hội chỉ cấp cho 13 nạn nhân của 13 xã, giữ lại 12 suất, và 20 suất của Big C thì chỉ cấp cho 10 nạn nhân.
Các hội viên của Hội, đã là nạn nhân của CĐDC/dioxin trong quá khứ, giờ đây tiếp tục là "nạn nhân" của đồng loại.
Quà cho nạn nhân thì không có, nhưng chữ ký (giả) xác nhận nạn nhân đã nhận quà lại kín đặc trang giấy. Đặc biệt nữa, bên cạnh những chữ ký giả bị phát hiện, lại có hẳn hoi chữ ký thật, cùng con dấu thật của Chủ tịch Hội nạn nhân CĐ DC/dioxin Vĩnh Phúc Hà Minh Thắng và Phó CT Huyện hội Đặng Xuân Định.
Khi vụ việc bị bại lộ, ấy là lúc những kiểu nhận lỗi một cách dối trá cũng lộ tẩy.
Ông Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Bình Xuyên Trần Xuân Phượng biện lẽ, 60 suất quà ngày nạn nhân da cam (10/8) vì Tỉnh hội cấp về chậm, Thường trực Huyện hội họp bàn số quà trên để cấp vào dịp ...10/8/2012, tức đúng một năm sau...sẽ tặng (?).
Nói dại, một năm sau đó, nếu chẳng may có nạn nhân CĐDC/dioxin nào đã không còn sống để được nhận suất quà trị giá 300 nghìn đồng, không biết các chức sắc của Huyện hội có bị...lương tâm "ăn" không nhỉ? Chứ trong con mắt dư luận xã hội, thì 60 suất quà đó, chắc chắn đã "ăn" mất lương tâm họ!
25 suất quà Tết còn lại, vội vàng... "chạy" đến đúng địa chỉ các nạn nhân.
Nhưng dư luận xã hội đặt câu hỏi: 72 chữ ký giả là của những ai? Trả lời câu hỏi của nhà báo mới đây, ông Hà Minh Thắng, CT Hội nạn nhân CĐ DC/dioxin Vĩnh Phúc, cho biết đó là chữ ký của ông Phó CT Huyện hội Đặng Xuân Định.
Thật khéo, ông Phó CT Huyện hội mạo giả chữ ký, còn ông CT Tỉnh hội ký "thật" xác nhân.
Đúng là... cặp đôi tỉnh- huyện hoàn hảo (!)
Câu chuyện thứ hai thuộc Khoa Điều trị nội trú- Trung tâm Da liễu Hà Đông (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), nơi có 21 bệnh nhân phong đang điều trị lại bi thương kiểu khác.
Do bị hết gas để đun nấu, phục vụ các bệnh nhân phong thể nặng, các hộ lý đã báo lên cho lãnh đạo Trung tâm. Nhưng lãnh đạo...không nói gì. Cuối cùng, lãnh đạo đề nghị chia đồ sống cho bệnh nhân.
Thế là 21 bệnh nhân, có người gần 90 tuổi, bị vi trùng phong ăn đến cụt tay, cụt chân, không thể làm được việc gì, kể cả tự chăm sóc bản thân, đã được nhận... gạo sống, thịt sống để ăn.
Một bệnh nhân phong tại Khoa Điều trị nội trú- Trung tâm Da liễu Hà Đông. Ảnh: Giaoduc.net
Nói thật, không hiểu ông Vũ Văn Trình, Phó Giám đốc Trung tâm, người chỉ đạo cho các hộ lý làm một việc thật bất nhân đó, nghĩ gì nhỉ?
Cho dù xã hội chúng ta giờ đây, đã khá hơn trước rất nhiều khi nhìn nhận về người mắc bệnh phong, nhưng không thể phủ nhận một điều, những người bất hạnh mắc căn bệnh này, đều rất mặc cảm thân phận, bởi người đời kinh hãi, xa lánh.
Cùng vì vậy, không thể phủ nhận nỗi vất vả vô cùng của những người thầy thuốc ở Trung tâm, khi ngày ngày phải tiếp xúc, chăm sóc những bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác.
Ngay cả người nhà các bệnh nhân phong khi được hỏi về câu chuyện đau lòng vừa xảy ra, chính họ cũng dè dặt, thậm chí có người còn thờ ơ... Họ e ngại với các bác sĩ, hộ lý của Trung tâm đã đành. Nhưng cũng có thể, chính căn bệnh bị xã hội "định kiến" đó đã "ngăn cách, chia lìa" cả tình cảm của họ với người thân ruột thịt không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Chợt người viết bài nhớ tới một sự kiện, cách đây 15- 20 năm, báo chí đã đăng hình ảnh một vị GS bác sĩ, để khẳng định bệnh phong không lây, ông đã uống vi trùng phong, trước sự chứng kiến của báo chí.
Nói thật, nhìn thấy mà ghê. Nhưng cái hành động đó của người GS bác sĩ, đã để lại một ấn tượng khâm phục sâu sắc về đức hy sinh của người thầy thuốc cho nghiên cứu khoa học, về một căn bệnh ám ảnh con người với nỗi hãi sợ truyền kiếp.
Nhưng đó là chuyện của một "thời xa vắng", không phải chuyện của thời phong bao, phong bì. Càng không phải chuyện của thời "lương y đang ...từ mẫu".
Cho dù Phó Giám đốc Trung tâm Vũ Văn Trình đã bị đình chỉ công tác để chờ xử lý, thì cái vụ việc ép bệnh nhân phong ăn thịt sống, gạo sống vẫn còn ám ảnh, làm đầy thêm những câu chuyện, những ấn tượng đã quá xấu về y đức ở bệnh viện, trong thời buổi kim tiền này.
Hai câu chuyện ngẫu nhiên xảy ra gần nhau khiến người viết bài bỗng nghĩ về một thời cuộc gian khổ.
Trong quá khứ, khi đất nước còn chiến tranh, một vài kẻ hiếu chiến phía chính quyền Mỹ từng tuyên bố, sẽ đánh cho xã hội ta trở về thời kỳ "đồ đá". Họ đã không thể làm được cái việc đó, dù đã có những thân phận con người không may phải chịu nhiều bất hạnh- nhiễm CĐDC/ dioxin.
Vậy mà ở Trung tâm Da liễu Hà Đông thời hiện đại, nơi làm phúc, cứu chữa bệnh cho con người, các thầy thuốc lại vô cảm khi nhẫn tâm ép bệnh nhân phong của mình trở về thời... nguyên thủy?
Có cái gì đang gậm nhấm và hủy hoại chính lương tâm của họ vậy? Những người nhân danh tổ chức nhân đạo, nhân danh những thầy thuốc? Có cái gì đang gậm nhấm và hủy hoại đạo lý xã hội này?
Cái bi xen lẫn cái hài. Đó là cuộc sống thường tình, xã hội nào chả có.
Thế nhưng, một khi cái hài bộc lộ năng lực và nhận thức kém cỏi của cán bộ, còn cái bi bộc lộ cả sự bất nhân, thất đức với những kiếp người tận cùng bất hạnh. Thì nó báo động cho xã hội điều gì?
(nguồn tuanvietnam.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001