Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012


Cưỡng chế là sự thất bại của chính quyền!
Bùi Hoàng Tám

Nếu thật sự đúng lý, hợp tình thì tại sao không làm hết lòng, hết trách nhiệm để vận động, thuyết phục nhân dân vì “nói phải củ cải cũng nghe” và nói gì thì nói, khi phải dùng vũ lực để cưỡng chế thì không thể gọi là thành công. Còn nếu nói theo quan điểm của công tác dân vận thì đó là sự thất bại của chính quyền.
Thời gian gần đây, nhiều vụ cưỡng chế đất đai, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển kinh tế của một số cấp chính quyền ở một số địa phương đã không nhận được sự đồng tình, thậm chí phản đối quyết liệt của người dân. Vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) hay vụ Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định) gần đây là những điển hình. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 năm (2008-2011), báo cáo cho thấy tỉ lệ đơn thư khiếu kiện về đất đai chiếm 70% số vụ. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giải quyết có lý, có tình, tận cùng những việc còn tồn đọng kéo dài. “Nếu như chúng ta chủ quan, xem thường, không tập trung giải quyết có hiệu quả sẽ là mầm mống dẫn đến mất ổn định an ninh trật tự”. Thủ tướng nói.
Nhiều ngày qua, mình luôn tự đặt một câu hỏi: Tại sao việc giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế cho địa phương, cho đất nước ở một số địa phương vừa qua lại không được nhân dân đồng tình, ủng hộ? Việc phải dùng đến biện pháp cưỡng chế nói lên điều gì?
Câu hỏi thứ nhất, theo mình cần phải rà soát lại các dự án không nhận được sự đồng tình của nhân dân xem cách làm đã hợp tình, hợp lý chưa? Có đúng pháp luật và đặc biệt là có hợp lòng dân hay không? Mấu chốt ở đây là xử lý các mối quan hệ về lợi ích. Nhà nước được gì? Doanh nghiệp được gì? Và đặc biệt là người dân đã và sẽ được gì? Cuộc sống của họ, của con cái họ sẽ ra sao?
Câu hỏi thứ hai, cần phải đặc biệt xem xét lại công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải có người dân tham gia bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng quy trình, để có sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là những chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của người đứng đầu chính phủ cho bài toán giải phóng mặt bằng phải nói là rất nan giải hiện nay.
Phát biểu của Thủ tướng khiến mình nhớ lại một bài báo ngắn, chỉ có 619 từ mang tên Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây gần 63 năm (ngày 15-10-1949) đăng trên báo Sự thật số 120. Bài báo được chia thành 4 phần: I – Nước ta là nước dân chủ. II – Dân vận là gì? III – Ai phụ trách dân vận? IV – Dân vận phải thế nào? Đây là một cẩm nang về công tác dân vận.
Phần thứ nhất, bài báo khẳng định:“Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Trong phần thứ hai, Hồ Chủ tịch bàn rất rõ về bản chất của công tác dân vận. Đó là “… bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.
Đọc lại bài báo, mình chợt nhận ra rằng vũ khí lớn nhất, sức mạnh lớn nhất của những người cộng sản là tuyên truyền, vận động, giáo dục và thuyết phục quần chúng nhân dân. Chính nhờ vũ khí to lớn này, những người cộng sản đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám kỳ diệu, làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, làm nên công cuộc thống nhất đất nước lịch sử cũng như những thành tựu to lớn từ Đổi mới đến nay.
Trở lại với những vụ cưỡng chế gần đây, mình có cảm giác hình như công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân không những chưa được quan tâm đúng mức mà còn có biểu hiện nặng về dùng vũ lực. Đây là sai lầm nghiêm trọng bởi nó xa rời bản chất của một Đảng sinh ra từ nhân dân, để phục vụ nhân dân, tất cả vì nhân dân.
Vì vậy, mình rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng khi ông chỉ đạo: Hãy làm hết lòng, hết trách nhiệm, hết sức với các khiếu kiện của công dân, để phần lớn bà con thấy được lẽ phải, đồng tình và chấp hành pháp luật.
Vâng, hãy làm hết lòng, hết trách nhiệm để vận động, thuyết phục nhân dân vì nói gì thì nói, khi phải dùng đến cưỡng chế thì không thể gọi là thành công. Còn nếu nói theo quan điểm của công tác dân vận thì đó là sự thất bại của chính quyền.
Bùi Hoàng Tám

Thứ năm ngày 10/5/2012
(nguồn trannhuong.com) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001