Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Đêm tân hôn đầy bất hạnh của Lỗ Tấn

Khi lật tấm vải che mặt tân nương, văn hào Lỗ Tấn đã phải… tá hỏa vì nhan sắc dưới mức trung bình của vợ mình.

Được mệnh danh là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn, nhưng cuộc đời riêng của nhà văn đa tài Lỗ Tấn lại không được suôn sẻ như sự nghiệp của ông.

Đêm động phòng mới biết mặt cô dâu

Là một người yêu thương mẹ hết mực, khi cha qua đời, chàng thanh niên 16 tuổi Lỗ Tấn đã thay cha chăm lo gia đình gồm mẹ và hai em trai.

Năm 25 tuổi (1906), mới sang Nhật du học được 4 năm, Lỗ Tấn nhận được điện báo “Mẹ ốm về ngay”. Trước đó, trong suốt thời gian học tập tại Nhật Bản, nhà văn tương lai từng nói với bạn bè rằng: “Tôi chưa từng biết tình yêu là gì”, đồng thời ông cũng phản đối việc ép buộc hôn nhân trong xã hội Trung Quốc khi đó. Mặc dù là người dẫn đầu trào lưu chống lại các hủ tục của xã hội phong kiến, nhưng sau này chính ông lại buộc phải tuân theo các hủ tục đó.


Người vợ bất hạnh Chu An

Khi Lỗ Tấn vừa bước chân vào nhà, ông đã hiểu sự trở về lần này của mình không phải chỉ để thăm mẹ. Từ lối cổng vào cho đến mọi ngóc ngách trong nhà đều được chăng đèn hoa lộng lẫy và rực rỡ, báo hiệu có một đám cưới đang được tiến hành. Điều không ngờ nhất chính là việc Lỗ Tấn sẽ phải trở thành chú rể mặc dù không hề biết mặt cô dâu. Và bà mẹ, người mong con trai sớm thành thân đã nói với Lỗ Tấn rằng: “Đã đến lúc con phải lấy vợ để có người chăm sóc mẹ khi tuổi già sức yếu”.

Không thể cãi lại lời mẹ khi mọi việc đã rồi, điều mà Lỗ Tấn băn khoăn nhất chính là người vợ, một người mà ông chưa hề biết mặt biết tên. Để chiều lòng mẹ và biết rằng có phản đối cũng vô ích, ông đành chấp nhận tất cả. Một đám cưới rình rang theo đúng lễ nghĩa vẫn được diễn ra một cách trọn vẹn và vào đêm động phòng, chú rể lần đầu tiên mới biết mặt cô dâu.

Không giống như những câu chuyện dân gian mà bà mẹ hay kể từ khi còn bé, cũng không giống như trí tưởng tượng của chàng trai trẻ, khi lật tấm vải che mặt tân nương, Lỗ Tấn đã phải… tá hỏa vì nhan sắc dưới mức trung bình của vợ mình.

Chu An, tên người vợ, là một cô gái rất bình thường, không những có dáng người thấp bé gầy guộc, gò má cao, trán dô, chân bó mà bản tính của người phụ nữ này còn vô cùng chậm chạp, không lanh lợi và hoạt bát như những cô gái bình thường khác. Một điều mà Lỗ Tấn cảm thấy mất mặt nữa chính là việc Chu An bị mù chữ và hơn ông tới 3 tuổi.

Mặc dù người mẹ quyết định tìm vợ cho Lỗ Tấn nhưng những người trong gia đình ai cũng hiểu rằng Chu An hoàn toàn không xứng đôi với Lỗ Tấn, một thanh niên tân học đang háo hức tiếp nhận văn minh phương Tây.



Lỗ Tấn và người vợ thứ 2 Hứa Quảng Bình.

Bị ép lấy người mình không yêu, Lỗ Tấn dứt khoát không chịu coi Chu An là vợ. Đêm tân hôn, chú rể không ngủ cùng cô dâu. Bốn hôm sau ông lên đường trở lại Nhật, mang theo em là Chu Tác Nhân vừa thi đỗ lấy được học bổng du học Nhật.

Về sau ai hỏi về chuyện này, Lỗ Tấn đều nói: "Đây là mẹ tôi lấy con dâu chứ đâu phải chuyện của tôi". Quả thật mẹ ông đã lấy được cô con dâu chăm nom bà hết sức tận tình, chu đáo mặc dù Chu An suốt đời sống trong sự ghẻ lạnh của chồng.

Lạnh lẽo đêm tân hôn

Nếu nói về cuộc hôn nhân kỳ lạ nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa thì có lẽ cuộc hôn nhân của Lỗ Tấn sẽ được coi là độc nhất vô nhị. Trong vài chục năm sống dưới danh nghĩa vợ chồng, Lỗ Tấn chưa khi nào động vào người vợ, đến cả lời nói với vợ, ông cũng rất hạn chế. Sau này bà Chu An có kể lại rằng: “Mẹ chồng tôi cứ trách tôi không có con, nhưng suốt năm ông ấy không nói với tôi câu nào thì sao mà có con được”.



Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình ở Thượng Hải năm 1929.

Theo lời kể của người giúp việc trong gia đình, đêm động phòng của thiếu gia nhà họ Lỗ đã diễn ra vô cùng đặc biệt. Vương Hồng, người giúp việc, khi đó mới 13 tuổi, đã nhớ lại; “Thiếu gia hôm đó trông như một khúc gỗ, ai bảo làm gì cũng làm theo mà không hề phản ứng lại. Đến khi động phòng, tôi có nhiệm vụ đứng ngoài để nghe ngóng tình hình”.

Cũng theo lời kể của Vương Hồng, hôm đó cô đứng phía ngoài và chỉ nghe một vài câu nói ở trong phòng. “Thiếu gia nói rất ít và tôi thấy căn phòng im ắng suốt cho tới gần sáng. Tôi cũng nhìn thấy thiếu gia chong đèn đọc sách suốt đêm để cho thiếu phu nhân ngồi mãi ở trên giường. Hôm sau tôi thấy chiếc gối dành cho tân lang và tân nương ướt sũng nước mắt. Đó có thể là nước mắt của thiếu phu nhân”.

Buổi sáng sau đêm tân hôn, vẻ mặt của Lỗ Tấn rất mệt mỏi và u uất, tuy nhiên ông cũng không nói ra. Mặc dù bà mẹ có hỏi về sức khỏe của tân lang, tuy nhiên Lỗ Tấn chỉ ậm ừ cho qua. “Khi chúng tôi vào dọn giường cho thiếu gia, mọi thứ hầu như vẫn nguyên vẹn. Chỉ có chiếc gối là phải thay, còn chiếc chăn vẫn chưa được gỡ ra”, Vương Hồng kể lại.

Sau đêm tân hôn này, ba đêm tiếp theo, Lỗ Tấn đã mang đồ đạc của mình sang phòng mẹ ở. Mặc dù bà mẹ đã liên tục hối thúc ông trở về phòng của mình, nơi có tân nương đang chờ đợi, nhưng Lỗ Tấn quyết không nghe theo. Thậm chí, trước khi viết thư cho mẹ để quay về Nhật Bản hoàn thành nốt chương trình học tập, Lỗ Tấn đã không hề nói thêm một lời nào với người vợ mới của mình.



Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình sinh được một cậu con trai.

Trong những ngày tháng sau này khi trở về nước, Lỗ Tấn vẫn luôn sống ly thân với vợ. Mẹ ông kể, suốt ngày hai vợ chồng Lỗ Tấn chỉ nói với nhau ba từ. Buổi sáng vợ gọi chồng dậy, chồng đáp “Ờ”. Đến bữa ăn, vợ gọi, chồng cũng đáp “Ờ”. Buổi tối vợ đi nằm sớm nên hỏi có khóa cổng không, chồng đáp “Có” hoặc “Không”. Chỉ khi nào vợ xin tiền thì chồng mới nói thêm vài câu như “Cần bao nhiêu?” hoặc bảo nên mua thứ này thứ nọ, nhưng những câu nói dài như vậy mỗi tháng cũng chỉ xảy ra một hai lần.

Đối với cuộc hôn nhân không tình yêu của mình, có người đã khuyên Lỗ Tấn nên ly dị vợ nhưng ông không nghe. Quê hương Thiệu Hưng của Lỗ Tấn thời ấy coi phụ nữ bị chồng ly dị là loại người bỏ đi, họ không dám về nhà bố mẹ đẻ vì sợ bị khinh ghét, có người quẫn trí tự tử. Lỗ Tấn đã cân nhắc kỹ việc này, ông đành chịu suốt đời sống độc thân chứ không nỡ để vợ rơi vào cảnh khốn cùng ấy.

Nỗi tủi phận của một “trinh nữ”

Mặc dù cả cuộc đời phải sống trong sự ghẻ lạnh của chồng và chứng kiến Lỗ Tấn đi lấy một người phụ nữ khác, nhưng người vợ đáng thương Chu An luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ của người con dâu đối với mẹ chồng cho đến khi bà nhắm mắt xuôi tay. Vào những ngày cuối đời, người phụ nữ này mới thốt lên rằng: “Tôi giống như một con ốc sên, dành cả đời dò dẫm trèo lên bức tường cao, nhưng bỗng một ngày tôi nhận ra tôi đã đâm vào góc tường mà không còn đường ra”.



Gia đình Lỗ Tấn công nhận không có bóng dáng người phụ nữ bất hạnh Chu An.

Khi nghe tin chồng kết hôn với một người phụ nữ hơn mình về mọi mặt, Chu An đã chua xót nói: “Trước đây tôi đều muốn hầu hạ ông ấy thật chu đáo, mọi việc nhất nhất nghe ông ấy, tin rằng như vậy chắc là về sau mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng dù tôi có tốt đến mấy với ông ấy cũng hoài công”. Trong những tháng ngày sau này, Lỗ Tấn vẫn thường xuyên gửi tiền về để nuôi mẹ và nuôi vợ.

Sau khi mẹ chồng mất, mọi sinh hoạt của Chu An đều phụ thuộc vào người em trai của Lỗ Tấn là Chu Tác Nhân. Với số tiền kiếm được hằng tháng ít ỏi của mình, Chu Tác Nhân cũng chỉ gửi được ít tiền cho chị dâu, trung bình là 150 tệ một tháng. Với số tiền này, cuộc sống của Chu An đã gặp muôn vàn khó khăn.

Khi Lỗ Tấn mất, nghe theo lời em chồng Chu Tác Nhân, Chu An đã quyết định bán một số bản thảo của chồng cho một nhà xuất bản tại Bắc Kinh. Sau khi thông tin này được đưa trên tờ “Bắc Kinh nhật báo”, lập tức Hứa Quảng Bình, người vợ thứ hai của Lỗ Tấn, đã viết một bức thư gửi đến Chu An với nội dung: “Hy vọng chị không bán đi những bản thảo đó của Lỗ Tấn. Hãy giữ lại nó để làm kỷ vật cho chúng ta. Đó cũng là trách nhiệm của chúng ta đối với người chồng đã khuất. Nếu như cuộc sống của chị quá khó khăn, tôi có thể giúp đỡ. Hãy để tôi chăm sóc chị”.



Ngôi nhà của gia đình Lỗ Tấn ở Phụ Thành Môn.

Nhận được thư của Hứa Quảng Bình, Chu An đã phải rơi lệ và nói rằng: “Cả đời tôi đã phải sống trong sự ghẻ lạnh của chồng. Đến khi ông ấy chết, vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi mới phải nghĩ đến việc bán những bản thảo chưa từng được xuất bản của ông ấy. Nhưng nếu cô nói vậy thì tôi sẽ không dám bán chúng đi nữa”.

Cũng trong những ngày cuối đời, người phụ nữ bạc mệnh này luôn nhận sự chu cấp tiền bạc từ người vợ thứ của Lỗ Tấn, Hứa Quảng Bình. Sau này bà cũng chết cô đơn lạnh lẽo một mình trong căn nhà mà Lỗ Tấn đã mua. Sau khi người phụ nữ bạc mệnh này qua đời, nhiều người trong gia đình còn nói rằng bà vẫn là một… trinh nữ.

(Theo Afamily)
http://bee.net.vn/channel/1984/20111...o-Tan-1817926/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001