Hoàng Nhất Phương
Không biết từ bao giờ nhưng chắc chắc từ rất lâu, có thể ngay khi còn là bào thai trong lòng mẹ, tôi đã cảm nhận một điều: Mọi ý nghĩ của tôi mẹ đều biết, cũng như tôi thật sự đồng cảm với những điều buồn - vui - sướng - khổ của mẹ. Điều này không khó hiểu, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ tân tiến hiện nay, người ta chứng minh được rằng em bé đã “học ăn học nói học gói học mở” khi còn là thai nhi. Tôi tin rằng tôi đã ngắm nhìn muôn hình muôn vẻ của thế giới bên ngoài bằng đôi mắt của mẹ. Mọi tần sóng âm thanh đi qua thính giác của mẹ, tôi đều nghe được. Bất cứ món ăn cay đắng ngọt bùi nào đi qua vị giác của mẹ, tôi đều cảm nếm. Mùi hương của cây cỏ lá hoa hay khí chất nặng nề của một vật nào đó đi qua khứu giác của mẹ, tôi đều ngửi thấy. Gió lạnh đầu thu hay cuối đông, vàng cơn nắng trắng cơn mưa đi qua xúc giác của mẹ, tôi đều cảm thụ. Mẹ đã song hành nhịp bước với tôi, khi tôi chuẩn bị chào đời. Ngày qua tháng hết năm tàn, mẹ ấp ủ tôi bằng lời ru tha thiết ngọt ngào...“… Ầu ơ…! Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học mẹ đi trường đời..."
Mẹ dẫn đưa tôi vào đời, giúp tôi nhận biết những điều khác lạ dư đầy trong cõi người ta. Tôi nên vóc nên hình có chủ kiến riêng, có cảm nhận riêng, có ước muốn riêng, có thói quen và sở thích riêng. Tôi và mẹ bắt đầu là hai người khác biệt. Trước đây tôi nhìn bằng đôi mắt của mẹ, bây giờ tôi nhìn bằng thị giác của tôi. Trước đây tôi nghe bằng đôi tai của mẹ, bây giờ tôi nghe bằng thính giác của tôi. Trước đây tôi cảm nếm bằng đầu lưỡi của mẹ, bây giờ tôi cảm nếm bằng vị giác của tôi. Trước đây tôi ngửi giống như mẹ, bây giờ tôi ngửi bằng khứu giác của tôi. Trước đây tôi cầm nắm qua sự tiếp cận của mẹ, bây giờ tôi đụng chạm bằng xúc giác của tôi. Mọi chuyện xưa đồng nhất, bây giờ đã tách biệt. Mọi chuyện xưa gom chung, bây giờ đã rất riêng. Mọi chuyện xưa không cần xem xét, bây giờ phải nhìn ngắm thật kỹ trước khi đặt vấn đề. Có vẻ như tôi và mẹ không còn ràng buộc với nhau. Có vẻ như tâm tình, ước mơ, ý định của mẹ không còn ảnh hưởng đến tôi. Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình. Mỗi bước đi là một lần đưa tôi rời xa mẹ. Mỗi bước đi là một lần để tôi tự khẳng định kinh nghiệm. Mỗi bước đi là một lần để mẹ và tôi mặc nhiên thừa nhận: Mẹ đã đứng lại ở đằng sau, còn tôi cứ thế tiến về phía trước.
Phía trước của tôi là trời và đất, một trời và đất hoàn toàn khác hẳn trời và đất mà xưa kia mẹ và tôi cùng nhìn, nhất là khi tôi đi trên biển. Tôi đã viết… “…Lần đầu tiên đi thuyền trên biển, tôi sững sờ trước trùng dương mênh mông, trước bãi cát mịn màng chạy dài theo sóng nước, trước không gian giăng đầy mây trắng song song với màu xanh thăm thẳm của ngàn khơi. Thuyền càng đi càng thấy mây và biển thật gần. Thuyền càng đi càng thấy trời và đất giao nhau. Tưởng như chỉ cần đưa tay lên là có thể chạm đến thiên không. Thuyền cứ thế trôi, vũ trụ bao la bắt đầu thu hẹp lại. Ngẩng đầu lên, đã thấy nơi xa xa kia trời và đất không còn song song nữa. Trời và đất lập thành hình tam giác, đồng quy tại một điểm. Điểm đồng quy ấy là đường trắng xám rất sáng, ở đó có một chân núi. Ngay tại chân núi chính là chân trời….” (1) Tôi từng chạy như bay đến chân núi, vì tưởng nơi đó có đường chân trời. Nhưng chẳng bao lâu tôi lại hiểu, tôi không bao giờ có thể đi đến đường chân trời.
Tôi đọc cho mẹ nghe điều tôi viết. Nghe xong rồi, mẹ cười bảo: “…Đường chân trời bắt đầu từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn. Đường chân trời là kiếp xưa, là kiếp này, là kiếp mai. Đi hết cuộc đời có nghĩa là con đã đi đến cùng đích của đường chân trời. Nếu còn tái sinh làm người, con sẽ có thân mệnh khác, sẽ lại đi tìm đường chân trời mới…”Là phật tử thuần thành, mẹ tôi tin vào chữ Duyên của nhà Phật. Duyên tụ thì gần duyên tán thì xa. Mỗi người có một định mệnh riêng. Định mệnh ấy như bụi hồng xe ngựa gió bay, lên cao xuống thấp trả vay luân hồi. Đời người như nhạn quá trường không. Ảnh trầm thủy để (2). Tầng không cánh nhạn bay qua, bóng in đáy nước xóa nhòa huyễn hư. Chính vì quan niệm như vậy, khi tôi đi xa mẹ cho rằng chữ duyên ràng buộc tôi với gia đình đã tán. Nếu không thể trở về mái nhà xưa, nếu không có ngày gặp lại mẹ, tôi nên chấp nhận sự thật này để sống và vui sống. Mẹ nói thế khi còn rất khoẻ. Lúc thập tử nhất sinh trên giường bệnh, mẹ cũng lập lại y hệt không thiếu một chữ.
Nhớ lại tâm hồn mẹ, tôi chợt hiểu từ khi có trí khôn cho đến bây giờ, tôi đã tùy duyên để vui sống. Thành công hay thất bại trong đời cũng là duyên. Giao tiếp ân cần hay lạnh nhạt cũng là duyên. Tình cảm xưa vốn có nay không còn cũng là duyên. Tôi tùy duyên để thù tiếp mọi người, tùy duyên để quyết định làm hay không làm một điều gì đó. Nghe có vẻ “lạm dụng” chữ Duyên quá, nhưng sự thật không phải vậy. Mẹ đã dạy tôi tùy duyên chỉ là một cách bày tỏ quan điểm và kinh nghiệm trong khi xử thế, trong lúc hành động. Tùy duyên như thế nào, để không bị áp lực của người khác trước mọi tình huống chẳng dễ. Có mấy ai trong đời biết tùy duyên, để kiểm soát tình cảm của bản thân? Có mấy ai trong đời biết tùy duyên, để bỏ đi những điều mình không thể nắm bắt? Có mấy ai trong đời biết tùy duyên, để chấp nhận thua trong danh dự khi bị du vào thế việt vị, đúng lúc bản thân đang hăng say sát phạt giữa trận đấu bóng với thế sự thăng trầm?
Bây giờ tôi ở cách xa mẹ một đại dương. Con đường hôm nay, không phải là con đường mẹ nắm tay dẫn tôi đi từng bước. Nhưng tôi biết rất rõ, tất cả mọi nhận định của tôi về cõi người ta, đều bắt nguồn từ những kiến thức tôi cảm thụ được bằng thị giác - thính giác - vị giác - xúc giác của mẹ, khi tôi còn là bào thai. Tôi ra đi mang theo tâm hồn mẹ và đã tùy duyên để vui sống, cho mẹ được an lòng khi đứng trước buổi hoàng hôn của tuổi thọ. Ngày mai như thế nào tôi không biết. Tôi chỉ biết trong nắng trong gió của trời tháng Năm hiện tại, còn dư đầy âm hưởng lời mẹ hát ru tôi… “… Ầu ơ…! Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học mẹ đi trường đời." Tâm hồn mẹ và lời ru thuở ấu thời là gia nghiệp sẽ theo tôi đến muôn đời sau.
Hoàng Nhất Phương
2:02pm Thứ Năm ngày 3 tháng 5 năm 2012
______________________________________
(1). ĐGCĐ: “Đường Chân Trời.”
(2). “Nhạn Quá Trường Không.” Thiền thi của thiền sư Hương Hải.
Hồ Gươm gửi hôm Chủ Nhật, 13/05/2012
(nguồn danluan)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001