Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Hồi hộp chuyện gác cu


(PL-NS)- “Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” là bốn cái ngu mà các cụ xưa nhắc nhở ta nên tránh. Trong bốn cái ngu này, gác cu (tức gài bẫy chim cu) xếp ở vị trí thứ ba, dân gian gọi là “tam ngu”. Người ta nói gác cu là ngu vì gác cu rất nguy hiểm.


Theo các cụ ta xưa, trong lúc rình rập chim cu, người gác cu có thể bị cọp vồ, beo bắt hay rắn độc cắn… Thời nay, gác cu cũng ngu nốt bởi người gác cu phải dãi nắng dầm mưa, bị muỗi mòng, bù mắt cắn phải biết, rồi lâu ngày sinh bệnh. Lại nữa, có khi bắt được chim cu đem về nuôi, nó lớn lên, gáy hay, đủ lông đủ cánh nhưng thấy sơ hở là nó bay bỏ chủ liền. Xét đến cùng, gác cu chẳng cho được mấy cái lợi. Nhưng ai đã trót mê gác cu thì khó lòng bỏ được.
Mùa gác cu
Trước kia, chim cu nhiều vô số kể, nhất là khi mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt. Vào những ngày hè, từng đàn chim cu rủ nhau bay đi tìm những hạt lúa còn sót lại trên những cánh đồng vàng ong chân rạ. Những buổi trưa hè, chúng vào vườn trú mát trên những cây cồng, cây gòn, cây dừa và gáy vang một góc vườn.



Chim cu mồi được huấn luyện để chuẩn bị “ra trận”. Ảnh: THANH LAN
Ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, chim cu có nhiều loại mà dân gian hay gọi là cu ngói, cu đất… Đây là loài chim rất gần gũi với con người. Vào những trưa hè, đang trong cơn say ngủ trên chiếc võng ầu ơ, ta bỗng nghe chim cu gáy “cúc cu, cúc cu, cúc cu!”. Tức thì ngồi bật dậy, ngó lên cây dừa cao chót vót, ta thấy con chim cu trống đang vươn cổ gáy gọi những con chim mái đến để giao hoan. Mùa giao hoan của những chú chim cu vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Đây cũng là mùa đi gác cu. Mùa bẫy chim cu kéo dài đến tháng 8, tháng 9.
Khi hết mùa giao hoan, chim cu bắt đầu tìm những cây cao để làm tổ, đẻ trứng, ấp con. Gọi là mùa giao hoan, chứ thực ra chuyện đó chỉ xảy ra trong nháy mắt. Khi chim trống và mái bay lên đá nhau nghe tẹt tẹt, thật ra đó là lúc chúng giao hoan. Muốn bắt chim nhiều để lấy thịt thì đợi mùa khô. Muốn bắt chim gáy làm cảnh lấy tiếng hót thì đợi mưa về. Thịt chim cu ngon nhất là vào mùa hạn, lúc ngoài đồng còn lắm thức ăn. Chim cu ăn lúa, bay nhiều nên thịt chắc nịch lại rất mập mạp, ngon mềm và rất thơm.


Gác cu bằng lưới


Món thịt chim cu khìa kèm với một dĩa rau vườn, rót ly rượu gạo cay xè là món khoái khẩu của dân miệt vườn. Nhiều người vừa ăn, vừa vỗ đùi đen đét khen ngon.


Gác cu là cánh đánh bẫy rất độc chiêu của người dân vùng Tây Nam Bộ. Xưa nay, người ta có hai kiểu gác cu.
Kiểu thứ nhất là giăng lưới bẫy cu ở dưới đất. Dụng cụ gồm có: lưới đan bằng dây gân lỗ nhỏ dài khoảng 20 m, cao khoảng 1,5 m, trông như cái lưới của dân đánh bóng chuyền. Kiểu này đặc biệt phải có cu mồi. Cu mồi may mắt (cu mù) thì người gác cu dễ giật dây. Một cái nạng để cho cu mồi đứng lên đó là dụng cụ cuối cùng cần có.
Điểm bẫy cu được chọn là những mẫu ruộng có nhiều lúa còn sót lại sau vụ mùa thu hoạch. Những mẫu ruộng này thường ở gần vườn, vì chim cu có thói quen kiếm ăn ở ruộng gần vườn để khi nắng thì nhanh chóng vào vườn trú mát. Sau khi chọn địa điểm xong, ta bắt đầu dọn bãi giăng lưới. Chim cu rất láu, thấy lạ thì chẳng bao giờ vào lưới. Vì vậy, người gác cu phải ngụy trang “hiện trường” nhằm đánh lừa chúng. Họ nhổ những đoạn gốc rạ sao cho tương ứng với độ dài và chiều cao của lưới, rồi dùng rơm bày lên phía trên như thể rạ bị xẹp xuống chứ không phải ta nhổ đi. Lưới giăng sát đất, phía trước lưới là con cu mồi đang đậu trên cái nạng được cắm rất khéo dưới đất. Sợi dây buộc vào chân chim phải tiệp với màu rơm, rạ hoặc là màu trắng để đàn chim trời không nhìn thấy. Phía trước cu mồi là một ít lúa để nó mổ ăn. Bằng cách này, các con chim khác sẽ bị hấp dẫn vì nơi đây vừa có mồi ăn, lại vừa có con mái để ve vãn.


Nín thở, bất động, căng mắt theo dõi bẫy… khiến nhiều người cảm thấy thú vị đến nỗi không thể bỏ được nghề gác cu.


Sau khi giăng lưới và đặt cu mồi xong, ta núp sau bờ ruộng, chờ chim cu trên không bay đi từng đàn, kiếm ăn rồi sà xuống ngay bẫy của mình. Khoảng cách từ lưới đến bờ ruộng không quá xa để khi đàn chim cu ập đến ăn thóc và ve vãn cu mồi thì ta có thể giật lưới đập xuôi hay ngược tùy vào chiều thuận nghịch và vị trí bờ mẫu. Hồi hộp nhất là lúc đợi cả đàn tập trung vào lưới. Lúc ấy, gần như người ta nín thở, tim đập thình thịch vì sắp tóm được trọn bầy. Cũng có khi vừa vào lưới, cả đàn di chuyển ra cả ngoài, có khi vừa đáp xuống lại bay lên ngay. Lúc này, ta phải giật dây con cu mồi cho nó ở tư thế “gọi bầy”, đàn chim sẽ không bay.
Cũng lắm lúc, đàn chim trời đang bay, ta giật dây cu mồi vỗ cánh phành phạch, đàn chim cu liền ào xuống đi vào cả đàn trong lưới. Trong cái nháy mắt, ta giật lưới ngay. Lúc này, ta phải nhanh chân chạy ra ép lưới cho sát mặt rơm để chim không chui ra và bay đi mất. Thế là cả đàn mắc bẫy!
Gác cu trên cây
Kiểu thứ hai là gác cu trên cây, nghĩa là gài cu trống bằng cu trống hay cu mái. Cách này rất cực, bắt được rất ít chim nên chỉ dành cho dân đam mê chim cu. Có khi cả ngày, người gác cu thu được một vài con là cùng, cũng có khi chẳng được con nào.
Cách gài cu này cũng rất hồi hộp và đầy lo lắng, có khi phải nín thở, không dám động đậy, muỗi chích chẳng dám đập, kiến cắn chẳng dám la… vì sợ chim cu bay đi mất. Dụng cụ đánh bắt gồm: một cây tre nhỏ cỡ cườm tay, dài có khi đến chục mét, trên ngọn có một cái lồng, trong lồng có con chim cu mồi, và phải có một ống kích. Ống kích tựa như cái ống sáo, khi thổi phải phát ra tiếng kêu “cúc cu, cúc cu” giống như chim cu thật gáy. Đây là cách để chim mồi hứng chí gáy lên gọi bầy đàn đến đá hay giành con cái. Nếu cu mồi là cu mái thì con trống sẽ đến kiếm chuyện “lăng nhăng”. Nếu cu mồi là con trống thì hai con sẽ ghét nhau tiếng gáy. Chúng sẽ tìm nhau để thể hiện “sức mạnh nam nhi” của mình. Chim cu ghét nhau tiếng gáy còn dân nuôi cu chuyên nghiệp lại khoái tiếng gáy của nó. Có người nuôi chim cu cả mấy chục năm mà vẫn không bỏ được vì mê tiếng gáy gọi bầy này, không nghe lại thấy buồn. Nói chung, cu mồi là trống hay mái thì chiến lợi phẩm cũng đều là chim cu trống rất đẹp và rất sung.

Chim gáy được giữ làm cảnh lấy tiếng hót. Ảnh: THANH LAN
Gác cu kiểu này phải biết vùng nào, vườn nào nhiều chim cu, thậm chí phải biết nó thích đậu cây nào nữa mới hy vọng gài bẫy có kết quả. Có khi, người gác phải rình mò xem cây nào chim cu đang ở để tóm gọn chúng.
Thường, người gác cu đặt cái cây bẫy có gắn lồng lên cây cao có nhánh cho chắc chắn hay trên những đọt dừa nơi chim cu thường đá nhau. Sau khi đặt xong, ta nằm, nấp rình chờ sao cho chim cu ở các cây khác không nhìn thấy mình.
Quyết định sự thành công cho kiểu gác này là phải làm cho con cu mồi biết “kiếm chuyện” với mấy con ở bên ngoài. Con mái thì phải biết vỗ cánh, tỉa lông. Con trống thì phải gáy thanh, vang xa cách đó mấy đọt dừa hay vài nhánh cồng đều nghe thấy. Thường trước khi “ra trận”, chủ mồi huấn luyện cho chim mồi bằng cách để con mái trong lồng rồi cho hai con trống vào đá nhanh giành chim mái, sau đó bắt ra không để chúng phân thắng bại, chim mồi sẽ rất hăng. Cũng có người dùng ống kích tập cho chim hót mỗi buổi sáng sớm để khi “ra trận” nghe tiếng kích thổi, chim mồi gáy lên ngay. Vì thế, khi chúng trở chứng không gáy, ta dùng ống kích thổi. Lúc này, người gác cu phải tốn nhiều hơi sức, vừa hồi hộp khát nước, vừa mất hơi nên rất mau đuối.
Khi cu trống gáy, các con khác nghe được liền xông vào đá nhau phạch phạch mà không biết rằng không thể nào bay ra được nữa. Lúc này, người gác chỉ còn mỗi việc lấy cây lồng xuống để bắt chim cu vừa dính bẫy ra. Thiệt đã!
Món ăn ngon khó tả


Nếu cu mồi là cu mái thì con trống sẽ đến kiếm chuyện “lăng nhăng”. Nếu cu mồi là con trống thì hai con sẽ ghét nhau tiếng gáy. Chúng sẽ tìm nhau để thể hiện “sức mạnh nam nhi” của mình.


Chim cu khôn ghê lắm! Nếu thấy dấu hiệu nguy hiểm, chúng sẽ không bao giờ vào lồng. Vì vậy, người gác cu phải chuẩn bị lồng thật cẩn thận, kiểm tra gài móc sao cho chim trời vừa vào thì sập cửa lồng xuống ngay. Gác cu kiểu trên cây lắm lúc thật buồn cười. Nhiều lúc chim bay đến gần cửa lồng, người gác nấp đâu đó đợi hoài mà chim không chịu chui vô. Đợi khi có con trống khác bay tới, hai con trống ở ngoài đá nhau tạch tạch, lông bay có khi rớt ngay đầu người gác cu mà chẳng thu được con nào. Thường thì đây là những con đã có kinh nghiệm trận mạc trong việc thoát bẫy của những người gác cu trước đó.
Sau khi bắt được chim ở vườn này, ta lại vác cây, lồng sang vườn khác. Không khí hồi hộp lại bắt đầu. Có khi đi cả 2-3 ngày liền, người gác chẳng thấy con nào nhưng vẫn không nản chí, bởi họ đã trót mê nghề các cu, hễ nghe cu gáy là mang đồ nghề đi liền mặc trời mưa hay nắng.
Đàn chim cu nếu tóm được chừng hơn chục con thì mê lắm! Với chiến lợi phẩm thu được, ta dùng dây trói lại hay thả vào cái lồng để lựa mấy con tốt về làm cu mồi cũng hay. Khi thả chim vào lồng, ta nhớ bỏ lúa và nước uống vào, đậy lá cây lên cho mát kẻo chim lại chết vì đói hay khát. Thông thường, dân chuyên nghiệp mang chim cu ra chợ bán. Dân săn về ăn thì bắc nồi nước, làm lông, mổ bụng ướp sả chiên hay đem khìa nước dừa. Họ ra vườn bẻ trái dừa lửa, chặt lấy nước đem khìa chim cu làm sạch lông lấy bộ đầu lòng. Khìa cho đến cạn nước, thịt chim cu vàng ươm mềm mại rất hấp dẫn. Món thịt chim cu khìa kèm với một dĩa rau vườn, rót ly rượu gạo cay xè là món khoái khẩu của dân miệt vườn. Nhiều người vừa ăn, vừa vỗ đùi đen đét khen ngon mà quên hết cái “tam ngu” của nghề gác cu đầy hồi hộp này.


THANH LAN
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)
(nguồn TGNV.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001